Trẻ bị rụng tóc nhiều có thể do nhiều nguyên nhân nghiêm trọng gây ra. Tùy vào mức độ rụng tóc của bé, bố mẹ nên có những giải pháp khác nhau để giúp con khắc phục tình trạng này.
Bạn đang đọc: Trẻ bị rụng tóc nhiều có phải do mắc bệnh? Giải pháp điều trị như thế nào?
Rụng tóc đã trở thành một vấn đề phổ biến hiện nay. Nếu trẻ bị rụng tóc khi đang ở độ tuổi teen thì có thể nguyên nhân là do gặp phải vấn đề về sức khỏe hoặc từ những thói quen xấu. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc điều trị bệnh có thể gây rụng tóc. Để chữa trị hiệu quả vấn đề này ở thanh thiếu niên, việc làm đầu tiên là bạn phải hiểu những nguyên nhân gây nên chứng rụng tóc ở trẻ.
Nội Dung
- 1 Nguyên nhân rụng tóc ở trẻ em
- 1.1 1. Trẻ bị rụng tóc do nấm da đầu
- 1.2 2. Trẻ bị rụng tóc từng mảng
- 1.3 3. Rụng tóc kiểu TE (Telogen Effluvium)
- 1.4 4. Trẻ em bị rụng tóc do hóa trị
- 1.5 5. Trẻ bị rụng tóc do tình trạng sức khỏe kém
- 1.6 6. Chế độ ăn mất cân bằng chất dinh dưỡng
- 1.7 7. Căng thẳng cũng khiến trẻ bị rụng tóc
- 1.8 8. Tạo kiểu tóc khiến tóc rụng nhiều
- 2 Các nguyên nhân gây rụng tóc khác ở trẻ
- 3 Giúp trẻ vượt qua mặc cảm rụng tóc
- 4 Các biện pháp chữa rụng tóc ở trẻ em
Nguyên nhân rụng tóc ở trẻ em
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị rụng tóc nhiều:
1. Trẻ bị rụng tóc do nấm da đầu
Nấm da đầu là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ nhỏ bị rụng tóc. Tình trạng này khiến tóc của trẻ ngày càng thưa thớt và xuất hiện các vết trầy trên da đầu. Một số triệu chứng rụng tóc thường gặp như:
- Xuất hiện các vòng tròn đỏ trên da đầu
- Gàu
- Xuất hiện các vảy tròn trên da đầu
- Ngứa
- Tóc dễ rụng
Giải pháp: Để điều trị tình trạng này, bạn nên cho con sử dụng các loại thuốc chống nấm như griseofulvin. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc kháng nấm để điều trị. Nấm da đầu rất dễ lây lan. Do đó, bạn hãy cho trẻ sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như nón, gối, chăn, khăn tắm…
2. Trẻ bị rụng tóc từng mảng
Cứ 100 trẻ lại có 1 bé gặp phải chứng rụng tóc từng mảng. Đây được xem là một bệnh tự miễn khá hiếm hoi. Những trẻ mắc bệnh này sẽ bị rụng tóc vào ban đêm mà không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên nhân của chứng bệnh này có thể bắt nguồn từ yếu tố di truyền. Một số triệu chứng thường gặp:
- Xuất hiện những đốm tròn trên da đầu.
- Móng tay bị rỗ và giòn.
Giải pháp: Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc steroid và tia cực tím. Ngoài ra, biotin là một chất giúp tóc trẻ mọc trở lại. Nếu trẻ bị rụng tóc từng mảng, bạn hãy cho trẻ ăn những thực phẩm giàu biotin như cải cầu vồng, cà rốt, cà chua…
3. Rụng tóc kiểu TE (Telogen Effluvium)
Rụng tóc kiểu TE là tóc rụng trong giai đoạn các nang tóc ở pha nghỉ ngơi. Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Trẻ thường mắc phải chứng bệnh này sau khi trải qua một cơn sốt hoặc một ca phẫu thuật. Bên cạnh đó, căng thẳng cũng có thể gây ra tình trạng này. Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh:
- Rụng tóc kiểu TE không có quá nhiều triệu chứng. Nếu mỗi ngày trẻ rụng một ít tóc và trẻ mới bị ốm vài tuần trước thì bạn có thể nghĩ đến tình trạng này.
- Sụt cân.
Giải pháp: Rụng tóc kiểu TE thường không có phương pháp điều trị cụ thể. Cách tốt nhất bạn có thể làm là tạo cho trẻ một môi trường sống thoải mái và cung cấp một chế độ ăn giàu dinh dưỡng cho trẻ.
4. Trẻ em bị rụng tóc do hóa trị
Hóa trị cũng là một nguyên nhân khiến tóc của trẻ bị rụng. Bé sẽ có những biểu hiện như buồn nôn và chán ăn. Rụng tóc do hóa trị không cần điều trị, khi hóa trị kết thúc, tóc của trẻ sẽ mọc lại.
5. Trẻ bị rụng tóc do tình trạng sức khỏe kém
Rụng tóc hói hay rụng tóc do nội tiết tố gây ra là một trong những tình trạng rụng tóc khá phổ biến. Rụng tóc thể androgenetic alopecia là một tình trạng rụng tóc có tính di truyền do nội tiết tố nam gây ra và cả hai giới nam – nữ đều có thể mắc phải. Tóc thường rụng và thưa dần, mỏng ở đỉnh đầu hoặc hói hình chữ M. Tình trạng này không nghiêm trọng thường là do sự biến động của hormone hoặc do di truyền. Bên cạnh đó, các bệnh khác như tiểu đường, bệnh tuyến giáp hoặc bệnh ung thư cũng có thể có thể làm giảm mọc tóc.
6. Chế độ ăn mất cân bằng chất dinh dưỡng
Nhiều thanh thiếu niên bị rụng tóc sớm do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết. Họ bị ám ảnh bởi khao khát có thân hình siêu mẫu nên lên một chế độ ăn kiêng khắc nghiệt để giảm cân nhanh chóng, dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng khiến tình trạng rụng tóc xảy ra. Thêm vào đó, ăn uống không điều độ, các món ăn vặt nhiều đường cũng gây ra phản ứng viêm làm rụng tóc ở tuổi teen.
7. Căng thẳng cũng khiến trẻ bị rụng tóc
So với thế hệ trước, ngày nay thanh thiếu niên phải đối mặt với nhiều vấn đề đau đầu khác nhau từ nhỏ đến lớn. Căng thẳng việc trường lớp, bạn bè, gia đình hoặc thậm chí là các vấn đề tài chính có thể dẫn đến rụng tóc. Bạn cần loại bỏ phiền muộn cho con, giúp con có tâm lý thoải mái, dinh dưỡng cân bằng, ngủ đủ giấc, tạo thói quen và tinh thần tốt sẽ góp phần làm cho mái tóc khỏe, đẹp hơn.
8. Tạo kiểu tóc khiến tóc rụng nhiều
Việc tạo kiểu làm đẹp cho tóc đã trở thành một phần không thể thiếu để giúp trẻ có được sự tự tin, hấp dẫn riêng mình. Tuy nhiên, việc gia tăng áp lực cho tóc khi sử dụng các loại thuốc uốn, nhuộm, duỗi đối với các bé gái cũng chính là cách trẻ “hành hạ” mái tóc của mình. Đây là nguyên nhân khiến lõi tóc bị khô, nang tóc teo lại và các sợi tóc cũng lần lượt “ra đi”. Ngoài ra, nhiệt độ cao từ máy sấy hay máy ép cũng có thể làm cho tóc trở nên khô và rụng.
Các nguyên nhân gây rụng tóc khác ở trẻ
Ngoài những nguyên nhân trên, trẻ có thể bị rụng tóc bởi những lý do sau:
- Buộc tóc quá chặt cũng có thể khiến tóc trẻ bị rụng. Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị rụng tóc là do nguyên nhân này, hãy đổi cho trẻ một kiểu tóc thoải mái hơn nhé.
- Trẻ đôi khi bị rụng tóc vì thiếu dinh dưỡng. Vì vậy, hãy cho trẻ ăn những món ăn bổ dưỡng để cung cấp những dưỡng chất mà cơ thể cần.
- Mất cân bằng nội tiết tố cũng là một nguyên nhân khiến trẻ em bị rụng tóc. Các bệnh liên quan đến tuyến giáp cũng gây ra tình trạng này. Nếu tóc trẻ rụng nhiều, bạn hãy đưa con đến bác sĩ để chẩn đoán xem trẻ có mắc các bệnh này hay không.
- Nhiễm khuẩn cũng có thể khiến trẻ rụng tóc. Nếu là nguyên nhân này, bé sẽ có các triệu chứng tương tự như nấm da đầu. Để điều trị, bạn chỉ cần cho trẻ dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
- Một số trẻ rụng tóc vì thói quen kéo tóc. Đây là thói quen thường thấy ở trẻ nhỏ, cũng giống như mút ngón tay. Nếu rụng tóc là do thói quen này, bạn đừng lo lắng. Hầu hết trẻ sẽ bỏ thói quen này khi lớn lên.
Quá trình điều trị rụng tóc phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nếu là do nấm da đầu thì nên cho bé sử dụng dầu gội chống nấm hoặc kem bôi. Trong trường hợp con bị chấn thương hoặc căng thẳng tinh thần, việc bổ sung chế độ ăn uống thích hợp cũng rất cần thiết để giúp trẻ điều trị chứng rụng tóc do thiếu dinh dưỡng.
Giúp trẻ vượt qua mặc cảm rụng tóc
Rụng tóc thường ảnh hưởng đến cảm xúc của con và khiến trẻ mặc cảm, đặc biệt đối với các bé đang đi học vì thường bị bạn bè trêu chọc. Ngoài việc điều trị, bố mẹ cũng nên an ủi và động viên con yêu.
- Nếu trẻ đủ lớn để hiểu, bạn hãy giải thích tại sao con lại bị rụng tóc và cách điều trị, giúp bé hiểu thêm về chứng bệnh này cũng như quá trình sẽ diễn ra
- Bố mẹ hãy chọn cho bé một phụ kiện như nón hoặc khăn choàng để che đầu
- Động viên và luôn nói rằng con rất xinh dù có ra sao đi chăng nữa
- Nếu bé muốn dùng tóc giả, hãy chiều theo ý muốn của con.
Các biện pháp chữa rụng tóc ở trẻ em
Rụng tóc do thiếu chất dinh dưỡng và các yếu tố môi trường sẽ được ngăn chặn bằng các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Nhưng nếu xuất phát từ tình trạng sức khỏe thì việc điều trị là bắt buộc.
Tìm hiểu thêm: Uống dầu cá khi đang cho con bú liệu có an toàn?
>>>>>Xem thêm: Hiking là gì? Walking, hiking và trekking khác nhau thế nào?
Nhiều mẹ lo lắng vấn đề rụng tóc khiến cho bé ít tóc phải làm sao? Sau đây là một số gợi ý cho việc khắc phục chứng rụng tóc cho cục cưng tại nhà.
- Sử dụng dầu dừa cho tóc vì khả năng làm sạch và ngăn ngừa gàu, giúp tóc được phát triển do trong dầu có chứa các axit béo khác nhau.
- Tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa rụng tóc bằng dầu ô liu. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cho bé sử dụng dầu jojoba, dầu cây bồ đề.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm giàu vitamin A, C và E, kẽm và sắt.
- Nuôi dưỡng tóc bằng cách dùng giấm táo cung cấp để các chất dinh dưỡng thiết yếu và giúp cơ thể tạo ra các chất dinh dưỡng khiến tóc phát triển khỏe mạnh. Hãy xoa giấm táo lên da đầu bé và gội lại sau 6 giờ.
- Cho bé bổ sung vitamin B mỗi ngày để giúp tóc của con phát triển sau khi rụng, vì đây là loại khoáng chất góp phần tái tạo lại các nang tóc đã bị mất.
- Quả lý gai có công dụng kích thích sự phát triển của nang tóc và giúp tóc phát triển khỏe mạnh. Loại quả này thường được ép thành nước và trộn với các loại dầu như dầu dừa, dầu jojoba, neem hoặc dầu hạnh nhân.
- Tránh cho con sử dụng các hóa chất lên tóc và giúp bé tập thói quen nhẹ tay mỗi khi gội, chải hoặc sấy tóc.
Bạn cũng nên nhắc bé xoa bóp da đầu bằng các loại tinh dầu mỗi khi rảnh rỗi. Việc này sẽ giúp máu được lưu thông và tăng cường sự phát triển của tóc. Thêm vào đó, bạn cũng có thể cho con sử dụng baking soda (muối nở) và các sản phẩm hữu cơ không có hóa chất để hỗ trợ điều trị rụng tóc.
Dù là do nguyên nhân nào thì rụng tóc cũng khiến trẻ mất tự tin, đặc biệt là với trẻ sắp đến tuổi teen, rất quan tâm đến vẻ bề ngoài và không thích mái tóc mỏng manh, thường xuyên rụng và có nguy cơ hói. Tuy nhiên, hầu hết tình trạng rụng tóc đều có thể được điều trị bằng các phương pháp đơn giản. Bạn nên đưa con đi khám để xác định nguyên nhân gây rụng tóc, từ đó sẽ có cách điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.