20-33% dân số toàn cầu đang bị đau do bệnh lý cơ xương khớp (1). Trước đây, người ta cho rằng đau cơ xương khớp là đau thụ cảm, tức là đau do tổn thương các khớp gây kích thích thần kinh cảm thụ đau. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, người ta ghi nhận 39-43% bệnh nhân đau cơ xương khớp có dấu hiệu đau do nguyên nhân thần kinh, biểu hiện bằng cảm giác châm chích, bỏng rát hoặc như điện giật (2).
Bạn đang đọc: Đau do nguyên nhân thần kinh trong bệnh lý cơ xương khớp
Nội Dung
Vậy, đau do nguyên nhân thần kinh là gì?
Hiểu một cách đơn giản, đau do nguyên nhân thần kinh (hay đau thần kinh) là đau do tổn thương hệ thống thần kinh. Hệ thống thần kinh nói đến ở đây bao gồm cả não bộ, tủy sống và các dây thần kinh. (3) Tên gọi “đau thần kinh” này để phân biệt với một loại đau khác là “đau thụ cảm”, tức là những cơn đau gây tổn thương cơ, da, xương hoặc cơ quan nội tạng, như đau do gãy xương, bị đứt tay hoặc bị bỏng (4).
Các nguyên nhân chính gây đau thần kinh bao gồm đái tháo đường, bệnh lý rễ thần kinh hoặc bị chấn thương tủy (5).
Làm sao viêm khớp có thể gây đau thần kinh được?
Một nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 15,2% bệnh nhân thoái hóa khớp gối có thể có kèm thêm dấu hiệu đau thần kinh, tức là trong số khoảng 20 bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối sẽ có 3 người có khả năng bị đau thần kinh.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có đau thần kinh càng rõ, mức độ đau khớp và hạn chế vận động càng nhiều hơn. Các nhà khoa học giả thiết rằng ở bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối, trong giai đoạn đầu tình trạng viêm gây ứ dịch khớp và kích thích đầu dây thần kinh ở khớp. Đến giai đoạn sau, áp lực đè lên bề mặt khớp gây phá hủy các đầu dây thần kinh phân bố ở xương dưới lớp sụn khớp (5).
Làm sao tôi biết mình bị đau thần kinh?
Đau thần kinh biểu hiện rất đa dạng như:
- Cảm giác ngứa ran
- Cảm giác châm chích
- Cảm giác nóng rát
- Đau tê lạnh
- Đau như điện giật
- Cảm giác kiến bò
Khu vực đau cũng trở nên nhạy cảm bất thường cả với những tác động bình thường sẽ không gây đau đớn, chẳng hạn như cọ xát vào quần áo, thời tiết lạnh… Đau thần kinh thường nặng hơn vào ban đêm và thường là mãn tính, nghĩa là đau kéo dài trong vài tháng hoặc nhiều hơn mà không có nguyên nhân rõ ràng. (6)
Một trong những cách đơn giản để nhận biết đau thần kinh là sử dụng bảng câu hỏi trắc nghiệm đánh giá triệu chứng sau đây (11).
Câu hỏi | Có | Không |
1. Có cảm giác đau như châm chích không? | +1 | 0 |
2. Có cảm giác đau như rát bỏng không? | +1 | 0 |
3. Có cảm giác đau tê lạnh không? | +1 | 0 |
4. Có cảm giác đau như điện giật không? | +1 | 0 |
5. Có cảm thấy đau khi chạm vào quần áo hay giường/gối/nệm không? | +1 | 0 |
6. Có phải tình trạng đau chỉ giới hạn tại các khớp? | -1 | 0 |
Nếu tổng số điểm ≥ 2, cơn đau của bạn có thể là đau do nguyên nhân thần kinh. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ cơn đau nào mà cảm thấy lo ngại, hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị hợp lý.
Tìm hiểu thêm: Cấy ghép tử cung, bước đột phá của nền y học
>>>>>Xem thêm: Mỡ máu cao và những hiểm họa khôn lường
Nhưng tôi đã uống thuốc giảm đau rồi, tại sao vẫn bị đau thần kinh?
Các thuốc giảm đau thông thường, trong đó có loại thuốc NSAIDs để giảm đau kháng viêm trong điều trị viêm khớp, lại không hiệu quả giúp giảm đau thần kinh (7). Để giảm đau thần kinh, bạn cần một loại thuốc giảm đau chuyên biệt gọi là nhóm thuốc giảm đau do nguyên nhân thần kinh.
Bên cạnh đó, tùy vào từng bệnh nhân, bác sĩ có thể phối hợp các loại thuốc khác nhau với các biện pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu, tâm lý liệu pháp,… để giúp bạn giảm đau toàn diện đồng thời giảm nhẹ các tác dụng phụ có hại của thuốc. Biện pháp này gọi là “Giảm đau đa mô thức”. (3, 7)
Vậy, nếu nhận thấy xuất hiện những triệu chứng đau thần kinh, tôi phải làm gì?
Điều quan trọng là khi xuất hiện những triệu chứng, dấu hiệu như trên, bạn không nên tự tìm mua thuốc uống mà cần đến bác sĩ chuyên khoa khớp để khám và điều trị. Khi đi khám, bạn cần mô tả rõ các triệu chứng mà bạn đang gặp cho bác sĩ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ:
- Tìm và điều trị nguyên nhân chính gây nên đau thần kinh. Bác sĩ sẽ xem có đúng là viêm khớp làm bạn bị đau thần kinh không, hay có thể xuất hiện một bệnh lý khác (3).
- Điều chỉnh và bổ sung thêm thuốc giảm đau cho bạn (3). Một số thuốc giảm đau thần kinh có thể gây một số tác dụng phụ như chóng mặt, ngầy ngật, buồn ngủ, do đó bác sĩ sẽ cho bạn dùng liều thấp sau đó tái khám, theo dõi và điều chỉnh liều tiếp tục, cũng như sẽ hướng dẫn bạn cách dùng thuốc tốt nhất để giảm tác dụng khó chịu của thuốc (8). Cần nhớ rằng các tác dụng phụ của thuốc giảm đau thần kinh thường sẽ giảm dần hoặc mất đi sau khi dùng thuốc một thời gian. Do vậy, nếu cảm thấy có biểu hiện khác thường khi dùng thuốc, bạn không nên tự ngưng thuốc đột ngột mà cần báo ngay với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách dùng thuốc phù hợp cũng như cách phòng tránh và làm nhẹ đi các tác dụng phụ này. Việc ngưng thuốc đột ngột không theo chỉ định của bác sĩ cũng có thể gây nên một số tác hại (8). Do cơn đau thần kinh cần được điều trị bằng thuốc đau thần kinh chứ không phải các loại giảm đau thông thường khác, nói cách khác hãy để các bác sĩ giúp bạn đẩy lùi cơn đau để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Ngoài việc dùng thuốc, bạn vẫn nên duy trì vận động để duy trì chức năng của khớp như tập thể dục, đi bộ, bơi lội, đạp xe,… (9) Bên cạnh đó, châm cứu nếu thực hiện đúng cách cũng có thể giúp giảm nhẹ cơn đau mạn tính nói chung và đau thần kinh nói riêng (10).