Tính đến đầu tháng 9/2023, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước vẫn có dấu hiệu tăng mạnh, thậm chí có trường hợp nặng dẫn đến tử vong do điều trị không kịp thời. Theo dự báo, trong thời gian sắp tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng nhanh do đang vào cao điểm mùa mưa [1]. Chính vì vậy, bạn và gia đình cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đồng thời, cần tìm hiểu hơn về bệnh, nhất là cách phân biệt giữa sốt xuất huyết và sốt thông thường để sớm nhận biết và có hướng điều trị phù hợp.
Bạn đang đọc: Cảnh giác khi dịch sốt xuất huyết tăng mạnh, đừng nhầm lẫn sốt xuất huyết và sốt thông thường
Nội Dung
Tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong thời gian từ ngày 8/9/2023 đến ngày 15/9/2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8/2023) [1]. Còn tại TP.HCM, số ca sốt xuất huyết được ghi nhận từ ngày 11/9/2023 đến ngày 17/9/2023 là 359 [2]. Ngoài ra, tại các tỉnh khác dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp như Nghệ An, Thanh Hóa, Sóc Trăng…
Dự báo trong thời gian sắp tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, thời tiết nóng ẩm, nắng mưa đan xen thất thường đặc trưng ở nước ta là yếu tố thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển. Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2023 đến 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino cũng có thể thúc đẩy muỗi phát triển mạnh, gia tăng lây lan các bệnh do muỗi gây ra, nhất là sốt xuất huyết [3].
Bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng nặng nếu không kịp thời chữa trị. Điều đáng lưu ý là rất nhiều trường hợp bệnh trở nặng phức tạp là do sự nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và các triệu chứng sốt thông thường (phát ban, siêu vi,…). Vì thế, hãy trang bị cho mình những thông tin cần thiết để dễ dàng phân biệt và xử lý kịp thời.
Sốt xuất huyết khác sốt thông thường như thế nào?
Sốt thông thường (sốt phát ban, sốt siêu vi…)
Đối với sốt thông thường, người bệnh sẽ có các biểu hiện như: [4]
- Có dấu hiệu sốt (có thể là sốt cao) nhưng sốt theo từng cơn
- Có kèm các triệu chứng liên quan đến viêm đường hô hấp, ví dụ như: ho, chảy nước mũi, đau họng
- Có hoặc không có phát ban trên da…
Bên cạnh đó, một bí quyết để phân biệt sốt phát ban thông thường và sốt xuất huyết là dùng tay căng da ở các khu vực có nốt phát ban. Nếu vết ban đỏ biến mất nhanh thì khả năng cao là sốt thông thường. Nếu vẫn còn hoặc biến mất rất chậm thì có thể là sốt xuất huyết. Tuy nhiên, cách nhận biết sốt xuất huyết này không chính xác hoàn toàn, người bệnh vẫn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và xét nghiệm sốt xuất huyết để có kết quả đúng và nhanh nhất.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết rất dễ lây truyền từ người này sang người khác, thông qua muỗi vằn Aedes aegypti. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 [5]. Sau khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt, người bệnh sẽ ủ bệnh khoảng 4 – 10 ngày, sau đó mới phát bệnh với những biểu hiện của sốt xuất huyết như: [6], [7]
- Sốt cao liên tục từ 39 – 40 độ, khó hạ sốt
- Chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau hốc mắt, buồn nôn/nôn
- Xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm ở vết đốt.
Các triệu chứng sốt xuất huyết thường kéo dài từ 2 – 7 ngày và hầu hết người bệnh sẽ khỏi sau 1 tuần [6]. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết nặng (sốt xuất huyết dengue) hay hội chứng sốc dengue (thể nặng). Đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây xuất huyết nội, suy nội tạng và thậm chí tử vong [7]. Do đó, trong quá trình chăm sóc, bạn cần hết sức để ý cảnh giác với một số dấu hiệu sau, nhất là sau 1 – 2 ngày đầu sau khi bị sốt: [7]
- Đau bụng dữ dội
- Nôn liên tục
- Chảy máu ở nướu hoặc mũi
- Máu trong nước tiểu, phân hoặc chất nôn
- Chảy máu dưới da, có thể trông giống các vết bầm tím
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Tay chân lạnh
- Mệt mỏi, bồn chồn
- Mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được.
Khi thấy có các dấu hiệu kể trên bạn cần đưa người bệnh đi bệnh viện ngay lập tức.
Các phòng bệnh sốt xuất huyết cho gia đình bạn
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi người cần tăng cường tìm hiểu và tuyên truyền các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh. Nên áp dụng các biện pháp sau: [8]
- Phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực sinh sống
- Xử lý các vũng nước đọng, ao tù, đậy kín các vật dụng chứa nước
- Ngủ trong màn/ mùng, mặc quần áo dài tay và sáng màu
- Sử dụng các loại cây có tinh dầu đuổi muỗi như sả chanh, hương thảo, oải hương (lavender)
- Dùng các sản phẩm kem hoặc xịt chống muỗi trên da để có hiệu quả phòng chống muỗi tốt hơn. Khi lựa chọn các sản phẩm kem hoặc xịt chống muỗi, bạn nên ưu tiên chọn các sản phẩm tiện dụng ở dạng xịt hoặc dạng kem có hiệu quả xua muỗi từ 6 – 10 giờ. Ngoài ra, các hoạt chất xua muỗi có trong thành phần phải được WHO và EPA chứng nhận an toàn và hiệu quả, phù hợp cho nhiều đối tượng, nhất là trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Bên cạnh đó, có thể cân nhắc lựa chọn các sản phẩm có mùi hương tự nhiên, dễ chịu như Lavender, Cam, Sả Chanh, Tinh dầu khuynh diệp để bảo vệ gia đình tốt nhất trong giai đoạn dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp như hiện nay nhé!
Tìm hiểu thêm: Viêm màng não do vi khuẩn
>>>>>Xem thêm: Loạn thị có mổ được không và các phương pháp mổ phổ biến?
Dịch sốt xuất huyết được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới khi mùa mưa đang vào cao điểm. Do đó, bạn và gia đình đừng lơ là, chủ quan mà hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay hôm nay để chủ động bảo vệ bản thân và người thân.