Chứng khó đọc là một tình trạng khó khăn trong học tập làm giảm khả năng đọc và phát âm ngôn ngữ của một người. Tình trạng này liên quan đến cách não xử lý phân chia các từ thành âm thanh hoặc liên kết các chữ cái với âm thanh khi đọc từ… Chứng khó đọc là kết quả của sự khác biệt trong các vùng não xử lý ngôn ngữ và là một tình trạng rối loạn phát triển thần kinh, không liên quan đến trí thông minh, thính giác hoặc thị giác.
Bạn đang đọc: Chứng khó đọc ở trẻ em: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?
Mặc dù không có thuốc chữa trị chứng khó đọc nhưng việc đánh giá và can thiệp sớm bằng các chiến lược khắc phục chuyên biệt sẽ mang lại kết quả tốt. Đôi khi trẻ mắc chứng khó đọc không được chẩn đoán trong nhiều năm và không được phát hiện cho đến khi trưởng thành, nhưng không bao giờ là quá muộn để tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm cải thiện tình trạng này.
Nội Dung
Chứng khó đọc là gì?
Chứng khó đọc là một rối loạn học tập do cách não xử lý các tài liệu bằng văn bản, khiến việc nhận biết, đánh vần và giải mã các từ trở nên khó khăn. Chứng khó đọc xuất hiện ở 75% trẻ em và thanh thiếu niên mắc rối loạn học tập chuyên biệt. Trẻ mắc phải hội chứng này thường đặc trưng bởi việc khó nhận biết từ, đọc chậm và không chính xác và khó đánh vần. Trẻ cũng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu những gì bản thân đọc.
Chứng khó đọc xuất hiện ở trẻ trai nhiều hơn gấp khoảng 3-4 lần so với trẻ gái, nhưng giới tính đã được chứng minh không phải là một yếu tố nguy cơ cho việc phát triển chứng khó đọc.
Hầu hết trẻ mắc chứng khó đọc có thể học tập tốt nếu được dạy kèm đúng phương pháp hoặc được học theo chương trình giáo dục chuyên biệt. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tinh thần cũng đóng một vai trò quan trọng.
Trẻ mắc chứng khó đọc có những triệu chứng nào?
Các dấu hiệu của chứng khó đọc ở trẻ có thể khó nhận biết trước khi trẻ đi học, nhưng một số dấu hiệu ban đầu có thể chỉ ra con đang gặp rắc rối với vấn đề này. Việc khó nhận biết sớm chứng khó đọc có thể do một số trẻ đôi khi có thể bù đắp chứng rối loạn đọc ở những lớp đầu tiểu học bằng cách sử dụng trí nhớ và khả năng suy luận, đặc biệt ở những trẻ có trí thông minh cao. Khi trẻ đến tuổi đi học (thường vào lúc trẻ được 7 tuổi -lớp 2), giáo viên có thể là người đầu tiên phát hiện ra trẻ gặp phải hội chứng này. Ảnh hưởng của chứng khó đọc ở mỗi trẻ là khác nhau nhưng tình trạng này thường trở nên rõ ràng khi trẻ bắt đầu học đọc.
1. Trước tuổi đi học
Các dấu hiệu cho thấy trẻ nhỏ có thể có nguy cơ mắc chứng khó đọc bao gồm:
- Chậm nói
- Học từ mới một cách rất chậm chạp
- Có thể phát âm sai các từ và dường như không thể phân biệt giữa các âm từ khác nhau
- Có vấn đề trong việc ghi nhớ hoặc gọi tên các chữ cái, số và màu sắc: Trẻ mắc chứng khó đọc có thể mất nhiều thời gian hơn để học các chữ cái trong bảng chữ cái và cách phát âm chúng hay cách gọi tên các con số, màu sắc…
- Gặp khó khăn khi học các bài thơ có vần cho trẻ mẫu giáo hoặc chơi các trò chơi gieo vần.
2. Trong độ tuổi đi học
Khi trẻ đến trường học, các triệu chứng khó đọc có thể trở nên rõ ràng hơn, bao gồm:
- Khả năng đọc nằm ở dưới mức mong đợi: đọc chậm, hiểu kém
- Khó khăn khi học phát âm bảng chữ cái
- Gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa các chữ cái tương tự nhau, đặc biệt là những ký tự chỉ khác nhau về hướng không gian và độ dài của dòng. Ví dụ như “d” và “b”, “p” và “q”
- Gặp vấn đề trong việc xử lý và hiểu những thông tin được viết ra hơn là những thông tin được nói bằng lời
- Gặp vấn đề trong việc xử lý và hiểu thông tin được viết ra hơn là những thông tin được nói bằng lời
- Khó khăn trong việc tìm từ thích hợp hoặc hình thành câu trả lời cho câu hỏi
- Nhầm lẫn thứ tự các chữ cái trong từ
- Khó nhìn thấy (hoặc nghe thấy) những điểm tương đồng và khác biệt trong chữ cái và từ ngữ
- Không thể phát âm được một từ không quen thuộc
- Gặp khó khăn trong việc đánh vần những từ đơn giản
- Để hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến đọc hoặc viết trẻ cần một khoảng thời gian dài bất thường
- Trẻ cố gắng né tránh các hoạt động liên quan đến việc đọc, không muốn đọc to trong lớp.
3. Thanh thiếu niên và người lớn
Dấu hiệu chứng khó đọc ở thanh thiếu niên và người lớn rất giống ở trẻ em. Một số triệu chứng khó đọc phổ biến ở thanh thiếu niên và người lớn bao gồm:
- Khó đọc, kể cả đọc to
- Đọc và viết rất chậm, tốn nhiều công sức
- Có vấn đề với việc viết chính tả
- Tránh các hoạt động liên quan đến việc đọc
- Phát âm sai tên hoặc từ, hoặc gặp vấn đề khi truy xuất từ
- Dành một thời gian dài bất thường để hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến đọc hoặc viết
- Gặp khó khăn trong việc tóm tắt một câu chuyện
- Gặp rắc rối khi học ngoại ngữ
- Khó khăn khi làm bài toán có lời văn…
- Có xu hướng tức giận, chán nản và thể hiện lòng tự trọng kém khi phải đối mặt với những nhiệm vụ liên quan đến ngôn ngữ in ấn.
Trẻ mắc chứng khó đọc: Nguyên nhân do đâu?
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể lý giải được một cách rõ ràng tại sao một số người mắc chứng khó đọc. Dữ liệu từ các nghiên cứu về nhận thức, hình ảnh học thần kinh và di truyền cho thấy chứng khó đọc là một rối loạn sinh học thần kinh có sự đóng góp đáng kể về mặt di truyền.
Một số nghiên cứu hình ảnh học thần kinh đã gợi ý rằng vùng thái dương ở não trái có kích thước nhỏ hơn so với cùng một vị trí ở não phải ở trẻ em mắc chứng bệnh này.
Một số nhà khoa học cho rằng chứng khó đọc có liên quan mật thiết đến một số gene nhất định (trên các nhiễm sắc thể số 6, 15, 18) ảnh hưởng đến cách não xử lý khả năng đọc và đánh vần ngôn ngữ.
Nguy cơ mắc phải
Việc tiền sử gia đình mắc chứng khó đọc hoặc các khuyết tật về khả năng đọc hoặc học tập khác làm tăng nguy cơ mắc chứng khó đọc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 35 – 40% người thân thế hệ thứ nhất của trẻ mắc chứng khó đọc cũng bị khiếm khuyết về đọc.
Một số yếu tố nguy cơ khác của chứng khó đọc đã được tìm thấy như động kinh, chấn thương đầu, suy dinh dưỡng,…
Trẻ mắc chứng khó đọc có thể gặp phải những khó khăn nào?
Tìm hiểu thêm: Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xuất huyết não khi về nhà
Việc trẻ mắc chứng khó đọc có thể dẫn đến một số vấn đề, bao gồm:
- Gặp trở ngại trong việc học tập: Vì đọc là một kỹ năng cơ bản đối với hầu hết các môn học khác ở trường nên trẻ mắc chứng khó đọc sẽ gặp bất lợi trong việc học và có thể gặp khó khăn, không thể theo kịp các bạn cùng trang lứa.
- Vấn đề xã hội: Trẻ mắc phải hội chứng này nếu không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi, lo lắng, hung hăng và xa lánh bạn bè, cha mẹ và giáo viên, tự ti, buồn chán…
- Những vấn đề khi trưởng thành: Việc không có khả năng đọc và hiểu có thể ngăn cản trẻ phát huy hết tiềm năng khi lớn lên. Điều này có thể có tác động tiêu cực lâu dài về mặt giáo dục, giao tiếp, xã hội và kinh tế.
Trẻ mắc chứng khó đọc có nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và ngược lại. Trẻ mắc hội chứng ADHD có thể gây khó khăn trong việc giữ sự tập trung và cũng có thể gây ra hành vi hiếu động thái quá khiến chứng khó đọc khó điều trị hơn.
Chẩn đoán và điều trị
1. Chẩn đoán
Theo các chuyên gia, không có xét nghiệm đặc hiệu nào có thể chẩn đoán chứng khó đọc. Các chuyên gia sẽ dựa vào một số yếu tố để xem xét, chẳng hạn như:
- Sự phát triển của trẻ, các vấn đề giáo dục và lịch sử y tế: Bác sĩ hay chuyên viên tư vấn có thể sẽ hỏi bạn những câu hỏi về những lĩnh vực này. Ngoài ra, họ cũng muốn biết về bất kỳ tình trạng bất thường nào xảy ra trong gia đình, trường học của trẻ bao gồm chứng khó đọc hoặc bất kỳ loại khiếm khuyết học tập nào khác.
- Bảng câu hỏi: Chuyên viên có thể yêu cầu trẻ, người chăm sóc hoặc giáo viên của trẻ hoàn thành bảng câu hỏi để đánh giá. Bên cạnh đó, trẻ có thể được yêu cầu làm các bài kiểm tra để xác định khả năng đọc và ngôn ngữ.
- Kiểm tra thị giác, thính giác và não (thần kinh): Những điều này có thể giúp xác định rằng liệu trẻ có thể mắc một chứng rối loạn nào khác. Điều này có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng khó đọc của trẻ hay không.
- Đánh giá tâm lý: Chuyên viên có thể hỏi bạn và bé một số câu hỏi để hiểu rõ hơn về sức khỏe tâm thần của bé. Điều này có thể giúp xác định xem liệu các vấn đề xã hội, lo lắng hoặc trầm cảm có thể hạn chế khả năng đọc của trẻ hay không.
- Kiểm tra khả năng đọc và các kỹ năng học thuật khác: Trẻ có thể được yêu cầu làm một loạt bài kiểm tra giáo dục. Qua bài kiểm tra, các chuyên viên sẽ phân tích quy trình cũng như chất lượng kỹ năng đọc của trẻ. Một số bài kiểm tra khả năng đọc như Woodcock-Johnson Psycho-Educational Battery-Revised và Peabody Personal Achievement Test-Revised rất hữu ích trong việc phát hiện rối loạn này.
2. Phương pháp điều trị chứng khó đọc ở trẻ em
Thực tế là không có loại thuốc đặc trị nào có thể khắc phục những vấn đề về phát triển thần kinh gây ra chứng khó đọc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát hiện và đánh giá sớm và có phương hướng điều trị thích hợp có thể hỗ trợ trẻ hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, việc điều trị có thể giúp trẻ có khả năng đọc tốt.
Hiện nay, ở một số nước phát triển, chứng khó đọc được điều trị bằng các phương pháp và kỹ thuật giáo dục chuyên biệt và việc can thiệp bắt đầu tiến hành càng sớm càng tốt. Việc đánh giá kỹ năng đọc, các kỹ năng học tập khác và sức khỏe tâm thần của trẻ sẽ giúp giáo viên có thể phát triển một chương trình giảng dạy phù hợp.
Cha mẹ và giáo viên có thể sử dụng các kỹ thuật liên quan đến thính giác, thị giác và xúc giác để cải thiện kỹ năng đọc. Hãy giúp trẻ sử dụng nhiều giác quan để học – ví dụ, nghe một bài học được ghi âm và dùng ngón tay dò theo hình dạng của các chữ cái được sử dụng hay các từ được nói – có thể giúp trẻ xử lý thông tin.
Việc điều trị tập trung vào quá trình hỗ trợ trẻ:
- Học cách nhận biết và sử dụng những âm thanh nhỏ nhất tạo nên từ (âm vị)
- Hiểu rằng các chữ cái và chuỗi chữ cái đại diện cho những âm thanh và từ (ngữ âm)
- Hiểu những gì được đọc
- Đọc to để xây dựng độ chính xác, tốc độ và cách lưu loát diễn đạt khi đọc
- Xây dựng vốn từ vựng và hiểu về chúng.
Nếu con bạn bị khiếm khuyết đọc nghiêm trọng, việc dạy kèm có thể cần diễn ra thường xuyên hơn và tiến độ có thể chậm hơn.
Trẻ mắc chứng khó đọc: Cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ con?
>>>>>Xem thêm: Bí quyết đơn giản giúp “đánh bay” các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con khắc phục được các vấn đề của chứng khó đọc. Bạn có thể thực hiện các bước sau:
- Giải quyết vấn đề sớm: Nếu bạn nghi ngờ con mình mắc chứng khó đọc, hãy đưa trẻ đi khám, trao đổi với chuyên viên để có đánh giá chính xác. Việc can thiệp sớm có thể cải thiện khả năng học tập của trẻ.
- Đọc to, rõ ràng cho con nghe: Việc này tốt nhất nên bắt đầu ngay khi con còn nhỏ nhưng bạn cũng có thể bắt đầu ngay bây giờ – bởi không có gì là quá muộn cả. Hãy giới thiệu sách cho trẻ như một món đồ chơi thú vị, đọc sách cho bé nghe. Ngoài ra, hãy thử nghe sách nói (audio books) cùng con. Khi con bạn đủ lớn, hãy cùng đọc những câu chuyện mà con bạn đã từng được nghe qua sách nói.
- Làm việc với giáo viên và đại diện nhà trường (nếu có): Nói chuyện với giáo viên về việc mà các giáo viên và trường học có thể sẽ hỗ trợ trẻ học tập như thế nào.
- Dành thời gian cố định cho việc đọc sách: Bạn và con hãy dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để đọc sách cùng nhau. Để cải thiện kỹ năng đọc, trẻ phải luyện đọc. Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ đọc to, rõ ràng cho bạn nghe. Bên cạnh đó, việc bạn không ngừng đọc sách sẽ làm gương và thúc đẩy trẻ. Hãy cho con bạn thấy rằng việc đọc sách có thể rất thú vị.
Kenshin.vn tin rằng qua những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã hiểu đầy đủ về chứng khó đọc ở trẻ em. Từ đó có phương hướng giúp đỡ, hỗ trợ trẻ hiệu quả. Trong hành trình nuôi dạy con, đừng quên truy cập Kenshin.vn để bỏ túi những kinh nghiệm hữu ích bạn nhé!