Nước ép cần tây được nhiều người ưa chuộng bởi những lợi ích như làm đẹp da, thanh lọc cơ thể, giảm viêm. Ngoài ra, cần tây còn ít calo, hỗ trợ giảm cân, duy trì vóc dáng. Tuy vậy, cũng có những người không nên uống cần tây cần lưu ý để tránh các rủi ro không mong muốn xảy ra.
Bạn đang đọc: Cảnh báo: Những người không nên uống cần tây
Cần tây chứa nhiều vitamin A, C, K, folate, kali natri, canxi, magie…và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Chế độ ăn uống bao gồm nước ép cần tây sẽ hỗ trợ người sử dụng giảm tỷ lệ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, tim mạch… nhưng tại sao có những người không nên uống cần tây? Mời bạn đọc tìm hiểu những người không nên uống cần tây và những lưu ý khi sử dụng thức uống này qua bài viết sau.
6 nhóm người không nên uống cần tây
1. Người mắc bệnh thận
100g cần tây chứa tới 190 mg oxalate. Trong khi nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, chế độ ăn giàu oxalate có thể dẫn đến suy thận cấp ở bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính. Các loại nước ép giàu oxalate cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra sỏi thận và suy thận cấp.
Ngoài ra, cần tây chứa một lượng kali đáng kể. Song việc tiêu thụ quá nhiều kali có thể gây hại cho người mắc bệnh thận hoặc đang giai đoạn bệnh thận cấp tính. Vì vậy, chính người mắc bệnh thận là những người không nên uống cần tây và cần thảo luận với bác sĩ về việc kiểm soát lượng kali trong chế độ ăn uống để hạn chế phản ứng tiêu cực đối với sức khỏe.
2. Người mắc bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao
Những người mắc bệnh tim hoặc huyết áp cao khó kiểm soát nên lưu ý đến hàm lượng natri trong cần tây (100g cần tây chứa 80mg natri). Chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng huyết áp và gây tích nước, ảnh hưởng đến sức khỏe tim và huyết áp.
Do đó, người có tiền sử bệnh tim mạch nên tham khảo với bác sĩ về việc uống nước ép cần tây trong chế độ ăn uống và tác động của nó đối với quá trình điều trị bệnh.
3. Người dị ứng hoặc quá mẫn cảm với cần tây
Người có tiền sử về dị ứng hoặc quá mẫn với thực phẩm này cũng là một trong những người không nên uống cần tây. Vì nếu uống vào, một số phản ứng dị ứng có thể xuất hiện như ngứa, sưng, sổ mũi. Đã có báo cáo về viêm da tiếp xúc dị ứng, nổi mề đay cấp tính, rối loạn tiêu hóa và các vấn đề về hô hấp, phù mạch và sốc phản vệ do cần tây, cả do tiếp xúc trực tiếp với da và sau khi ăn phải. May mắn thay những điều này hiếm khi xảy ra.
4. Người có tiền sử về bệnh tiêu hóa
Theo báo cáo của thư viện Y học Quốc Gia Hoa Kỳ, những người có vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích IBS nên hạn chế hoặc không nên uống nước ép cần tây, vì nó chứa một số loại đường lên men trong ruột có thể gây khó chịu về tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng.
Nếu bạn gặp các vấn đề về tiêu hoá, bạn nên thảo luận với bác sĩ về việc thêm cần tây vào chế độ ăn uống của mình.
5. Phụ nữ mang thai
Bà bầu ăn hoặc uống cần tây được không? Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong thời kỳ đầu mang thai hay thai phụ yếu nên hạn chế uống nước ép cần tây. Bởi vẫn có một số báo cáo cho thấy uống loại nước ép này có thể gây co bóp tử cung và dẫn đến sẩy thai, tuy nhiên vẫn cần thêm nghiên cứu để xác thực thêm vấn đề này.
Tìm hiểu thêm: 7 nguyên nhân khiến bạn bị rụng lông mi và cách khắc phục
6. Người đang sử dụng một số loại thuốc
Bạn cần lưu ý hơn khi uống cần tây và cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang sử dụng một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc điều trị chức năng tuyến giáp và thuốc kiểm soát chảy máu, đông máu hoặc huyết áp, lợi tiểu, kháng viêm, chống kết tập tiểu cầu. Cụ thể:
- Levothyroxine
- Liti
- Clonazepam
- Furosemide
- Warfarin
- Aspirin
- Clopidogrel
- Thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen hoặc naproxen natri
- Amlodipin.
Những lưu ý khi uống nước ép cần tây
Bên cạnh việc nắm thông tin đâu là những người không nên uống cần tây, người khỏe mạnh bình thường khác cũng cần biết những lưu ý khi uống bột cần tây hoặc nước ép để tránh tác dụng phụ và đảm bảo dinh dưỡng mà cần tây mang lại.
Đối tượng nên uống cần tây
- Những người muốn giảm cân, phòng ngừa tăng mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, ngừa ung thư.
- Người máu huyết kém lưu thông, thiếu sắt.
- Người gặp vấn đề khó tiểu.
- Phụ nữ trung niên trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, người bị nóng trong (nội nhiệt) do thay đổi nội tiết hoặc do chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất.
- Người hay bị căng thẳng, rối loạn giấc ngủ.
Thời điểm nên uống nước cần tây
Buổi sáng là thời điểm lý tưởng uống cần tây để bổ sung vitamin C, giúp bạn tỉnh táo, thêm năng lượng cho một ngày mới. Nếu không kịp thời gian chuẩn bị vào buổi sáng, bạn có thể uống trước bữa ăn, cũng như trước và sau tập thể dục.
Liều lượng khi uống nước ép cần tây
Uống cần tây nhiều có tốt không? Câu trả lời là không! Bạn cần chú ý hàm lượng natri có trong 100g cần tây (tuy không nhiều so với lượng Kali) nhưng theo nghiên cứu, nếu uống quá nhiều nước ép cần tây trong một ngày có thể khiến cơ thể bị thừa natri. Sự dư thừa natri kéo dài có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.Các chuyên gia khuyến nghị, bạn nên hạn chế lượng natri tiêu thụ xuống dưới 2.300 mg mỗi ngày để giúp kiểm soát huyết áp. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, ta nên sử dụng nước ép cần tây với liều lượng hợp lý cùng một chế độ ăn uống khoa học.
Bạn nên sử dụng khoảng bốn cọng – tương đương một cốc, cắt nhỏ hàng ngày. Nếu dùng dưới dạng nước ép chỉ nên uống 1 ly nước ép cần tây mỗi ngày để có tác dụng làm giảm hormone gây căng thẳng và giúp giãn các cơ quanh mạch máu ổn định huyết áp.
Cách bảo quản nước ép cần tây
Nước cần tây dễ bị oxy hoá, có thể bị mất màu và giảm chất lượng của nước ép khi tiếp xúc với ánh sáng và môi trường bên ngoài. Vì vậy, bạn nên uống ngay sau khi ép hoặc cho vào chai thuỷ tinh, rồi để vào ngăn mát và sử dụng trong vòng 24 giờ sau đó.
Tóm lại, việc tiêu thụ cần tây còn cần dựa trên tình trạng sức khỏe cá nhân của mỗi người. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi chế độ ăn uống của mình, đặc biệt nếu bạn đang mắc các bệnh lý trên. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm thông tin những người không nên uống cần tây, để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe của mình và người thân.
Bạn có thể quan tâm:
>>>>>Xem thêm: Agyrophobia là gì? Cách vượt qua hội chứng sợ Agyrophobia