Bạn đang đọc: Phương pháp điều trị nôn mửa tại nhà cho bé
Nôn mửa là tình trạng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Những phương pháp điều trị đúng cách sẽ giúp trẻ bị nôn hồi phục được sức khỏe của mình.
Hệ tiêu hóa của bé còn non yếu là nguyên nhân khiến con hay gặp phải nhiều vấn đề, điển hình là tình trạng nôn mửa do sự co lại đột ngột của cơ dạ dày. Nôn mửa còn rất dễ dẫn đến mất nước ở trẻ. Bài viết sau sẽ giúp bố mẹ giải quyết vấn đề này cho bé một cách hiệu quả.
Nội Dung
Dấu hiệu khi trẻ bị mất nước
Trẻ em bị mất nước nhanh hơn người lớn. Bố mẹ cần theo dõi con. Nếu phát hiện bé có những biểu hiện như mệt mỏi, cáu kỉnh, khô miệng, ít nước mắt khi khóc, da mát lạnh, mắt hóp lại, không đi tiểu thường xuyên và khi đi không đi nhiều hoặc nước tiểu có màu vàng sẫm thì rất có thể bé đã bị thiếu nước.
Phương pháp điều trị cho trẻ bị nôn mửa tại nhà
Bố mẹ cần chắc chắn rằng trẻ bị nôn uống đủ nước và các chất điện giải cần thiết, đặc biệt là nếu bé bị tiêu chảy có kèm nôn mửa. Điều này là cần thiết để ngăn ngừa mất nước và để bù đắp lại nhu cầu nước, muối khoáng và calo mất đi khi nôn. Bắt đầu cho trẻ uống nước ngay cả khi bé có cảm giác buồn nôn. Nếu con vừa nôn mửa xong, hãy chờ 30−60 phút trước rồi mới cho trẻ uống nước và chia ra với lượng nhỏ.
Tránh cho trẻ ăn thức ăn đặc trong 24 giờ đầu sau khi nôn. Thay vào đó, bố mẹ nên cho bé uống chất lỏng mỗi 5 phút/lần bằng thìa hoặc bình. Nếu trẻ bắt đầu uống nhiều, bạn nên dần dần tăng lượng chất lỏng cho bé uống. Nếu trẻ đang bú sữa mẹ thì mẹ nên tiếp tục cho con bú kết hợp với việc bú thường xuyên hơn bình thường (mỗi 1−2 giờ) và chia thành nhiều lần (5−10 phút một lần).
Bé bú bình cũng cần được bú thường xuyên. Ngoài sữa mẹ và sữa bột, mẹ có thể cho trẻ bị nôn uống thêm một số dung dịch bù nước. Những dung dịch bù nước này giúp bù lại lượng chất lỏng và muối bị mất khi bé nôn. Trẻ bị tiêu chảy nên tránh dùng nước trái cây và nước ngọt, vì chúng có lượng đường cao có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Nếu con bạn bị nôn mửa nhưng không bị tiêu chảy, trẻ có thể uống một ít nước trái cây hoặc nước lọc.
Nếu bé có thể uống các loại nước mà không bị nôn mửa sau 8 giờ đầu tiên, bố mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn lại các thực phẩm rắn. Đối với trẻ nhỏ, mẹ có thể bắt đầu với thức ăn nhạt như sốt táo, chuối nghiền hoặc ngũ cốc cho trẻ sơ sinh. Trẻ lớn hơn (trên 1 tuổi) có thể ăn bánh quy giòn, bánh mì nướng, ngũ cốc hỗn hợp, súp, khoai tây nghiền hoặc bánh mì trắng.
Bé có thể ăn uống bình thường khoảng 24 giờ sau khi tình trạng nôn đã ngừng hẳn. Các nhà nghiên cứu cho rằng gừng có tác dụng kiểm soát buồn nôn và an toàn cho trẻ em trên 2 tuổi. Tuy nhiên, bố mẹ cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ khi muốn thử dùng cách này đối với trẻ.
Trường hợp nên đưa trẻ đến bác sĩ
- Trẻ dưới 12 tuần tuổi và nôn nhiều hơn một lần;
- Bé có dấu hiệu mất nước hoặc bạn nghi ngờ bé bị ngộ độc thực phẩm;
- Bé có những biểu hiện lạ hoặc sốt cao, nhức đầu, nổi ban, cổ cứng hay đau dạ dày;
- Nôn ra máu hay mật xanh hoặc bạn nghĩ rằng trẻ có thể bị viêm ruột thừa;
- Hôn mê, khó tỉnh, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, ói mửa trong hơn 8 giờ.
Nôn mửa còn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe của bé. Chính vì vậy, bố mẹ cần quan sát và điều trị kịp thời cho bé nhé!
>>>>>Xem thêm: Chi phí hóa trị ung thư bao nhiêu tiền?