Bạn đọc hỏi:
Chào bác sĩ, tôi năm nay 35 tuổi. Sau khi mắc Covid-19, tôi thường bị mệt mỏi, hụt hơi, chóng mặt, da nhợt nhạt xanh xao. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cá nhân và công việc của tôi. Tôi nghe nói dùng nhân sâm có thể trị chứng hậu Covid-19. Điều này có thật không? Xin bác sĩ cho tôi biết Nhân sâm có tác dụng gì? Và có thể dùng nhân sâm cho bệnh nhân hậu Covid-19 ra sao?
Bạn đang đọc: Hỏi đáp bác sĩ: Nhân sâm có tác dụng gì? Dùng nhân sâm cho bệnh nhân hậu Covid-19 ra sao?
Ngọc Anh (35 tuổi)
Bác sĩ trả lời:
Chào bạn,
Với câu hỏi: “Nhân sâm có tác dụng gì? Dùng nhân sâm cho bệnh nhân hậu Covid-19 ra sao?“, BS CKI. Võ Thị Nhung (Quân Y Viện 7A) giải đáp như sau:
Nhân sâm là một vị thuốc nổi tiếng, được sử dụng từ rất lâu đời trong nền y học phương Đông. Nhân sâm có bộ phận dùng là rễ cây. Tên khoa học là Panax ginseng C.A. Mey., họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Cây nhân sâm được trồng sau 6 năm mới cho thu hoạch để đảm bảo tác dụng hoạt chất của dược liệu. Sau khi thu hoạch, củ nhân sâm phải được bào chế và bảo quản để giữ được độ ẩm có trong củ. Sau đó phân loại nhân sâm tốt để làm hồng sâm, nhân sâm kém để làm bạch sâm. Trên thị trường, nhân sâm được phân loại theo rễ củ: Nhân sâm rễ củ to là Đại vĩ; vừa là Trung vĩ; nhỏ là Tiểu vĩ.
Y học cổ truyền cho rằng, nhân sâm là vị thuốc có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi ấm; quy kinh phế, tỳ. Có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân dịch.
Vậy nhân sâm có tác dụng gì?
Các tác dụng của nhân sâm có thể được kể đến như sau:
Ứng dụng trên lâm sàng
- Bổ khí, sinh tân dịch: Để điều trị các chứng bệnh mãn tính gây mệt nhọc, ăn kém không ngon miệng, tiếng nói nhỏ, ngại nói (cơ thể suy nhược). Cơ thể háo khát, trẻ em bị kinh giản. Giúp tăng cường trí não ở người làm việc cường độ cao, stress, người lớn tuổi.
- Chữa choáng và trụy mạch: Do mất máu, mất nước ra nhiều mồ hôi gây chứng chân tay lạnh, sắc mặt trắng bệch, mạch nhanh nhỏ khó bắt.
- An thần do huyết hư không nuôi dưỡng được tâm thần gây chứng vật vã. Nằm mê, ngủ ít, hoảng hốt.
- Chữa hen suyễn: Khó thở, thở dốc, người gầy sút, xanh xao.
- Cầm ỉa chảy mạn tính do tỳ hư biểu hiện: Chán ăn, người mệt mỏi, bụng đầy chướng.
- Dùng kết hợp các vị thuốc bổ khí khác điều trị chứng khí hư hạ hãm biểu hiện sa dạ dày, sa trực tràng, sa dạ con.
- Y học hiện đại cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng của nhân sâm trên cơ thể người. Theo đó, các nhà khoa học phát hiện được rằng thành phần hoạt chất, nhân sâm có ít nhất 12 loại glycosid, 14 loại acid amine, các hợp chất phenol, flavonoid, phytosterol, các loại đường và sinh tố, acid nicotinic, các khoáng chất Na, K, Ca, Mg, Mn, Fe, Cu, Zn, Ge. Trong đó, thành phần hoạt chất chính mang đến tác dụng dược lý của Nhân sâm là Saponin gồm các ginsenosides: Ginsenosides Ro, Re, Rg1, Rg2, Rg3, Rh1, Rh2, Ra1, Ra2.
Từ đó, tác dụng dược lý quan trọng của nhân sâm bao gồm
- Tác dụng trấn tĩnh hệ thống thần kinh trung ương. Liều nhỏ có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, liều lớn có tác dụng ức chế.
- Kích thích khả năng phản ứng của cơ thể, tăng lượng máu và oxy lên não, chống lại sự mệt mỏi.
- Có tác dụng nâng cao miễn dịch toàn diện, tăng tế bào bạch cầu và phòng chống bệnh máu trắng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Tăng cường chức năng của tuỷ xương, điều hoà chuyển hoá glucose, giảm kích thích sinh tổng hợp protein ADN và RNA.
- Giảm lipid máu, cải thiện mỡ trong gan, phòng xơ vữa động mạch, chống lão suy.
- Tăng sức đề kháng của cơ thể đối với nguyên nhân gây độc, hạ đường huyết.
- Ngoài ra, nhân sâm còn có tác dụng trị liệt dương.
Quay trở lại với câu hỏi của bạn, với các triệu chứng bạn kể ra, rất có thể bạn đang gặp phải vấn đề về di chứng hậu Covid. Tuy nhiên, để chắc chắn về chẩn đoán thì bạn phải được thăm khám một cách cụ thể.
Hiện tại Covid được xem là một bệnh lý ảnh hưởng đa cơ quan. Cơ thể sau khi bị mắc bệnh đã bị tổn thương ở nhiều cơ quan, nên hệ miễn dịch cũng dần suy yếu. Để điều trị các di chứng do Covid-19 mang lại thì ngoài việc rèn luyện lại các thói quen tốt như tập thể dục, ăn uống đúng giờ, đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý thì việc sử dụng thêm một số dược liệu để phục hồi sức khoẻ là điều cần thiết. Trong đó nhân sâm là dược liệu hàng đầu trong Y học cổ truyền dùng để hồi phục sức khoẻ cho bệnh nhân suy nhược cơ thể.
Tìm hiểu thêm: Dị ứng xà phòng: Nguyên nhân do đâu, điều trị thế nào?
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân ra mồ hôi tay và 12 cách trị mồ hôi tay hiệu quả
Hiện nay, nhân sâm cũng đã được nghiên cứu để phát triển một số loại thuốc có tác dụng hồi phục sau Covid-19. Theo các bài thuốc cổ phương của Y học cổ truyền, bạn có thể sử dụng nhân sâm như sau:
- Độc sâm thang (đơn thuốc có một vị duy nhất là nhân sâm) chữa người bệnh quá suy nhược sau khi mắc bệnh lý cấp tính, mãn tính, mất máu nhiều: Nhân sâm 40g; nước 400ml (2 bát) sắc còn 200ml (1 bát), cho uống từng ít một lúc thuốc còn ấm, không kể thời gian. Uống xong cần nằm yên nghỉ ngơi.
- Chữa tỳ khí hư, mặt nhợt nhạt, chân tay đau mỏi, không muốn ăn, nôn mửa: Dùng bài thuốc “Tứ quân tử thang”: Nhân sâm 10g, bạch truật 9g, phục linh 9g, cam thảo (chích mật ong) 6g. Tất cả tán thành bột. Mỗi lần dùng 6g sắc với 200ml nước, còn 150 ml, uống không kể thời gian.
- Trường hợp mạch suy kiệt nhanh nhỏ khó bắt, mồ hôi ra nhiều, chân tay quyết lạnh dùng bài thuốc “ Sâm phụ thang”: Nhân sâm 40g (có thể 20g), phụ tử chế 20g (có thể dùng 10g), sinh khương 3 lát, táo đen 3 quả, nước 3 bát (600ml) sắc còn 200ml (1 bát) chia làm nhiều lần uống trong ngày.
- Trường hợp người mệt, giọng nói hụt hơi, ho kéo dài, đờm ít khó khạc, hay ra mồ hôi: Dùng bài thuốc “Sinh mạch tán’: Nhân sâm 9g, Ngũ vị tử 6g, mạch đông 9g. Sắc uống ngày 1 thang.
Liều lượng khuyên dùng: 2-12g/ngày. Nếu choáng hay truỵ mạch có thể dùng tới 12-30g/ngày.
Lưu ý: Nhân sâm không dùng cho người đau bụng đi ngoài, bệnh có thực tà, người cao huyết áp. Không dùng nhân sâm đồng thời với củ cải và uống trà đặc.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ Nhân sâm có tác dụng gì và cách dùng nhân sâm cho bệnh nhân hậu Covid-19. Chúc bạn sớm hồi phục sức khỏe.
Trân trọng!
Nội dung của Kenshin có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.