Phân biệt nôn ói, nôn trớ và nguyên nhân gây nôn ở trẻ

Phân biệt nôn ói, nôn trớ và nguyên nhân gây nôn ở trẻ

Trẻ nôn ói là tình trạng rất thường gặp. Có nhiều nguyên nhân gây nôn ở trẻ. Vậy, các nguyên nhân đó là gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Bạn đang đọc: Phân biệt nôn ói, nôn trớ và nguyên nhân gây nôn ở trẻ

Nôn ói là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ. Nôn ói thường gây ra bởi một rối loạn nào đó. Vậy, rối loạn đó là gì?

Phân biệt nôn ói và nôn trớ

Bố mẹ nên biết cách phân biệt nôn ói và nôn trớ. Bé thường trớ một lượng nhỏ khi được cho ăn hoặc ngay sau khi ăn, nhất là lúc bị ợ hơi. Nôn trớ có thể xảy ra do mẹ cho bé ăn nhanh, ăn nhiều hoặc do bé nuốt khí, nhưng đôi khi không có nguyên nhân cụ thể.

Nôn ói thường do một rối loạn nào đó gây ra. Những bậc phụ huynh có kinh nghiệm thường phân biệt được giữa nôn trớ và nôn ói, nhưng những bố mẹ nào gặp lần đầu tiên thì cần được bác sĩ tư vấn.

Các nguyên nhân gây nôn ở trẻ

Vấn đề ăn uống 

Trong vài tháng đầu đời, nôn ói có thể liên quan đến các vấn đề khi bạn cho bé ăn quá nhiều. Một nguyên nhân ít gặp hơn là bé dị ứng với protein trong sữa mẹ hay sữa công thức.

Nhiễm trùng hay nhiễm siêu vi

Nghẹt mũi hay nhiễm trùng đường hô hấp, như cảm lạnh, có thể dẫn đến nôn ói, đặc biệt là một cơn ho đột ngột. Bệnh đường ruột là nguyên nhân gây nôn ói thường gặp khác. Nếu vi khuẩn hay siêu vi tấn công lớp niêm mạc dạ dày hoặc ruột của bé, bé có thể bị các triệu chứng như tiêu chảy, chán ăn, đau bụng và sốt.

Nôn ói thường hết trong vòng 12–24 giờ. Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm họng, viêm phổi, viêm màng não và ngay cả viêm tai cũng có thể gây buồn nôn và nôn.

Khóc quá nhiều 

Một trận khóc kéo dài có thể kích thích phản xạ hầu họng và khiến bé nôn. Dù điều này làm bố mẹ lo lắng, nhưng nôn ói trong cơn khóc không gây hại cho cơ thể bé.

Say xe

Một số bé nhỏ có xu hướng bị say xe. Nếu hằng ngày gia đình bạn phải di chuyển bằng xe thì có thể đây là vấn đề bạn cần quan tâm. Nguyên nhân là do sự mất liên kết giữa những gì bé nhìn thấy và những gì bé cảm nhận thông qua các bộ phận nhận cảm chuyển động trong cơ thể như tai trong và một số dây thần kinh.

Chất độc

Bé có thể nôn ói nếu nuốt phải một số thứ độc hại như thuốc, cây cỏ hoặc chất độc hóa học. Bên cạnh đó, ngộ độc thực phẩm hay nước uống bị nhiễm bẩn cũng là nguyên nhân.

Tắc ruột

Nôn ói đột ngột và kéo dài có thể là triệu chứng của các bệnh hiếm gặp liên quan đến tắc ruột, như lồng ruột (khi một phần ruột lồng vào trong đoạn ruột kế tiếp) hay bệnh Hirschsprung (tắc ruột do sự cử động kém của cơ đường ruột). Tắc ruột có thể dẫn đến ruột bị yếu, mất nước và các vấn đề sức khỏe khác nên thường cần sự can thiệp y tế và phẫu thuật kịp thời.

Hẹp môn vị

Tình trạng hiếm gặp này thường diễn tiến trong vài tuần tuổi đầu của bé. Bé hẹp môn vị bị nôn ói do cơ phần dạ dày nối với ruột quá dày khiến thức ăn không thể đi qua được. Điều này thường gây ra nôn ói trầm trọng. Nếu bé có tình trạng này, bạn hãy đưa bé đi khám sớm nhất có thể. Hẹp môn vị có thể điều trị bằng phẫu thuật.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Chúc bé nhà bạn không còn nôn ói nhé!

>>>>>Xem thêm: Viêm da cơ địa ở chân: Cách chung sống “hòa bình”với bệnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *