Bạn đang đọc: Bạn cần biết gì khi cho trẻ 4-5 tuổi ăn?
Dinh dưỡng đầy đủ là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh mà con bạn cần hướng tới. Các cửa hàng thức ăn nhanh có thể rất hấp dẫn nhờ chi phí rẻ và sự tiện lợi, thế nhưng bạn có biết giờ đây đã có rất nhiều món ăn thay thế cho các món ăn chứa lượng calo cao mà lại ít dinh dưỡng kể trên?
Dinh dưỡng cho trẻ 4-5 tuổi
Trong những năm trước khi tới trường, bé nên ăn các loại thực phẩm giống với các thành viên khác trong gia đình. Tốt nhất bé nên được ăn các món có giá trị dinh dưỡng cao, bao gồm các loại rau tươi và trái cây, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo (sữa, sữa chua, phô mai), các loại thịt nạc (thịt gà, gà tây, cá, thịt nạc) và ngũ cốc nguyên hạt cũng như bánh mì. Đồng thời, bạn nên hạn chế hoặc loại bỏ thức ăn nhanh và các loại đồ uống có đường trong chế độ ăn hằng ngày của bé.
Sữa là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của trẻ em. Nếu sữa có pha hương vị là cách duy nhất con bạn sẽ uống sữa, hãy yên tâm rằng việc bé uống sữa có hương vị hay không cũng không ảnh hưởng xấu đến cân nặng của bé. Hơn nữa, sữa có hương vị có thể giúp con bạn nạp đủ khẩu phần sữa hàng ngày mà bạn không cần phải mất công sức thuyết phục bé. Để bé có một bộ xương vững chắc, bạn nên cho bé uống sữa không béo hoặc ít béo, ăn các loại phô mai, sữa chua chứa càng ít đường càng tốt.
Bé vẫn có thể thỉnh thoảng ăn các món tráng miệng như kem và bánh ngọt. Nếu con bạn đang bị thừa cân, hãy chú ý đến khẩu phần ăn của bé. Cụ thể là cho tới khi bé được 2-3 tuổi, phần ăn của bé nên nhỏ hơn kích thước phần ăn của người lớn.
Hãy trữ càng nhiều thức ăn lành mạnh với hàm lượng natri thấp, ít đường và ít chất béo trong tủ lạnh nhà bạn. Đến một lúc nào đó, bé sẽ quen với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng lành mạnh này và sẽ ít bị mắc vào cám dỗ của những món ăn có nhiều đường, có vị mặn hoặc nhiều dầu mỡ.
Thói quen ăn uống của bé
Kén ăn có thể xảy ra khi bé được ba tuổi. Hành vi này có thể tiếp tục cho tới khi bé được 4-5 tuổi, mặc dù lúc này bé đã có sở thích ăn uống rõ rệt. Nhu cầu dinh dưỡng của bé lúc này cũng giống như năm trước đó, nhưng bé có thể có những phản ứng không thể lường trước được khi bạn để đồ ăn trước mặt bé. Bé có thể cãi lại bạn, thậm chí còn la lối nếu không thích món đang ăn. Tuy nhiên hãy cố gắng sắp xếp cho bé một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng để bé luôn khỏe mạnh.
Ở độ tuổi này, bé sẽ dần chịu hợp tác với bạn trong bữa ăn và đã sẵn sàng để học các phép lịch sự cơ bản trong bữa ăn. Khi lên bốn tuổi, bé sẽ không còn nắm muỗng nĩa hay muỗng của mình để chơi đùa bởi giờ đây bé đã có thể cầm chúng như người lớn. Bạn hãy hướng dẫn cho bé cách sử dụng dao, dạy bé các phép lịch sự khi ăn, chẳng hạn như không nói chuyện khi miệng đầy thức ăn, sử dụng khăn ăn của mình thay vì ống tay áo lau miệng và không chạm vào đĩa của người khác. Việc giải thích các quy tắc này khá cần thiết, nhưng quan trọng hơn là hãy trở thành tấm gương cho bé. Con bạn sẽ hoàn thiện cách ăn tốt hơn nếu bạn cho bé ăn chung cùng gia đình. Vì vậy, hãy sắp xếp ít nhất một bữa mỗi ngày để gia đình bạn có thể ăn cùng nhau. Bạn cũng có thể để cho bé dọn bàn hoặc giúp bạn chuẩn bị bữa ăn để bé có thể hứng thú với các bữa ăn hơn.
Hãy quản lý việc xem tivi của con bạn. Quảng cáo trên tivi có thể truyền đạt những điều rất hấp dẫn nhưng nó lại là trở ngại cho quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của bé. Một số nghiên cứu cho thấy thời gian xem tivi và bệnh béo phì có mối quan hệ mật thiết với nhau. Béo phì hiện đang là một vấn đề ngày càng trầm trọng ở trẻ em. Vì vậy, bạn cần phải theo dõi kĩ càng để đảm bảo rằng bé ăn càng nhiều thực phẩm lành mạnh càng tốt.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp: “Bụng yếu” nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện hệ tiêu hóa?