Bạn đang đọc: Huyết khối tĩnh mạch sâu
Nội Dung
Định nghĩa
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là một tình trạng bệnh hình thành khi có cục máu đông ở tĩnh mạch. Tĩnh mạch bị ảnh hưởng thường nằm ở lớp cơ sâu trong chân hoặc cũng có thể ở những vùng khác. Cục máu đông này khiến máu khó lưu thông. Khu vực có mạch máu bị tắc nghẽn trở nên sưng phù, bầm đỏ, và đau đớn. Khi máu tụ di chuyển đến phổi sẽ khiến tắt mạch phổi và có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về hô hấp.
Những ai thường mắc phải huyết khối tĩnh mạch sâu?
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở độ tuổi trên 60. Ngoài ra những người ít vận động, thai phụ, hoặc người mắc chứng rối loạn máu gây cục máu đông cũng có khả năng mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
Chỉ một nửa trong số những người mắc huyết khối tĩnh mạch sâu xuất hiện triệu chứng. Những triệu chứng này chỉ xảy ra ở bên chân có huyết khối trong tĩnh mạch sâu. Chúng bao gồm:
- Sưng vù cả chân hoặc dọc theo mạch máu;
- Cảm thấy nóng ở vùng chân bị sưng hoặc đau;
- Da bị bầm đỏ.
Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi, bạn có thể gặp các triệu chứng tắc mạch phổi, bao gồm:
- Khó thở không rõ nguyên nhân;
- Ho ra máu;
- Thở gấp và nhịp tim nhanh cũng có thể là những dấu hiệu của tắc mạch phổi.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn bắt gặp những triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sau, hãy liên hệ cho bác sĩ. Đặc biệt, nếu các triệu chứng tắc mạch phổi xuất hiện, bạn cần phải được chăm sóc y tế ngay vì đây là một biến chứng rất nguy hiểm của huyết khối tĩnh mạch sâu, có thể đe dọa đến tính mạng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
Các nguyên nhân gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm:
- Do lớp bên trong của mạch máu bị tổn thương: tổn thương này có thể bị gây ra do các yếu tố vật lý, hóa học, hoặc sinh học. Các yếu tố này bao gồm phẫu thuật, chấn thương nghiêm trọng, viêm nhiễm, phản ứng miễn dịch.
- Lưu lượng máu chảy chậm: ít vận động có thể khiến lưu lượng máu chảy chậm. Điều này có thể xảy ra sau khi bạn vừa trải qua một ca phẫu thuật, khi bị bệnh phải nằm trên giường trong nhiều ngày, hoặc phải di chuyển trên máy bay hay ô tô trong thời gian dài.
- Máu của bạn dày và dễ đông hơn bình thường. Một số điều kiện di truyền (như yếu tố V Leiden), liệu pháp hormone và thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu, bao gồm:
- Rối loạn đông máu di truyền: một số người có các rối loạn di truyền làm cho máu đông dễ dàng hơn. Tình trạng di truyền này có thể không gây ra các vấn đề trừ khi được kết hợp với các yếu tố gây huyết khối.
- Thời gian nằm trên giường kéo dài, ví dụ như phải nằm viện hay bị liệt. Khi chân bạn ở yên một vị trí trong thời gian dài, cơ bắp chân của bạn không thể co duỗi để giúp máu dễ dàng lưu thông hơn, có thể dẫn đến huyết khối.
- Chấn thương hay phẫu thuật: chấn thương liên quan đến tĩnh mạch hay phẫu thuật có thể gia tăng nguy cơ huyết khối.
- Mang thai: thai nhi tạo áp lực lớn lên tĩnh mạch trong vùng chậu và vùng chân của bạn. Phụ nữ có rối loạn đông máu di truyền có nguy cơ cao. Nguy cơ huyết khối trong thai kỳ tiếp tục đến sáu tuần sau khi bạn đã sinh.
- Dùng thuốc trách thai hay các liệu pháp thay thế hooc môn: thuốc tránh thai (thuốc viên uống) và các liệu pháp thay thế hoóc môn đều có thể dẫn đến khả năng xuất hiện huyết khối.
- Quá cân hay béo phì: trọng lượng quá lớn sẽ khiến áp lực đè vào tĩnh mạch ở vùng chậu và vùng chân của bạn tăng cao.
- Hút thuốc: hút thuốc ảnh hưởng đến máu đông và tuần hoàn máu, có thể tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
- Ung thư: một số bệnh ung thư có thể gây huyết khối. Một số thuốc trị ung thư cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối.
- Suy tim: những người mắc bệnh suy tim có nguy cơ cao huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc nghẽn mạch phổi. Suy tim còn có thể khiến các triệu chứng tắc nghẽn mạch phổi nghiêm trọng hơn vì người bị suy tim thường có các chức năng tim-phổi bị hạn chế.
- Bệnh viêm ruột: các bệnh lý về đường ruột, ví dụ như bệnh Crohn’s, hay viêm loét đại tràng, gia tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
- Gia đình có tiền sử mắc huyết khối tĩnh mạch sâu hay tắc nghẽn mạch phổ: nếu trong gia đình bạn có người đã từng mắc huyết khối tĩnh mạch sâu hay tắc nghẽn mạch phổi, bạn có dễ mắc phải huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Tuổi tác: từ 60 tuổi trở lên, nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu của bạn sẽ tăng lên, mặc dù huyết khối có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.
- Ngồi trong thời gian dài, ví dụ như lái xe hay đi máy bay: nếu chân bạn ở im một chỗ trong nhiều giờ, cơ bắp chân không co để giúp máu lưu thông. Huyết khối có thể hình thành trong bắp chân nếu cơ bắp chân của bạn bất động quá lâu.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu?
Bác sĩ thường sử dụng phương pháp tiêm tức thì chất làm loãng máu (heparin) để ngăn hình thành huyết khối và làm loãng máu. Heparin có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Bác sĩ sẽ lựa chọn chỉ định tốt nhất cho bạn. Bên cạnh đó bác sĩ sẽ kê một số thuốc loãng máu (warfarin) để ngăn tình trạng huyết khối diện rộng đồng thời ngăn chặn hình thành mới. Sau một vài ngày, bệnh nhân sẽ sử dụng đồng thời warfarin và heparin. Khi warfarin đạt mức lý tưởng trong máu, heparin sẽ được ngưng sử dụng và tiếp tục dùng warfarin, thông thường trong vòng 6 tháng, hoặc lâu hơn tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp sẽ cần điều trị liên tục lâu dài. Xét nghiệm máu giúp xác định lượng warfarin thích hợp nhất cần dùng.
Chất ức chế thrombin có thể sử dụng cho các bệnh nhân không thể dùng heparin.
Thrombolytics có thể nhanh chóng làm tan các cục máu đông nhưng cũng có thể gây xuất huyết. Do đó loại thuốc này chỉ được sử dụng trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu bạn không thể sử dụng thuốc làm loãng máu, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng lưới lọc tĩnh mạch chủ. Ở phương pháp này, một tấm lưới sẽ được đặt và tĩnh mạch chủ. Tấm lưới này sẽ lọc các huyết khối trước khi chúng di chuyển đến phổi.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tư vấn bạn dùng loại vớ đặc biệt để kiểm soát tình trạng sưng phù chân.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu ?
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và tiến hành khám lâm sàng. Nếu nghi ngờ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), bác sĩ sẽ tiến hành thêm một số xét nghiệm sau để đảm bảo chẩn đoán:
- Siêu âm vùng chân bị sưng phù hoặc các phần khác để đo tốc độ máu.
- Xét nghiệm máu (xét nghiệm D-dimer) để đo nồng độ chất được thải ra trong máu khi một cục máu đông tan đi. Nếu xét nghiệm cho thấy nồng độ của chất đó cao, bạn có thể đã bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Một số trường hợp hiếm gặp khi chẩn đoán nghi ngờ DVT nhưng siêu âm và xét nghiệm máu không đủ để kết luận, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang mạch máu. Trong thủ thuật này, chất màu sẽ được tiêm qua tĩnh mạch để giúp các mạch máu hiển thị lên phim chụp. Thủ thuật này sẽ giúp bác sĩ xác định những vùng bị nghẽn do huyết khối.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của huyết khối tĩnh mạch sâu?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của huyết khối tĩnh mạch sâu:
- Dùng thuốc và xét nghiệm máu (xét nghiệm thời gian đông máu PT/IRN) theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát độ loãng máu.
- Làm theo chỉ dẫn bác sĩ về việc giảm cân kết hợp tập thể dục đều đặn để giảm rủi ro huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) tái phát.
- Đi lại và duỗi chân sau khi ngồi trong thời gian dài.
- Hỏi ý kiến bác sĩ khi đi du lịch xa và việc dùng aspirin nếu bạn không uống warfarin.
- Giữ chân chân cao trong khi ngồi hoặc nằm.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu ung thư tinh hoàn là gì? Sống được bao lâu?