Nếu bạn sử dụng quá nhiều insulin thì rất dễ gặp phải tình trạng hạ đường huyết, dẫn đến mệt mỏi, ra mồ hôi nhiều, thậm chí là co giật, mất nhận thức, hôn mê… [1] Hãy học cách xử lý và phòng tránh dùng insulin quá liều để không gây hại cho sức khỏe của bạn nhé!
Bạn đang đọc: Cách xử lý và phòng tránh dùng insulin quá liều
Liệu pháp insulin là phương pháp được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc tiểu đường típ 1 và 2 [1]. Nếu được sử dụng đúng cách, đây là “phao cứu sinh” cho bệnh nhân tiểu đường. Ngược lại, nếu dùng insulin quá liều có thể gây ra những tác dụng phụ rất nghiêm trọng.
Hãy xem các dấu hiệu của việc sử dụng quá liều insulin cũng như các bước cần thực hiện để phòng tránh dùng insulin quá liều trong bài viết dưới đây cùng Hello bacsi nhé.
Nội Dung
Liệu pháp insulin trong điều trị tiểu đường típ 2
Trước khi được chỉ định dùng insulin, đái tháo đường típ 2 có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc uống. Tuy nhiên, loại bệnh này được xem là bệnh mạn tính tiến triển. Thông thường, khi bệnh được phát hiện thì tế bào beta ở tụy (cơ quan sản xuất insulin) thường đã mất 50% chức năng. Sau đó, cứ mỗi năm mất thêm khoảng 5 – 6% chức năng, khoảng 8 – 10 năm sau đa số các bệnh nhân đái tháo đường típ 2 không thể sản xuất được insulin. Lúc này việc điều trị bằng tiêm insulin là cần thiết [6].
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) 2023 và Hiệp hội nghiên cứu Đái tháo đường Châu Âu (European Association for the Study of Diabetes) 2018, việc chỉ định sử dụng insulin sớm còn được khuyến nghị ở những bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có nồng độ glucose máu rất cao ≥ 300 mg/dL (16,7 mmol/L) hoặc nồng độ A1c > 10% [86 mmol/mol], hoặc ở những bệnh nhân thất bại trong kiểm soát glucose máu khi sử dụng phối hợp trên 2 loại thuốc uống hạ đường huyết. [7]
Hiện liệu pháp insulin trong điều trị tiểu đường típ 2 được phân loại thành 2 liệu pháp là liệu pháp insulin nền và liệu pháp insulin tích cực (liệu pháp insulin tăng cường).
- Liệu pháp insulin nền: Thường được chỉ định cho người bệnh tiểu đường típ 2 có đường máu cao hơn mức mục tiêu, mặc dù bệnh nhân đã dùng phối hợp thuốc viên hạ đường huyết dạng uống với liều tối đa. Khi chỉ định điều trị bằng liệu pháp insulin nền, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc uống hạ đường huyết như thường ngày và 1 mũi insulin tác dụng chậm được tiêm dưới da 1 lần mỗi ngày.
- Liệu pháp insulin tích cực: được chỉ định cho những trường hợp sau khi sử dụng liệu pháp insulin nền nhưng đường huyết sau một hoặc nhiều bữa ăn không kiểm soát theo khuyến cáo cần tăng cường insulin nhanh hoặc insulin ngắn trước bữa ăn để kiểm soát tốt đường huyết sau ăn.
II. Nhận biết liều dùng insulin an toàn
Muốn phòng tránh dùng insulin quá liều, bệnh nhân tiểu đường cần cân nhắc một vài yếu tố để đảm bảo sử dụng insulin đúng liều. Các liều dùng insulin có thể khác nhau rất lớn tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Một liều dùng phù hợp cho bệnh nhân này có thể lại là quá liều insulin so với bệnh nhân khác. [3]
Bác sĩ sẽ phối hợp với bệnh nhân để xác định liều dùng insulin thích hợp cho từng thời điểm, giai đoạn cụ thể. Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ liều dùng này và trao đổi với bác sĩ nếu có những bất thường xảy ra khi tiêm insulin. [3]
Quá liều insulin sẽ dẫn tới hạ đường huyết. Nếu sử dụng lượng lớn insulin, tình trạng có thể nghiêm trọng tới mức co giật, hôn mê, thậm chí dẫn tới tử vong. [2]
Hạ đường huyết xảy ra với nhiều bệnh nhân mắc chứng tiểu đường và có thể gây hậu quả nghiêm trọng [1]. Tuy nhiên, phần lớn các vấn đề có liên quan đến insulin có thể được điều chỉnh nếu bệnh nhân lưu ý phòng tránh dùng insulin quá liều bằng cách tránh nhầm lẫn mỗi khi sử dụng.
III. Lưu ý tránh nhầm lẫn khi dùng insulin
Biết được những lý do dẫn tới việc sử dụng quá nhiều insulin dưới đây là tiền đề để bạn phòng tránh dùng insulin quá liều [5]:
- Đọc không kỹ hướng dẫn sử dụng: Bệnh nhân đọc hoặc hiểu nhầm hướng dẫn sử dụng ghi trên lọ hoặc xilanh. Khi bệnh nhân chưa quen với sản phẩm dược phẩm mới, bệnh nhân rất dễ mắc sai lầm này.
- Sử dụng nhầm loại insulin: Ví dụ như bệnh nhân thường sử dụng 30 đơn vị loại insulin có tác dụng kéo dài (long-acting insulin) và 10 đơn vị insulin có tác dụng ngắn (short-acting insulin), bệnh nhân có thể rất dễ nhầm lẫn liều dùng hai loại này với nhau.
- Sử dụng insulin mà không ăn: việc tiêm insulin (cả loại insulin tác dụng kéo dài hay ngắn) thường thực hiện trước bữa ăn hoặc trong khi ăn. Hàm lượng đường trong máu của bệnh nhân tăng sau khi ăn. Khi bệnh nhân tiêm insulin mà không ăn gì sẽ dẫn tới hạ đường huyết ở mức độ nghiêm trọng và gây nguy hiểm.
- Vô tình tiêm thuốc hai lần cho một bữa ăn
- Gặp khó khăn khi nhìn các con số hoặc phân loại trên bút hoặc ống tiêm, dẫn tới bấm nhầm liều
IV. Dùng insulin quá liều: Xử lý như thế nào?
Tìm hiểu thêm: Mách mẹ bầu cách rặn đẻ dễ dàng để không còn nỗi lo vượt cạn
Tiêm insulin quá liều có thể làm giảm mạnh và đột ngột nồng độ đường huyết, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê, co giật. [7] Khi bị hạ đường huyết do quá liều insulin, bạn sẽ nhận thấy một số biểu hiện sau [1]:
- Khó chịu, bực dọc
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Đói
- Mất tập trung
- Buồn nôn
- Lo lắng
- Tim đập nhanh
- Bồn chồn
Do đó, khi phát hiện sử dụng insulin quá liều, bệnh nhân cần giữ bình tĩnh. Đa số các trường hợp sử dụng insulin quá liều có thể được điều trị tại nhà theo các bước chỉ dẫn sau đây [1], [5]:
- Kiểm tra đường huyết: Nhằm xác định xem mức độ hạ đường huyết có nghiêm trọng không. Đôi khi đường huyết xuống rất thấp nhưng bệnh nhân lại không có biểu hiện rõ ràng nào.
- Dùng đồ ngọt nếu đã tiêm quá 20 phút: Uống một nửa cốc soda hoặc nước hoa quả có vị ngọt, ăn một chiếc kẹo cứng hay uống một viên glucose dạng viên nén hoặc dạng gel.
- Ăn gì đó nếu đã tiêm chưa quá 20 phút: Đặc biệt, nếu bệnh nhân bỏ bữa, hãy ăn cái gì đó ngay, một món có chứa tinh bột và tránh thức ăn nhiều chất béo để tăng lượng đường trong máu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được nghỉ ngơi.
- Kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 15–20 phút: Nếu chỉ số này vẫn quá thấp, hãy dùng thêm nước hoa quả hoặc kẹo. Chú ý theo dõi tình hình sau đó vài giờ. Hãy tiếp tục ăn thêm các thứ khác nếu lượng đường trong máu vẫn thấp.
Hãy nhờ tới các hỗ trợ y tế nếu lượng đường trong máu vẫn thấp sau hai giờ hoặc khi bệnh nhân không cảm thấy khá hơn [9]. Đừng lo lắng về tình trạng tăng lượng glucose trong máu quá cao trong thời gian ngắn [1]. Việc tăng đường huyết sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe ngay lập tức nhưng việc hạ đường huyết quá thấp có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người chăm sóc có thể tìm và tiêm cho bệnh nhân glucagon nếu có dự trữ sẵn tại nhà. Đó là thuốc có chức năng ngược lại với insulin. Nếu bệnh nhân đã từng bị hạ đường huyết, bệnh nhân nên hỏi bác sĩ để mua sẵn glucagon và được hướng dẫn sử dụng tại nhà. [4]
Trường hợp nhận thấy bệnh nhân không tỉnh táo hoặc bị co giật… những người xung quanh cần giúp đỡ bệnh nhân gọi 115 ngay lập tức. [9]
V. Cách phòng tránh dùng insulin quá liều
>>>>>Xem thêm: 9 điều kinh hoàng xảy ra nếu bạn không uống đủ nước khi tập thể dục
Dưới đây là một vài hướng dẫn để bạn có thể phòng tránh tiêm insulin quá liều [1], [9]:
- Tuân thủ cách sử dụng insulin nghiêm ngặt: cần phải kiểm tra thật kỹ trước khi tiêm thuốc. Đây là cách tốt nhất để phòng tránh dùng insulin quá liều.
- Ăn uống đúng bữa: kể cả khi bạn không cảm thấy đói, hãy ăn một chút bánh mì hoặc uống một cốc sữa, ăn một chút hoa quả. Không nên bỏ bữa khi bạn đang dùng insulin.
- Chuẩn bị kẹo ngọt: trong trường hợp bạn có thể bị hạ đường huyết, hãy chuẩn bị sẵn trong túi viên kẹo ngọt. Bạn cũng nên mang theo trong xe hoặc trong túi du lịch.
- Cho bạn bè và người thân biết: Bạn cần cho người thân biết về triệu chứng và cách xử trí khi mình bị hạ đường huyết. Điều này sẽ giúp họ biết cách xử lý đúng cách trong trường hợp bạn bị hạ đường huyết và rơi vào tình trạng không tỉnh táo.
- Mang theo đồng hồ dự báo: đồng hồ này sẽ nhắc nhở bạn sử dụng insulin.
Insulin có thể giúp bạn giữ mức đường huyết ở mức an toàn và làm chậm các biến chứng của bệnh tiểu đường như mù hay cắt cụt chi (đoạn chi). Tuy nhiên, bạn nên lưu ý kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc để phòng tránh dùng insulin quá liều dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe nhé.