Thăm dò điện sinh lý tim

Thăm dò điện sinh lý tim

Bạn đang đọc: Thăm dò điện sinh lý tim

Tìm hiểu về điện sinh lý tim

Thăm dò điện sinh lý tim (EPS) là gì?

Thăm dò điện sinh lý tim (EPS) là thử nghiệm được sử dụng để nghiên cứu và lập bản đồ hoạt động điện của tim. Thử nghiệm này liên quan đến việc đặt catheter chẩn đoán trong tim và làm các xét nghiệm chuyên biệt để lập bản đồ điện tim.

Tại sao bạn cần làm thăm dò điện sinh lý tim (EPS)?

Mục đích của thăm dò điện sinh lý tim (EPS) là để xác định:

  • Các rối loạn nhịp tim đến từ đâu.
  • Mức độ hoạt động của một số loại thuốc nhất định trong điều trị rối loạn nhịp tim.
  • Có cần điều trị bằng cách phá hủy vị trí gây ra tín hiệu điện bất thường trong tim không. Thủ thuật này được gọi là đốt bằng catheter.
  • Có cần đặt máy tạo nhịp tim hoặc cấy ghép máy khử rung tim (ICD) không.
  • Nguy cơ mắc các vấn đề về tim như ngất xỉu hoặc đột tử do tim ngừng đập.

Bác sĩ có thể đề nghị thử nghiệm thăm dò điện sinh lý tim nếu:

  • Có nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim). Với các chẩn đoán như loạn nhịp nhĩ, rung tâm nhĩ, nhịp tim nhanh, nhịp nhanh trên thất hoặc nhịp rất nhanh trên thất, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thực hiện thử nghiệm thăm dò để hiểu rõ hơn cách tín hiệu điện di chuyển trong tim và cách tốt nhất để điều trị tình trạng của bạn.
  • Đang thực hiện đốt tim. Thử nghiệm thăm dò điện sinh lý tim được thực hiện khi bắt đầu thủ thuật đốt tim điều trị chứng loạn nhịp tim. Đốt tim là sử dụng năng lượng nóng hoặc lạnh tạo ra mô sẹo trong tim để chặn các tín hiệu điện thất thường.
  • Bị mất ý thức tạm thời (ngất). Những người bị ngất có thể cần thực hiện thử nghiệm thăm dò để tìm ra nguyên nhân.
  • Có nguy cơ tử vong do ngừng tim đột ngột. Nếu bạn bị bệnh tim sẽ làm tăng nguy cơ tử vong do tim ngừng đột ngột, thử nghiệm thăm dò điện sinh lý tim có thể giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về nguy cơ của bạn.
  • Đang thực hiện phẫu thuật tim. Nếu bạn đang chuẩn bị cho phẫu thuật tim và có thể thực hiện đốt tim cùng lúc, bác sĩ có thể đề nghị thử nghiệm thăm dò.

Thận trọng khi thực hiện thăm dò điện sinh lý tim

Những điều bạn cần biết trước khi làm thử nghiệm điện sinh lý tim (EPS)?

Bạn có thể đau và có vết bầm nhỏ tại vị trí đâm trong vài ngày. Nếu vùng này bắt đầu chảy máu, bạn hãy nằm xuống và ấn mạnh lên nó. Nhờ ai đó gọi bác sĩ hoặc đưa đi cấp cứu ngay.

Các biến chứng của thử nghiệm điện sinh lý tim bao gồm:

  • Chảy máu hoặc nhiễm trùng tại nơi đưa ống thông vào.
  • Tổn thương các mạch máu nơi ống thông cọ sát khi nó di chuyển đến tim.
  • Đâm thủng tim.
  • Hư van tim.
  • Làm tổn thương hệ thống điện của tim, có thể làm tăng rối loạn nhịp tim và cần đặt máy tạo nhịp để chỉnh sửa.
  • Tạo cục máu đông ở chân hoặc phổi (huyết khối tĩnh mạch).
  • Đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim (hiếm gặp).

Quy trình thăm dò diện sinh lý tim

Chuẩn bị trước khi thăm dò điện sinh lý tim (EPS)

Bạn cần phải ngừng ăn và uống vào đêm trước khi thử nghiệm. Nếu bạn dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy hỏi bác sĩ có nên tiếp tục dùng thuốc trước khi thử nghiệm không.

Bác sĩ sẽ cho bạn biết nếu cần làm theo bất kỳ hướng dẫn đặc biệt nào khác. Trong một số trường hợp, bạn sẽ được hướng dẫn ngừng dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp tim vài ngày trước khi thử nghiệm.

Nếu bạn có một thiết bị cấy ghép tim như máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim, hãy nói chuyện với bác sĩ xem có cần thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào không.

Quá trình thăm dò điện sinh lý tim (EPS)

Quá trình thăm dò điện sinh lý tim thường kéo dài từ 1–4 giờ. Sau đó, bạn sẽ được chuyển đến phòng hồi sức để nghỉ ngơi yên tĩnh từ 1–3 giờ.

Tại bệnh viện hoặc phòng khám, các bác sĩ và y tá thực hiện thăm dò trong phòng có thiết bị xét nghiệm đặc biệt, được gọi là phòng thí nghiệm điện sinh lý hoặc phòng xét nghiệm EP. Một số người còn gọi nó là phòng thí nghiệm đặt ống thông (phòng thí nghiệm cath). Trong khi thử nghiệm:

  • Y tá tiêm tĩnh mạch ở cánh tay. Bạn sẽ nhận được thuốc (thuốc an thần) giúp thư giãn, nhưng vẫn tỉnh táo và có thể làm theo hướng dẫn trong khi kiểm tra.
  • Y tá làm sạch và cạo lông phần cơ thể nơi bác sĩ sẽ làm thử nghiệm. Vị trí này thường ở háng nhưng có thể là cánh tay hoặc cổ.
  • Bạn được tiêm một liều thuốc gây tê cục bộ để làm cho vùng thăm dò bị tê liệt. Bác sĩ đâm xuyên qua da vào mạch máu. Một ống nhỏ có kích thước bằng ống hút, gọi là vỏ bọc, được đưa vào động mạch hoặc tĩnh mạch. Bác sĩ nhẹ nhàng luồn một số ống thông thăm dò chuyên dụng vào mạch máu qua vỏ bọc và đưa chúng vào tim. Màn hình video sẽ hiển thị vị trí của các ống thông. Bạn có thể cảm thấy áp lực ở khu vực mà vỏ bọc được chèn vào, nhưng thường không thấy đau đớn.
  • Bác sĩ đưa xung điện nhỏ qua các ống thông để làm tim đập với tốc độ khác nhau. Bạn có thể cảm thấy tim mình đập mạnh hơn hoặc nhanh hơn.
  • Tín hiệu điện do tim tạo ra sẽ được các ống thông đặc biệt thu thập và ghi lại. Cách này được gọi là lập bản đồ tim, cho phép bác sĩ xác định vị trí tạo ra loạn nhịp tim,
  • Bác sĩ loại bỏ các ống thông và đường truyền tĩnh mạch. Y tá ấn lên chỗ chích để ngừng chảy máu.

Nếu bác sĩ xác định loại và vị trí của chứng loạn nhịp tim, họ có thể thực hiện đốt tim hoặc cấy máy tạo nhịp tim hoặc ICD trong hoặc ngay sau thăm dò điện sinh lý tim.

Điều gì xảy ra sau khi thăm dò điện sinh lý tim (EPS)?

Sau thử nghiệm thăm dò, bạn được chuyển đến một khu vực hồi sức nghỉ ngơi yên tĩnh trong 4–6 giờ để ngăn ngừa chảy máu tại chỗ đặt ống thông. Nhịp tim và huyết áp sẽ được theo dõi liên tục để kiểm tra các biến chứng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về thăm dò điện sinh lý (EPS), vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để hiểu rõ hơn về các hướng dẫn.

Kết quả thăm dò điện sinh lý tim

Kết quả thăm dò điện sinh lý tim có ý nghĩa gì với bạn?

Kết quả thăm dò bình thường cho thấy tim phát và truyền các xung điện trong giới hạn bình thường.

Các kết quả bất thường bao gồm xác nhận loạn nhịp tim như:

  • Nhịp tim nhanh trên thất
  • Loạn nhịp thất
  • Xuất hiện thêm các đường phụ
  • Nhịp tim chậm

Tùy thuộc vào phòng thí nghiệm và bệnh viện, mức độ bình thường cho nghiên cứu điện sinh lý (EPS) có thể thay đổi. Vui lòng thảo luận với bác sĩ bất kỳ câu hỏi nào bạn quan tâm về kết quả xét nghiệm của bạn.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

>>>>>Xem thêm: Xung đột gia đình: Con trẻ phải làm gì để vượt qua?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *