Hội chứng Dressler

Hội chứng Dressler

Bạn đang đọc: Hội chứng Dressler

Tìm hiểu chung

Hội chứng Dressler là gì?

Hội chứng Dressler là một loại viêm màng ngoài tim, đó là tình trạng viêm túi bao xung quanh tim (màng ngoài tim). Bệnh còn được gọi là hội chứng sau hậu phẫu màng ngoài tim, hội chứng hậu nhồi máu cơ tim hoặc hội chứng sau chấn thương tim. Tình trạng này thường xảy ra sau một phẫu thuật tim, nhồi máu cơ tim (đau tim) hoặc chấn thương. Hội chứng Dressler được cho là xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá sau một trong những sự kiện này.

Nếu không được điều trị, viêm màng ngoài tim có thể dẫn đến sẹo, dày lên và thắt chặt cơ tim, có thể đe dọa đến tính mạng.

Mức độ phổ biến của hội chứng Dressler

May mắn thay, hiện nay tình trạng này được coi là rất hiếm do sự phát triển của các phương pháp điều trị các cơn đau tim. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Dressler là gì?

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng Dressler là:

  • Đau ngực nặng hơn khi nằm xuống
  • Đau ngực trở nên trầm trọng hơn khi hít thở sâu hoặc ho (đau màng phổi)
  • Sốt
  • Thở nặng nhọc hoặc khó thở
  • Mệt mỏi
  • Giảm cảm giác thèm ăn

Các triệu chứng có thể xảy ra từ 2 – 5 tuần sau biến cố đầu tiên. Ở một số người, các triệu chứng có thể không phát triển trong 3 tháng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây hội chứng Dressler?

Hội chứng Dressler có liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với tổn thương tim. Cơ thể phản ứng với mô bị tổn thương bằng cách gửi các tế bào miễn dịch và các protein (kháng thể) đến làm sạch và phục hồi vùng bị ảnh hưởng. Đôi khi, phản ứng này gây ra tình trạng viêm quá mức ở màng ngoài tim.

Hội chứng hậu phẫu màng ngoài tim có thể ảnh hưởng từ 10 – 40% những người đã phẫu thuật tim.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Dressler?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ mắc hội chứng Dressler như:

  • Phẫu thuật tim như phẫu thuật tim hở hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
  • Can thiệp mạch vành qua da, còn được gọi là nong mạch vành và đặt stent
  • Cấy máy tạo nhịp tim
  • Triệt đốt mô tim
  • Tách tĩnh mạch phổi
  • Chấn thương ngực

Chẩn đoán & Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng Dressler?

Hội chứng Dressler rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng của nó giống với nhiều triệu chứng khác, bao gồm viêm phổi, thuyên tắc phổi, đau thắt ngực, suy tim sung huyết và nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ có thể nghi ngờ bạn bị hội chứng Dressler nếu bạn bắt đầu cảm thấy ốm yếu vài tuần sau phẫu thuật tim hoặc nhồi máu cơ tim. Họ sẽ yêu cầu các xét nghiệm giúp loại trừ các tình trạng khác và xác nhận chẩn đoán.

Bác sĩ trước tiên sẽ thu thập bệnh sử y tế toàn diện và tiến hành kiểm tra thể chất. Họ sẽ nghe tim bằng một ống nghe để phát hiện các âm thanh có thể cho thấy sự hiện diện của viêm hoặc chất lỏng gần tim.

Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:

  • Công thức máu toàn phần (CBC)
  • Cấy máu để loại trừ nhiễm trùng
  • Siêu âm tim để tìm kiếm sự hiện diện của chất lỏng gần trung tâm hoặc màng ngoài tim dày lên
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) giúp tìm các xung điện bất thường của tim
  • Chụp X-quang ngực xem có viêm trong phổi không
  • Chụp MRI tim tạo ra hình ảnh chi tiết của tim và màng ngoài tim

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng Dressler?

Mục tiêu điều trị là quản lý đau và giảm viêm. Bác sĩ có thể khuyên bạn dùng các loại thuốc không cần toa, như:

  • Aspirin
  • Ibuprofen (Advil, Motrin IB, những biệt dược khác)
  • Naproxen (Aleve)

Nếu những thuốc này không có tác dụng, bác sĩ có thể kê toa:

  • Colchicine. Thuốc chống viêm này có thể được sử dụng, cùng với các loại thuốc không cần toa để điều trị hội chứng Dressler. Một số nghiên cứu cho thấy colchicine được sử dụng trước khi phẫu thuật tim có thể giúp ngăn ngừa hội chứng hậu phẫu màng ngoài tim. Hiệu quả của colchicine trong điều trị hội chứng sau chấn thương tim không rõ.
  • Corticosteroid. Những chất ức chế miễn dịch này có thể làm giảm viêm liên quan đến hội chứng Dressler. Corticosteroid có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến việc chữa lành mô tim bị tổn thương sau nhồi máu cơ tim hoặc sau phẫu thuật. Vì những lý do này, corticosteroid thường chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
  • Điều trị các biến chứng

    Các biến chứng của hội chứng Dressler có thể cần các cách điều trị xâm lấn hơn, bao gồm:

    • Dẫn lưu chất lỏng dư thừa. Nếu bạn bị chèn ép tim, bác sĩ có thể đề nghị thủ thuật chọc màng ngoài tim, trong đó sử dụng một cây kim hoặc ống nhỏ (ống thông) để loại bỏ chất lỏng dư thừa. Thủ thuật này thường được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ.
    • Loại bỏ màng ngoài tim. Nếu bạn bị viêm màng ngoài tim co thắt, có thể cần đến phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim.
    • Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người trẻ tuổi và những người có triệu chứng viêm màng ngoài tim co thắt ngay sau khi phẫu thuật có nhiều khả năng cần đến điều trị xâm lấn cho các biến chứng của hội chứng Dressler.

    Chế độ sinh hoạt phù hợp

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý hội chứng Dressler?

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    >>>>>Xem thêm: Công thức ức gà giảm cân không ngán

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *