Bạn đang đọc: Giập móng tay
Tìm hiểu chung
Giập móng tay là gì?
Giập móng tay (mọi người quen gọi là dập móng tay) là một loại chấn thương ngón tay. Chấn thương có thể rất nhỏ hoặc cũng có thể lớn, gây đau và khó chịu, thậm chí bạn không thể cử động ngón tay.
Có rất nhiều nguyên nhân gây giập móng tay. Thông thường, chúng xảy ra khi móng tay bị kẹt giữa hai vật thể hoặc bị va đập bởi vật nặng, chẳng hạn như kẹt móng giữa hai cánh cửa hoặc búa đập vào móng. Ngoài ra, giập móng tay cũng có thể do dao hoặc cưa gây ra.
Giập móng tay hầu như có thể điều trị được nhưng trong một số ít trường hợp có thể gây dị tật móng tay.
Triệu chứng
Các dạng giập móng tay và triệu chứng
Giập móng tay có thể gây ra:
- Máu bầm dưới móng tay
- Gãy móng tay
- Vỡ móng thành nhiều mảnh nhỏ
Các dạng giập móng tay thường gặp như:
Tụ máu dưới móng
Tụ máu dưới móng xảy ra khi móng bị đè bởi một vật nặng. Triệu chứng bao gồm đau nhói và móng tay chuyển thành màu đen và xanh dương, giống như vết bầm tím dưới móng tay.
Rách móng tay
Tình trạng này xảy ra khi móng tay bị cắt bởi cưa, dao hoặc bị vật nặng nghiền. Khi bị rách móng, bạn có thể bị chảy máu và xuất hiện vết bầm tím lớn khi vết thương lành.
Sứt móng tay
Sứt móng tay xảy ra khi ngón tay bị kẹt giữa hai đồ vật, chẳng hạn như cánh cửa. Tình trạng này thường gây đau đớn nghiêm trọng và có thể sưng ngón tay. Bạn cũng có khả năng bị gãy ngón tay khi có dạng chấn thương này.
Nếu móng không sứt hoàn toàn, bạn cần phải được nhân viên y tế lấy móng ra hết. Bạn không được tự ý làm vì có thể bị nhiễm trùng.
Các dạng khác
Một số dạng giập móng tay có thể dẫn đến gãy xương ngón tay và đoạn chi. Vì vậy, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được chăm sóc và điều trị thích hợp.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biểu hiệu giập móng tay, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây giập móng tay là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây giập móng tay, trong đó phổ biến nhất là do bị vật nặng đè, nghiền nát móng.
Các biến chứng của giập móng tay
Các biến chứng phổ biến nhất do giập móng tay là móng sần sùi và gãy móng. Móng sần sùi là tình trạng bề mặt móng không được trơn láng. Gãy móng xảy ra khi móng không thể phát triển trên các mô sẹo do giập móng tay gây ra. Bác sĩ có thể loại bỏ móng bị gãy hoặc điều trị mô sẹo để móng có thể phát triển bình thường.
Bạn có thể mất khoảng 1 tuần để móng bắt đầu mọc trở lại và 3–6 tháng để móng phát triển hoàn toàn. Sau khi nhổ bỏ móng, bạn cần băng móng tay lại cho đến khi nó phát triển trở lại.
Chẩn đoán & Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán giập móng tay?
Bác sĩ sẽ thăm khám và hỏi bạn nguyên nhân nào khiến bạn bị giập móng tay. Nếu tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang để kiểm tra gãy xương.
Những phương pháp nào dùng điều trị giập móng tay?
Một số phương pháp giúp điều trị giập móng tay như:
- Tụ máu dưới móng. Máu bầm có thể được ra ngoài thông qua một lỗ nhỏ trên móng. Bác sĩ sẽ dùng kim để tạo lỗ nhỏ trên móng. Điều này sẽ giúp giảm đau và áp lực lên móng. Nấu máu tụ dưới móng quá nhiều (>50%), bạn cần phải được nhổ bỏ móng.
- Rách móng tay. Bác sĩ có thể khâu lại vết rách. Nếu tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ nhổ bỏ móng. Đừng lo lắng, móng tay sẽ mọc trở lại.
- Sứt móng tay. Tình trạng này cần được nhổ bỏ móng ngay. Nếu bạn bị gãy ngón tay, bác sĩ sẽ cho bạn dùng nẹp. Bạn có thể mang nẹp ngón tay tối đa 3 tuần, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn kiểm soát tình trạng giập móng tay?
Trước khi đến gặp bác sĩ, bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách:
- Gỡ bỏ hết trang sức trên tay
- Rửa nhẹ vết thương, đặc biệt nếu bạn chảy máu
- Dùng băng y tế để che phủ vết thương nếu cần thiết
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Kenshin.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp thắc mắc: Cấy que tránh thai có đau không?