Nhiễm trùng não

Nhiễm trùng não

Tìm hiểu chung

Nhiễm trùng não là gì?

Nhiễm trùng não là tình trạng nhiễm phải vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng ở các mô não hoặc màng bao xung quanh não và tủy sống (màng não). Trong đó, vi khuẩn và virus là nguyên nhân phổ biến gây nên nhiễm trùng não.

Bạn đang đọc: Nhiễm trùng não

Tùy theo vị trí bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ gọi chúng với những tên gọi khác nhau:

  • Viêm màng não: tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở màng não, một lớp màng có 3 lớp bao xung quanh não và tủy sống. Bên trong có một dịch lỏng bao quanh não và tủy sống được gọi là dịch não tủy.
  • Viêm não: tình trạng viêm nhiễm xảy ra ngay tại các tế bào não.
  • Viêm tủy: viêm nhiễm ở tủy sống.

Khi các tác nhân gây nhiễm trùng tập hợp tại một vị trí cụ thể trong não có thể gây áp xe. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trong hệ thần kinh trung ương.

Đánh giá dựa trên nguyên nhân gây nhiễm trùng thì viêm màng não do virus thường gây ra những triệu chứng nhẹ, có thể không cần điều trị đặc hiệu mà vẫn khỏi hoàn toàn mà không để lại biến chứng. Nhiễm trùng não do virus thường gặp hơn 2–3 lần so với do vi khuẩn.

Trong khi đó, viêm màng não do vi khuẩn rất nguy hiểm và có thể dẫn đến mất khả năng học tập, khiếm khuyết về ngôn ngữ, giảm thính lực, co giật, liệt chi, tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí là tử vong. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 15% số người sống sót sau viêm màng não do vi khuẩn chịu những biến chứng vĩnh viễn và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Tỷ lệ viêm màng não do vi khuẩn hiện đã được giảm bớt đáng kể nhờ vào chương trình tiêm chủng rộng rãi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng não

Các loại nhiễm trùng não khác nhau sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau và còn phụ thuộc vào độ tuổi người bệnh, loại vi khuẩn, loại nhiễm trùng và mức độ cấp tính.

Nhìn chung, độ tuổi từ 2 tuổi trở lên khi bị nhiễm khuẩn cấp tính sẽ có biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội, cứng cổ, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng, buồn ngủ và không tỉnh táo.

Trẻ sơ sinh có thể quấy khóc bất thường, cáu kỉnh và ngủ li bì khi bị nhiễm trùng não. Trẻ cũng thường không chịu ăn và khó dỗ yên bằng cách ẵm, bồng. Đôi khi, động kinh xảy ra như một triệu chứng muộn của tình trạng này.

Các dạng viêm màng não do vi khuẩn nghiêm trọng, đặc biệt là viêm màng não mô cầu, có thể gây sốc cùng với mất ý thức hoàn toàn, hôn mê và phát ban màu tía lan rộng. Trẻ sơ sinh có thể xuất hiện thóp phồng (bulging fontanelles) trên đầu và giảm trương lực cơ ở cánh tay, chân.

Nhiễm trùng não do virus có xu hướng ít biểu hiện triệu chứng bệnh hơn. Các triệu chứng thường giống như cúm bên cạnh các dấu hiệu tương đối nhẹ khác đặc trưng cho từng trường hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nhiễm trùng não là gì?

Nguyên nhân gây viêm màng não do vi khuẩn thường thấy gồm 3 loại vi khuẩn, có thể gặp ở tất cả các nhóm tuổi, ngoại trừ trẻ sơ sinh:

  • Streptococcus pneumonia (gây viêm màng não do phế cầu khuẩn)
  • Neisseria meningitidis (gây viêm màng não mô cầu)
  • Haemophilus influenza tuýp B (Hib)

Sự ra đời của vắc-xin Hib trong chương trình tiêm chủng cho trẻ em đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc viêm màng não do Hib nghiêm trọng. Trẻ sơ sinh thường bị nhiễm vi khuẩn coliform (vi khuẩn trong đường ruột, mắc phải khi sinh) như Escheria coli hay Listeria.

Nguyên nhân của một số nhiễm trùng não phổ biến:

  • Nhiễm Toxoplasma: do ký sinh trùng có tên Toxoplasma gondii gây ra. Đây là một dạng nhiễm trùng mắc phải và vật chủ của ký sinh trùng này là mèo. Đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm Toxoplasma là phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như người nhiễm HIV. Bệnh diễn biến khá nhanh và nguy hiểm, thường gây tử vong.
  • Nhiễm ấu trùng sán lợn lên não: do sán dây lợn gây nên. Nhiễm trùng mắc phải khi ăn thực phẩm bị nhiễm phân có chứa ấu trùng sán lợn. Triệu chứng có thể giống viêm màng não dạng nhẹ hoặc nặng, thậm chí gây tử vong đột ngột.
  • Nhiễm giun xoắn: do nhiễm phải giun xoắn Trichinella spiralis. Mắc phải do ăn ấu trùng có trong thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín kỹ và một số thịt động vật hoang dã khác (như gấu, nai, lợn rừng).
  • Bệnh Lyme: do nhiễm phải vi khuẩn Borrelia burgdorferi, lây truyền qua vết đốt của bọ chét nhiễm bệnh sống trên động vật.
  • Viêm màng não do nấm Coccidioides: một biến chứng nặng nề của bệnh nấm Coccidioidomycosis (sốt thung lũng). Người bệnh mắc phải do hít bào tử của nấm Coccidioides, dẫn đến các triệu chứng chủ yếu trên đường hô hấp. Nhiễm trùng này sau đó có khả năng lây lan sang các cơ quan khác qua đường máu và gần 50% người bệnh bị viêm màng não.
  • Bệnh lao: do Mycobacterium tuberculosis gây ra, có thể lan truyền qua hệ bạch huyết đến hệ thần kinh trung ương. Kết quả, người bệnh có khả năng bị viêm màng não với nhiều triệu chứng nghiêm trọng.
  • Áp xe não: thường là biến chứng của viêm xoang mạn tính hoặc nhiễm trùng tai giữa hoặc kết quả của tình trạng nhiễm trùng lan rộng từ nơi khác (như viêm phổi hay áp xe phổi). Đôi khi, chấn thương đầu hay phẫu thuật thần kinh cũng có khả năng gây ra áp xe não.

Một số nguyên nhân hiếm gặp khác có thể gây nhiễm trùng não bao gồm:

  • Áp xe cột sống
  • Nhiễm virus nhóm herpes (herpes simplex type 1 và 2, varicella zoster, Epstein-Barr, cytomegalovirus)
  • Virus West Nile và những virus khác trong nhóm virus gây viêm não
  • Bại liệt (poliomyelitis)
  • Rubella (sởi Đức)
  • Quai bị và sởi
  • Vi khuẩn gây bệnh dại
  • HIV/AIDS
  • Nhiễm virus Zika

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán nhiễm trùng não?

Những người khỏe mạnh có những dấu hiệu cơ bản của nhiễm trùng não cấp tính thường được chẩn đoán kịp thời. Tuy nhiên, khi bạn bị nhiễm trùng não ít nghiêm trọng hơn, như viêm màng não mạn tính hay mới được điều trị một phần, viêm não hay trường hợp nhiễm trùng não hiếm gặp khác thì ít có khả năng được chẩn đoán sớm.

Bác sĩ sẽ tìm kiếm những dấu hiệu lâm sàng đặc trưng khi thăm khám người bệnh. Mức độ thay đổi ý thức cùng hành vi và tính cách là dấu hiệu để nghi ngờ nhiễm trùng xảy ra ở hệ thần kinh trung ương.

Khi màng não bị viêm nhiễm, các dấu hiệu cơ bản thường là sốt, đau cổ hoặc cứng khớp khi uốn cong cổ hay mở rộng đầu gối.

Bác sĩ cũng tiến hành kiểm tra mắt để xem có sưng ở dây thần kinh chính trong mắt và có sự thay đổi nào trong chuyển động mắt hay phản ứng của đồng tử hay không. Những dấu hiệu đó có thể cho thấy đang có tăng áp lực nội sọ, xảy ra khi có áp xe, viêm màng não hay viêm não tiến triển. Người bệnh cũng cần trải qua một cuộc kiểm tra thần kinh toàn diện.

Các xét nghiệm có thể được dùng để chẩn đoán nhiễm trùng não gồm:

  • Xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc nuôi cấy dịch tiết đường hô hấp
  • Xét nghiệm hình ảnh (chụp CT, MRI não với độ tương phản cao)
  • Chọc dò tủy sống để lấy mẫu dịch tủy

Những phương pháp điều trị nhiễm trùng não

Nhiễm trùng não do vi khuẩn

Với nguyên nhân là do vi khuẩn thì các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Dùng thuốc kháng sinh truyền qua tĩnh mạch, đôi khi phối hợp với thuốc hạ sốt và giảm đau đầu
  • Thở oxy và theo dõi chặt chẽ trong trường hợp bị suy hô hấp
  • Truyền dịch để bù nước và điện giải khi người bệnh nôn nhiều
  • Thuốc chống co giật có khi được sử dụng để phòng ngừa hay điều trị cơn co giật
  • Sử dụng thuốc an thần cho một vài người bệnh cảm thấy bồn chồn, lo âu

Nếu có dấu hiệu sưng não, steroid có thể được sử dụng. Vai trò của thuốc steroid trong việc kiểm soát bệnh viêm màng não do vi khuẩn ở người trưởng thành vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số trường hợp viêm màng não do Hib ở trẻ em khi tiêm steroid tĩnh mạch có thể giúp giảm khả năng mất thính lực.

Trường hợp bệnh nặng và nghi ngờ nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương sẽ được điều trị bằng kháng sinh và nhắm vào các loài phổ biến. Liều dùng đầu tiên thường được chỉ định trong vòng 30 phút sau khi bác sĩ đưa ra đánh giá, có khi trước cả lúc chọc dò tủy sống.

Khi kết quả chọc dò tủy sống đã có, vi khuẩn gây bệnh được định danh chính xác thì bác sĩ sẽ dùng liệu pháp nhắm đúng mục tiêu với nhóm kháng sinh có hiệu quả nhất.

Việc điều trị áp xe não thường rất phức tạp. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí ổ áp xe, bác sĩ phẫu thuật thần kinh có thể thực hiện dẫn lưu tại đó. Sau đó, bệnh được điều trị bằng kháng sinh tương tự như viêm màng não do vi khuẩn.

Nhiễm trùng não do virus

Hầu hết trường hợp nhiễm virus đều tự khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị đặc hiệu. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là nhiễm phải virus herpes. Người bệnh sẽ phải dùng thuốc kháng virus để điều trị nhiễm trùng não do herpes gây ra.

Những biện pháp tại nhà giúp chăm sóc người bị nhiễm trùng não

Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị nhiễm trùng não, đầu tiên hãy gọi ngay đến số 115 để nhận được hướng dẫn xử lý phù hợp.

Khi người bệnh sốt cao, hãy thực hiện các cách làm mát cơ thể (lau người bằng khăn mát) và cho uống thuốc hạ sốt. Trường hợp có nôn mửa, bạn cần để người bệnh nằm nghiêng một bên để tránh tình trạng sặc và nghẹt thở khi nôn.

Tránh để người bệnh làm việc vất vả, khuyên họ nằm nghỉ ngơi trên giường và theo dõi cẩn thận. Đừng quên làm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa nhiễm trùng não?

Hầu hết các dạng viêm màng não không thể dự đoán trước và phòng ngừa. Mặc dù đã có những vắc-xin phòng ngừa nhưng chỉ giúp chống lại một số loại vi khuẩn nhất định.

Vắc-xin Hib được đánh giá rất an toàn và có hiệu quả cao. Tiêm phòng vắc-xin này là một phần trong chương trình tiêm chủng cơ bản cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Vắc-xin phòng chống viêm màng não do phế cầu khuẩn cũng có thể giúp ngăn chặn các dạng nhiễm trùng não khác. Vắc-xin này không hiệu quả cho trẻ em dưới 2 tuổi nhưng được khuyến cáo sử dụng ở những người trên 65 tuổi và người trẻ tuổi mắc một số bệnh mạn tính.

Kenshin.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

>>>>>Xem thêm: Top 10 bánh ăn dặm cho bé tốt nhất được nhiều mẹ tin dùng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *