Tình trạng móng mọc ngược xảy ra khi cạnh bên của móng chân hay móng tay mọc dài ra và đâm vào mô da, thịt xung quanh. Đây là một tình trạng khá phổ biến mà ai trong chúng ta cũng gặp ít nhất một vài lần. Ước tính cứ 5 người trưởng thành có gần 1 người từng bị móng chân/tay mọc ngược ít nhất một lần trong đời.
Bạn đang đọc: 5 mẹo khắc phục tình trạng móng mọc ngược cho mẹ và bé
Cách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng móng chân mọc ngược hay móng tay mọc ngược là có biện pháp can thiệp ngay khi tình trạng mọc ngược bắt đầu diễn ra nhằm không để nó trở nên tồi tệ hơn. Trong bài viết này, Kenshin.vn sẽ mách bạn một vài mẹo để khắc phục tình trạng móng mọc ngược cho mẹ và bé cùng bí quyết trong việc chăm sóc móng để giảm thiểu nguy cơ móng mọc ngược.
Nội Dung
Móng mọc ngược là gì?
Móng chân/tay mọc ngược hay còn gọi là móng quặp là tình trạng cạnh bên của móng chân hoặc móng tay thay vì mọc thẳng, dài ra về phía trước thì lại mọc ngang hoặc xiên đâm vào thịt và da xung quanh móng. Tình trạng móng mọc ngược có thể xảy ra ở bất kì ngón tay hay ngón chân nào, nhưng ngón chân cái hay bị tình trạng này nhất.
Nếu tình trạng móng mọc ngược của bé hay bạn ở dạng nhẹ, bạn có thể tự chữa bằng cách cắt cạnh móng thường xuyên sau khi ngâm chân. Tình trạng móng mọc ngược ở dạng nặng mà không được chữa trị đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng da và xương trầm trọng.
Đối tượng bị móng mọc ngược phần lớn là trẻ em và thanh thiếu niên. Nguyên nhân phổ biến nhất thường là do trẻ cắt móng tay chân không đúng cách, mang giày dép quá chật, chơi thể thao như bóng đá… khiến các ngón chân bị gò bó chèn ép.
Ngoài ra, người già cũng hay bị móng mọc ngược. Nguyên do là móng tay chân của chúng ta có xu hướng trở nên dày hơn theo tuổi tác nên móng tay chân của người già thường dễ có xu hướng mọc ngược.
Mẹo khắc phục tình trạng móng mọc ngược
1. Ngâm chân/tay trong nước ấm có pha muối Epsom
Nếu bé cưng nhà bạn hay chính bạn đang bị đau nhức do tình trạng móng mọc ngược gây ra, để giảm bớt đau nhức, hãy ngâm tay/chân trong nước ấm có pha muối Epsom. Ngoài ra, việc này sẽ giúp móng trở nên mềm hơn, tạo điều kiện thuận lợi để bạn dễ dàng cắt bỏ phần móng mọc ngược.
Cách thực hiện:
- Cho 2 muỗng cà phê muối Epsom vào một thau nước ấm
- Ngâm chân trong 15 – 20 phút
- Sau khi ngâm tay/chân, bạn dùng khăn sạch thấm cho khô nước và dùng dụng cụ cắt móng để loại bỏ phần móng mọc ngược. Nếu móng vẫn còn cứng, khó cắt, bạn có thể ngâm thêm 1 lần nữa.
Lưu ý là nếu không có muối Epsom, bạn có thể ngâm chân/tay với muối hột.
2. Sử dụng giấm táo
Bạn có biết giấm táo có công dụng như một chất khử trùng tự nhiên và chống viêm rất hiệu quả? Bạn nên sử dụng giấm táo để ngăn ngừa nhiễm trùng và làm giảm tình trạng sưng do móng mọc ngược gây ra.
Cách thực hiện:
- Nhúng một miếng bông gòn vào giấm táo
- Đặt miếng bông gòn lên phần móng mọc ngược, dùng băng cá nhân hoặc gạc để băng cố định miếng bông lại trong khoảng một vài giờ.
- Tháo băng ra và dùng dụng cụ cắt móng để loại bỏ phần móng mọc ngược.
3. Bột nghệ và dầu mù tạt
Ảnh: Brightside.me
Bột nghệ có tính chất chống viêm và giảm đau. Bạn có thể dùng hỗn hợp bột nghệ trộn với dầu mù tạt để giúp giảm sưng và đau do tình trạng móng mọc ngược gây ra.
Cách thực hiện:
- Trộn bột nghệ với dầu mù tạt theo tỷ lệ 1 : 1 thành một hỗn hợp có dạng sệt.
- Phết hỗn hợp này lên 1 miếng băng dán, dùng băng quấn xung quanh móng chân/móng tay bị mọc ngược và giữ trong khoảng 1 giờ.
- Thực hiện khoảng 2 – 3 lần/ngày hoặc khi thấy phần thịt quanh móng bớt sưng đau, phần móng mọc ngược mềm, có thể dễ dàng cắt bỏ.
4. Nước cốt chanh và mật ong
Nước cốt chanh và mật ong có tác dụng kháng khuẩn rất tốt đối với làn da. Hỗn hợp này có thể giúp giảm tình trạng nhiễm trùng do móng mọc ngược.
Cách thực hiện:
- Nhỏ một giọt nước cốt chanh và một chút mật ong ngay vào phần móng mọc ngược.
- Dùng băng cá nhân hoặc gạc băng phần móng chân/tay bị mọc ngược lại và để qua đêm.
- Thực hiện mỗi tối cho đến khi tình trạng đau, sưng được cải thiện và bạn có thể dễ dàng cắt bỏ phần móng mọc ngược này.
5. Sử dụng bông gòn
Nếu phần móng mọc ngược còn quá ngắn hay vì lý do nào đó mà bạn chưa thể cắt bỏ phần móng mọc và để giữ cho phần móng mọc ngược hơi tách ra nhằm hạn chế móng găm vào thịt gây đau, bạn hãy dùng một miếng bông gòn nhỏ chèn vào giữa phần móng mọc ngược và phần da sau mỗi lần ngâm chân/tay.
Cách thực hiện:
- Sau khi ngâm chân hoặc tay với nước ấm và muối, bạn hãy cẩn thận dùng nhíp hoặc giũa móng tay nhẹ nhàng đè phần da sát với phần móng mọc ngược ra
- Dùng nhíp kẹp một miếng bông gòn nhỏ và chèn vào giữa. Trước khi chèn, bạn có thể nhúng bông gòn và hỗn hợp chanh, mật ong để giúp giảm đau và viêm.
Giải pháp để hạn chế tình trạng móng mọc ngược
1. Cắt móng tay/chân cẩn thận và thường xuyên
Cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng móng mọc ngược hoặc phần móng mọc ngược lại xuất hiện sau khi bạn đã cắt bỏ là móng tay và móng chân phải được cắt một cách chính xác. Do đó, nếu con đã lớn, bạn hãy tập cho bé có thói quen cắt móng tay chân thường xuyên và đúng cách.
Bạn nên hướng dẫn trẻ làm như sau:
- Luôn luôn bắt đầu cắt tỉa phần móng ở hai bên trước.
- Sau khi cắt, nên giũa móng cho mịn, nhất là phần móng ở hai bên để hạn chế móng mọc ngược găm vào các mô xung quanh móng gây đau và viêm.
- Không nên cắt móng tay hay móng chân quá ngắn. Việc cắt móng quá sát có thể khiến chúng dễ dàng găm vào da khi chúng mọc dài ra.
- Có thói quen cắt móng tay mỗi tuần, riêng đối với móng chân, bé nên cắt sau mỗi 2 – 3 tuần.
- Làm sạch dụng cụ cắt móng sau mỗi lần sử dụng với cồn để đảm bảo vệ sinh, tránh lây nhiễm.
Ngoài ra, bạn nên sắm cho bé bộ cắt móng riêng, tập cho bé thói quen không sử dụng chung dụng cụ vệ sinh…
2. Không mang giày dép quá chật
Bạn và bé nên sử dụng dép hở mũi hoặc giày dép có kiểu dáng không quá ôm sát phần mũi chân để các ngón chân không bị ôm quá chặt. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng móng chân mọc ngược.
Các bé còn nhỏ đang tuổi phát triển không nên mang giày cả ngày nhằm tránh cho chân không bị gò bó, bí hơi dễ khiến móng mọc ngược, gây viêm hay bị hôi chân. Do đó, những lúc không nhất thiết phải mang giày, bạn nên khuyến khích con đi dép. Ngoài ra, nếu bé thích đá bóng và thường xuyên chơi môn thể thao này, bạn nên mua cho con giày đá bóng chuyên dụng.
Bạn không nên mang giày dép cao gót, giày bít mũi quá thường xuyên để hạn chế tình trạng móng chân mọc ngược. Bạn có thể sử dụng dép xẹp, sandal đế bệt, giày búp bê… để di chuyển khi làm việc trong văn phòng.
3. Gặp bác sĩ
Tìm hiểu thêm: Viêm não
>>>>>Xem thêm: Body shaming: 3 hậu quả nghiêm trọng dù bạn chỉ muốn đùa vui
Nếu bạn hay bé bị móng mọc ngược và đã áp dụng các mẹo trên nhưng tình trạng sưng đau không cải thiện sau 2 – 3 ngày, hãy đến gặp bác sĩ. Để giảm viêm và giúp giảm sưng đau, bác sĩ có thể kê toa một loại kháng sinh dùng đường uống hoặc bôi. Trong trường hợp phần mô quanh móng sưng tấy và gây đau dữ dội, bác sĩ có thể chỉ định bạn tiến hành tiểu phẫu để loại bỏ phần móng mọc ngược và vệ sinh phần mô bị viêm.
Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn những mẹo vặt hữu ích trong việc xử lý phần móng mọc ngược và biết cách hạn chế tình trạng này xảy ra.
Lan Quan / Kenshin.vn