Đau khớp có thể xảy ra ở bất cứ ai ở mọi lứa tuổi. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện trên toàn quốc tại Mỹ thì có khoảng 1/3 số người trong độ tuổi trưởng thành cho biết họ bị đau nhức ở khớp xương trong 30 ngày gần đây. Cũng trong khảo sát này thì đầu gối chính là vị trí mà cơn đau hay xảy ra nhất, kế đến là vai và hông. Những cơn đau khớp có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bệnh nhân.
Bạn đang đọc: Cảnh báo: Đừng chủ quan khi bị đau khớp
Nội Dung
Đau khớp là bệnh gì?
Khớp xương được tạo thành từ sụn, xương, dây chằng, gân, cơ và là nơi gặp nhau của hai xương rời nhau. Khớp xương có thể được tìm thấy ở khắp nơi trên cơ thể chúng ta, từ cổ, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay cho đến đầu gối. Hiện tượng đau khớp xảy ra khi một thành phần trong khớp xương bị thương tổn do chấn thương, vận động quá nhiều. Tuy vậy, thường thì viêm khớp (tình trạng xảy ra khi khớp xương bị viêm) và thoái hoá khớp – là những nguyên nhân chính gây đau khớp.
Đau khớp có thể đi kèm với những cơn đau ở cơ hay xương. Những cơn đau khớp có thể gây ra cảm giác khó chịu và đau nhức ở mức vừa ngay sau khi bạn thực hiện một vài cử động cho đến những cơn đau nghiêm trọng khiến các cử động trở nên khó khăn, nhất là khi bạn nâng vật nặng.
Các cơn đau có thể biến mất sau một vài tuần (đau cấp tính) hay kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng (đau mãn tính). Dù có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định lên cuộc sống của bạn nhưng những cơn đau khớp này thường ít khi nào dẫn đến những tình trạng nghiêm trọng hơn nếu bạn đừng chủ quan với nó. Bác sĩ có thể điều trị chứng đau khớp của bạn bằng thuốc, vật lý trị liệu hay những phương pháp điều trị thay thế khác.
Nguyên nhân gây đau khớp
Đau khớp có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào trên cơ thể người. Đau khớp thường xảy ra ở những người già do tốc độ tạo ra những tế bào mới đã chậm dần và càng lớn tuổi thì những cơn đau nhức càng xuất hiện thường xuyên hơn.
Trong số tất cả các khớp xương thì khớp gối thường xuyên bị đau nhất. Các nguyên nhân sau đây thường gây đau khớp gối:
- Thoái hoá khớp;
- Tổn thương các thành phần trong khớp do chấn thương như sụn chêm, sụn khớp, dây chằng;
- Chảy máu bên trong khớp sau chấn thương;
- Viêm xương khớp;
- Viêm bao hoạt dịch;
- Viêm gân;
- Gút hay gút giả;
- Nhiễm trùng khớp.
Vì chúng ta có nhiều khớp, đau khớp có thể xảy ra ở nhiều hơn một khớp. Một vài bệnh lý có thể gây ra tình trạng đau đa khớp:
- Viêm xương khớp;
- Viêm khớp dạng thấp;
- Viêm khớp vẩy nến;
- Viêm khớp do nhiễm virus hay vi trùng;
- Một bệnh lý mô liên kết;
- Ung thư.
Ai là người dễ bị đau khớp?
Bất kì ai cũng có thể bị đau khớp. Nhưng nếu bạn thuộc những người sau đây sẽ dễ bị đau khớp hơn:
- Những người cao tuổi do xương, khớp không còn chắc khỏe dẫn đến thoái hóa, loãng xương;
- Những người có dị dạng khớp, thừa cân béo phì hoặc thiếu dinh dưỡng;
- Những người khi trẻ lao động nặng thì đến tuổi trung niên hoặc về già cũng dễ bị đau khớp;
- Những người bị chấn thương khớp do tai nạn như đụng xe, ngã té, bong gân cũng dễ đưa tới tình trạng đau khớp.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Đau khớp hiếm khi cần phải nhập viện khẩn cấp. Đa phần, những trường hợp đau khớp nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Dù vậy, để an toàn thì bạn nên đi khám bác sĩ nếu tình trạng đau khớp đi kèm theo những triệu chứng sau đây:
- Sưng;
- Đỏ;
- Có cảm giác mềm và nóng quanh khớp.
Bạn phải đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu đau khớp sau chấn thương và đi kèm theo:
- Biến dạng khớp;
- Không thể cử động khớp xương;
- Đau nhức dữ dội.
- Sưng khớp đột ngột.
Bác sĩ sẽ tìm xem nguyên nhân gây đau khớp là gì. Bạn sẽ cần phải mô tả cơn đau cho bác sĩ biết và có thể sẽ trả lời những câu hỏi dưới đây:
- Bị đau những khớp nào?
- Đau khi nào? Khi vận động hay cả khi nghỉ ngơi, buổi sáng hay buổi chiều khi làm việc về hay đau cả ngày, v.v.?
- Cơn đau có trầm trọng hơn khi thay đổi thời tiết hay khi vận động nhiều, v.v. hay không?
- Có bị những triệu chứng nào khác hay không?
Để có thể chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm máu, chụp X-quang để loại bỏ nguy cơ bị gãy xương hay chụp cộng hưởng từ và những nghiệm pháp vận động.
Biện pháp điều trị đau khớp
Đau khớp có thể được kiểm soát tại nhà, nhất là nếu cơn đau ngắn hạn và nhẹ. Dưới đây là những cách phổ biến để chữa đau khớp mà bạn có thể thực hiện tại nhà:
- Bảo vệ khớp bằng bao hoặc bọc vải;
- Để khớp nghỉ ngơi, tránh các hoạt động gây đau nhức;
- Chườm đá lên khớp nhiều lần trong ngày, mỗi lần trong khoảng 15 phút trong giai đoạn đau cấp 48-72 giờ đầu;
- Nâng khớp cao hơn vị trí của tim.
Bạn có thể dùng túi đá hay túi nóng (không dùng trong giai đoạn viêm cấp 48-72 giờ đầu) để làm dịu phần cơ chung quanh khớp xương, giúp giảm căng cơ và đau nhức. Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng nẹp hoặc băng vải để hạn chế cử động ở mức tối đa. Tuy nhiên, bạn cần tránh để khớp xương bất động trong thời gian quá lâu để khớp không bị cứng và mất khả năng cử động. Nếu những cơn đau ở mức vừa và xảy ra nhiều nơi thì bạn có thể yêu cầu bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị khác. Trước khi chọn một phương pháp điều trị thì bạn cần thảo luận với bác sĩ về tác dụng phụ và thời gian kéo dài của phương pháp điều trị và liệu quá trình điều trị có gây cản trở những loại thuốc hay chất bổ trợ mà bạn đang sử dụng hay không.
Bạn cũng nên biết rằng đôi khi các phương pháp điều trị chỉ giúp khống chế cơn đau. Nếu bạn không điều trị dứt điểm nguyên nhân ẩn sau bên trong thì cơn đau sẽ quay lại trong tương lai. Bạn thậm chí có thể khiến khớp xương bị tổn thương năng hơn do không cảm nhận được cơn đau. Do vậy, đa phần các bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân tiềm ẩn trước trong khi giúp giảm thiểu cơn đau. Một vài biện pháp có thể được áp dụng để kiểm soát cơn đau, chẳng hạn như:
- Sử dụng các loại thuốc bôi giảm đau khớp kích hoạt cơ thể tiết ra endorphin – một loại hormone giảm đau;
- Các loại thuốc, chẳng hạn thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) và paracetamol để giảm đau. Một vài loại thuốc chống trầm cảm và khử trùng có thể can thiệp vào quá trình truyền dẫn các tín hiệu của cơn đau lên hệ thần kinh, khiến bạn không còn cảm thấy đau nhức hay bạn có thể sử dụng các loại thuốc làm giãn cơ để giảm chuột rút và căng cơ ở trong và chung quanh khớp xương;
- Tiêm steroid vào khớp xương khoảng 3-4 tháng một lần. Biện pháp này hầu như mang lại hiệu quả tức thời nhưng chỉ là giải pháp ngắn hạn và có thể có nhiều biến chứng;
- Loại bỏ chất dịch gây sưng tấy ở trong khớp;
- Tiêm hyaluronan (axit hyaluronic) – một loại dịch tổng hợp có công dụng như chất dịch tự nhiên có trong khớp xương. Phương pháp này có thể được dùng để điều trị viêm xương khớp;
- Phương pháp vật lý trị liệu có thể giúp khôi phục chức năng của khớp và cải thiện mức độ cử động. Việc áp dụng vật lý tị liệu cũng giúp cố định khớp xương và tăng cường phần cơ xung quanh khớp.
Những mẹo để bạn không bị đau khớp
Việc co duỗi, vận động nhiều hay để khớp xương chịu quá nhiều áp lực thường dẫn đến đau khớp. Nếu bạn bị thừa cân thì việc giảm cân có thể hạn chế một ít áp lực lên những khớp xương bị đau. Bên cạnh áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý, bạn cũng nên thử tập những môn thể thao ít đòi hỏi nhiều sức lực như đi bộ để giúp khớp xương chắc khỏe. Bơi lội và đạp xe là những bài tập tốt nhất cho khớp xương mà không gây tác động lên chúng.
>>>>>Xem thêm: Nấm dương vật: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa