Tên thường gọi: Cát cánh
Bạn đang đọc: Cát cánh
Tên khác: Bạch dược, kết cánh, cánh thảo
Tên khoa học: Platycodon grandiflorum (Jacq.) A. DC.; Platycodon glaucum (Thunb.) Nak., Campanula grandiflora Jacq.
Họ: Hoa chuông (Campanulaceae)
Tên nước ngoài: Balloon flower, chinese bell flower, japanese bell flower
Nội Dung
Tổng quan về dược liệu cát cánh
Tìm hiểu chung về cát cánh
Cát cánh hay kết cánh (Radix platycodi) là rễ khô của cây cát cánh. Tên Platycodon là từ ghép từ chữ Platys là rộng và Codon là chuông. Grandiflorum do chữ grandi là to và florum là hoa vì cây cát cánh có hoa to hình cái chuông rộng.
Cát cánh là một loại cỏ nhỏ mọc lâu năm, thân cao chừng 60–90cm. Thân đứng, nhẵn, màu lục xám, chứa nhựa mủ. Lá gần như không có cuống; lá phía dưới mọc đối hoặc mọc vòng; lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le. Rễ củ đôi khi phân nhánh, vỏ ngoài màu vàng nhạt. Hoa hình chuông màu lam tím hoặc trắng, mọc riêng lẻ thành bông thưa ở kẽ lá gần ngọn, hoa dài có 5 thùy màu lục, tràng gồm 5 cánh. Quả nang, hình trứng, chứa nhiều hạt nhỏ hình bầu dục, màu nâu đen. Mùa hoa vào tháng 5–7 và mùa quả vào khoảng tháng 8–9.
Rễ cát cánh thường được thu hoạch vào cuối mùa thu, đầu mùa đông. Tuy nhiên, ở đồng bằng do điều kiện thời tiết mưa nhiều vào mùa thu nên phải thu hoạch sớm hơn.
Bộ phận dùng của cát cánh
Rễ cát cánh được đào vào mùa đông, lúc cây lụi tàn. Ở những cây đã trồng được hai năm (vùng cao) hoặc một năm (vùng đồng bằng) sau khi đào loại bỏ thân, lá, rễ con, rửa sạch đất cát. Rễ thu được cạo bỏ lớp vỏ ngoài rồi phơi hay sấy khô.
Rễ cát cánh dễ bị mối mọt nên cần bảo quản nơi khô ráo.
Thành phần hóa học có trong cát cánh
Thành phần chủ yếu trong rễ cát cánh là các platycodin A, C, D, D2; các polygalacin D, D2; các sapogenin gồm platycodigenin và axit polygalacic.
Ngoài ra, cát cánh còn chứa phytosterol và một lượng đáng kể các chất thuộc nhóm tanin.
Trong lá, hoa, thân, cành cát cánh đều có chứa saponin có tác dụng phá huyết mạnh hơn saponin trong rễ. Kikyosapogenin trong cát cánh có tác dụng phá huyết mạnh gấp 2 lần sapogenin của viễn chí (Polygala senega).
Tác dụng, công dụng của cát cánh
Dược liệu cát cánh mang lại công dụng gì?
Kikyosapogenin có tác dụng phá huyết, tiêu đờm và long đờm. Theo Trung Hoa y học tạp chí thì uống cát cánh thấy có tác dụng tiêu đờm rõ rệt trên lâm sàng. Khi uống, saponin gây kích thích niêm mạc họng và dạ dày đưa đến phản ứng tăng tiết dịch ở đường hô hấp làm cho đờm loãng và dễ bị tống ra ngoài.
Saponin platycodin trong rễ cát cánh có tác dụng tan máu và tác dụng này mạnh hơn ở rễ đã cạo vỏ và rễ của cây hoang dại có hoa màu tím. Cao nước của rễ cát cánh có độc tính với cá.
Rễ cát cánh có tác dụng giảm đau, làm trấn tĩnh, hạ nhiệt, giảm ho và khử đờm. Đồng thời, nó có tác dụng làm giãn các mạch máu nhỏ, làm hạ đường huyết, chống huyết, chống loét và chống viêm.
Theo y học cổ truyền, cát cánh có vị hơi ngọt sau đó đắng, hơi cay, tính bình, có tác dụng thông khí phế, tiêu đờm, làm cho mủ độc vỡ ra ngoài.
Các công dụng của cát cánh bao gồm:
- Chữa ho có đờm hôi tanh, viêm đau họng, khản tiếng, hen suyễn, tức ngực, khó thở, nhọt ở phổi, kiết lỵ
- Theo tài liệu cổ, cây còn chữa tức ngực, đau ngực và ho ra máu
- Dùng trong y học Trung Quốc làm thuốc long đờm, chữa ho, một số bệnh về phổi và phế quản khác nhau.
- Điều trị một số bệnh ngoài da
- Phối hợp với một số vị thuốc khác để điều trị viêm ruột thừa
- Ở Nhật Bản, dùng chữa đau họng, viêm phế quản, ho có đờm, mụn nhọt và một số bệnh khác
- Ở Ấn Độ, rễ cát cánh là vị thuốc quan trọng trong thuốc long đờm, thuốc bổ, thuốc làm săn, gây trung tiện, chữa đầy bụng. Đôi khi được nhai nuốt nước hoặc dùng dạng thuốc sắc phối hợp với cam thảo.
Liều dùng của cát cánh
Liều dùng của cát cánh có thể khác nhau tùy vào đối tượng sử dụng. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Liều dùng thông thường của cát cánh là bao nhiêu?
Chữa ho, ho có đờm thường dùng 3–12g cát cánh, dưới dạng thuốc sắc.
Một số bài thuốc có cát cánh
Cát cánh có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa ho, tiêu đờm:
- Cát cánh 4g, cam thảo 8g. Thêm 600ml nước sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Cát cánh, bạc hà, mộc thông, cây bươm bướm, chiêu liêu, mỗi vị 6g. Sắc lấy nước uống.
- Cát cánh, trần bì, bán hạ chế, mạch môn sao, ngưu tất, ngũ vị tử, tiền hồ, ma hoàng, mỗi vị 6g. Sắc lấy nước uống (dùng trong ho suyễn đờm nhiều kéo lên gây nghẹt cổ).
- Cát cánh, kinh giới, bách bộ, mỗi vị 200g; cam thảo 60g; trần bì 100g. Đem tán nhỏ các vị, trộn đều, ngày uống 3–9g bột, chia làm 3 lần, uống sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Có thể chế thành cao lỏng để dùng.
2. Chữa miệng hôi, cam răng:
Cát cánh, hồi hương lấy bằng nhau rồi tán nhỏ, trộn đều, chấm vào nơi cam răng đã rửa sạch.
3. Chữa cảm ngoại trong lạnh ngoài nóng, sợ rét, không khát, chân tay lạnh, tiêu chảy ra phân sống:
Cát cánh 5,7g; bán hạ 7,5g; thương truật 2,8g; trần bì 2,3g; can khương 1,5g; hậu phác 1,5g; nhục quế 1,2g; bạch linh 1,2g; bạch chỉ 1,2g; xuyên khung 1,2g; đương quy 1,2g; bạch thược 1,2g; cam thảo 1,2g.
Lưu ý, thận trọng khi sử dụng cát cánh
Khi dùng cát cánh, bạn nên lưu ý những gì?
Không được dùng cát cánh dưới dạng thuốc tiêm và những người âm hư mà bị ho lâu ngày, có chiều hướng ho ra máu.
Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng cát cánh với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của dược liệu cát cánh
Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng cát cánh trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thảo dược này.
Những tương tác có thể xảy ra với cát cánh
Cát cánh có thể gây ra tương tác với một số thuốc hay sản phẩm bảo vệ sức khỏe mà bạn đang dùng. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc thầy thuốc khi muốn dùng dược liệu này.
Kenshin không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
>>>>>Xem thêm: Trứng cá tầm: 8 lợi ích sức khỏe xứng tầm “hoàng gia”