Trẻ 7 tuần: Mẹ cần quan tâm đến sự thay đổi gì của trẻ?

Trẻ 7 tuần: Mẹ cần quan tâm đến sự thay đổi gì của trẻ?

Chỉ còn 1 tuần nữa thôi là trẻ đã tròn 2 tháng kể từ khi trẻ chào đời rồi đấy. Thời gian trôi qua nhanh quá, mẹ nhỉ? 7 tuần tuổi là mốc thời gian trẻ có thể phát âm ra nhiều tiếng động khác và biết cười. Đọc thêm để biết về sự phát triển của bé trong tuần thứ 7 nhé!

Bạn đang đọc: Trẻ 7 tuần: Mẹ cần quan tâm đến sự thay đổi gì của trẻ?

Hành vi và phát triển

Bé 7 tuần phát triển như thế nào?

Vào tuần tuổi thứ bảy, một số bé có thể:

  • Nhấc đầu lên 45 độ khi nằm sấp;
  • Phát ra âm thanh khác ngoài tiếng khóc (ví dụ như tiếng thủ thỉ);
  • Cười đáp lại khi bạn cười với bé.

Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?

Trong tuần này bé sẽ thức nhiều hơn vào ban ngày. Bạn có thể tận dụng thời gian này để giúp bé phát triển các giác quan bằng cách chơi nhạc hay hát những bài hát ru yêu thích của bạn. Dù không hiểu nhưng bé sẽ hưởng ứng và có phản ứng lại với những câu hát mà bạn ngân nga. Bạn không nhất thiết phải hát những bài hát thiếu nhi. Hãy bổ sung thêm các thể loại khác từ nhạc pop cho tới nhạc cổ điển và quan sát bé thể hiện sự thích thú bằng cách vui đùa, mấp máy môi, giật cánh tay và di chuyển đôi chân bé nhỏ của mình.

Lúc này, bé đã có thể nhận ra giọng nói của bạn. Việc nghe thấy giọng nói quen thuộc của bạn sẽ giúp bé thích nghi với thế giới mới lạ bên ngoài bụng mẹ và giúp bé biết rằng bé không chỉ có một mình. Vì vậy, hãy trò chuyện với bé càng nhiều càng tốt. Bé không thể hiểu được lời nói của bạn, nhưng bé có thể hiểu rằng bạn luôn ở bên bé và cảm nhận được tình yêu thương dạt dào mà bạn dành cho bé.

Sức khỏe và an toàn

Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

Tùy vào tình trạng sức khỏe của con bạn, các bác sĩ sẽ sắp xếp lịch khám cho bé. Tuy nhiên nếu bạn đưa con đi khám bác sĩ vào tuần này, hãy xin ý kiến bác sĩ về các vấn đề sau:

  • Đề nghị bác sĩ hướng dẫn về những gì cần quan tâm trong tháng tiếp theo liên quan đến việc cho ăn, ngủ, sự phát triển và an toàn cho trẻ sơ sinh;
  • Hỏi bác sĩ những loại vắc xin tiêm phòng nào bé cần được tiêm.

Mẹ nên biết thêm những gì?

Mụn trứng cá

Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng mụn trứng cá cũng có thể xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuổi. Khoảng 40% trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng của mụn trứng cá, thường bắt đầu từ tuần thứ 2-3 và thường có thể kéo dài cho đến khi bé được 4 – 6 tháng tuổi. Hiện vẫn chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây ra mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng hormone là một trong những lý do gây ra mụn trứng cá ở trẻ. Các hormone này bắt nguồn từ cơ thể người mẹ và kích thích tuyến mồ hôi non nớt của trẻ, từ đó gây nên tình trạng nổi mụn. Một lý do khác khiến trẻ sơ sinh bị mụn trứng cá là do các lỗ chân lông của trẻ sơ sinh vẫn chưa phát triển toàn diện và dễ dàng bị xâm nhập bởi bụi bẩn.

Nếu con bạn bị mụn trứng cá, hãy rửa mặt cho bé bằng nước sạch hai hoặc ba lần mỗi ngày và vỗ nhẹ da bé cho khô. Mụn trứng cá sẽ biến mất trong vòng một vài tháng mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Bạn cần chú ý tuyệt đối không nặn mụn cho bé. Tốt nhất bạn nên hỏi bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc chăm sóc da cho bé.

Thay đổi màu da

Việc chứng kiến làn da bé chuyển màu có thể khiến bạn sợ hãi. Nhưng thực tế đây chỉ là kết quả của hệ thống tuần hoàn hoạt động chưa hoàn chỉnh trong cơ thể bé khiến cho máu chỉ dồn lại trên một nửa cơ thể. Da bé sẽ từ từ đổi màu trong giây lát, và màu sắc sẽ quay trở lại bình thường. Qua thời gian, tình trạng thay đổi màu da này của bé sẽ được cải thiện và dần biến mất.

An toàn cho bé

Bạn cũng nên lưu ý những điều sau để luôn giữ an toàn cho bé:

  • Không bao giờ để bé một mình trên bàn thay tã, giường, ghế hoặc ghế dài dù chỉ trong một giây. Nếu không có dây đai an toàn trên bàn thay tã, bạn nên dùng một tay để giữ bé;
  • Không bao giờ để bé một mình với vật nuôi trong nhà;
  • Không bao giờ để bé một mình trong phòng với các bé dưới năm tuổi;
  • Không để bé một mình với người giữ trẻ chưa đủ 14 tuổi hoặc người mà bạn không biết rõ hoặc không tin tưởng;
  • Không bao giờ đưa đẩy hoặc lắc mạnh bé ngay cả trong khi chơi, không ném bé hoặc tung bé lên không trung;
  • Không bao giờ để bé một mình ở nhà ngay cả khi bạn chỉ ra ngoài trong giây lát;
  • Không bao giờ rời mắt khỏi bé khi bạn đang đi mua sắm, đi dạo hoặc dạo ở công viên;
  • Tránh cho bé đeo bất kỳ loại dây chuyền hoặc chuỗi hạt nào trên người. Không đặt dây, chuỗi trên bất kỳ đồ chơi hoặc đồ dùng nào của bé;
  • Không đặt các miếng nhựa lên trên nệm hoặc bất cứ nơi nào bé có thể với tới;
  • Không đặt bé lên mặt phẳng gần bên cửa sổ không có rào chắn bảo vệ cho dù trong chốc lát hay khi bé đã ngủ.
  • Mối quan tâm của mẹ

    Những điều mẹ cần quan tâm là gì?

    Cách quấn khăn cho bé 7 tuần

    Một trong những thói quen bạn mà nhiều bà mẹ Việt Nam hay làm là quấn khăn cho bé. Nhiều bé thích được quấn khăn vì điều này khiến bé cảm thấy thoải mái và ngủ ngon hơn. Việc quấn khăn cũng có thể giúp làm dịu cơn quấy khóc của bé. Mặt khác, một số bé dường như không cần quấn khăn hoặc có thể tỏ ra không thích ngay từ đầu. Tùy vào tình trạng và thái độ của bé, bạn có thể lựa chọn cách quấn khăn phù hợp.

    Tuy vậy tất cả các bé sẽ không còn cần quấn khăn nữa một khi bé trở nên hiếu động hơn. Bé sẽ phản đối việc quấn khăn bằng cách cố gắng đạp lớp khăn quấn ra ngoài. Vào thời điểm này, quấn khăn khi bé ngủ có thể không thật sự an toàn: nếu bé đạp khăn ra khỏi cơ thể, khăn có thể vô tình cuốn lấy cổ hoặc mặt bé, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ ngạt thở. Hơn hết, quấn khăn có thể hạn chế sự vận động của bé. Vì vậy, khi bé trở nên hiếu động hơn, hãy bỏ thói quen quấn khăn cho bé.

    Đưa bé ra ngoài

    Khi đưa bé ra ngoài, hãy cho bé mặc quần áo phù hợp, chú ý bảo vệ bé khỏi ảnh hưởng của thời tiết và luôn mang theo quần áo phòng khi thời tiết chuyển lạnh. Nếu trời quá lạnh hoặc quá nóng ẩm, hãy hạn chế thời gian đưa bé ra ngoài. Bạn cũng nên tránh cho bé tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, ngay cả trong thời tiết ôn hòa. Và quan trọng nhất là nếu bạn di chuyển bằng xe hơi, hãy chắc chắn bé được đặt ở ghế an toàn phía sau dành riêng cho trẻ sơ sinh.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    >>>>>Xem thêm: Sữa A2: Sự lựa chọn cho người gặp vấn đề đường tiêu hóa

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *