Thị giác được đánh giá là giác quan quan trọng nhất trong cơ thể. Theo đó, có đến 80% thông tin chúng ta tiếp nhận hằng ngày là thông qua đôi mắt. Tuy nhiên, mắt lại là bộ phận rất dễ bị tổn thương, dẫn đến suy giảm thị lực và mù lòa. May mắn thay, 80% các trường hợp mù lòa có thể được phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Để làm được điều đó, bạn nên xây dựng thói quen khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý về mắt trước khi chúng gây ảnh hưởng đến thị lực của bạn.
Bạn đang đọc: 8 câu hỏi thường gặp về khám mắt định kỳ
Đã lâu rồi bạn chưa đi khám mắt? Hãy cùng khám phá lý do vì sao bạn cần đi khám mắt thường xuyên hơn cũng như tần suất và những điều cần chuẩn bị khi đi khám mắt định kỳ trong bài viết sau đây nhé
Nội Dung
- 1 Vì sao cần đi khám mắt định kỳ?
- 2 Những ai cần đi khám mắt định kỳ?
- 3 Bao lâu thì nên đi khám mắt một lần?
- 4 Quy trình khám mắt định kỳ sẽ như thế nào?
- 5 Buổi khám mắt định kỳ thường kéo dài bao lâu?
- 6 Tôi nên mang theo gì khi đi khám mắt định kỳ?
- 7 Khi nào chúng ta cần đi khám mắt ngay?
- 8 Khám mắt ở đâu tốt nhất?
Vì sao cần đi khám mắt định kỳ?
Có thể bạn chưa biết, bất kỳ vấn đề về mắt nào cũng đều gây ảnh hưởng ít nhiều đến thị lực, dù là tạm thời hay vĩnh viễn. Một số bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể, glôcôm, bệnh võng mạc, các tật khúc xạ có thể gây suy giảm thị lực, nghiêm trọng hơn là dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Khám mắt định kỳ bao gồm một loạt các kiểm tra để giúp bác sĩ đánh giá thị lực của bạn cũng như xem xét các bệnh về mắt. Khám mắt giúp phát hiện các vấn đề ở mắt khi chúng vẫn còn ở giai đoạn sớm và có thể điều trị được. Lúc này, bác sĩ sẽ có những phương pháp giúp bạn điều chỉnh hoặc thích ứng với những thay đổi về thị lực cũng như chăm sóc và điều trị bệnh về mắt hiệu quả, từ đó ngăn ngừa suy giảm thị lực và mù lòa.
Những ai cần đi khám mắt định kỳ?
Bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Vì vậy, mọi người đều nên xây dựng thói quen đi khám mắt định kỳ thường xuyên, đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh về mắt như:
- Người lớn tuổi (trên 40 tuổi)
- Người mắc các bệnh về mắt như các tật khúc xạ mắt, đục thủy tinh thể, glôcôm…
- Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh về mắt
- Người đang đeo kính mắt hoặc kính áp tròng
- Người mắc các bệnh toàn thân như bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, đột quỵ…
- Người sử dụng nhiều thuốc có thể gây ảnh hưởng đến mắt như corticosteroid
Bao lâu thì nên đi khám mắt một lần?
Tùy theo độ tuổi mà tần suất khám mắt định kỳ của bạn có thể thay đổi:
- Trẻ em sẽ được khám mắt định kỳ hằng năm tại trường học. Đối với những bé phải đeo kính thì nên khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần để kiểm tra tình trạng mắt.
- Người dưới 40 tuổi: Khám mắt 2 – 4 năm/1 lần
- Người từ 40 – 54 tuổi: Khám mắt 1 – 3 năm/1 lần
- Người từ 55 – 64 tuổi: Khám mắt 1 – 2 năm/1 lần
- Người trên 65 tuổi: Khám mắt 6 – 12 tháng/1 lần
Đối với những đối tượng nhiều yếu tố nguy cơ hoặc đã được chẩn đoán mắc các bệnh về mắt, tần suất khám mắt định kỳ có thể ngắn hơn tùy chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
Quy trình khám mắt định kỳ sẽ như thế nào?
Nhiều người nghĩ rằng, khám mắt định kỳ chỉ như kiểm tra thị lực thông thường. Sự thật thì quá trình này có thể bao gồm nhiều bài kiểm tra hơn bạn nghĩ. Tùy theo sức khỏe mắt và những yếu tố nguy cơ mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn nhiều loại kiểm tra khác nhau. Nhìn chung, quy trình khám mắt định kỳ toàn diện thường gồm các kiểm tra:
- Kiểm tra thị lực
- Đo nhãn áp
- Kiểm tra các chuyển động của mắt
- Kiểm tra tật khúc xạ mắt
- Đo thị trường nhìn
- Đánh giá khả năng nhìn màu sắc của vật
- Kiểm tra cấu trúc trong mắt bằng kính hiển vi
- Soi đáy mắt
Buổi khám mắt định kỳ thường kéo dài bao lâu?
Buổi khám mắt định kỳ kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào tình trạng mắt và thị lực của bạn. Thông thường, nếu bạn không có bất kỳ bệnh về mắt hoặc không có các triệu chứng của bệnh thì quá trình khám mắt định kỳ sẽ kéo dài khoảng 30 – 45 phút. Tuy nhiên, nếu có các yếu tố nguy cơ hoặc có các triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ cần thực hiện nhiều kiểm tra hơn và điều này sẽ tốn nhiều thời gian hơn, tùy vào số lượng và mức độ phức tạp của các kiểm tra này.
Tôi nên mang theo gì khi đi khám mắt định kỳ?
Khi đi khám mắt định kỳ, bạn nên mang theo:
- Ghi chú về các vấn đề thị lực, triệu chứng mình gặp phải.
- Bệnh án nếu bạn đang mắc các bệnh về mắt hoặc bất kỳ bệnh lý nào
- Danh sách các loại thuốc bạn đang sử dụng, kể cả thuốc kê đơn và không kê đơn, thuốc điều trị các bệnh về mắt hay bất kỳ bệnh lý nào.
- Kính hoặc kính áp tròng bạn đang sử dụng hoặc được chỉ định sử dụng
- Ghi chú về bệnh sử của gia đình và bản thân, đặc biệt là các bệnh về mắt
- Thẻ bảo hiểm y tế và các giấy tờ khác liên quan
- Kính râm (để đeo sau khi làm kiểm tra, một số kiểm tra khiến đồng tử bị giãn và làm mắt bạn nhạy cảm với ánh sáng)
- Nước hoặc thức ăn nhẹ nếu cần
Khi nào chúng ta cần đi khám mắt ngay?
Tìm hiểu thêm: Top 6 loại đồng hồ thông minh đo huyết áp giúp bạn đánh giá chất lượng sức khỏe
>>>>>Xem thêm: Bột vitamin C có phải là “thần dược” giúp trẻ hóa làn da?
Mặc dù mỗi người cần duy trì một tần suất đi khám mắt nhất định nhưng nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi về thị lực hoặc các triệu chứng của bệnh về mắt sau đây, bạn cần đi khám mắt ngay:
- Thay đổi màu mắt, đỏ quanh mắt
- Khó tập trung hoặc nhìn rõ các đối tượng ở gần hoặc ở xa
- Nhìn đôi
- Khô mắt kèm theo ngứa hoặc rát mắt
- Đau mắt, mờ mắt
- Chảy nhiều nước mắt
- Mất thị lực đột ngột, nhìn thấy những mảng tối
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Khó nhìn trong bóng tối
- Nhìn thấy quầng sáng quanh ánh đèn
Ngoài ra, khi gặp các chấn thương mắt dù là nhỏ nhất hoặc mắc các bệnh hệ thống như đái tháo đường, huyết áp…, bạn cũng nên đi khám mắt ngay.
Khám mắt ở đâu tốt nhất?
Bạn nên đến các bệnh viện chuyên về nhãn khoa lớn, uy tín để khám mắt. Bởi tại đây sẽ có các bác sĩ chuyên khoa cùng với trang thiết bị dành riêng cho công tác kiểm tra nhãn khoa. Tùy vào nơi sinh sống mà bạn có thể đi đến các bệnh viện lớn trong khu vực, ví dụ như:
- Bệnh viện Mắt Trung Ương hay Bệnh viện Mắt Hà Nội ở Hà Nội
- Bệnh viện Mắt TP. HCM hay Bệnh viện Mắt Sài Gòn ở TP. HCM
- Các bệnh viện mắt ở các tỉnh như Bệnh viện Mắt Bà Rịa – Vũng Tàu, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng…
Ngoài ra, nếu không đủ điều kiện, bạn cũng có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa mắt tại địa phương để khám mắt.