Gãy cổ xương đùi

Gãy cổ xương đùi

Định nghĩa

Gãy cổ xương đùi là bệnh gì?

Gãy cổ xương đùi là tình trạng gãy xương đùi ở gần khớp hông. Khớp hông là một khớp dạng cầu, là điểm giao nhau của xương chậu và xương đùi. Gãy cổ xương đùi tức là gãy phần cổ xương gần với khớp hông, nằm ngay dưới chỏm xương đùi. Nguồn máu cung cấp đến chỗ gãy xương thường bị gián đoạn, vì vậy chỗ gãy này khó lành. Tuy nhiên hầu hết mọi người phục hồi hoàn toàn sau khi phẫu thuật.

Bạn đang đọc: Gãy cổ xương đùi

Những ai thường mắc phải gãy cổ xương đùi?

Người già, đặc biệt là phụ nữ, hay bị gãy xương đùi do loãng xương liên quan đến sự lão hoá. Nếu xương đùi mỏng và yếu đi, thậm chí xoay người cũng có thể dẫn đến gãy xương. Lên đến 25% phụ nữ trên 75 tuổi bị loãng xương nặng, dẫn đến gãy cổ xương đùi.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những triệu chứng và dấu hiệu của gãy cổ xương đùi là gì?

Triệu chứng là đau ở vùng hông, mông, vùng mu, đặc biệt là khi cử động hông hoặc chân. Chân ở phía bên bị gãy thường ngắn hơn chân còn lại và bàn chân sẽ xoay vào trong. Sau một thời gian có thể thấy vết bầm tím ở vùng hông, đặc biệt là ở người gầy.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp chấn thương mạnh hoặc nhận thấy các triệu chứng kể trên, hay có cảm giác bị gãy xương, bạn nên đi khám bác sĩ. Dù gãy cổ xương đùi khó lành, tình trạng này có thể hồi phục hoàn toàn nếu tiến hành phẫn thuật. Bạn nên gọi bác sĩ nếu gặp phải một trong những vấn đề sau khi phẫu thuật dưới đây:

  • Thường xuyên bị đau hông sau khi phẫu thuật. Đau này có thể là nhiễm trùng, chảy máu, hoặc khớp háng nhân tạo bị lỏng.
  • Gặp khó khăn trong việc đi lại, điều này có thể là dấu hiệu của khớp háng nhân tạo bị lỏng.
  • Có triệu chứng nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt hay sưng đỏ ở vết mổ.
  • Nguyên nhân

    Nguyên nhân gây ra gãy cổ xương đùi là gì?

    Nguyên nhân có thể là do tai nạn ô tô hoặc té ngã nghiêm trọng. Ở những trường hợp xương yếu, hành động xoay người cũng có thể dẫn tới gãy xương.

    Nguy cơ mắc bệnh

    Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi?

    Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi, bao gồm:

    • Tuổi cao: do giảm mật độ xương và khối cơ; có vấn đề về thị lực và thăng bằng gây dễ té ngã.
    • Giới tính: phụ nữ giảm mật độ xương nhanh hơn nam giới, một phần do sụt giảm estrogen khi mãn kinh.
    • Bệnh mãn tính: bệnh lý nội tiết, chẳng hạn như cường giáp, có thể làm xương dễ gãy. Bệnh đường ruột gây giảm hấp thu canxi và vitamin D, làm xương yếu và dễ gãy cổ xương đùi. Suy giảm nhận thức cũng khiến bệnh nhân dễ té ngã.
    • Thuốc cortisone, chẳng hạn như prednisone, có thể làm yếu xương nếu dùng lâu dài. Một số thuốc hoặc phối hợp thuốc với nhau có thể làm bạn hoa mắt, dễ bị ngã.
    • Vấn đề dinh dưỡng: thiếu canxi và vitamin D trong chế độ ăn thời trẻ sẽ làm giảm khối lượng xương và làm tăng nguy cơ gãy xương khi về già. Các bệnh lý về ăn uống nghiêm trọng như chán ăn thần kinh và cuồng ăn có thể làm tổn thương xương do lấy đi những dưỡng chất thiết yếu cho quá trình tạo xương.
    • Dùng rượu và thuốc lá: cả hai có thể can thiệp và quá trình tạo và duy trì xương bình thường, kết quả là yếu xương.

    Điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị gãy cổ xương đùi?

    Phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Trong phẫu thuật, một thanh kim loại hoặc tấm kim loại và đinh vít sẽ được dùng để cố định xương. Ngoài ra còn có phương pháp thay thế chỏm xương đùi bằng một chỏm kim loại hoặc phương pháp thay thế cả hai chỏm xương đùi và ổ khớp.

    Đối một số trường hợp đặc biệt, người bệnh được yêu cầu nghỉ ngơi tại giường để chỗ gãy xương lành lại.

    Cách tốt nhất để phòng ngừa gãy cổ xương đùi là ngăn ngừa và điều trị việc loãng xương với chế độ ăn, tập thể dục và thuốc uống hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo rằng đồ vật, nội thất trong nhà an toàn, không dễ gây té ngã.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán gãy cổ xương đùi?

    Bác sĩ tiến hành chẩn đoán bằng cách khám tổng quát để xác định bệnh. Trong một số trường hợp nếu các triệu chứng không rõ ràng hoặc dễ nhầm lẫn với loại bệnh khác, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang cổ xương đùi. Phim X-quang sẽ xác định vị trí gãy chính xác và mức nghiêm trọng của vết gãy.

    Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của gãy cổ xương đùi?

    Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của chỗ gãy:

    • Dùng thuốc theo đơn được kê và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
    • Sử dụng thuốc giảm đau để giúp phục hồi.
    • Thực hiện một chế độ ăn uống phù hợp để cung cấp đủ protein và canxi.
    • Tập thể dục dưới hình thức vật lý trị liệu sẽ giúp xương phục hồi sau phẫu thuật.
    • Hạn chế việc té ngã ở nhà. Đảm bảo nhà có đủ ánh sáng và tránh những đồ vật có thể gây vấp ngã như thảm lót sàn trơn trượt và giày không vừa kích cỡ.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa

    >>>>>Xem thêm: Ung thư dương vật

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *