Để bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể tiếp tục sống khỏe, một trong những việc quan trọng mà người chạy thận cần làm là kiểm soát chặt chẽ chế độ dinh dưỡng.
Bạn đang đọc: Chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận: 4 thành phần cần kiểm soát chặt chẽ
Ở người bình thường, thận làm việc không ngừng, liên tục lọc máu để loại bỏ chất cặn, chất thừa ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Điều đó giúp nồng độ các chất trong máu được duy trì ở mức lành mạnh.
Thận của người chạy thận không còn khả năng làm việc, các chất này sẽ tích tụ và tăng dần lên cho đến kỳ lọc máu tiếp theo. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng nếu không được kiểm soát.
Chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận nhân tạo cần hết sức chú ý vào nước, kali, phospho và natri vì đây là những thành phần có mặt trong hầu hết các thực phẩm và sẽ trở thành mối đe dọa cho sức khỏe khi vượt quá liều lượng an toàn.
Nội Dung
- 1 1. Người chạy thận nên uống bao nhiêu nước?
- 2 2. Kiểm soát lượng kali trong chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận
- 3 3. Kiểm soát lượng phospho trong chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận
- 4 4. Chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận: kiểm soát lượng natri
- 5 Những lưu ý quan trọng khác trong chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận
- 6 Tóm lại
1. Người chạy thận nên uống bao nhiêu nước?
Người chạy thận nên uống ít nước hơn so với người bình thường. Nguyên nhân là bởi phải đợi đến khi chạy thận, lượng nước thừa trong máu mà cơ thể đã bổ sung qua ăn và uống mới được lọc bỏ. Giữ quá nhiều nước trong cơ thể giữa hai lần chạy thận sẽ gây phù, tăng cân do tích nước, tăng thể tích máu, tăng huyết áp, tích nước trong phổi và khiến tim phải làm việc vất vả hơn. Điều đó khiến người bệnh mệt mỏi, đồng thời tạo ra những tác hại cho sức khỏe đặc biệt là tim.
Cân khô
Sau mỗi lần lọc máu, cơ thể bạn sẽ nhẹ đi nhờ loại bớt nước. Cân khô là cân nặng ổn định và lý tưởng mà người bệnh nên đạt được sau mỗi lần điều trị. Nếu loại bỏ quá nhiều nước trong một lần lọc, cơ thể sẽ bị sốc, gây chuột rút, chóng mặt, buồn nôn. Do đó lượng nước nạp vào mỗi ngày của người chạy thận nên nằm trong một mức nhất định để có thể loại bỏ hoàn toàn và đạt được cân khô.
Tổng lượng nước cơ thể dung nạp bao gồm cả nước có trong những thực phẩm nhiều nước bao gồm:
- Thức ăn lỏng: canh, súp, cháo
- Các thức ăn vặt: thạch, kem, pudding
- Hầu hết trái cây và rau xanh đều chứa nhiều nước
- Sữa, cà phê, trà…
Người chạy thận cần hỏi bác sĩ về tổng lượng nước cơ thể được tiếp nhận mỗi ngày, sau đó trừ đi phần nước có trong thức ăn để biết được lượng nước có thể uống là bao nhiêu. Bạn nên đong chính xác lượng nước cơ thể được phép uống, chia nhỏ và chỉ sử dụng đúng lượng nước đó cho đến lần lọc máu tiếp theo.
2. Kiểm soát lượng kali trong chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận
Kali là một chất điện giải quan trọng giúp điều hòa co cơ, dẫn truyền tín hiệu thần kinh, điều hòa nhịp tim và tham gia vào các quá trình trao đổi chất. Ở người bình thường, thận duy trì mức kali máu ổn định nhờ liên tục bài tiết kali dư thừa qua nước tiểu. Ở người chạy thận, nếu không chú ý kiểm soát kali trong thức ăn, đồ uống và các loại thuốc, nồng độ kali máu tăng cao có thể gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nồng độ kali máu nên được duy trì trong khoảng tối ưu để tránh những tác hại âm thầm cho sức khỏe.
Kali có mặt trong hầu hết các loại rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, sữa. Để hạn chế kali, người chạy thận nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm nhiều kali sau:
- Bơ, chuối, dưa (dưa lưới, dưa bở…), cam, nho khô, khế, mơ, chà là, mận prune…
- Khoai tây, cà chua, bí đỏ, atiso, rau chân vịt, măng tây…
- Các loại bánh, mì, ngũ cốc làm từ ngũ cốc nguyên cám
- Gạo lứt, gạo nguyên cám, các loại đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu pinto…)
- Nước dừa
- Những loại tương, sốt, gia vị, thực phẩm chế biến sẵn dùng muối kali thay cho muối natri (đọc kỹ thông tin dinh dưỡng, thành phần in trên bao bì)
- Thịt bò: tiêu thụ có chừng mực
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: không nên dùng thường xuyên, không dùng quá 120 ml/ lần.
Người chạy thận nên ưu tiên những thực phẩm ít kali:
- Táo, mạn việt quất, nho, dứa (thơm), dâu tây…
- Súp lơ, hành tím, tỏi, ớt chuông, bí ngòi, xà lách, cần tây, dưa chuột…
- Các loại bánh mì, mì làm từ ngũ cốc đã bỏ cám
- Gạo trắng
- Thịt gà, cá…
Lưu ý người chạy thận không kiêng cữ kali hoàn toàn. Tốt nhất, bạn nên hỏi bác sĩ lượng kali nên cung cấp cho cơ thể trong một ngày, có một danh sách các thực phẩm thường ăn và lượng kali chứa trong đó để cân đối.
3. Kiểm soát lượng phospho trong chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận
Tương tự như kali, phospho có mặt trong hầu hết các thực phẩm. Phospho là khoáng chất quan trọng giúp xương chắc khỏe, tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa chất và năng lượng. Nhưng nồng độ phospho trong máu cao sẽ khiến canxi bị rút ngược từ xương vào máu gây loãng xương. Các chất kết tủa từ phospho và canxi có thể tích tụ trong cơ và khớp gây ngứa da, đau khớp, cộm mắt và nghẽn mạch máu.
Các thực phẩm chứa nhiều phospho bao gồm:
- Các loại đậu, các loại hạt
- Thịt chế biến sẵn (thịt hộp, xúc xích, thịt nguội)
- Ngũ cốc nguyên hạt, nguyên cám
- Lòng đỏ trứng
- Thức uống từ cây cola, các loại nước ngọt đóng chai
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: chỉ nên dùng ít
Để hạn chế phospho, bạn có thể thay thế bằng những thực phẩm sau:
- Bánh mì trắng
- Ngũ cốc làm từ gạo hoặc bắp (ngô), kem lúa mì
- Bỏng ngô không muối
- Nước chanh
Một số thuốc ngăn hấp thu phospho có thể được bác sĩ kê đơn để giúp người bệnh kiểm soát phospho máu.
4. Chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận: kiểm soát lượng natri
Tìm hiểu thêm: Rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? 11 loại thực phẩm cải thiện tiêu hóa nhanh chóng
Natri là thành phần chính trong muối ăn. Natri trong máu tạo môi trường cân bằng bên trong và bên ngoài tế bào. Tuy nhiên, nồng độ natri cao giữa hai lần chạy thận sẽ khiến cơ thể giữ nước trong tế bào và làm cho bạn khát nước để cân bằng lại. Điều đó khiến máu chứa quá nhiều nước và gây ra những tác hại đề cập trong mục 1.
Ngoài muối ăn do chúng ta tự sử dụng, natri có sẵn trong nhiều loại gia vị và những thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.
Để hạn chế lượng natri hấp thụ, người chạy thận nên:
- Tự nấu ăn thì vì mua từ quán ăn, nhà hàng hay cửa hàng đồ ăn nhanh
- Hạn chế nêm nếm thức ăn bằng muối, thay vào đó sử dụng các loại thảo mộc để thức ăn có thêm hương vị
- Ưu tiên thực phẩm tươi sống
- Tránh các loại thịt đã chế biến như thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích
- Các loại rau, đậu, thịt hộp nên được rửa qua trước khi sử dụng
- Luôn kiểm tra thành phần natri trên bao bì của các thực phẩm đóng gói
- Dùng rau, trái cây tươi để ăn dặm thay cho các loại bánh quy, bánh snack
- Tránh các thực phẩm muối như dưa muối, thịt muối
- Hạn chế các loại tương, sốt, đa phần chúng đều có nhiều muối
Nhà sản xuất có thể thay muối natri bằng muối kali, bạn nên lưu ý vì muối kali cũng không tốt cho người chạy thận.
Những lưu ý quan trọng khác trong chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận
1. Cung cấp protein đủ và chất lượng
Protein là vật liệu quan trọng của các tế bào, giúp vết thương mau lành, tăng cường miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Việc hạn chế kali và phospho trong các loại thức ăn cùng với khẩu vị sụt giảm vì mệt mỏi thường khiến người chạy thận bị thiếu hụt protein. Việc tiêu hóa protein cũng thải vào máu những sản phẩm thừa chờ đến kỳ chạy thận để được loại ra khỏi cơ thể. Do đó, protein trong chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận cần vừa đủ và có chất lượng cao.
Nguồn protein chất lượng cao bao gồm:
- Thịt bò, thịt lợn đã loại bỏ da và mỡ
- Thịt gà bỏ da
- Các loại cá
- Nhiều loại đậu
- Trứng
- Sữa ít béo và sản phẩm từ sữa ít béo
Người chạy thận chỉ nên ăn vừa đủ những thức ăn này, chia nhỏ cho mỗi bữa ăn và không quên kiểm soát lượng kali, phospho tiêu thụ.
Chế độ dinh dưỡng cho người chạy thận không nên bao gồm các loại thịt chế biến sẵn như thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, thịt hộp,… Đây là nguồn protein chất lượng thấp và có nhiều kali, phospho và natri.
2. Cung cấp đủ năng lượng và vitamin
>>>>>Xem thêm: Thở khò khè
Năng lượng
Trừ khi có nhu cầu giảm cân, người chạy thận nên bổ sung đầy đủ năng lượng. Nguồn năng lượng nên đến từ những thức ăn lành mạnh là rau quả, protein, và ngũ cốc và chất béo tốt với những lựa chọn và lượng thích hợp như đã nói ở trên.
Không ít trường hợp suy thận có liên quan đến tiểu đường. Trong trường hợp này, người bệnh cần hỏi bác sĩ về cách kiểm soát lượng đường trong chế độ ăn song song với thực hiện những hướng dẫn dành cho bệnh nhân chạy thận trên.
Vitamin
Bệnh nhân chạy thận có thể bị thiếu hụt một số vitamin do ăn uống bị hạn chế. Người bệnh không nên tự ý bổ sung vitamin đường uống. Nếu bạn cảm thấy cần thiết, hãy hỏi để bác sĩ hướng dẫn cho bạn.
Tóm lại
Người chạy thận luôn cần thận trọng với những loại đồ ăn và thức uống đưa vào cơ thể. Việc ăn uống đúng cách sẽ đơn giản hơn nhiều khi bạn nắm được lượng nước, kali, phospho và natri có trong những thực phẩm thường dùng để việc lựa chọn được linh hoạt hơn. Khi có ý định sử dụng một loại thức ăn mới, tốt hơn bạn nên hỏi bác sĩ hoặc những nguồn thông tin được công nhận về lượng kali, phospho và natri có trong đó.
Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống hằng ngày là yếu tố cần thiết giúp người chạy thận sống chung với bệnh dễ dàng hơn.