Sự trao đổi chất, hay còn gọi quá trình chuyển hóa ở những người mắc tiểu đường khác với người khỏe mạnh. Trong bệnh tiểu đường tuýp 2, hiệu quả của insulin bị giảm và ở bệnh tiểu đường tuýp 1, nồng độ insulin trong cơ thể rất thấp.
Bạn đang đọc: Quá trình chuyển hóa ở người mắc tiểu đường
Vì lý do này, người mắc tiểu đường tuýp 1 sẽ cần được bổ sung insulin từ bên ngoài. Còn người tiền đái tháo đường, tiểu đường tuýp 2 bị tình trạng kháng insulin, sẽ giảm khả năng chuyển hóa glucose của cơ thể. Do đó, lượng đường trong máu trở nên cao hơn vì cơ thể không sử dụng được insulin hiệu quả.
Nội Dung
Hiểu về quá trình chuyển hóa
Quá trình chuyển hóa, hay dễ hiểu hơn là quá trình trao đổi chất, là một loạt các phản ứng hóa học diễn ra bên trong cơ thể để chuyển hóa các chất, tạo ra năng lượng và thải bỏ độc tố cho cơ thể. Bài viết này sử dụng cụm từ “sự trao đổi chất” và “quá trình chuyển hóa” để đề cập đến những thay đổi xảy ra khi thức ăn được đưa vào cơ thể.
Sự trao đổi chất của những người mắc tiểu đường gần giống với quá trình của những người khỏe mạnh. Sự khác biệt duy nhất là khối lượng và/hoặc hiệu quả của insulin trong việc đưa đường glucose từ máu vào tế bào để tạo thành năng lượng.
Quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể diễn ra như sau:
Thực phẩm được nạp vào cơ thể.
Carbohydrate được phân hủy thành glucose bởi nước bọt và dịch tiêu hóa ở ruột.
Glucose đi vào máu.
- Phản ứng insulin giai đoạn 1: Tuyến tụy giải phóng insulin được lưu trữ. Insulin cho phép glucose từ máu đi vào tế bào – nơi glucose có thể được sử dụng làm năng lượng. Insulin cũng giúp cơ và gan lưu trữ glucose dưới dạng glycogen. Nếu ở một thời điểm nào đó mà lượng glucose trong máu quá thấp, glycogen được lưu trữ lại được ly giải thành glucose để đưa trở lại vào máu nhờ hormone glucagon, cũng do tuyến tụy sản xuất. Đến cuối cùng, nếu vẫn còn glucose sót lại trong máu, insulin sẽ biến glucose này thành chất béo trong cơ thể. Protein trong thức ăn cũng bị phân hủy thành glucose ở một mức độ nào đó nhưng chậm hơn nhiều so với carbohydrate (tinh bột và đường).
- Phản ứng insulin giai đoạn 2: Sau khi cơ thể giải phóng insulin lần đầu, các tế bào beta trong tuyến tụy bắt đầu tổng hợp insulin mới và có thể tiếp tục giải phóng chúng vào máu.
Như đã đề cập ở trên, nếu glucose trong máu bắt đầu xuống mức thấp, cơ thể sẽ giải phóng glucagon nhằm biến đổi glycogen lưu trữ thành glucose và đưa trở lại vào máu để cơ thể có đủ glucose để hoạt động.
Quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể những người mắc tiểu đường tuýp 2 liên quan đến béo phì
Những người thừa cân mắc tiền đái tháo đường hoặc tiểu đường tuýp 2 thường sản xuất nhiều insulin hơn so với những người khỏe mạnh do tỷ lệ mỡ cơ thể so với cơ bắp cao hơn.
Nguyên nhân cho tình trạng này là do cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả (đề kháng insulin). Do đó, cơ thể sẽ sản xuất nhiều insulin hơn để bù đắp.
Tuy nhiên, điều này sẽ làm các tế bào tuyến tụy hoạt động quá mức và theo thời gian sẽ bắt đầu suy giảm chức năng.
Tìm hiểu thêm: Đa niệu là gì? Có gây nguy hiểm cho sức khỏe hay không?
>>>>>Xem thêm: Trà assam: Loại thảo mộc quý ở Ấn Độ
Kháng insulin ở người tiểu đường tuýp 2 gây ra mức đường huyết cao như thế nào?
Nếu tình trạng kháng insulin xảy ra sẽ làm giảm hiệu quả của phản ứng insulin giai đoạn 1. Tuyến tụy sẽ giải phóng tất cả các insulin mà nó có nhưng có khả năng sẽ không đủ vì insulin kém hiệu quả. Để đối phó với vấn đề này, cơ thể phải dựa vào phản ứng insulin giai đoạn 2, nhưng sẽ mất một thời gian. Trong thời gian này, cơ thể không có đủ insulin, lượng đường trong máu ở người mắc tiểu đường tuýp 2 hoặc tiền đái tháo đường rất có khả năng tăng cao hơn bình thường.
Nếu bữa ăn tiếp theo đủ xa, cơ thể có thể có thời gian để bắt kịp và sản xuất đủ insulin mới (giai đoạn 2) và đưa lượng đường trong máu trở lại bình thường. Nhưng nếu ăn quá sớm thì bữa ăn này bị thiếu insulin và sau ăn đường huyết cũng tăng lên.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, điều này có thể làm giảm chức năng của các tế bào beta của tuyến tụy, do đó làm giảm số lượng tế bào sản xuất insulin. Quá trình sản xuất insulin chậm sẽ làm tăng thêm nhiều vấn đề khác.
Nếu bệnh nhân tiểu đường hoặc tiền đái tháo tiêu thụ nhiều carbohydrate thì vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn. Bạn cũng lưu ý rằng lượng đường huyết cao hơn sẽ có xu hướng làm cho mọi người cảm thấy vừa mệt mỏi, buồn ngủ, vừa đói vì không có đủ glucose chuyển hóa thành năng lượng cho các tế bào.
Nhiều người ăn vì thấy đói, làm lượng calo dư thừa. Chúng sẽ bắt đầu được lưu trữ dưới dạng các lớp mỡ, góp phần tăng kháng insulin hơn nữa.
Quá trình chuyển hóa glucose thành năng lượng ở người mắc tiểu đường tuýp 1
Trong bệnh tiểu đường tuýp 1, hoạt động trao đổi chất sẽ diễn ra bình thường nếu tiêm insulin đầy đủ.
Insulin tác dụng nhanh sẽ hoạt động theo cách tương tự như phản ứng insulin giai đoạn 1. Trong khi đó, insulin tác dụng kéo dài sẽ hoạt động theo cách tương tự như phản ứng giai đoạn 2.
Nếu số lượng insulin được cung cấp chính xác và tốc độ hoạt động của nó bắt kịp với tốc độ glucose được hấp thụ từ thức ăn, thì quá trình chuyển hóa ở người mắc tiểu đường tuýp 1 sẽ diễn ra khá tốt như quá trình của người bình thường.
Tuy nhiên, điều này thường khó thực hiện và do đó sẽ có những lúc mức đường huyết cao hoặc thấp, dẫn đến việc phải điều chỉnh phác đồ điều trị bệnh cho phù hợp.
Vì insulin đóng vai trò trong việc lưu trữ chất béo trong cơ thể, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 cũng có thể mắc tình trạng kháng insulin.