Nhiễm giun có nghĩa là giun đã xâm nhập vào ruột của trẻ. Nguyên nhân có thể là do trẻ bị lây từ người khác, đi chân đất ở những chỗ dơ, chơi ở những vùng nước bẩn hoặc ăn những món không hợp vệ sinh. Khi trứng giun nở, giun sẽ tiếp tục phát triển và đẻ nhiều trứng hơn trong cơ thể của trẻ. Vì vậy, bạn cần biết những triệu chứng nhiễm giun ở trẻ để có biện pháp điều trị sớm.
Bạn đang đọc: Cách nhận biết triệu chứng nhiễm giun ở trẻ nhỏ
Khi bị nhiễm giun, do cơ thể phải chia sẻ dưỡng chất hấp thu với “những vị khách không mời này” nên trẻ thường có nguy cơ bị thiếu chất và suy dinh dưỡng. Tại sao trẻ bị nhiễm giun và cách phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng Kenshin.vn theo dõi những chia sẻ dưới đây nhé.
Nội Dung
- 1 Nhiễm giun có phổ biến ở trẻ nhỏ không?
- 2 Triệu chứng nhiễm giun
- 3 Giun sán thường truyền qua đâu?
- 4 Giun ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như thế nào?
- 5 Xét nghiệm kiểm tra nhiễm giun ở trẻ nhỏ
- 6 Cách điều trị nhiễm giun
- 7 Phòng ngừa nhiễm giun cho trẻ
- 8 Nhiễm giun có thể ảnh hưởng tích cực đến hệ miễn dịch của trẻ?
- 9 Probiotic có thể giúp điều trị nhiễm giun không?
Nhiễm giun có phổ biến ở trẻ nhỏ không?
Nhiễm giun là một căn bệnh khá phổ biến và rất dễ lây lan. Tuy nhiên, rất khó xác định độ phổ biến của bệnh này do nó thường không có triệu chứng nhiễm giun rõ ràng và thường ít khi được ghi nhận.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng cứ 5 người sống ở Ấn Độ thì có ít nhất 1 người bị nhiễm giun. Và ở trẻ nhỏ, độ phổ biến của căn bệnh này còn cao hơn nữa.
Hiện giun sán có rất nhiều loại, trong đó giun kim là loại ảnh hưởng nhiều đến trẻ nhất. Những con giun trông như những sợi chỉ có chiều dài từ 2 – 13mm và có thể sống đến 6 tuần trong ruột.
Giun đũa, giun móc và giun tóc là những loại giun khá phổ biến ở Ấn Độ. Khi bị nhiễm những loại giun này, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu. Thế nhưng, đừng quá lo bởi việc loại bỏ những con giun này ra khỏi cơ thể khá dễ dàng và nhanh chóng.
Triệu chứng nhiễm giun
Thông thường, không có bất cứ triệu chứng nhiễm giun nào hoặc nếu có thì những triệu chứng đó quá nhẹ đến nỗi không ai chú ý đến.
Tùy thuộc vào loại giun mà trẻ bị nhiễm và mức độ nghiêm trọng, trẻ có thể có một số triệu chứng sau:
- Đau bụng
- Sút cân
- Cáu gắt
- Buồn nôn
- Phân có máu
- Khó ngủ vì ngứa
- Nôn mửa hoặc ho
- Ngứa hoặc đau quanh hậu môn
- Đau khi đi tiểu do nhiễm trùng đường tiểu. Điều này phổ biến ở bé gái hơn
- Chảy máu trong có thể dẫn đến thiếu máu, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng
- Tiêu chảy và ăn không ngon
- Tắc nghẽn ruột. Một số trẻ có thể nôn ra giun (thường là những con giun đũa trông giống như giun đất)
- Nhiễm giun nặng có thể gây co giật
- Hội chứng PICA – ăn những thứ không phải là thực phẩm, không có chất dinh dưỡng như đất, phấn, giấy…
- Một số bác sĩ cho rằng nghiến răng cũng là một triệu chứng nhiễm giun nhưng nhiều nghiên cứu lại cho là không phải.
Nếu bị nhẹ, trẻ sẽ không có bất cứ triệu chứng nhiễm giun nào ngoài việc thường hay kêu ca mình bị ngứa vào ban đêm.
Kiểm tra hậu môn của trẻ vào ban đêm sau khi trẻ đã ngủ. Nhẹ nhàng tách hai bên mông của trẻ ra và dùng đèn quan sát. Nếu trẻ bị nhiễm giun, bạn sẽ nhìn thấy một hoặc nhiều con giun bò ra xung quanh quần áo và drap trải giường. Bạn cũng có thể nhìn thấy giun trong phân của trẻ.
Nếu trẻ bị nhiễm giun móc, trẻ sẽ có các triệu chứng sau:
- Phát ban, ngứa ở nơi mà giun xâm nhập
- Thiếu máu
Giun sán thường truyền qua đâu?
1. Đất bị nhiễm giun
Đất là đường lây truyền phổ biến nhất. Trẻ có nguy cơ bị nhiễm các loại giun truyền qua đất như giun móc, giun đũa, sán dây, giun tóc.
Nếu một người bị nhiễm giun thải phân vào đất thì sẽ khiến cho trứng giun cũng truyền vào đất. Từ trứng sẽ phát triển thành ấu trùng, sau đó là giun. Nếu trẻ đi chân trần hoặc bò trên đất bị nhiễm giun thì những con ấu trùng này có thể xâm nhập vào lòng bàn chân của trẻ.
Ngoài ra, giun còn có thể ẩn nấp trong móng tay. Nếu trẻ cứ để tay bẩn và cho vào miệng thì nguy cơ nhiễm giun sẽ rất cao.
2. Nước bị nhiễm
Có một số loại giun sống trong nước, thường thấy ở hồ, lu hoặc các vũng nước. Chơi, tắm rửa và bơi ở những khu vực này hoặc ăn những món ăn được chế biến từ nguồn nước bị nhiễm có thể khiến trẻ bị nhiễm giun.
Trẻ nhỏ thường dễ bị nhiễm giun hơn người lớn do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu.
3. Thức ăn chưa được nấu chín hoặc không hợp vệ sinh
Giun móc, giun tóc và giun đũa thường cư ngụ trên những loại rau được trồng ở những vùng đất bị nhiễm giun. Nếu trước khi ăn mà không rửa sạch thì nguy cơ bị nhiễm giun là rất cao.
Những loài động vật sống dọc theo nguồn nước bị nhiễm giun như cá, gia súc, cừu và dê cũng có thể bị nhiễm giun. Vì vậy, ăn thịt, cá sống hoặc không được nấu kỹ sẽ dễ bị nhiễm giun.
4. Tiếp xúc với người bị nhiễm giun
Nếu một người bị nhiễm giun tiếp xúc với trẻ thì họ sẽ dễ lây giun sán sang cho trẻ. Giun kim thường được lây truyền theo cách này.
Trứng giun vẫn có thể còn nằm ở móng tay nếu trẻ không rửa tay sạch và những trứng giun này có thể truyền sang đồ chơi của trẻ hoặc trực tiếp đi vào miệng. Những con giun này có thể sống khoảng 3 tuần trên drap trải giường và quần áo.
Giun ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như thế nào?
Về ngắn hạn, một số bệnh nhiễm giun có thể đem đến nhiều phiền toái hơn so với một số bệnh khác. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn và có thể dẫn đến xuất huyết đường ruột. Ngoài ra, nhiễm giun còn có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, sút cân và thiếu máu.
Trẻ bị nhiễm giun thường dễ mắc bệnh hơn do hệ miễn dịch của trẻ đã suy yếu. Nhiễm sán dây nghiêm trọng có thể dẫn đến khối u phát triển trong não. Mặc dù điều này khá hiếm nhưng bạn vẫn nên cẩn thận.
Về lâu dài, nhiễm giun có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ trong tương lai. Nếu được điều trị kịp thời thì có thể ngăn ngừa những điều này.
Xét nghiệm kiểm tra nhiễm giun ở trẻ nhỏ
Cách tốt nhất để xác định xem trẻ có bị nhiễm giun hay không là đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra. Bác sĩ sẽ cho trẻ thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Kiểm tra phân: Bác sĩ sẽ lấy mẫu phân của trẻ và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra xem có giun hoặc trứng giun không.
- Kiểm tra bằng băng dính: Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách để một miếng băng dính ở hậu môn của trẻ để thu thập trứng giun. Sau đó, miếng băng dính sẽ được gửi đến một phòng thí nghiệm để kiểm tra.
- Kiểm tra dưới móng tay: Bác sĩ sẽ kiểm tra trứng giun dưới móng của trẻ.
- Kiểm tra bằng bông gạc: Bác sĩ có thể dùng bông gạc lau xung quanh vùng hậu môn của trẻ để kiểm tra trứng giun.
- Siêu âm: Xét nghiệm thường được thực hiện khi trẻ bị nhiễm giun nghiêm trọng. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ tìm ra được vị trí chính xác của giun.
Cách điều trị nhiễm giun
Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn khám chữa bệnh ở Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng
>>>>>Xem thêm: Nhạc kích thích trí não: 5 loại nhạc giúp bạn tập trung hơn!
Tất cả các loại giun đều có thể được điều trị bằng thuốc. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc hoặc phương pháp tẩy giun dựa trên loại giun mà trẻ bị nhiễm. Trẻ cũng cần bổ sung chất sắt nếu bị thiếu máu.
Không tự ý mua thuốc hoặc cho trẻ dùng các loại thảo mộc vì một số thuốc chống giun có thể không phù hợp với trẻ dưới 2 tuổi. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng.
Nhiễm giun có thể dễ dàng lây lan và tái phát lại. Nếu trẻ bị giun sán, bác sĩ sẽ khuyên các thành viên khác trong gia đình cũng nên điều trị, ngay cả khi bạn không bị nhiễm giun, để đảm bảo an toàn.
Phòng ngừa nhiễm giun cho trẻ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo nên được tẩy giun thường xuyên. Các bác sĩ khuyên bạn nên cho trẻ tẩy giun sau mỗi 6 tháng.
Khi biết đi, trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm giun. Đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra định kỳ và theo dõi thời gian tẩy giun.
Dưới đây là một vài điều mà bạn có thể làm để phòng ngừa nhiễm giun:
- Thường xuyên thay tã cho trẻ và rửa tay kỹ sau khi thay
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên với chất tẩy rửa an toàn
- Khi trẻ biết đi, hãy mang giày cho trẻ. Hãy chắc chắn rằng trẻ luôn mang giày, dép khi chơi bên ngoài. Rửa tay và bàn chân của trẻ sau khi trẻ chơi xong
- Giữ trẻ tránh xa những khu vui chơi bẩn, hố cát ẩm ướt, đặc biệt là trong mùa mưa. Nước ô nhiễm có thể chảy đến bất cứ chỗ nào
- Đảm bảo chỗ mà trẻ chơi phải sạch và khô ráo
- Đừng để trẻ chơi xung quanh các vũng nước
- Hãy dạy trẻ đi vệ sinh ở trong nhà vệ sinh sạch sẽ chứ không phải bên ngoài
- Giữ nhà vệ sinh sạch sẽ. Rửa hậu môn của trẻ mỗi khi trẻ đi vệ sinh xong. Rửa tay kỹ ngay sau đó. Nếu trẻ đã lớn, hãy dạy trẻ rửa tay ngay sau khi đi vệ sinh
- Hãy nhắc nhở các thành viên trong gia đình bạn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi nhà vệ sinh
- Cắt móng tay ngắn và sạch. Trứng giun có thể ẩn nấp dưới móng tay và lan rộng khắp nhà
- Đun sôi hoặc lọc nước trước khi uống
- Rửa trái cây và rau quả kỹ lưỡng trước khi ăn. Cẩn thận khi rửa những loại rau có lá màu xanh đậm vì chúng thường chứa nhiều đất
- Kiểm tra thịt, cá trước khi nấu xem có tươi hay không. Nấu thật kỹ
- Nếu bạn thuê người giữ trẻ, hãy quan sát họ có là người sạch sẽ hay không. Hãy cho họ và những thành viên khác trong gia đình tẩy giun.
Nhiễm giun có thể ảnh hưởng tích cực đến hệ miễn dịch của trẻ?
Điều đó không chắc chắn. Một số chuyên gia cho rằng, nhiễm giun có thể tốt cho hệ miễn dịch và giúp bảo vệ trẻ khỏi các dị ứng và các bệnh tự miễn. Dưới đây là một số ví dụ chứng minh điều này:
- Cách đây một thế kỷ, nhiễm giun đũa khá phổ biến ở Anh. Khi đó, hầu như không ai mắc bệnh và tỷ lệ bị dị ứng cũng thấp hơn.
- Một nghiên cứu ở Uganda đã phát hiện ra rằng phụ nữ mang thai dùng thuốc tẩy giun trong thai kỳ thì trẻ sinh ra sẽ dễ bị chàm bội nhiễm.
Probiotic có thể giúp điều trị nhiễm giun không?
Các loại thực phẩm có chứa probiotic như sữa chua chứa các lợi khuẩn tốt đối với hệ miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, hiện không có nhiều nghiên cứu về điều này.
Các nghiên cứu cho thấy probiotic có thể bảo vệ trẻ chống lại ký sinh trùng, bao gồm cả giun sán. Những nghiên cứu này được thực hiện trên chuột và cách thức thực hiện điều này vẫn chưa rõ ràng.
Không có bằng chứng nào cho thấy probiotic có thể điều trị giun sán. Nếu bạn chọn dùng chúng, hãy sử dụng thêm các phương pháp điều trị mà bác sĩ đề nghị.
Ngân Phạm/Kenshin.vn