Bạn đang đọc: 8 sai lầm phụ huynh hay mắc phải khi cho con ăn
Một trong những điều khiến bạn cảm thấy vô cùng phiền muộn là mỗi khi cố gắng thuyết phục bé trong mỗi bữa ăn. Hãy cố gắng tránh 8 sai lầm thường gặp sau khi bạn đối phó với trẻ kén ăn.
Nội Dung
1. Ép ăn
Nếu bạn cho rằng ép con ăn món mà bé không muốn là một phương pháp tốt, hãy suy nghĩ lại. Hai mẹ con có thể sẽ kết thúc bữa ăn trong nỗi buồn bực và sự bối rối nếu bạn cứ ép con ăn. Chiến thuật này sẽ trở nên phản tác dụng bởi cuối cùng con bạn sẽ ghét cả thức ăn và bữa ăn.
Thay vì vậy, bạn đừng “chuyện bé xé ra to’ khi bé từ chối ăn. Bạn càng ít làm lớn chuyện thì bạn sẽ ít gặp rắc rối hơn sau này. Bạn hãy cố kiên nhẫn chờ một thời gian và thử cho bé ăn lại với một thái độ tích cực và vui vẻ hơn.
2. Nấu ăn theo ý thích của con
Phụ huynh nấu mọi món bé thích để làm hài lòng đứa bé kén ăn của mình. Nguyên nhân thôi thúc cho hành động trên là nỗi lo lắng bé phải nhịn đói và bị chậm phát triển khi thiếu dinh dưỡng. Tuy vậy, bạn cần biết rằng nấu ăn theo ý thích của con sẽ truyền tải một thông điệp sai lầm cho bé.
Thay vào đó, hãy lên một thực đơn có ít nhất một món mà bạn biết bé thích. Con bạn sẽ có thể ăn nhiều hơn nếu bé được giúp bạn lên thực đơn và chuẩn bị các món ăn. Ví dụ như con bạn thích phô mai nhưng không thích các loại rau xanh, hãy cùng bé chuẩn bị món ăn chứa cả bông cải xanh lẫn món phô mai yêu thích của bé.
3. Cho bé ăn quá nhiều và sai thời điểm
Các bậc cha mẹ thường cho bé ăn khẩu phần lớn hơn mức cần thiết hoặc cho bé ăn các món ăn vặt (đặc biệt là cho bé uống nước trái cây) quá sát thời gian ăn.
Thay vào đó, hãy áp dụng nguyên tắc cho bé ăn từng món theo số muỗng tương ứng với số tuổi của bé. Ví dụ, một đứa trẻ hai tuổi nên ăn hai muỗng cà rốt, gạo và thịt. Ngoài ra, hãy cho bé ăn vặt trước bữa ăn chính khoảng một tiếng rưỡi cho tới hai tiếng. Thay vì tập trung vào việc bắt bé ăn sạch chén, bạn hãy khuyến khích bé ăn cho đến khi no thì thôi.
4. Lơ là khẩu vị của bé
Trẻ em có nhiều chồi vị giác hơn người lớn, vậy nên đôi khi các món ăn mà bạn thấy không quá cay hoặc mặn lại có thể rất cay và mặn với con bạn. Ta cũng có thể diễn giải lý do vì sao bé ghét các loại thực phẩm đắng như khổ qua hay gừng bằng lý do tương tự.
Thay vào đó, bạn hãy quan tâm khi bé nói với bạn rằng bé không thích một loại thực phẩm nào đó. Ngoài ra, hãy nêm nếm ít các loại gia vị đậm khi bạn nấu ăn cho trẻ em.
5. Từ bỏ quá sớm khi cho bé thử ăn món mới
Bạn đừng cho rằng nếu một đứa trẻ từ chối thức ăn một lần thì chúng sẽ không bao giờ thích món ấy lần nữa. Để trẻ con có thể chấp nhận ăn một món mới nào đó, bé có thể phải ăn món đó tới 20 lần. Vậy nên đừng bỏ cuộc dễ dàng hoặc loại bỏ luôn các loại thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống của trẻ ngay lần thất bại đầu tiên.
Thay vào đó, bạn hãy nấu các món này nhiều hơn và cho phép bé được chơi đùa cùng các món này chẳng hạn như chạm vào thức ăn, đặt thức ăn vào trong miệng và nhổ nó ra. Theo thời gian thì cuối cùng con bạn sẽ chấp nhận món ăn này mà thôi.
6. Cho bé ăn các món ăn vặt không thích hợp
Các món ăn vặt mà bé ăn nên chứa các dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển đúng đắn của bé. Tuy vậy việc cho bé ăn bánh và kẹo thường xuyên sẽ làm cho bé quen ăn các loại thực phẩm có nhiều chất béo và giàu calo.
Thay vào đó, bạn hãy lên thực đơn ăn vặt giúp cân bằng dinh dưỡng. Hãy cho bé ăn trái cây, rau, protein (chất đạm), ngũ cốc nguyên hạt hoặc các sản phẩm từ sữa.
7. Dùng thức ăn như một phần thưởng
Các bậc cha mẹ thường dùng cách này và thưởng cho bé các thức ăn chứa nhiều chất béo và có đường, chẳng hạn như bánh kẹo hay nước ngọt. Thoạt nhìn đây có thể là một phương pháp dễ dàng và có ích, nhưng về lâu dài nó sẽ hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh cho bé. Ngoài ra, việc sử dụng đồ ngọt như một phần thưởng sẽ làm cho bé nghĩ rằng đồ ngọt là một món ăn vô cùng hấp dẫn và những loại thực phẩm lành mạnh khác thì không hấp dẫn chút nào.
Thay vào đó, hãy thưởng cho bé khi làm tốt việc gì đó bằng các món quà không phải là thức ăn, ví dụ như một chuyến đi đến công viên, được tắm bồn tắm đầy bọt bong bóng hoặc được kéo dài thời gian chơi trong ngày.
8. Không điều tiết lượng đường
Bạn nên cho bé uống tối đa 120 ml nước trái cây nguyên chất mỗi ngày. Nếu bé uống nhiều hơn liều lượng ấy, lượng đường mà bé nạp vào cơ thể sẽ tăng lên và khiến cho bé không còn đói và muốn ăn các bữa ăn chính nữa.
Thay vào đó, bạn hãy cho bé uống nước hoặc pha loãng nước trái cây bằng cách trộn ½ nước ½ nước trái cây thay vì cho bé uống nước quả nguyên chất.
Nếu bạn nghĩ con mình đang gặp phải các vấn đề liên quan tới ăn uống, tốt nhất hãy đưa bé đi khám bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng để được khám và chữa trị kịp thời.
Bạn có thể quan tâm:
10 mẹo đối phó với trẻ kén ăn
>>>>>Xem thêm: 10 bí quyết ăn uống thỏa thích mà không lo tăng cân