Bạo hành phụ nữ trong gia đình không những gây ra nhiều rủi ro về sức khỏe mà còn để lại nỗi ám ảnh dai dẳng suốt cuộc đời. Thế nhưng, tại sao không ít phụ nữ lại chần chừ khi quyết định tìm cách thoát khỏi người chồng vũ phu?
Bạn đang đọc: Bạo hành phụ nữ trong gia đình: Đừng chần chừ tìm cách thoát ra!
Theo Nghiên cứu quốc gia về “Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam’ được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố, có đến 34% phụ nữ bị bạo hành. Trung bình cứ 3 phụ nữ đã lập gia đình thì có 1 người cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể chất hoặc lạm dụng tình dục.
Thực tế, những con số thống kê này thậm chí có thể cao hơn bởi vì rất nhiều người phụ nữ đã không lên tiếng phơi bày sự thật về bạo lực gia đình.
Nội Dung
Bạo hành phụ nữ trong gia đình
Bạo hành phụ nữ chính là một dạng bạo lực gia đình phổ biến mà phụ nữ là nạn nhân của người chồng. Họ có thể trải qua những nỗi đau thầm kín khi bị bạo hành thể chất và bạo hành tinh thần:
- Bạo hành thể chất: Phụ nữ bị đánh đập, lạm dụng tình dục và tổn thương thể chất.
- Bạo hành tinh thần: Phụ nữ bị chửi bới, xúc phạm danh dự và tổn thương tâm lý.
Tình trạng bạo hành phụ nữ nghiêm trọng và lâu dài có thể dẫn đến một rối loạn tâm thần gọi là “hội chứng phụ nữ bị đánh đập” (battered woman syndrome). Hội chứng này có thể xem là một dạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và đôi khi còn được gọi là “hội chứng người vợ bị đánh đập”.
Khi mắc hội chứng “phụ nữ bị đánh đập”, nạn nhân cảm thấy bất lực đến mức cô ấy tin rằng mình đáng bị bạo hành và không thể thoát khỏi bạo hành gia đình. Trong nhiều trường hợp, hội chứng tâm lý này khiến phụ nữ không báo cáo cơ quan chức năng hoặc chia sẻ với bạn bè và gia đình.
Nếu mắc hội chứng “phụ nữ bị đánh đập” do bạo lực gia đình, bạn có thể trải qua 4 giai đoạn tâm lý sau đây:
1. Phủ nhận sự thật: Bạn không thể chấp nhận rằng mình đang bị bạo hành hoặc bạn biện minh rằng điều này chỉ xảy ra một lần.
2. Cảm giác tội lỗi: Bạn tin rằng bản thân mình chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Niềm tin này có thể do những lời nói xúc phạm của chồng lặp lại khi bạo hành tinh thần.
3. Nhận thức sự bất công: Trong giai đoạn này, bạn nhận ra rằng mình không đáng bị bạo hành và đối phương đánh đập phụ nữ là vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể.
4. Thoát ra khỏi bạo hành: Bạn xác định rằng người bạo hành phải chịu trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, đây chính là thời điểm bạn tìm cách thoát khỏi bạo lực gia đình.
Một số người trong mối quan hệ bạo hành phụ nữ không vượt qua được 2 hoặc 3 giai đoạn đầu tiên. Đây có thể là vì bạo lực gia đình đã gây tử vong mà nạn nhân là phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ không thoát ra khỏi bạo hành là do họ nhẫn nhịn.
Tại sao phụ nữ bị bạo hành gia đình lại nhẫn nhịn chịu đựng?
Tìm hiểu thêm: Cấy ghép tử cung, bước đột phá của nền y học
Nếu bạn là một người ngoài cuộc, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy bất bình khi vô tình xem những đoạn clip quay cảnh đàn ông bạo hành phụ nữ. Bạn cũng sẵn sàng khuyên người thân bị bạo hành nên “ly hôn chồng” đi để làm lại cuộc đời…
Thế nhưng, không phải người phụ nữ trong cuộc nào cũng có đủ dũng cảm đứng lên đấu tranh hay tìm cách thoát khỏi bạo hành gia đình. Bên cạnh sự khống chế của người chồng, phụ nữ còn bị vướng phải những rào cản sau đây của chính bản thân mình.
1. Nỗi sợ hãi khi bỏ đi
Một trong những thay đổi cuộc sống sau kết hôn của phụ nữ chính là bạn sẽ trở nên kiên nhẫn hơn khi đối diện với các xung đột. Bạn trưởng thành hơn, nhưng đồng thời cũng mong manh hơn khi sợ hãi viễn cảnh bỏ đi khỏi căn nhà quen thuộc:
- Sợ cô đơn một mình khi ra đi
- Sợ mất mát tình nghĩa vợ chồng
- Sợ mọi người xung quanh dèm pha
2. Tình yêu đối với con cái
Bạn có thể từng xem những đoạn clip quay cảnh đàn ông đánh đập một người phụ nữ yếu ớt, mang bầu hay đang ôm con nhỏ trên tay. Đàn ông vũ phu thì dù là phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé, đang mang thai hay có con nhỏ cũng vẫn cứ tàn nhẫn như thường!
Thế nhưng, phụ nữ có con thì lại rất khó dứt khoát rời khỏi cuộc hôn nhân vì muốn gìn giữ một gia đình trọn vẹn cho con. Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nghĩ rằng ba mẹ ly hôn vẫn tốt hơn một cuộc hôn nhân tồi tệ khi lo lắng cho tương lai của con sau này.
3. Sự phụ thuộc về tài chính
Cùng với tâm lý lo sợ, phụ nữ thường không dám ly hôn vì phụ thuộc tài chính vào chồng. Đặc biệt, áp lực tài chính nuôi dưỡng con cái lại càng khiến phụ nữ chần chừ và nhẫn nhịn ở lại chịu đựng sự bạo hành mà không dám chống đối.
Cuộc hành trình làm mẹ đơn thân vượt qua nỗi cô đơn vốn đã chông chênh lại càng khó khăn hơn bội phần với bài toán cơm áo gạo tiền mỗi ngày. Nếu phụ nữ không có một công việc ổn định hoặc chỗ dựa tài chính, họ sẽ khó lòng lựa chọn dứt áo ra đi.
4. Ám ảnh đổ lỗi cho bản thân
Khi có lòng tự trọng thấp hoặc bị chồng bạo hành tinh thần quá nặng nề, phụ nữ có thể rơi vào cạm bẫy tâm lý cho rằng mình là người có lỗi. Họ chấp nhận bị bạo hành như một “hình phạt” xứng đáng cho những khiếm khuyết của bản thân.
Nỗi ám ảnh đổ lỗi cho bản thân có xu hướng xuất hiện nhiều ở phụ nữ cảm thấy mình lép vế hơn chồng về gia đình, thu nhập và địa vị.
5. Hy vọng sẽ thay đổi đối phương
Phụ nữ sống tình cảm nên sẽ rất dễ mềm lòng khi người đàn ông mới đánh đập mình hôm qua thì hôm nay lại tỏ vẻ săn sóc, chiều chuộng hay nói lời ngọt ngào. Thật ra, đây chỉ là một giai đoạn “trăng mật” ngắn ngủi sau khi bạo hành phụ nữ!
Vòng tròn đánh đập rồi lại dỗ dành sẽ cứ tiếp tục trói buộc và cầm tù người phụ nữ ở lại mối quan hệ đầy giông tố. Thậm chí, nhiều phụ nữ còn không chịu ly hôn khi chồng ngoại tình bên ngoài về nhà lại đánh vợ vì hy vọng đối phương sẽ thay đổi.
Những rào cản về tâm lý chính là trở ngại lớn nhất khiến bạn chần chừ khi tìm cách thoát ra khỏi bạo hành phụ nữ trong gia đình. Nếu muốn làm lại cuộc đời, bạn cần thay đổi để trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn.
Cách thoát khỏi bạo hành phụ nữ trong gia đình
>>>>>Xem thêm: Phụ nữ đến tháng bị đau lưng: Nguyên nhân và 4 cách khắc phục nhanh, hiệu quả
Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nạn bạo hành phụ nữ và kiểm soát bạo lực gia đình. Đặc biệt, người trong cuộc cần biết những điều gì có tác dụng ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), chúng ta cần áp dụng các chiến lược sau đây để ngăn chặn nạn bạo hành phụ nữ:
- Củng cố kỹ năng giao tiếp
- Khẳng định quyền phụ nữ
- Đảm bảo các dịch vụ cho phụ nữ
- Giảm thiểu tình trạng nghèo đói
- Tạo môi trường an toàn cho phụ nữ
- Ngăn chặn bạo hành trẻ em và thanh thiếu niên
- Thay đổi thái độ, niềm tin và chuẩn mực về người phụ nữ
Trong cuộc hành trình đấu tranh tự bảo vệ bản thân, phụ nữ luôn có sự ủng hộ từ cộng đồng và các cơ quan chức năng. Bạn có thể từng bước vượt qua những rào cản của bản thân bằng cách áp dụng những cách thoát khỏi bạo hành phụ nữ sau đây:
1. Tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài
Khi cảm thấy bất lực trước người đàn ông đã mất hết tình nghĩa vợ chồng, đã đến lúc bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài như bạn bè, gia đình và pháp luật.
- Chụp ảnh hoặc quay phim bạn bị bạo hành
- Đi kiểm tra sức khỏe để xác định tình trạng bạo hành
- Báo cáo với các cơ quan chức năng tại địa phương đang sống
Khi bạn đã có đủ bằng chứng bị bạo hành, hãy mạnh dạn lên tiếng để nhận được sự giúp đỡ. Nếu không thể ra ngoài, bạn có thể chia sẻ trên mạng xã hội.
2. Suy nghĩ về tương lai của con
Thay vì cố gắng nhẫn nhịn để con có đủ cả ba lẫn mẹ, bạn cần suy nghĩ để trả lời câu hỏi: “Liệu con mình có hạnh phúc khi thấy ba đánh mẹ một cách tàn nhẫn?”. Đó là chưa kể, chồng bạn cũng có thể đánh luôn cả con!
Bạo hành gia đình thời thơ ấu sẽ khiến trẻ bị sang chấn tâm lý suốt cuộc đời. Điều đáng lo ngại hơn, con bạn có thể sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của bạo hành gia đình vì đã “quen” chứng kiến cảnh đánh đập.
Nhiều đứa trẻ có cá tính nổi loạn còn có thể bị ảnh hưởng từ người cha dẫn đến phạm tội và sa vào vòng lao lý sau này.
3. Chuẩn bị tài chính thời gian lâu dài
Nếu bạn lo lắng về áp lực tài chính thì nên có sự chuẩn bị sớm từ khi chồng đã có những dấu hiệu đầu tiên của bạo hành phụ nữ. Ngay cả khi đời sống vợ chồng hòa thuận, bạn cũng nên tránh những sai lầm khiến phụ nữ mất độc lập tài chính.
Bạn nên tìm kiếm một công việc ổn định có thu nhập đủ để bạn trang trải các nhu cầu thiết yếu và mở tài khoản tiết kiệm để dành cho chuyện học hành của con.
4. Dành thời gian khám phá bản thân
Khi bạn tin rằng bản thân mình xứng đáng được yêu thương và trân trọng, bạn sẽ không chọn một người đàn ông tự cao và gia trưởng. Đàn ông tự cao tự đại và có tính cách gia trưởng là mầm mống đầu tiên dẫn đến bạo hành phụ nữ khi họ cho mình có quyền xem thường phụ nữ.
Bạn cần khám phá những giá trị tốt đẹp của bản thân để có thể đủ dũng khí rời bỏ người đàn ông không trân quý mình.
5. Đặt ra giới hạn với người bạo hành
Trường hợp bạn vẫn còn một chút “hy vọng” rằng người đàn ông đã từng yêu thương mình ngày xưa sẽ quay trở lại, hãy đặt ra giới hạn để ngăn chặn bạo hành phụ nữ. Mặc dù khả năng này hiếm hoi, song chồng bạn có thể đang trải qua một giai đoạn khó khăn nên nhất thời hơi nóng nảy.
Khi chồng bày tỏ sự ân hận, bạn cần kiên định đặt ra giới hạn là anh không được bạo hành vợ nữa. Nếu anh vi phạm quá 2 lần, cả hai sẽ cân nhắc quyết định ly hôn.
Khi xã hội ngày càng tiến bộ, phụ nữ chúng ta có thể sẽ nhận được hoa và quà vào ngày 8-3 hay 20-10 như một cách bày tỏ sự trân trọng phái đẹp. Thế nhưng, hơn một nửa phụ nữ Việt Nam vẫn chỉ nhận được những giọt nước mắt và vết bầm tím trên cơ thể mỗi ngày. Nếu bạn không may kết hôn với người chồng bạo hành phụ nữ, đừng chần chừ tìm cách thoát ra mối quan hệ này!