Bạn đang đọc: 8 cột mốc quan trọng trong quá trình cho bé ăn
Khi bé đã sẵn sàng để bắt đầu ăn thức ăn rắn sẽ có rất nhiều sự kiện quan trọng xảy ra. Sau đây là một số cột mốc quan trọng ấy.
Nội Dung
- 1 Cột mốc thứ 1: bé có thể bắt đầu ăn thức ăn rắn
- 2 Cột mốc thứ 2: bé sẵn sàng chuyển từ ăn thức ăn dạng nghiền sang thức ăn dạng cắt
- 3 Cột mốc thứ 3: bé có thể ngồi trên ghế ăn
- 4 Cột mốc thứ 4: bé có thể tự cầm thức ăn bằng tay
- 5 Cột mốc thứ 5: bé bắt đầu sử dụng muỗng
- 6 Cột mốc thứ 6: bé có thể thử những thức ăn có nguy cơ gây dị ứng cao
- 7 Cột mộc thứ 7: bé có thể uống nước
- 8 Cột mốc thứ 8: bé có thể tự ăn một mình
- 9 Lời khuyên chung cho mẹ dễ nhớ
Cột mốc thứ 1: bé có thể bắt đầu ăn thức ăn rắn
Hầu hết các bác sĩ nhi khoa sẽ khuyên bạn cho bé ăn thức ăn rắn khi bé lên bốn đến sáu tháng tuổi. Đó là thời gian khi bé bắt đầu mất “phản xạ lưỡi đẩy” – phản xạ này dùng trong việc bú mẹ hoặc bú bình khi bé còn nhỏ nhưng lại cản trở việc cho bé ăn. Lúc này bé cũng đã có thể tự nâng đầu lên và giữ yên cổ trong một quãng thời gian.
Nếu con bạn đang ở độ tuổi này, bé có thể ngồi dậy với sự hỗ trợ của bạn và bộc lộ sự thích thú khi nhìn bạn ăn. Đây chính là thời điểm tốt để cho bé thử ăn thức ăn đặc hơn sữa. Hệ tiêu hóa của bé từ 4 – 5 tháng tuổi còn non nớt, do đó cho bé ăn dặm vào thời điểm này sẽ có những nguy cơ tuy “khó nhìn thấy” nhưng lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển lâu dài của con. Nếu bé được bú mẹ hoàn toàn thì bạn nên chờ cho đến khi bé được sáu tháng tuổi để bắt đầu cho ăn thức ăn rắn. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới – WHO, thời điểm thích hợp để bắt đầu cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi và vẫn duy trì cho bé bú sữa mẹ càng lâu càng tốt.
Cột mốc thứ 2: bé sẵn sàng chuyển từ ăn thức ăn dạng nghiền sang thức ăn dạng cắt
Việc cho bé ăn thức ăn dạng cắt là một quá trình kéo dài. Bạn không nên cho bé chuyển thẳng từ sữa sang ăn gạo ngũ cốc và bột. Hãy cho bé vài tuần đầu để tập làm quen với việc nhai thay vì chỉ nuốt thức ăn như trước. Bạn hãy cho bé từ từ làm quen với các loại thức ăn mới. Tốt nhất hãy bắt đầu bằng món chuối hoặc bơ nghiền. Bạn cũng có thể mua các loại thực phẩm có sẵn ở các cửa hàng thực phẩm chuyên dụng cho trẻ em.
Cột mốc thứ 3: bé có thể ngồi trên ghế ăn
Khi bé đã sẵn sàng ăn thức ăn rắn, bé có thể ngồi thẳng với sự hỗ trợ của bạn, tự giữ đầu và cổ yên vị. Việc bé có thể ngồi trên ghế cao là một cột mốc quan trọng, tuy vậy bạn sẽ cần phải luôn thắt dây an toàn ngay khi bé ngồi vào ghế dù có thể lúc này bé không thể với tới khay từ chỗ ngồi. Khi bé lớn lên và trở nên hiếu động, bé có thể mở dây thắt ra. Vì vậy hãy tự hình thành một thói quen tốt là thắt dây an toàn ngay khi bạn đặt bé vào ghế, cho dù bạn nghĩ rằng bé không thể bị rơi ra hoặc trèo ra ngoài.
Cột mốc thứ 4: bé có thể tự cầm thức ăn bằng tay
Khi bé ở độ tuổi từ 7 đến 11 tháng, bé sẽ cho bạn biết mình đã sẵn sàng ăn các loại thực phẩm của người lớn bằng cách cố gắng với lấy chúng từ bạn. Đầu tiên, bé sẽ với thức ăn bằng tay, nhưng ngay sau đó bé sẽ phát triển khả năng “nắm gọng kìm’ bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ để kẹp những vật nhỏ. Vào thời điểm đó, con bạn đã thành thạo việc tự ăn, do đó hãy khuyến khích bé cầm thức ăn bằng tay và để bé tự khám phá. Bạn hãy cho bé ăn cùng cả nhà để không khí ăn uống của mọi người giúp bé hào hứng hơn khi bắt đầu hành trình ăn dặm của mình!
Hầu như bất kỳ thực phẩm bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe đều có kết cấu mềm, nhờ vậy bé có thể cầm chúng trên tay. Các thực phẩm như mì Ý cắt nhỏ, các loại rau được nấu chín thái nhỏ như cà rốt, đậu Hà Lan hoặc bí đao; thịt gà và thịt mềm được cắt thành kích thước hạt đậu nhỏ, các loại ngũ cốc hạt tròn nhỏ, không chứa đường là những sự lựa chọn tốt cho bé.
Bạn nên tránh cho bé ăn nho, xúc xích (cho dù chúng đã được cắt nhỏ), các loại hạt và kẹo cứng vì có thể khiến bé bị nghẹt thở khi bị sặc.
Cột mốc thứ 5: bé bắt đầu sử dụng muỗng
Hầu hết các bé sẽ không thể học cách sử dụng muỗng một cách có hiệu quả cho đến khi bé tròn một tuổi. Tuy nhiên, hãy giúp bé thích thú với bữa ăn bằng cách để bé thử dùng muỗng ngay từ khi bé còn nhỏ. Bạn có thể đưa cho bé một chiếc muỗng mềm nhiều màu sắc, hình thù ngộ nghĩnh để cầm trong khi bạn cho bé ăn. Việc này vừa giúp bé tập cầm muỗng vừa giúp đánh lạc hướng bé khỏi ý định giật lấy chiếc thìa từ tay bạn.
Khi bạn nghĩ rằng bé đã có thể đưa muỗng đúng hướng, hãy thử cho bé ăn những thức ăn dày và dính hơn, ví dụ như sữa chua, khoai tây nghiền hoặc phô mai tươi. Hoặc bạn có thể thử mẹo sau đây: cho một ít pho mát kem vào muỗng và rắc ngũ cốc lên trên cùng. Pho mát kem vẫn sẽ ở đó và bé có thể ăn được pho mát kem khi muỗng ngũ cốc được đút vào miệng.
Nếu bạn lo lắng bé sẽ nôn hay nhả ra, hãy cho bé đeo miếng nhựa, yếm không thấm nước và đặt một tấm thảm hoặc giẻ lau dưới ghế để việc dọn dẹp trở nên dễ dàng hơn.
Cột mốc thứ 6: bé có thể thử những thức ăn có nguy cơ gây dị ứng cao
Các bác sĩ nhi khoa vẫn thường khuyên bạn nên đợi cho đến khi bé được ít nhất một tuổi rồi hẵng cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng hoặc cá. Thế nhưng các nghiên cứu hiện tại lại không thể chứng minh bất kỳ lợi ích nào trong việc chờ bé lớn đủ tuổi để cho bé ăn các thực phẩm này, trừ khi gia đình bạn có tiền sử dị ứng với các loại thực phẩm này hoặc bạn có các lý do khác để tin rằng bé dị ứng với một số loại thực phẩm nhất định.
Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy việc cho các bé dưới một tuổi ăn các loại thức ăn dễ dị ứng sẽ làm cho khả năng bị dị ứng của bé tăng cao. Vì vậy bạn hãy cứ cho bé ăn các loại thực phẩm này bình thường, dù cho bé vẫn chưa tròn một tuổi. Nếu thận trọng, bạn có thể tránh cho bé ăn các loài giáp xác và đậu phộng bởi phản ứng dị ứng mà các loại thực phẩm này gây ra có thể đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng bé.
Cột mộc thứ 7: bé có thể uống nước
Trẻ sơ sinh không cần phải uống nước trong sáu tháng đầu đời bởi bé đã có đủ lượng nước cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa bột. Bạn không nên cho trẻ em dưới sáu tháng tuổi uống bất kì loại nước nào vì điều này sẽ nhanh chóng lấp đầy dạ dày nhỏ bé của bé, trong khi bé lại cần các chất dinh dưỡng từ sữa để có thể phát triển. Một khi bé bắt đầu ăn thức ăn thức ăn rắn là chủ yếu – thường là khi bé được khoảng chín tháng tuổi – bé có thể bắt đầu uống nước trong bữa ăn.
Khi bé đã đủ lớn và thể hiện sự quan tâm khi bạn uống nước, việc cho bé nhấp vài ngụm nước sẽ không gây ra vấn đề gì, chỉ cần bạn chắc chắn nước sẽ không thay phần sữa mẹ hoặc sữa bột dinh dưỡng mà bé cần nạp vào cơ thể.
Cột mốc thứ 8: bé có thể tự ăn một mình
Việc luyện thói quen ăn bằng các dụng cụ ăn đòi hỏi bé phải trải qua một quá trình dài để làm quen và sử dụng thuần thục các dụng cụ này. Hầu hết các bé sẽ không thể sử dụng các dụng cụ ăn thành thạo cho tới khi bé lớn hơn một tuổi. Hãy khuyến khích bé luyện tập sử dụng chúng một cách an toàn và chuẩn bị tinh thần để dọn dẹp những mớ hỗn độn mà bé có thể gây nên.
Lời khuyên chung cho mẹ dễ nhớ
Mẹ nên cho bé ăn đa dạng và đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ăn tăng dần từ ít đến nhiều, từ loãng đến sệt, đặc, từ mịn đến thô, từ 1 nhóm đến nhiều nhóm thức ăn. Cho bé ăn ĐÚNG ĐỘ TUỔI, chế biến thức ăn phù hợp theo tuổi, dùng chén muỗng nhiều màu sắc, hình thù ngộ nghĩnh để thu hút bé.
Mẹ cần tập cho bé ăn đúng giờ, đúng cữ. Khuyến khích bé tập trung trong bữa ăn, không xem tivi, chơi trò chơi hoặc các hoạt động xao nhãng khi đang ăn. Không ăn vặt trước bữa ăn.
Nếu bạn cho rằng con mình đang gặp khó khăn với việc ăn uống, hãy hỏi xin ý kiến từ bác sĩ hoặc các chuyên gia nhi khoa để được tư vấn và giải đáp kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với những tác nhân độc hại!