Cách chữa bệnh đái tháo đường tuýp 2 (tiểu đường tuýp 2) bao gồm sự kết hợp giữa chế độ ăn lành mạnh, thói quen tập thể dục và điều trị bằng thuốc. Đây là những biện pháp điều trị không thể tách rời, phối hợp điều trị sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và phòng tránh biến chứng.
Bạn đang đọc: 5 cách chữa bệnh đái tháo đường tuýp 2
Cùng HelloBacsi tìm hiểu về 5 cách chữa bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong bài viết này nhé.
Nội Dung
1. Cách chữa bệnh đái tháo đường tuýp 2 bằng dinh dưỡng
Không có chế độ ăn giống nhau cho tất cả người bệnh đái tháo đường cũng như không có thực phẩm nào là cấm tuyệt đối với người bệnh. Tuy nhiên, bạn nên tránh các loại thực phẩm làm đường huyết tăng cao sau bữa ăn, gây ảnh hưởng đến mỡ máu và huyết áp. Nguyên tắc chung là bữa ăn của người bệnh đái tháo đường cần phải phối hợp cân đối các thành phần dinh dưỡng là chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin, chất khoáng và chất xơ.
Đối với chất bột đường, người bệnh nên tiêu thụ các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI – Glycemic index) thấp, nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên vỏ, các loại đậu, hoa quả ít ngọt và rau xanh. Bạn nên hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh, kẹo ngọt, nước ngọt có gas, hoa quả ngọt như nhãn, vải, dưa hấu…
Đối với chất béo, người bệnh đái tháo đường nên hạn chế ăn mỡ động vật, phủ tạng động vật, thức ăn nhanh… . Khi tìm cách chữa bệnh đái tháo đường tuýp 2, bạn nên bổ sung vào chế độ ăn các loại thực phẩm như dầu thực vật, thịt nạc và cá. Bạn có thể sử dụng thêm các sản phẩm dành cho người đái tháo đường như: sữa, bánh, ngũ cốc… Để đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, phù hợp với tình trạng sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến các bác sĩ dinh dưỡng trong lĩnh vực bệnh lý chuyển hóa.
2. Cách trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 bằng bài tập thể dục
Mọi người đều cần tăng cường tập thể dục hàng ngày, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường tuýp 2. Các bài thể dục toàn thân, đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội hoặc bất kỳ một môn thể thao nào sẽ giúp cải thiện đường huyết, kiểm soát cân nặng, giảm đề kháng insulin và bảo vệ tim mạch. Nếu sức khỏe cho phép, bạn nên kết hợp bài tập đối kháng để duy trì và tăng cường sức mạnh của cơ bắp.
Bạn cần chú ý, hoạt động tập thể dục có thể gây hạ đường huyết trong và sau khi ngừng tập luyện. Do đó, bạn không nên tập luyện khi đường huyết thấp. Nếu bạn tập luyện với cường độ cao và kéo dài thì cần ăn một bữa phụ nhẹ trước khi tập luyện và thường xuyên uống nước (nếu cần ăn thêm mỗi lần 20g bột đường) trong khi tập luyện.
Để ngăn ngừa hạ đường huyết, bạn nên đo đường huyết trước, trong và sau khi tập luyện mỗi khi thay đổi môn tập luyện quen thuộc. Nếu bị hạ đường huyết, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để giảm liều thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian luyện tập trước khi điều chỉnh chế độ ăn. Bạn nên mang theo vài miếng bánh, kẹo ngọt trong người khi đi tập thể dục để có thể ăn ngay nếu có triệu chứng hạ đường huyết.
3. Người đái tháo đường tuýp 2 nên theo dõi đường huyết
Tùy theo chỉ định của bác sĩ mà số lần và thời điểm bạn có thể tự thử đường huyết mao mạch sẽ khác nhau. Nếu đang áp dụng cách chữa bệnh đái tháo đường tuýp 2 bằng insulin thì bạn cần kiểm tra đường huyết nhiều lần trong ngày để theo dõi đáp ứng điều trị và hiệu chỉnh liều thuốc. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc có triệu chứng bất thường thì cần kiểm tra đường huyết ngay lập tức.
Trường hợp phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ lại càng nên chú ý theo dõi đường huyết thường xuyên ở nhà. Chứng bệnh này thường xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, cũng chính là giai đoạn thai nhi phát triển rất nhanh.
4. Cách điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 bằng thuốc
Tìm hiểu thêm: Bà bầu ăn trứng vịt lộn được không? Những điều cần lưu ý
Cơ chế bệnh sinh của bệnh đái tháo đường tuýp 2 rất phức tạp. Vì vậy có nhiều nhóm thuốc điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 theo những cơ chế tác động khác nhau.
Bạn cần lưu ý, mỗi thuốc tác dụng theo những cơ chế khác nhau, có những tác dụng phụ, chống chỉ định khác nhau. Do vậy, người bệnh cần đến khám bác sĩ, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, không lạm dụng thuốc kê toa hay tự ý điều trị. Tùy theo tình trạng bệnh, thời gian mắc bệnh và biến chứng của bệnh mà bác sĩ chỉ định phối hợp các nhóm thuốc uống hạ đường huyết và insulin phù hợp.
Các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2:
• Biguanide (Metformin): Nhóm thuốc được sử dụng lâu đời, có tác dụng làm giảm sản xuất glucose ở gan, cải thiện độ nhạy cảm của cơ thể với insulin cũng như giảm hấp thu glucose ở ruột. Đây là thuốc được chỉ định đầu tiên khi người bệnh mới chẩn đoán đái tháo đường có thừa cân, béo phì. Tác dụng phụ của thuốc metformin là đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn.
• Sulfonylureas (Tolbutamide, gliclazide): Thuốc làm hạ đường huyết do kích thích tụy tiết insulin nhiều hơn. Thuốc có thể gây tăng cân và gây hạ đường huyết.
• Glinides (Nateglinide, repaglinide): Cách chữa bệnh đái tháo đường tuýp 2 bằng glinides có thể mang lại tác dụng tương tự nhóm sulfonylureas nhưng thời gian tác dụng ngắn hơn nên ít khi gây hạ đường huyết.
• Ức chế enzyme α-glucosidase (Acarbose): Thuốc cạnh tranh và ức chế tác dụng của enzyme thủy phân đường phức thành đường đơn, do đó làm chậm hấp thu carbohydrate từ ruột. Thuốc chủ yếu giảm đường huyết sau ăn, dùng đơn độc không gây hạ đường huyết. Tác dụng phụ chủ yếu bao gồm đầy hơi, rối loạn tiêu hóa.
• TZDs (Thiazoldinediones): Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có Pioglitazone còn được sử dụng. Thuốc có tác dụng tăng độ nhạy cảm của các mô đối với insulin. Hiệu quả giảm đường huyết tốt nhưng có thể gây tăng cân.
• Ức chế men DPP-4: Nhóm thuốc có tác dụng ức chế enzyme DDP-4, một enzyme làm thoái giáng GLP-1, do đó làm tăng nồng độ GLP-1 (glucagon-like peptide) có tác dụng kích thích tụy tiết insulin. Thuốc còn có tác dụng ức chế tiết glucagon. Cách dùng đơn độc thuốc không gây hạ đường huyết và không gây tăng cân.
• Đồng vận GLP-1 (Exenatide): GLP-1 là hormone do ruột tiết ra khi chúng ta ăn thức ăn vào. Hormone này có tác dụng kích thích tụy tiết insulin và ức chế tiết glucagon. Thuốc không gây hạ đường huyết và không gây tăng cân. Tác dụng phụ chính của thuốc là buồn nôn, nôn hoặc rối loạn tiêu hóa, có thể gặp viêm tụy nhưng hiếm gặp.
• Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2 (Sodium Glucose Transporter 2): Thuốc có tác dụng ức chế tái hấp thu glucose của cầu thận, do vậy thuốc làm tăng thải glucose qua nước tiểu, làm hạ đường huyết. Do thải glucose khỏi cơ thể qua đường tiết niệu nên thuốc có tác dụng giảm cân. Tác dụng phụ chính của thuốc là tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
• Insulin: Có nhiều loại insulin khác nhau dựa vào thời gian tác dụng như insulin tác dụng nhanh, insulin tác dụng trung bình, insulin tác dụng kéo dài và insulin kết hợp. Tùy theo tình trạng người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng 1 – 4 mũi tiêm insulin/ngày. Insulin thường được kết hợp với thuốc viên hạ đường huyết khi các thuốc viên khó kiểm soát được đường huyết. Tác dụng phụ của insulin là hạ đường huyết, nhiễm toan ceton do đái tháo đường và tăng cân.
5. Cách chữa bệnh đái tháo đường tuýp 2 bằng phẫu thuật
>>>>>Xem thêm: Bạch cầu ở trẻ em
Đây là phương pháp điều trị hỗ trợ dành cho những bệnh nhân đái tháo đường túyp 2 bị béo phì nặng và không kiểm soát được ăn uống. Khi dạ dày được thu nhỏ, lượng thức ăn vào sẽ giảm đi. Do vậy, người bệnh sẽ giảm cân và giảm đề kháng insulin. Tuy nhiên, việc giảm cân bằng tập luyện thể dục và ăn kiêng luôn được khuyến khích hơn phương pháp can thiệp xâm lấn lên cơ thể.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cách chữa đái tháo đường tuýp 2. Đừng chỉ tự hỏi “Bệnh đái tháo đường tuýp 2 (tiểu đường tuýp 2) có chữa được không?”, khi phát hiện dấu hiệu của bệnh, bạn hãy đi khám sớm và điều trị theo hướng dẫn. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát đường huyết hiệu quả và lâu dài.