Phẫu thuật cấy ghép tay

Phẫu thuật cấy ghép tay

Tìm hiểu chung

Phẫu thuật ghép tay là gì?

Ghép tay là một lựa chọn điều trị cho những người bị mất một hoặc cả hai bàn tay. Trong cấy ghép tay, người bệnh sẽ được ghép bàn tay và một phần cẳng tay của người hiến. Ghép tay là kỹ thuật phẫu thuật chuyên biệt chỉ được thực hiện tại một vài trung tâm cấy ghép trên toàn thế giới.

Bạn đang đọc: Phẫu thuật cấy ghép tay

Mặc dù không đảm bảo hoàn toàn tất cả các trường hợp nhưng cấy ghép tay có thể giúp hồi phục một số chức năng nhất định cũng như cảm giác của bàn tay. Dù phẫu thuật này góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nhưng người được ghép tay cần cam kết theo dõi điều trị suốt đời. Trong đó, người được ghép tay sẽ sử dụng thuốc ức chế miễn dịch vì hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể sẽ cố gắng từ chối hoặc đào thải bàn tay ghép. Bên cạnh đó, người được ghép tay sẽ cần tham gia các buổi vật lý trị liệu định kỳ để kiểm tra tình trạng của bàn tay mới.

Khi nào bạn có thể phẫu thuật ghép tay?

Cấy ghép tay là thủ thuật không thể thực hiện đại trà, mà cần phải chọn lọc điều kiện. Khi kết hợp giữa cơ thể người được ghép tay với bàn tay của người hiến, bác sĩ phẫu thuật sẽ xem xét:

  • Nhóm máu
  • Loại mô
  • Màu da
  • Độ tuổi giữa người cho và người nhận (từ 18–69 tuổi)
  • Bảo đảm cùng giới tính giữa người cho và người nhận
  • Kích thước bàn tay
  • Khối lượng lớn cơ bắp

Ngoài ra, người nhận cần chắc chắn không có tiền sử nhiễm HIV hoặc viêm gan C, không mắc các bệnh ung thư nào trong vòng 5 năm. Nếu là nữ thì cần quyết định không mang thai trong 1 năm sau ghép.

Điều cần thận trọng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Phẫu thuật ghép tay có rủi ro gì?

Ghép tay là một một cuộc đại phẫu và mang tất cả các rủi ro điển hình của phẫu thuật cấy ghép như nhiễm trùng, chảy máu và hình thành cục máu đông (huyết khối). Huyết khối sẽ làm giảm lưu lượng máu đến tay ghép, là biến chứng nghiêm trọng đòi hỏi phải phẫu thuật ngay lập tức để xử lý.

Thải ghép

Việc cơ thể từ chối bàn tay của người hiến cũng xảy ra vì hệ thống miễn dịch xem bàn tay ghép là “đối tượng’ lạ. Tương tự như khi có sự xâm nhập của virus hoặc vi khuẩn, hệ thống miễn dịch sẽ cố gắng triệt tiêu mô cấy ghép đó. Việc thải ghép này có thể xảy ra theo hai cách:

  • Thải ghép cấp tính xảy ra khi hệ thống miễn dịch cố gắng nhanh chóng phá hủy bàn tay ghép bằng cách cho kháng thể tấn công các mạch máu và mô lạ. Người được ghép tay có thể thấy phát ban, sưng hoặc thay đổi màu da bàn tay hay cánh tay. Có người cũng sẽ cảm thấy đau. Thải ghép cấp tính thường được kiểm soát bằng thuốc, nhưng trong những trường hợp hiếm hơn, bác sĩ cần phải tháo tay ghép ra. Nếu từng bị thải ghép cấp tính trước đó, người bệnh vẫn có thể cấy ghép tay khác. Tuy nhiên trong trường hợp này, việc tìm tay hiến phù hợp có thể gặp nhiều khó khăn hơn.
  • Thải ghép mãn tính xảy ra trong một khoảng thời gian dài hơn. Bàn tay ghép có thể trở nên đau đớn và mất chức năng. Người được ghép tay sẽ nhận thấy lông trên tay ghép rụng dần hoặc móng tay thay đổi.

Người ghép tay cần biết cách theo dõi các dấu hiệu thải ghép từ sớm. Hãy báo cho bác sĩ về bất kỳ thay đổi nào về ngoại hình hoặc cảm giác từ tay ghép nếu có. Nếu các bác sĩ nghi ngờ cơ thể đang từ chối bàn tay được hiến, người ghép tay có thể cần dùng đến thuốc chống thải ghép và thực hiện các xét nghiệm bao gồm sinh thiết mô trong tay ghép.

Rủi ro ức chế miễn dịch

Thuốc ức chế miễn dịch là những loại thuốc dùng để ngăn cơ thể từ chối tiếp nhận bàn tay được ghép. Người ghép tay sẽ cần dùng thuốc này trong suốt quãng đời còn lại.

Tác dụng phụ chính của thuốc ức chế miễn dịch bao gồm:

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng như cytomegalovirus (CMV)
  • Tăng nguy cơ ung thư
  • Tổn thương thận
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
  • Loãng xương
  • Tăng cholesterol, tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Mụn
  • Tăng cân
  • Mất ngủ
  • Rụng tóc
  • Bầm tím
  • Tiêu chảy
  • Nhức đầu
  • Buồn nôn

Để giảm tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch và nguy cơ bị thải ghép, người ghép tay nên:

  • Dùng thuốc ức chế miễn dịch đúng giờ và đúng cách, cố định mỗi ngày (kèm hoặc không kèm theo thức ăn)
  • Không bao giờ ngừng dùng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ
  • Hiểu các tác dụng phụ từ thuốc và tham khảo với các chuyên gia cấy ghép để giảm thiểu tác dụng phụ
  • Xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra hiệu quả của thuốc ức chế miễn dịch

Mặc dù thuốc ức chế miễn dịch có thể giúp giảm nguy cơ bị thải ghép, nhưng chúng cũng có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào như sốt, phát ban hoặc sưng, hãy liên hệ ngay cho bác sĩ.

Quy trình thực hiện

Sàng lọc người nhận

Trước khi được cấy ghép tay, người bệnh cần xem xét cẩn thận các lợi ích, rủi ro của quy trình và cam kết chăm sóc, theo dõi tình trạng tay ghép suốt đời. Ví dụ như:

  • Thường xuyên thăm khám tại cơ sở y tế thực hiện cấy ghép
  • Thường xuyên tập vật lý trị liệu
  • Uống thuốc ức chế miễn dịch hàng ngày và kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Người bệnh sẽ được đánh giá điều kiện bởi các chuyên gia phẫu thuật cấy ghép. Những người bị cụt từ giữa hoặc đoạn cuối cánh tay (mất bàn tay) có thể được cấy ghép. Ngoài ra cần đảm bảo:

  • Hoàn thành bài kiểm tra thể chất toàn diện bao gồm tia X, xét nghiệm máu và các phép đo khác về sức khỏe thể chất
  • Hoàn thành bài đánh giá sức khỏe tinh thần và cảm xúc để kiểm tra các kỹ năng đối phó, hỗ trợ gia đình và xã hội cũng như khả năng kiểm soát – chăm sóc sau ghép
  • Không có tiền sử bệnh thần kinh mãn tính, như bệnh thần kinh ngoại biên
  • Không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh tim hoặc ung thư không thể điều trị
  • Không có nhiễm trùng nghiêm trọng gần đây
  • Là người không hút thuốc, do thuốc lá làm vết mổ lâu lành
  • Không lạm dụng rượu, không dùng ma túy
  • Hoàn thành đánh giá tài chính về chi phí chăm sóc sau ghép

Chuẩn bị thực hiện cấy ghép

Khi đã đạt đủ điều kiện cho một ca phẫu thuật ghép tay, người bệnh sẽ được đưa vào danh sách chờ đợi bộ phận ghép phù hợp. Thời gian chờ có thể không xác định được vì còn phụ thuộc vào sàng lọc người hiến.

Trong lúc đó, người bệnh cần chuẩn bị càng nhiều càng tốt cho ca phẫu thuật, như:

  • Xét nghiệm máu và gặp các chuyên gia cấy ghép để được đánh giá liên tục về mức độ sẵn sàng phẫu thuật của cơ thể.
  • Tăng cường các bài tập vật lý trị liệu nếu có yêu cầu. Việc này nhằm làm tăng sức mạnh và tính linh hoạt của cánh tay trước khi cấy ghép.
  • Sắp xếp phương tiện đi lại và chỗ nghỉ. Các chuyên gia cấy ghép thường yêu cầu người bệnh ở lại trong vòng 10 giờ để chuẩn bị phẫu thuật. Sau khi cấy ghép, người bệnh cũng sẽ cần ở gần để dễ thăm khám trong vài tháng. Các chuyên gia cấy ghép có thể đề xuất chỗ ở dài hạn nếu người bệnh cần.
  • Trao đổi thường xuyên với các chuyên gia cấy ghép. Nếu có bất kỳ thay đổi nào như thuốc, truyền máu hoặc chẩn đoán mắc bệnh mãn tính, hãy thông báo ngay lập tức. Ngoài ra hãy chắc chắn luôn cập nhật các thông tin liên lạc như địa chỉ, số điện thoại cá nhân hoặc gia đình.

Thực hiện cấy ghép

Cấy ghép tay là một loại phẫu thuật phức tạp mất từ 18–24 giờ và được thực hiện bởi một nhóm các bác sĩ phẫu thuật. Gia đình người bệnh cũng sẽ được cập nhật đều đặn về tiến trình phẫu thuật.

Khi đã chuẩn bị sẵn sàng bàn tay hiến tặng, trước tiên các bác sĩ phẫu sẽ nối xương bằng các tấm kim loại nhỏ. Sau đó nối các mạch máu, dây thần kinh và gân bằng loại chỉ chuyên dụng dưới kính hiển vi phẫu thuật. Khi tất cả các bộ phận của bàn tay của người hiến và cánh tay của người nhận đã được kết nối, bác sĩ sẽ khâu phần da lại.

Sau khi phẫu thuật, người bệnh được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Tại đây, chức năng của bàn tay ghép sẽ được kiểm tra bằng cách như tự cử động các ngón. Có thể phòng sẽ có nhiệt độ cao hơn nhằm thúc đẩy lưu thông máu đến bàn tay mới ghép.

Khi đủ ổn định, người ghép tay sẽ rời phòng chăm sóc đặc biệt để về phòng bệnh thường và có thể ở lại bệnh viện từ 7–10 ngày. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe hậu phẫu sẽ giúp người bệnh kiểm soát cơn đau. Điều quan trọng là người bệnh cần thường xuyên báo cáo mức độ đau, vì việc kiểm soát cơn đau có thể tăng tốc độ phục hồi.

Một chuyên gia trị liệu tay sẽ hướng dẫn tập vật lý trị liệu sau đó để hồi phục chức năng tay. Giữa các buổi tập, người bệnh sẽ đeo nẹp trên tay để giữ ổn định. Ngoài ra người bệnh cũng được hướng dẫn những bài tập tự thực hiện, không cần có mặt chuyên gia.

Sau cấy ghép, người bệnh có thể thay đổi cảm xúc, hay khó ngủ và khó thích nghi với thói quen chăm sóc bàn tay mới. Hãy tham khảo ý kiến các chuyên gia cấy ghép để tìm giải pháp phù hợp.

Kết quả

Kết quả của phẫu thuật cấy ghép tay là gì?

Vì phẫu thuật cấy ghép tay là một kỹ thuật tương đối mới, cần thực hiện đúng kế hoạch chăm sóc sau ghép một cách cẩn thận để tăng cơ hội phục hồi càng nhiều chức năng của tay càng tốt.

Qua thực tế phẫu thuật, người được ghép tay có thể:

  • Nhặt các vật nhỏ, ví dụ như đinh vít, bu-lông
  • Nâng vật nặng hơn bằng một tay, ví dụ như một bình sữa đầy
  • Sử dụng cờ lê và các công cụ khác
  • Xòe lòng bàn tay và nắm lại
  • Dùng dao và nĩa
  • Thắt các nút thắt như dây giày
  • Bắt quả bóng

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Kenshin không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

>>>>>Xem thêm: Cùng tìm hiểu nguyên nhân và tác hại của chứng cuồng dâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *