Bệnh thận đái tháo đường là tên được đặt cho những tổn thương thận do bệnh tiểu đường gây ra. Theo thống kê, cứ 5 người bệnh tiểu đường sẽ có 2 người mắc bệnh thận do tiểu đường. Có nhiều cách để giảm nguy cơ phát triển biến chứng này. Ngoài ra, việc phát hiện và can thiệp sớm cũng có thể trì hoãn bệnh tiến triển thành suy thận.
Bạn đang đọc: Bệnh thận đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
Cùng tìm hiểu căn nguyên, dấu hiệu và cách phòng ngừa biến chứng tiểu đường trên thận qua bài viết sau đây.
Tìm hiểu chung
Bệnh thận đái tháo đường là gì?
Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường. Tiểu đường kiểm soát kém gây ra các biến chứng trên mạch máu lớn và nhỏ của cơ thể. Tổn thương thận do đái tháo đường nằm trong nhóm biến chứng mạch máu nhỏ của đái tháo đường, bên cạnh biến chứng võng mạc và biến chứng thần kinh.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thận và các chức năng cơ bản của thận trong việc loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc trì hoãn biến chứng thận ở người bệnh tiểu đường là xây dựng một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng để kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp cao.
Qua nhiều năm, bệnh thận đái tháo đường dần dần làm hỏng hệ thống lọc của thận có thể dẫn đến hội chứng thận hư và/hoặc suy thận (hay còn gọi là bệnh thận giai đoạn cuối). Điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tình trạng này xảy ra, đồng thời giảm nguy cơ biến chứng.
Xem thêm
Tác hại của bệnh tiểu đường với cơ thể là như thế nào?
Phân giai đoạn bệnh thận đái tháo đường
Bác sĩ có thể chia nhỏ các giai đoạn của bệnh thận, tùy thuộc vào độ lọc cầu thận (GFR).
- Giai đoạn 1: Có tổn thương thận nhưng chức năng thận bình thường và GFR từ 90 ml/ph/1.73m2 da trở lên.
- Giai đoạn 2: Tổn thương thận, thận mất một số chức năng và GFR từ 60–89 ml/ph/1.73m2 da.
- Giai đoạn 3: Mất chức năng từ nhẹ đến nặng và GFR từ 30–59 ml/ph/1.73m2 da.
- Giai đoạn 4: Mất chức năng nghiêm trọng và GFR từ 15–29 ml/ph/1.73m2 da.
- Giai đoạn 5: Suy thận và GFR dưới 15 ml/ph/1.73m2 da.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường
Trong giai đoạn đầu, bệnh có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ở giai đoạn sau (4-5), các triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường giai đoạn cuối có thể bao gồm:
- Huyết áp cao ngày càng khó kiểm soát
- Sưng bàn chân, mắt cá chân, bàn tay hoặc mắt
- Nước tiểu có bọt hoặc tiểu ra máu
- Hụt hơi
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn và ói mửa
- Ngứa
- Mệt mỏi, ốm yếu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh thận đái tháo đường là gì?
Mức đường huyết cao có thể làm tổn thương các mạch máu ở thận dẫn đến bệnh thận đái tháo đường.
Thận có hàng triệu cụm đơn vị nhỏ gọi là cầu thận. Cầu thận có chức năng lọc chất thải từ máu gồm nước, các chất điện giải, các chất thải trong quá trình chuyển hóa như urê, acid uric,… và một số thuốc. Chất đạm hoặc các chất có khối lượng phân tử lớn sẽ được giữ lại trong máu. Bình thường sẽ không có đạm trong nước tiểu.
Tổn thương do mức đường huyết cao ở người bệnh tiểu đường khiến mạch máu bị rò rỉ và không thực hiện tốt chức năng của nó. Khi đó, một lượng protein trong máu có thể bị lọc và thải ra qua nước tiểu, gọi là protein niệu. Đây thường là dấu hiệu sớm của bệnh thận. Các tổn thương lâu dần khiến thận mất chức năng và dẫn đến suy thận.
Tìm hiểu thêm: Top 10 bánh ăn dặm cho bé tốt nhất được nhiều mẹ tin dùng
Các yếu tố nguy cơ
Ở người bệnh tiểu đường, những điều sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận do tiểu đường:
- Mắc bệnh tiểu đường trong thời gian dài. Biến chứng thận có thể gặp sau 5 năm mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, hoặc vào thời điểm phát hiện tiểu đường tuýp 2. Thời gian dễ mắc nhất là sau 10-20 năm sau khi được chẩn đoán.
- Lượng đường trong máu cao không được kiểm soát tốt
- Tăng huyết áp không kiểm soát tốt. Huyết áp cao có thể gây tổn thương thận nặng hơn bằng cách tăng áp lực trong hệ thống lọc của thận.
- Rối loạn mỡ máu (Cholesterol cao)
- Tuổi cao
- Béo phì
- Hút thuốc
- Ăn nhiều protein
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường và bệnh thận.
Biến chứng
Bệnh thận đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
Các biến chứng của bệnh thận đái tháo đường có thể xảy ra từ từ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, bao gồm:
- Tích tụ nước cơ thể, biểu hiện bằng cách triệu chứng như sưng tay và chân, huyết áp cao hoặc phù phổi
- Tiểu ít đi, tiểu bọt hoặc tiểu máu
- Tăng kali máu, hạ natri máu, hạ calci máu
- Bệnh tim mạch, ví dụ như nhồi máu cơ tim, đột quỵ
- Thiếu máu.
Biến chứng tiểu đường giai đoạn cuối là suy thận không thể phục hồi.
Các bất thường khác ở đường tiết niệu xảy ra cùng với bệnh thận đái tháo đường có thể đẩy nhanh sự suy giảm chức năng thận bao gồm hoại tử ống thận, sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bệnh thận đái tháo đường được chẩn đoán thế nào?
Xét nghiệm chức năng thận thường được thực hiện định kỳ trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Albumin là một loại protein trong máu. Bình thường, thận không lọc albumin ra khỏi máu nên không tìm thấy nó trong nước tiểu. Có albumin trong nước tiểu gợi ý việc thận không hoạt động tốt.
Lấy nước tiểu như thế nào để tìm albumin, kết quả như thế nào là có bệnh? Có 3 cách lấy nước tiểu (NT) để tìm albumin vi lượng:
- Lấy một mẫu nước tiểu bất kỳ và đo tỉ số albumin/creatinin trong nước tiểu, cách này thường được các bác sĩ chỉ định.
- Lấy nước tiểu 24 giờ để đo tất cả lượng đạm trong đó. Đồng thời tính toàn bộ thể tích nước tiểu. Cách này ít được thực hiện vì khó lấy đầy đủ nước tiểu trong 24 giờ.
- Lấy nước tiểu trong một khoảng thời gian (4 giờ hoặc qua đêm) và đo albumin, cách này cũng không thuận tiện.
Ở giai đoạn đầu của bệnh thận tiểu đường, bài tiết albumin qua nước tiểu ở mức 30 đến 300 mg albumin/ngày và được gọi là microalbumin niệu hay tiểu albumin vi lượng. Sau vài năm, microalbumin niệu tiến triển thành macroalbumin niệu hay còn gọi là tiểu albumin đại lượng ( > 300 mg/ngày).
Ngoài ra, bác sĩ còn kiểm tra định kì creatinin máu để tính mức lọc cầu thận (GFR). Chỉ số này thấp có nghĩa là thận không hoạt động tốt.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp X-quang, siêu âm hoặc sinh thiết thận để đánh giá toàn diện và chính xác hơn các vấn đề thận.
Điều trị bệnh thận đái tháo đường
>>>>>Xem thêm: Mách mẹ 3 cách kết hợp cháo gan gà cho bé với rau củ vừa lạ vừa ngon
Bước đầu tiên là điều trị và kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp cao, rối loạn mỡ máu. Các bác sĩ luôn đề nghị mức HbA1c mục tiêu cần đạt là 7% và huyết áp mục tiêu là 130/80 mmHg.
Cách điều trị là kết hợp nhiều yếu tố bao gồm chế độ ăn uống, thay đổi lối sống, tập thể dục và dùng thuốc theo toa. Việc này có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn các ảnh hướng trên thận và các biến chứng khác.
Trong giai đoạn đầu của bệnh thận đái tháo đường, sử dụng thuốc nhằm mục đích kiểm soát các vấn đề sau:
- Huyết áp cao: Thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc ức chế thụ thể angiotensin 2.
- Đường huyết cao: Insulin, metformin, sulfonylureas, ức chế DDP4, chất chủ vận GLP-1 và chất ức chế SGLT2. Thuốc ức chế SGLT2 hoặc thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 có cơ chế có thể bảo vệ tim và thận giảm nguy cơ tiến triển đến các biến cố tim mạch hoặc biến cố trên thận không mong muốn. Các hướng dẫn mới khuyến cáo sử dụng 2 thuốc này điều trị bệnh nhân có bệnh thận đái tháo đường.
- Cholesterol cao: Thuốc nhóm statin được sử dụng để điều trị cholesterol cao và giảm lượng protein trong nước tiểu.
- Sẹo thận: Finerenone có thể giúp giảm mô sẹo ở bệnh thận đái tháo đường. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc có thể làm giảm nguy cơ diễn tiến suy thận, giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch và phải đến bệnh viện để điều trị suy tim ở người lớn mắc bệnh thận mạn tính liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Bác sĩ cũng có thể kê đơn vitamin D, calci vì những người mắc bệnh thận thường có lượng vitamin D, calci thấp.
Nếu bạn dùng những loại thuốc này, bạn sẽ cần xét nghiệm theo dõi thường xuyên.
Điều trị bệnh thận đái tháo đường tiến triển
Đối với bệnh suy thận (bệnh thận giai đoạn cuối), các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Chạy thận nhân tạo
- Thẩm phân phúc mạc
- Ghép thận hoặc ghép thận-tụy
- Điều trị hỗ trợ.
Chế độ ăn uống ở người mắc bệnh thận đái tháo đường
Ở người mắc bệnh thận, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng hạn chế các chất sau:
- Nước: Mặc dù uống nước rất cần thiết nhưng uống quá nhiều nước có thể làm tăng nguy cơ phù và huyết áp cao.
- Natri (muối): Chất này có thể làm tăng huyết áp nên ăn một lượng vừa phải, không ăn quá mặn.
- Protein: Đối với người mắc bệnh thận, protein có thể khiến chất thải tích tụ trong máu, gây thêm áp lực lên thận.
- Phốt pho: Có trong nhiều loại thực phẩm giàu protein và sữa. Quá nhiều phốt pho có thể làm xương yếu đi và gây áp lực lên thận.
- Kali: Những người mắc bệnh thận có thể có lượng kali cao hơn mức bình thường, điều này có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh.
Xem thêm
Người bệnh thận nên ăn gì, kiêng gì là tốt nhất?
Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường: Nên ăn gì và kiêng gì?
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường
Để giảm nguy cơ phát triển bệnh thận đái tháo đường, bệnh nhân nên:
- Tái khám định kỳ nhằm đánh giá hiệu quả kiểm soát đường huyết và nhận biết sớm các biến chứng.
- Cố gắng giữ lượng đường trong máu ở mức mục tiêu. Điều này có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm bệnh thận do tiểu đường.
- Điều trị huyết áp cao hoặc các bệnh lý khác.
- Thận trọng với các thuốc sử dụng. Đối với những người mắc bệnh thận do tiểu đường, một số thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau có thể dẫn đến tổn thương thận.
- Giảm cân và giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh.
- Không hút thuốc vì hút thuốc lá có thể gây tổn thương thận hoặc làm tổn thương thận nặng hơn.
Xem thêm
Nhận biết 7 dấu hiệu của bệnh tiểu đường không kiểm soát
Biến chứng thận là một biến chứng phổ biến và nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường. Kiểm soát tốt đường huyết và các yếu tố nguy cơ là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc và tiến triển thành biến chứng của bệnh thận đái tháo đường.