Bệnh Kienbock, hay còn được gọi là hoại tử xương nguyệt, là một căn bệnh hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến cổ tay và khả năng vận động của người bệnh. Căn bệnh này chủ yếu tấn công vào xương nguyệt, một trong những xương nhỏ ở cổ tay, dẫn đến đau nhức, sưng tấy, và giảm khả năng cử động. Do tính chất tiến triển âm thầm và khó nhận biết sớm, bệnh Kienbock thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cùng Kenshin tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
Bạn đang đọc: Bệnh Kienbock là gì? Những điều cần biết về căn bệnh quái ác này
Tìm hiểu chung
Bệnh Kienbock là gì?
Bệnh Kienbock còn được biết đến là tình trạng hoại tử vô mạch xương nguyệt cổ tay. Đây là một bệnh lý tương đối hiếm gặp, xảy ra khi dòng máu cung cấp đến xương nguyệt bị gián đoạn gây hoại tử xương.
Xương nguyệt là một trong tám xương nhỏ trong khối xương ở cổ tay. Nó nằm ở vị trí trung tâm cổ tay và đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển, hỗ trợ các khớp tại đây. Khi xương này bị tổn thương có thể gây ra đau đớn, cứng khớp và đôi khi gây viêm khớp cổ tay theo thời gian.
Bệnh Kienbock thường chỉ ảnh hưởng ở một cổ tay, hiếm khi bị ở cả hai cổ tay. Bệnh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 20–40 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở nữ giới.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh Kienbock
Ở giai đoạn đầu, bạn sẽ cảm thấy đau ở cổ tay. Khi bệnh tiến triển hơn, một số triệu chứng khác có thể gặp phải là:
- Đau ở trong xương
- Cứng cổ tay
- Sưng tấy
- Giảm khả năng cầm nắm của bàn tay
- Gặp khó khăn khi đưa tay lên
- Nghe thấy âm thanh “click-click’ khi di chuyển cổ tay
Sự tiến triển bệnh ở mỗi trường hợp sẽ không giống nhau nhưng nhìn chung thì bệnh tiến triển chậm và khó nhận biết trong nhiều năm. Theo thời gian, các chức năng vận động ở cổ tay bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng căng thẳng và thoái hóa trong cổ tay.
Nguyên nhân
Nguyên nhân bệnh Kienbock là gì?
Nguyên nhân gây ra bệnh này vẫn chưa được biết rõ. Các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều yếu tố cùng tham gia gây nên bệnh lý này, chẳng hạn như:
- Cấu trúc xương khác thường. Xương trụ ngắn hơn xương quay có thể gây ra nhiều vấn đề hoặc hình dạng của xương nguyệt không giống như bình thường.
- Chấn thương. Một hoặc nhiều tai nạn xảy ra có thể dẫn đến bệnh lý này.
- Các bệnh lý khác. Bệnh Kienbock xảy ra phổ biến hơn ở những người có bệnh lý gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu hay có liên quan đến các bệnh như lupus, thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm và bại não.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh Kienbock?
Để đưa ra chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ cần kiểm tra tiền sử bệnh, thăm khám sức khỏe và chụp X-quang. Trong giai đoạn đầu, kết quả chụp X-quang có thể vẫn bình thường và cần làm thêm các xét nghiệm cần thiết khác để đưa ra chẩn đoán. Phương pháp đáng tin cậy để đánh giá tình trạng cung cấp máu đến xương nguyệt ở cổ tay là chụp cộng hưởng từ (MRI). Chụp CT hay xạ hình xương cũng có khi được sử dụng.
Bởi vì căn bệnh này có tiến triển chậm nên người bệnh thường sống chung với chúng trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm trước khi đến gặp bác sĩ và bắt đầu điều trị. Việc đưa ra chẩn đoán chính xác trong giai đoạn đầu có thể gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng khá giống với tình trạng bong gân hay trật cổ tay.
Các giai đoạn của bệnh Kienbock
Bệnh Kienbock tiến triển qua 4 giai đoạn. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh này, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là giai đoạn tiến triển bệnh.
Giai đoạn 1
Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng thường giống như bong gân cổ tay. Mặc dù nguồn máu đi đến xương nguyệt đã bị gián đoạn nhưng kết quả chụp X-quang thường không cho thấy rõ điều này. Thường thì bác sĩ chỉ nhận thấy dấu hiệu gãy xương, nếu có. Chụp MRI có thể giúp phát hiện dòng máu đang lưu thông có bị gián đoạn hay không và hữu ích hơn trong việc chẩn đoán ở giai đoạn đầu.
Tìm hiểu thêm: Tầm soát ung thư cổ tử cung bao nhiêu tiền? Làm ở đâu nhanh và đúng?
Giai đoạn 2
Xương nguyệt ở cổ tay bắt đầu cứng lại do thiếu nguồn cung cấp máu. Quá trình này được gọi là xơ cứng. Thêm vào đó, hình ảnh xương nguyệt trên kết quả chụp X-quang cũng sáng hơn hoặc trắng hơn, cho thấy xương đang chết dần. Để đánh giá tốt hơn, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI hoặc CT.
Triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn này là sưng, đau cổ tay, nhất là khi có tác động.
Giai đoạn 3
Ở giai đoạn này, xương nguyệt đã chết và bắt đầu sụp xuống, vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Khi xương này bắt đầu vỡ, các xương xung quanh có thể từ từ dịch chuyển vị trí.
Lúc này, người bệnh trải qua những cơn đau nghiêm trọng, ngày càng nặng, cử động cầm nắm yếu đi và chuyển động cổ tay bị hạn chế.
Giai đoạn 4
Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối cùng, các bề mặt của những xương xung quanh xương nguyệt trở nên xấu đi và dẫn đến viêm khớp cổ tay.
Những phương pháp điều trị bệnh Kienbock
Dù không có cách giúp chữa trị hoàn toàn bệnh Kienbock nhưng người bệnh có thể lựa chọn các phương pháp không phẫu thuật hoặc phẫu thuật để điều trị triệu chứng. Mục tiêu điều trị là giảm bớt áp lực lên xương nguyệt và cố gắng khôi phục lưu lượng máu cung cấp đến xương này.
Điều trị không phẫu thuật
Trong giai đoạn đầu, bạn có thể dùng thuốc giảm đau, kháng viêm như aspirin, ibuprofen để giảm bớt sưng và đau. Hạn chế cử động cổ tay trong một khoảng thời gian cũng giúp giảm thiểu áp lực cho xương nguyệt ở cổ tay. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ dùng nẹp hoặc bó bột cổ tay trong 2–3 tuần.
Điều quan trọng là bạn phải luôn theo dõi các triệu chứng trong giai đoạn xem có thay đổi khác lạ nào không. Nếu cơn đau không thuyên giảm bằng các phương pháp điều trị đơn giản hoặc đau tái phát, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật.
>>>>>Xem thêm: Bệnh thận đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
Điều trị bằng phẫu thuật
Bác sĩ có thể lựa chọn nhiều phương pháp để phẫu thuật diều trị bệnh Kienbock, phụ thuộc vào một số yếu tố, đặc biệt là mức độ tiến triển của bệnh.
- Tái tạo mạch máu. Phương pháp này giúp hồi phục lại nguồn máu cung cấp đến xương nguyệt và có tỷ lệ thành công cao hơn trong giai đoạn đầu của bệnh. Bác sĩ sẽ loại bỏ một phần xương cùng với mạch máu ra khỏi một xương khác và chèn chúng vào xương nguyệt. Sau đó, một thiết bị giúp cố định từ bên ngoài được dùng để giữ xương nằm đúng vị trí cho đến khi lành lại.
- Nâng diện khớp (joint leveling). Nếu hai xương cánh tay không dài bằng nhau, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện phẫu thuật để giúp các xương này đều nhau như bình thường. Kỹ thuật này sẽ giảm bớt lực đè nén lên xương nguyệt và làm chậm tiến triển bệnh.
- Phẫu thuật cắt bỏ hàng xương cổ tay gần (proximal row carpectomy). Nếu xương nguyệt bị vỡ thành nhiều mảnh, bác sĩ sẽ phải loại bỏ chúng. Trong phẫu thuật này, hai xương hai bên xương nguyệt ở cổ tay cũng được lấy ra ngoài. Cách này giúp người bệnh giảm bớt đau đớn và duy trì một phần chuyển động cổ tay.
- Phẫu thuật hợp nhất xương (fusion). Để giảm bớt áp lực cho xương nguyệt, các xương cổ tay xung quanh có thể được hợp lại thành một khối xương. Phương pháp này giúp giảm đau và bảo tồn một phần khả năng chuyển động của cổ tay.
Tiên lượng
Người bệnh Kienbock có tiên lượng ra sao?
Tình trạng bệnh Kienbock thay đổi nhiều tùy vào mức độ nghiêm trọng cũng như mức độ tiến triển của bệnh. Đáp ứng của mỗi người bệnh với phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương ở xương nguyệt và các xương cổ tay xung quanh. Bạn có thể cần trải qua nhiều đợt phẫu thuật nếu bệnh cứ tiếp tục tiến triển nặng hơn. Nói chung, chức năng vận động ở cổ tay của người bệnh Kienbock sẽ không thể trở lại như bình thường, cho dù đã điều trị. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị sẽ giúp bảo tồn chức năng nhiều nhất có thể và giảm đau đớn.
Hiểu rõ về bệnh Kienbock và nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh là bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe cổ tay và ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng. Việc áp dụng các phương pháp điều trị kịp thời và đúng cách có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và duy trì khả năng vận động. Hãy luôn lắng nghe cơ thể, chú ý đến các triệu chứng bất thường và tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y tế khi cần thiết bạn nhé!