Bệnh phổi

Bệnh phổi

Tìm hiểu chung

Bệnh phổi là gì?

Bệnh phổi chỉ các cơn rối loạn ảnh hưởng đến phổi, cơ quan giúp chúng ta thở. Vấn đề hô hấp do bệnh phổi gây ra có thể dẫn đến tình trạng không cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Các ví dụ về bệnh phổi là:

Bạn đang đọc: Bệnh phổi

  • Bệnh hen suyễn, viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng;
  • Các bệnh nhiễm trùng như bệnh cúm và viêm phổi;
  • Ung thư phổi;
  • Sarcoidosis và xơ hóa phổi.

Phổi là một phần của hệ cơ quan phức tạp, nở rộng và xẹp lai hàng ngàn lần mỗi ngày để hấp thu oxy cho cơ thể và thải carbon dioxide. Bệnh phổi có thể xảy ra nếu bất kỳ phần nào trong hệ hô hấp gặp vấn đề. Bệnh phổi là một trong số những bệnh thường gặp nhất trên thế giới.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh phổi là gì?

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rất khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh phổi. Các triệu chứng thường gặp của bệnh phổi bao gồm:

  • Khó thở;
  • Thở ngắn;
  • Cảm giác không nhận đủ không khí;
  • Khả năng vận động suy giảm;
  • Ho không dứt;
  • Ho ra máu hoặc đàm;
  • Đau hoặc khó chịu khi hít vào hoặc thở ra.

Triệu chứng thường gặp của bệnh hen suyễn là:

  • Ho;
  • Thở khò khè;
  • Tức ngực;
  • Khó thở.

Triệu chứng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là:

  • Ho liên tục, thường kèm theo đàm;
  • Khó thở, đặc biệt là khi tập thể thao;
  • Thở khò khè;
  • Tức ngực.

Triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư phổi:

  • Ho không dứt hoặc trở nặng;
  • Khó thở, thở ngắn;
  • Ho ra máu;
  • Tức ngực;
  • Khàn tiếng hoặc thở khò khè;
  • Viêm phổi không bớt hoặc liên tục tái phát;
  • Chán ăn hoặc sụt cân không giải thích được.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh phổi?

Nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn

Lý do gây ra bệnh hen suyễn có thể là sự kết hợp của các yếu tố môi trường và di truyền.

Tiếp xúc với các nhiều chất kích thích và chất kích hoạt dị ứng (dị nguyên) có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn. Yếu tố khởi phát bệnh hen suyễn khác nhau ở mỗi người, có thể bao gồm:

  • Các chất trong không khí, như phấn hoa, bụi, bào tử nấm mốc, lông vật nuôi hoặc các hạt chất thải từ con gián;
  • Nhiễm trùng hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường;
  • Hoạt động thể chất (hen do tập luyện);
  • Không khí lạnh;
  • Chất gây ô nhiễm không khí và các chất kích thích, chẳng hạn như khói;
  • Một số loại thuốc, bao gồm cả các thuốc ức chế beta, aspirin, ibuprofen (Advil®, Motrin IB®, v.v.) và naproxen (Aleve®);
  • Xúc động mạnh và căng thẳng;
  • Sulfite và chất bảo quản được thêm vào một số loại thực phẩm và đồ uống, bao gồm tôm, trái cây sấy khô, khoai tây chế biến, bia và rượu vang;
  • Trào ngược dạ dày (GERD), tình trạng axit dạ dày trào ngược lên cổ họng.

Nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể bao gồm:

  • Khói thuốc lá và các chất kích thích khác. Trong hầu hết các trường hợp, các tổn thương phổi dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do hút thuốc lá lâu dài. Tuy nhiên, có rất nhiều các yếu tố khác có khả năng góp phần gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chẳng hạn như tính nhạy cảm di truyền với bệnh, bởi vì chỉ có khoảng 20-30% những người hút thuốc có thể mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các chất kích thích khác có thể gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm khói xì gà, khói thuốc lá, hút thuốc lá gián tiếp, ô nhiễm không khí và tiếp xúc với môi trường làm việc đầy bụi, khói hoặc hơi khói;
  • Thiếu alpha-1-antitrypsin. Khoảng 1%những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do rối loạn di truyền, làm cho nồng độ của protein alpha-1-antitrypsin trong cơ thể thấp. Alpha-1-antitrypsin (AAT) do gan tiết ra và bài tiết vào máu để giúp bảo vệ phổi. Thiếu alpha-1-antitrypsin có thể ảnh hưởng đến gan và phổi. Tổn thương tại phổi có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em, không chỉ là ở người lớn có thói quen hút thuốc lâu dài. Đối với người lớn bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính liên quan đến thiếu hụt alpha-1-antitrypsin, việc lựa chọn điều trị bao gồm những phương pháp vốn được sử dụng cho những người mắc phải bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phổ biến hơn. Ngoài ra, một số người có thể được điều trị bằng cách thay thế protein alpha-1-antitrypsin bị mất để ngăn chặn tổn thương thêm cho phổi.

Nguyên nhân gây ra ung thư phổi

Hút thuốc gây ra phần lớn các bệnh ung thư phổi, cả ở người hút thuốc, những người chỉ tiếp xúc với khói thuốc lá, người chưa bao giờ hút thuốc và những người không bao giờ tiếp xúc kéo dài với khói thuốc lá. Trong những trường hợp này, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi có thể không rõ ràng.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh phổi?

Bệnh phổi rất phổ biến và có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, chẳng hạn như:

  • Có người cùng huyết thống (chẳng hạn như bố mẹ hoặc anh chị em ruột) bị bệnh hen suyễn;
  • Có tình trạng dị ứng, chẳng hạn như viêm da dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô);
  • Thừa cân;
  • Hút thuốc;
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá;
  • Tiếp xúc với khí thải hoặc các loại ô nhiễm khác;
  • Tiếp xúc với các yếu tố khởi phát do nghề nghiệp, chẳng hạn như các hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, làm tóc và sản xuất chế biến.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chẳng hạn như:

  • Tiếp xúc với khói thuốc lá. Yếu tố nguy cơ thường gặp nhất gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là hút thuốc lá lâu dài. Bạn hút thuốc càng nhiều và trong thời gian càng dài thì nguy cơ bạn mắc bệnh càng lớn. Người hút xì gà, hút thuốc lá và hút cần sa, những người tiếp xúc với một lượng lớn khói thuốc lá cũng có nguy cơ bị bệnh;
  • Những người có bệnh hen suyễn hút thuốc. Sự kết hợp giữa bệnh hen suyễn, bệnh viêm mạn tính đường hô hấp và hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
  • Phơi nhiễm nghề nghiệp với bụi và hóa chất. Việc tiếp xúc lâu dài với hơi hóa chất, hơi nước và bụi ở nơi làm việc có thể gây kích ứng và viêm phổi;
  • Tiếp xúc với khói do đốt nhiên liệu. Ở những nước đang phát triển, những người tiếp xúc với khói do đốt nhiên liệu để nấu ăn và sưởi ấm trong các ngôi nhà có chế độ thông khí kém sẽ có nguy cơ cao bị bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
  • Tuổi tác. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính diễn tiến chậm qua nhiều năm, vì vậy hầu hết mọi người ít nhất ở độ tuổi 40 mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng;
  • Di truyền. Rối loạn di truyền hiếm gặp thiếu alpha-1-antitrypsin là nguyên nhân gây ra bệnh COPD trong một số trường hợp. Các yếu tố di truyền khác có thể làm cho một số người hút thuốc dễ bị bệnh.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư phổi, chẳng hạn như:

  • Hút thuốc. Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo số điếu thuốc và số năm bạn hút thuốc. Bỏ thuốc có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi;
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá. Dù bạn không hút thuốc nhưng nếu bạn tiếp xúc với khói thuốc lá thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi;
  • Tiếp xúc với khí radon. Radon là sản phẩm từ sự phân hủy tự nhiên của uranium trong đất, đá, nước mà cuối cùng bay vào không khí bạn hít thở. Nồng độ không an toàn của radon có thể tích tụ trong bất kỳ ngôi nhà nào. Bộ dụng cụ xét nghiệm radon, bạn có thể mua tại các cửa hàng tiện dụng tại nhà để xác định liệu mức độ radon trong nhà có an toàn không. Nếu mức độ radon không an toàn thì hãy sử dụng các phương pháp giúp phòng tránh có sẵn trong bộ dụng cụ xét nghiệm;
  • Tiếp xúc với amiăng và các chất gây ung thư khác. Làm việc trong môi trường có nhiều amiăng và các chất có thể gây ung thư – như asen, crôm và niken – cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, đặc biệt nếu bạn là người hút thuốc;
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi. Những người có bố mẹ, anh chị em hoặc con bị ung thư phổi có nguy cơ cao bị bệnh.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh phổi?

Chẩn đoán hen suyễn

Để chẩn đoán bệnh hen suyễn, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và những gì gây kích thích chúng, đánh giá bệnh sử và kiểm tra cơ thể. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể làm các xét nghiệm khác, chẳng hạn như:

  • Hô hấp ký (đo phế dung). Bác sĩ sử dụng một dụng cụ y tế gọi là phế dung kế. Xét nghiệm này sẽ đo xem bạn có thể hít vào và thở ra bao nhiêu không khí, đo xem bạn thở khí ra ngoài nhanh tới mức nào. Các bác sĩ cũng có thể cho bạn sử dụng thuốc và sau đó kiểm tra lại xem tình trạng của bạn có cải thiện không;
  • Kích thích phế quản. Bác sĩ sẽ giúp bạn tạo áp lực lên phổi và sử dụng hô hấp kí để kiểm tra chức năng phổi của bạn. Áp lực ở đây có thể là hoạt động thể chất hoặc sau khi bạn hít một hóa chất đặc biệt và tăng liều lên hoặc không khí lạnh;
  • X-quang ngực hoặc EKG (điện tâm đồ). Những xét nghiệm này có thể phát hiện liệu có một bệnh khác hay một vật thể ngoại lai nào gây ra các triệu chứng hay không;
  • Các xét nghiệm khác. Các bác sĩ có thể sẽ kiểm tra các vấn đề khác gây ra các triệu chứng. Chúng bao gồm trào ngược axit dạ dày vào cổ họng, các bệnh lý ở dây thanh hoặc ngưng thở khi ngủ.

Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Để phát hiện xem bạn có bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không, các bác sĩ sẽ:

  • Hỏi về các triệu chứng của bạn;
  • Hỏi về bệnh sử của bạn, bao gồm cả tiền căn gia đình;
  • Hỏi về tiền căn tiếp xúc với những thứ có thể gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí hoặc hóa chất;
  • Kiểm tra sức khỏe của bạn bằng cách sử dụng một ống nghe để nghe tiếng thở khò khè hoặc các âm thanh bất thường ở phổi.

Xét nghiệm chính để kiểm tra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là hô hấp ký. Đối với thử quy trình này, bạn sẽ được yêu cầu hít thật sâu và thổi hết mức vào một ống được kết nối với phế dung kế. Dụng cụ này đo xem bạn thở ra nhiêu không khí và thở nhanh tới mức nào. Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:

  • X-quang ngực hoặc CT scan ngực. Những phương pháp này tạo ra hình ảnh của tim và phổi. Các hình ảnh này có thể hiển thị các dấu hiệu của bệnh COPD. Chúng cũng có thể cho biết các triệu chứng của bạn có phải do bệnh khác không, chẳng hạn như suy tim;
  • Xét nghiệm khí động mạch máu. Xét nghiệm máu đo nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu của bạn, có thể giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và xem liệu pháp điều trị oxy có cần thiết không.

Chẩn đoán ung thư phổi

Xét nghiệm thông thường để chẩn đoán ung thư phổi bao gồm:

  • X-quang ngực. X-quang ngực cho phép bác sĩ nhìn thấy những tăng trưởng bất thường ở phổi;
  • CT scan. CT scan hữu ích so với chụp X-quang chuẩn. Các hình ảnh có thể hiển thị dấu hiệu khó nhận biết của bệnh ung thư mà không thấy được trên X-quang, làm tăng cơ hội phát hiện bệnh ung thư trước khi nó lan rộng hơn nữa;
  • Xét nghiệm đàm. Một mẫu đàm mà bạn ho ra sẽ được nghiên cứu để xem liệu nó có tế bào ung thư trong đó không;
  • Nội soi phế quản. Các bác sĩ sẽ đưa một ống soi phế quản qua mũi hoặc miệng và xuống phổi. Chúng có thể thấy bên trong phổi và lấy ít mẫu mô nhỏ để làm xét nghiệm;
  • Chọc hút bằng kim. Các bác sĩ đưa một cây kim xuyên qua thành ngực vào phổi để lấy bớt một ít mô hoặc dịch;
  • Mở ngực. Các bác sĩ mổ ngực và lấy các mô từ phổi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh phổi?

Điều trị hen suyễn

Hen là một bệnh mạn tính. Thuốc có thể được sử dụng để điều trị hen suyễn nhưng không thể trị dứt bệnh. Bạn có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách thảo luận với bác sĩ để thiết lập một kế hoạch kiểm soát bệnh, bao gồm các loại thuốc có thể sử dụng và cách phòng tránh những tác nhân thúc đẩy cơn hen suyễn.

Kế hoạch kiểm soát hen suyễn của bạn sẽ cho thấy:

  • Các loại thuốc bạn nên dùng;
  • Khi nào dùng thuốc;
  • Làm thế nào để thường xuyên theo dõi bệnh hen suyễn;
  • Cách để tránh những các yếu tố thúc đẩy cơn hen suyễn của bạn;
  • Khi nào thì gọi bác sĩ hoặc đến khoa cấp cứu;
  • Uống thuốc.

Thuốc hen suyễn hoạt động bằng cách mở các đường dẫn khí vào phổi. Các loại thuốc dùng để điều trị hen suyễn đều thuộc vào hai nhóm: kiểm soát dài hạn (thuốc ngừa cơn) và giải quyết nhanh chóng (thuốc cắt cơn).

Thuốc ngừa sẽ được dùng mỗi ngày, thường trong một thời gian dài, giúp ngăn ngừa các triệu chứng khởi phát. Khi các triệu chứng xảy ra, chúng không thể giúp cắt cơn nhanh chóng. Những loại thuốc này bao gồm:

  • Corticosteroid dạng hít (ICS). Đây là loại thuốc được sử dụng nhiều để kiểm soát hen lâu dài, chúng làm giảm viêm và phù đường hô hấp;
  • Đồng vận beta2 tác dụng dài. Những loại thuốc hít này thường được dùng kèm theo corticosteroid dạng hít liều thấp để kiểm soát hen lâu dài;
  • Leukotrienemodifiers. Những viên thuốc loại này giúp ngăn chặn các phản ứng dây chuyền gây viêm đường hô hấp;
  • Cromolyn và nedocromil. Những loại thuốc hít này có thể giúp giữ cho đường thở không phản ứng với kích thích gây ra cơn hen suyễn;
  • Theophylline. Đây là thuốc giúp mở rộng đường hô hấp.

Thuốc cắt cơn nhanh chóng chỉ được sử dụng khi cần thiết. Chúng bao gồm các đồng vậ n beta 2 tác dụng ngắn dạng hít và thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn, như albuterol và pirbuteral. Thuốc cắt cơn nhanh chóng thường làm giảm triệu chứng trong vài phút bằng cách giãn cơ thắt chặt quanh đường hô hấp nhanh chóng. Chúng được dùng khi các triệu chứng xấu đi nhằm ngăn chặn một đợt hen suyễn.

Bạn hãy tránh những thứ làm cho bệnh hen suyễn nặng hơn. Yếu tố thúc đẩy cơn hen suyễn thường gặp là khói thuốc lá, lông động vật, bụi, ô nhiễm không khí, nấm mốcvà phấn hoa. Bạn có thể thử các sản phẩm “không có mùi’ nếu bệnh hen suyễn của bạn bị kích thích bởi những mùi hương. Hãy trò chuyện với bác sĩ về việc tiêm dị nguyên nếu các triệu chứng hen suyễn của bạn có liên quan đến các dị nguyên mà bạn không thể tránh. Việc tiêm có thể làm giảm hoặc ngăn chặn các triệu chứng nhưng sẽ không chữa trị hoàn toàn được bệnh hen suyễn. Bạn có thể giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm bằng cách hạn chế các hoạt động ngoài trời vào những ngày có chất lượng không khí xấu.

Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tổn hại cho phổi là không thể chữa được. Bạn có thể làm chậm diễn tiến của bệnh bằng cách tránh một số loại phơi nhiễm. Đối với người hút thuốc, phương pháp tốt nhất là ngừng hút thuốc. Bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc với khói, bụi và hơi có tính kích thích ở nhà và nơi làm việc. Bạn cũng hạn chế các hoạt động ngoài trời trong thời gian được cảnh báo có ô nhiễm không khí. Điều trị có thể làm giảm triệu chứng. Các thuốc thường gặp là:

  • Thuốc giãn phế quản để mở rộng đường dẫn khí trong phổi;
  • Steroid dạng hít làm giảm triệu chứng bằng cách giảm viêm ở phổi;
  • Thuốc kháng sinh để làm giải quyết các nhiễm trùng ở phổi.
  • Đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bác sĩ cũng có thể khuyên:

    • Chích ngừa bệnh cúm. Bệnh cúm có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho những người bị COPD;
    • Chích ngừa phế cầu. Chủng ngừa phế cầu khuẩn làm giảm nguy cơ mắc các loại bệnh viêm phổi;
    • Phục hồi chức năng phổi. Phương pháp này có thể bao gồm tập thể dục, huấn luyện kiểm soát bệnh, tư vấn chế độ ăn uống, giúp người bệnh về mặt thể chất và tinh thần nhằm đối phó với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
    • Liệu pháp oxy. Bệnh nhân sẽ bổ sung oxy thông qua ống hoặc đeo mặt nạ;
    • Phẫu thuật. Đôi khi, phẫu thuật có thể giúp những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng cảm thấy tốt hơn. Phẫu thuật ghép phổi đang trở nên phổ biến hơn đối với những người bị bệnh khí thũng nghiêm trọng. Một thủ thuật khác gọi là phẫu thuật giảm thể tích phổi cũng được sử dụng để điều trị một số bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng loại khí phế thũng. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần hư hỏng nhất của mỗi lá phổi.

    Điều trị ung thư phổi

    Đôi khi việc điều trị ung thư là chữa dứt bệnh ung thư. Trong một số trường hợp, phương pháp điều trị nhằm ngăn chặn ung thư lây lan và để làm giảm triệu chứng.

    Điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào:

    • Loại ung thư phổi;
    • Ung thư ở đâu và nó đã lan đến các bộ phận nào khác của cơ thể;
    • Tuổi tác và sức khỏe.

    Bác sĩ có thể đề nghị một phương pháp điều trị hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị:

    • Phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ các mô phổi có khối u ung thư. Đôi khi, một phần lớn của một bên phổi hoặc toàn bộ phổi sẽ được loại bỏ. Khi ung thư chưa di căn, phẫu thuật có thể chữa dứt cho bệnh nhân;
    • Xạ trị sử dụng một máy chiếu nhằm mục đích chiếu tia X năng lượng cao vào các khối u. Năng lượng này giết chết tế bào ung thư. Xạ trị có thể làm giảm đau và làm cho người bệnh cảm thấy khỏe hơn;
    • Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc dùng dạng viên uống;
    • Liệu pháp sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư, có thể được tiêm đường tĩnh mạch hoặc dùng dạng thuốc viên.

    Chế độ sinh hoạt phù hợp

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh phổi?

    Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh phổi nếu áp dụng các biện pháp sau:

    • Bỏ thuốc lá. Nếu bạn có thói quen hút thuốc thì hãy bỏ ngay. Bạn hãy gặp bác sĩ để được tư vấn. Tất cả các loại thuốc (thuốc lá điếu, xì gà, thuốc tẩu và cần sa) đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi;
    • Tránh khói thuốc lá. Nếu bạn sống hoặc làm việc với những người hút thuốc lá, thuốc tẩu hoặc xì gà thì hãy yêu cầu họ hút thuốc bên ngoài;
    • Xét nghiệm tìm radon. Bạn hãy kiểm tra nồng độ khí radon trong nhà hoặc nơi làm việc. Bạn có thể mua bộ dụng cụ tìm radon tại hầu hết các cửa hàng đồ dùng;
    • Tránh amiăng. Tiếp xúc với amiăng có thể gây xơ, sẹo ở phổi, ung thư phổi và bệnh phổi nghiêm trọng khác. Các công việc tiếp xúc với amiăng bao gồm những người bảo trì các tòa nhà mà có chất cách điện hay vật liệu khác có chứa amiăng và những người sửa chữa hệ thống phanh xe hoặc bộ ly hợp. Quản lý ở những nơi làm việc này nên đào tạo nhân viên về tính an toàn với amiăng và nên thường xuyên kiểm tra mức độ tiếp xúc. Họ cũng nên cung cấp các công cụ để giúp hạn chế tiếp xúc, chẳng hạn như đeo mặt nạ đặc biệt để lọc bụi amiăng từ không khí;
    • Bảo vệ bản thân khỏi bụi và hơi hóa học. Làm việc trong điều kiện bụi bặm và chứa hóa chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi. Bên cạnh đó, nguy cơ không chỉ từ các hóa chất công nghiệp. Nhiều sản phẩm được sử dụng tại nhà, như các loại sơn và dung môi, có thể gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh phổi. Bạn phải đọc nhãn hiệu và cẩn thận làm theo hướng dẫn sử dụng. Nếu có thể, bạn hãy tránh sử dụng các sản phẩm gây kích thích mắt, mũi hoặc họng. Nếu bạn phải sử dụng chúng thì hãy sử dụng càng ít càng tốt và chỉ ở khu vực thông thoáng. Hãy mang dụng cụ bảo vệ, như mặt nạ chuyên dụng. Bạn nên hiểu rõ loại thiết bị bạn cần và làm thế nào để sử dụng nó;
    • Chế độ ăn uống lành mạnh. Viện Ung thư Quốc gia nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều trái cây hoặc rau quả có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi. Tất nhiên, chế độ ăn uống không thể phục hồi những thiệt hại do hút thuốc gây ra;

    Hãy hỏi bác sĩ để xem bạn có cần phải đo hô hấp ký hay không. Một số nhóm đề nghị kiểm tra đo hô hấp ký thường xuyên cho những người có nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như những người trên 45 tuổi, hút thuốc lá và những người tiếp xúc với các chất gây hại cho phổi tại nơi làm việc. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc phòng tránh cúm và viêm phổi bằng tiêm chủng. Bên cạnh đó, hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị ho mà không khỏi, khó thở, đau hoặc khó chịu ở ngực hay bất cứ triệu chứng khác được mô tả ở trên.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    >>>>>Xem thêm: Nhện nhà có độc không? Cách xử lý nhanh khi bị nhện nhà cắn

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *