Hội chứng ống cổ chân

Hội chứng ống cổ chân

Bạn đang đọc: Hội chứng ống cổ chân

Định nghĩa

Hội chứng ống cổ chân là bệnh gì?

Hội chứng ống cổ chân là một bệnh hiếm gặp, ảnh hưởng đến dây thần kinh giữa của ống cổ chân. Dây thần kinh này đóng vai trò tiếp thu cảm giác và kiểm soát vận động ở cổ chân và bàn chân. Bệnh gây ra cơn đau rát dọc bên trong mắt cá chân và xuống lòng bàn chân. Đây là một dạng rối loạn hệ thần kinh tương tự như hội chứng ống cổ tay.

Những ai thường mắc phải hội chứng ống cổ chân?

Hội chứng ống cổ chân thường phổ biến với người trưởng thành. Những người ưa vận động như vận động viên thể thao, người làm công việc tay chân dễ bị bệnh này. Tuy nhiên, bệnh cũng có khả năng xuất hiện ở trẻ em.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ống cổ chân là gì?

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ chân bao gồm:

  • Các cơn đau buốt, tê liệt hoặc ngứa ran bên trong cổ chân và chạy xuống lòng bàn chân.
  • Mất cảm giác ở bàn chân.
    • Cơn đau xuất hiện nhiều và nghiêm trọng hơn vào ban đêm, khi di chuyển và đỡ đau hơn sau khi nghỉ ngơi.
    • Các cơn đau thường đến rồi đi đột ngột.

    Theo thời gian, bệnh sẽ gây mất khả năng vận động ở chân vì dây thần kinh không còn hoạt động nữa. Đôi khi chức năng của dây thần kinh bị mất nhưng không xảy ra liệt chân, dẫn đến dáng đi nhìn bất thường.

    Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

    Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng trên, đặc biệt là những triệu chứng này ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bạn.  Bạn cần đi khám ngay nếu đột ngột đau dữ dội rồi hết ở bàn chân, bị tê từ cổ chân trở xuống hoặc có cảm giác như bị kim chích, nóng ở bàn chân.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ chân là gì?

    Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ chân thường do dây thần kinh xương chày hoặc các nhánh của nó chạy dọc bên trong mắt cá và xuống lòng bàn chân bị chèn ép. Áp lực này có thể là kết quả do tổn thương từ các chấn thương như gãy xương và bong gân nghiêm trọng. Các nguyên nhân khác gây ra hội chứng là các khối u cục bộ và vấn đề khác như kích cỡ giày không phù hợp.

    Nguy cơ mắc bệnh

    Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ chân?

    Những yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ chân bao gồm:

    • Béo phì.
    • Viêm khớp, thấp khớp hoặc viêm khớp dạng thấp.
    • Dị tật mắt cá chân sau chấn thương.
    • Viêm bao gân.
    • Bẩm sinh có lòng bàn chân phẳng (nông) hơn bình thường.
    • Có khối u trong ống cổ chân.

    Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

    Điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng ống cổ chân?

    Các triệu chứng của hội chứng ống cổ chân có thể được giảm nhờ dùng thuốc kháng viêm. Tuy nhiên chúng sẽ không làm giảm áp lực lên dây thần kinh. Để giảm bớt áp lực lên dây thần kinh, bạn sẽ cần dùng miếng lót giày y khoa. Miếng lót giày y khoa giúp phân phối lại trọng lượng và lấy đi áp lực lên dây thần kinh cổ chân. Ngoài ra, các hoạt động thể thao bạn đang chơi hoặc cỡ giày của bạn cũng cần thay đổi để giảm áp lực lên cổ chân.

    Nếu các phương pháp điều trị trên không hiệu quả hoặc hội chứng ống cổ chân của bạn là do một loại bệnh khác gây ra, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật giảm áp lực lên dây thần kinh.

    Tuy nhiên, phương pháp điều trị bằng phẫu thuật có một số rủi ro như không giảm đau và các cơn đau tái phát sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, bạn có thể hình thành sẹo quanh dây thần kinh sau khi phẫu thuật hoặc tổn thương dây thần kinh không thể cứu chữa. Quá trình hồi phục sau phẫu thuật có thể kéo dài vài tháng.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng ống cổ chân?

    Bác sĩ chẩn đoán hội chứng ống cổ chân dựa trên bệnh sử, khám lâm sàng và kiểm tra xung điện thần kinh (EMG). Bác sĩ sẽ vỗ nhẹ hoặc bắt mạch dây thần kinh xương chày. Bạn có thể phải chụp X-quang để bác sĩ loại trừ các bệnh về khớp và xương gây ra triệu chứng tương tự.

    Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng ống cổ chân?

    Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:

    • Dùng thuốc theo chỉ định và phải báo cho bác sĩ nếu bạn có bất cứ bất thường nào sau khi dùng thuốc.
    • Nghỉ ngơi và thường xuyên nâng chân lên cao.
    • Giữ vệ sinh chân và kiểm tra chân đều đặn.
    • Mang giày vừa vặn và  phù hợp với từng hoạt động.
    • Không chơi các môn thể thao hoặc tập luyện trong quá trình điều trị khiến cho bệnh nặng hơn.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    >>>>>Xem thêm: Khi sử dụng thuốc tiêm tránh thai Depo Provera

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *