Bạn sắp sinh con hay vừa mới sinh con đầu lòng và bạn lo lắng rằng mình chưa có đủ kiến thức để chăm sóc bé cưng tốt nhất? Đừng quá lo lắng, bởi đây không chỉ là vấn đề chỉ riêng bạn gặp phải, có rất nhiều bậc cha mẹ cũng đang lo lắng như bạn. Hiểu được điều này, Kenshin đã tổng hợp cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z để bạn tham khảo.
Bạn đang đọc: Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z, cha mẹ đừng bỏ lỡ!
Mời bạn cùng tìm hiểu!
Nội Dung
- 1 Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z: Chăm sóc tóc và da đầu cho bé
- 2 Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Vệ sinh mắt tai mũi miệng cho trẻ
- 3 Vệ sinh tay chân cho trẻ sơ sinh như thế nào?
- 4 Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Thay tã và vệ sinh vùng kín cho trẻ như thế nào?
- 5 Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Chăm sóc giấc ngủ bé yêu
Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z: Chăm sóc tóc và da đầu cho bé
1. Gội đầu – Chăm sóc tóc cho bé
Với trẻ sơ sinh, mẹ chỉ nên gội đầu cho trẻ với dầu gội dành riêng cho bé một vài lần mỗi tuần. Việc gội đầu cho trẻ mỗi ngày sẽ rửa trôi các chất dầu tự nhiên trên da đầu trẻ từ đó khiến da đầu con bị khô làm cho tóc dễ gãy rụng.
Sau khi gội, mẹ hãy dùng khăn cotton mềm thấm nhẹ nhàng để làm khô tóc cho bé. Trường hợp tóc bé dài và rối, mẹ nên dùng tay gỡ rối cho bé. Sau đó, mẹ có thể dùng lược thưa hoặc lược lông mềm chải tóc cho con. Bạn đừng ngại chải tóc cho con. Bởi việc chải tóc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể giúp con nhận được các lợi ích như: thúc đẩy lưu thông máu, kích thích hệ thần kinh, giúp con thư giãn, giúp làm sạch các mảng viêm da tiết bã, giúp bé trông gọn gàng và xinh xắn hơn.
Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ dưới 5-6 tháng không cần cắt tóc bởi da đầu của con khá nhạy cảm, cổ chưa vững, hay ngọ nguậy nên việc cắt tóc dễ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, theo quan niệm dân gian, cắt tóc cho trẻ sơ sinh là cắt tóc máu không tốt cho sức khỏe của trẻ. Thế nên, mẹ chỉ nên cắt cho con khi tóc con quá dài, lòa xòa, chấm vào mắt gây khó chịu hay tóc dày và tốt mà thời tiết lại quá nóng bức.
2. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Đầu trẻ sơ sinh có cứt trâu phải làm sao?
Việc da đầu trẻ đóng vảy, có mùi hôi là không quá hiếm gặp. Tình trạng này được dân gian gọi là cứt trâu. Cứt trâu hay còn gọi là viêm da tiết bã phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi). Ngoài da đầu, các mảng cứt trâu có thể xuất hiện ở các bộ phận khác như trên mặt, phía sau tai, nách, vùng mặc tã…
Da đầu trẻ bị cứt trâu có thể có mùi hôi. Trong một số trường hợp hiếm gặp, tóc của trẻ có thể bị rụng tóc tại vị trí có cứt trâu. Tin vui là tóc sẽ mọc trở lại sau khi cứt trâu biến mất.
Cứt trâu trên đầu trẻ sơ sinh có gây ngứa không? Có nên gỡ bỏ các mảng cứt trâu trên đầu trẻ hay không? Có cách nào trị cứt trâu cho trẻ không?
Chuyên gia Nhi khoa bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm giải đáp:
Trong những tháng đầu đời, trẻ tăng trưởng khá nhanh, da cũng tiết nhiều chất nhờn hơn. Sau khi các tế bào da này tích tụ lại sẽ tạo thành những mảng vảy nhìn giống như “cứt trâu” thường tập trung chủ yếu ở vùng đầu, lông mày, mi mắt, 2 bên cánh mũi, vùng da sau tai. Đây là những mảng da dày, dính, nhờn, khó bong, có thể gây ngứa. Mặc dù tình trạng “cứt trâu” có thể khiến bé “hơi mất điểm ngoại hình” nhưng chẳng có gì phải lo lắng vì tình trạng này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Cứt trâu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường tự khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng hoặc khi trẻ được 1 – 2 tuổi.
Cha mẹ không nên bóc hay cạo những lớp vảy này vì có thể làm tổn thương lớp da bên dưới làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Lớp “cứt trâu” có thể tự bong ra dễ dàng bằng cách thoa một lớp vaseline (hoặc dầu dừa) lên vùng da đầu của trẻ trước khi tắm gội 30 phút, sau đó dùng khăn sữa mềm hay bàn chải mềm để loại bỏ vảy trong lúc gội đầu cho trẻ.
Tùy vào tình trạng da của trẻ mà bác sĩ sẽ tư vấn số lần gội đầu cho trẻ. Nếu mẹ gội đầu cho bé quá thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng da khô. Trong trường hợp trẻ có triệu chứng viêm da lan tỏa toàn thân: da đỏ, nhiều vảy tiết, ẩm, nhờn ở những vùng da khác hoặc tình trạng cứt trâu không cải thiện, bạn nên cho trẻ đi khám vì có thể con cần được điều trị tình trạng nhiễm trùng hay nhiễm nấm.
3 mẹo chăm con cực xịn không lo con ốm vặt
Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Vệ sinh mắt tai mũi miệng cho trẻ
* Rơ miệng cho bé
Việc cặn sữa tồn đọng trong khoang miệng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Do đó, cha mẹ cần vệ sinh miệng cho trẻ đúng cách theo các bước sau:
- Rửa sạch tay.
- Chuẩn bị gạc và dung dịch rơ miệng cho bé.
- Bế hoặc đặt trẻ nằm trên mặt phẳng cố định.
- Quấn hoặc đeo gạc vệ sinh miệng vào ngón trỏ hoặc ngón út.
- Nhúng gạc vào nước muối sinh lý hoặc nước ấm sạch hoặc dung dịch rơ miệng cho trẻ sơ sinh.
- Nhẹ nhàng kéo môi dưới để mở miệng của bé.
- Lau xung quanh vòm miệng và massage phần nướu trước một cách nhẹ nhàng.
- Sau đó, đặt ngón tay vào trong phía gốc lưỡi rồi lau từ gốc lưỡi ra phía ngoài để làm sạch cặn sữa.
Lưu ý là khi rơ miệng cho bé, bạn chú ý không đưa ngón tay vào quá sâu trong miệng bé vì có thể khiến trẻ bị nôn hay trớ và không nên vệ sinh miệng cho bé khi con mới bú no. Tuyệt đối không dùng mật ong để rơ miệng cho trẻ vì có thể khiến con bị ngộ độc Clostridium botulinum rất nguy hiểm.
* Cách vệ sinh mắt
Trẻ sơ sinh tuy chưa tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài nhưng mắt con vẫn có thể có ghèn. Do đó, cha mẹ cần vệ sinh mắt cho trẻ thường xuyên. Bạn có thể vệ sinh mắt cho con mỗi sáng sau khi bé ngủ dậy hay trước hoặc sau khi tắm như sau:
- Rửa sạch tay.
- Chuẩn bị sẵn một ít gạc và thau nước ấm sạch.
- Nhúng 1 miếng gạc vào nước ấm rồi lau xung quanh mắt bé.
- Lấy miếng gạc mới, nhúng nước ấm rồi lau từ khóe mắt ra bên ngoài để làm sạch mắt. Mỗi bên mắt cần sử dụng một miếng gạc riêng biệt.
* Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh
Không ít cha mẹ ít chú ý đến việc vệ sinh tai cho trẻ. Tuy nhiên, vành tai trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng là nơi bám nhiều bụi bẩn nên cần được vệ sinh thường xuyên và đúng cách. Để vệ sinh tai cho bé, cha mẹ hãy:
- Rửa sạch tay.
- Dùng khăn xô mềm, nhúng nước ấm, vắt ráo, lau xung quanh bên ngoài mỗi tai và vùng phía sau tai.
- Nhúng nước ấm, xả lại khăn cho sạch, rồi vắt ráo để lau ráy tai bám ở phần tai ngoài thật nhẹ nhàng. Nếu vành tai bé quá nhỏ, khó lau, mẹ có thể dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý hay nước ấm để làm sạch vùng bên trong vành tai cho con.
Lưu ý là không dùng bất cứ dụng cụ lấy ráy tai nào để làm sạch phần bên trong của tai (ống tai), kể cả tăm bông.
* Cách vệ sinh mũi cho bé
Tình trạng dịch nhầy mũi đọng trong khoang mũi có thể là nguyên nhân khiến bé khó thở, thở khò khè hoặc hắt hơi… Do đó, bạn cần vệ sinh mũi cho con mỗi ngày theo các bước sau:
- Rửa sạch tay.
- Chuẩn bị khăn sạch và nước ấm.
- Nhúng ướt khăn, vắt nhẹ, dùng một góc khăn nhẹ nhàng lau lỗ mũi của trẻ để làm sạch nước mũi. Bạn chỉ cần dùng nước thường hay nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho bé vì da mặt của trẻ rất nhạy cảm với xà phòng.
- Không cho bất cứ dụng cụ nào, kể cả tăm bông xâm nhập vào bên trong lỗ mũi của con để vệ sinh vì việc này có thể làm tổn thương lớp niêm mạc của mũi.
- Cuối cùng, bạn lau sạch dưới cằm và cổ của bé.
Trẻ có nhiều ráy tai có ảnh hưởng gì không? Có nên lấy ráy tai cho bé thường xuyên không?
Chuyên gia Nhi khoa bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm giải đáp:
Ráy tai được tạo thành từ tế bào da chết, lông tai và các chất tiết ra từ các tuyến bã nhờn của ống tai ngoài. Ráy tai giúp bảo vệ da của ống tai ngoài, hỗ trợ làm sạch và bôi trơn, đồng thời chống lại vi khuẩn, nấm và nước. Đó cũng là hàng rào bảo vệ màng nhĩ khỏi những tổn thương do dị vật hay côn trùng nhỏ… Tuy nhiên, nếu tạo nhiều ráy tai có thể dẫn đến: bít tắc ống tai, giảm sức nghe do cản trở dẫn truyền âm thanh, chèn ép da ống tai và màng nhĩ gây ngứa tai, ù tai, đau tai…
Việc lấy ráy tai hay làm sạch tai mỗi ngày là không cần thiết, đôi khi có thể gây hại vì:
- Khi tai quá sạch, không còn ráy tai, da ống tai sẽ không còn được bảo vệ khi có vi khuẩn, nấm, nước, hay những dị vật, côn trùng… xâm nhập.
- Dùng tăm bông để lấy ráy tai ở trẻ có thể dẫn đến nguy cơ tổn thương ống tai ngoài – màng nhĩ (vì trẻ quay đầu bất ngờ khiến tăm bông chọc vào ống tai – màng nhĩ với lực mạnh) làm thủng màng nhĩ, dẫn đến viêm tai ngoài, viêm tai giữa và giảm khả năng nghe…
Cha mẹ chỉ nên lấy ráy tai cho trẻ trong các trường hợp:
Vệ sinh tai tại nhà an toàn bằng cách dùng các sản phẩm làm mềm ráy tai (nước muối sinh lý), thực hiện 2 – 3 lần/ngày trong 2 tuần. Nút ráy tai sẽ được làm mềm và đẩy ra ngoài do cơ chế tự làm sạch của ống tai. Có thể dùng khăn mềm lau sạch phần vành tai ngoài của trẻ. Nếu lượng ráy tai quá nhiều, không tự đẩy ra hết, cần được hút sạch tại phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Vệ sinh tay chân cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Mẹ nên vệ sinh tay chân cho bé mỗi ngày, bởi các kẽ tay chân của bé rất nhỏ nên bụi, bông vải, tế bào da chết… thường tích tụ, có thể gây hăm ngứa, mùi… khó chịu. Ngoài ra, cha mẹ thường cho trẻ dùng vớ, bao tay để giữ ấm. Thế nên, mỗi buổi sáng (khi thay quần áo), trước khi tắm rửa, cha mẹ cũng cần quan sát kỹ tay chân con xem có bị sợi len, chỉ ở bao tay/vớ bị xổ ra gây vướng, thít chặt ngón tay/ngón chân hay không. Nguyên do là ngón tay, ngón chân trẻ sơ sinh rất nhỏ và mềm, do đó chỉ cần có vật gì thắt/chẹn hoặc tì đè quá lâu sẽ có nguy cơ dẫn đến sưng viêm, thậm chí là hoại tử.
Mách nhỏ là cha mẹ nên lộn trái bao tay, kiểm tra kỹ bao tay/vớ xem chỉ/len có bị sổ hay có sợi tóc nào không rồi mới đeo cho trẻ.
Nếu móng tay bé dài, hãy cắt móng tay cho bé sau khi con vừa tắm xong hoặc khi bé ngủ say. Chú ý cần dùng riêng dụng cụ cắt móng tay cho bé. Việc cắt móng tay, móng chân thường xuyên sẽ giúp móng tay, móng chân bé không bị xước, hạn chế tình trạng móng xước móc vào bao tay, vớ khiến bé đau, khó chịu hoặc bé tự làm đau mình.
Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Thay tã và vệ sinh vùng kín cho trẻ như thế nào?
Tìm hiểu thêm: 12 lợi ích sức khỏe của tinh bột nghệ mật ong ít người biết
Bạn nên thay tã cho bé ngay sau khi bé tè đầy hay ị. Khi thay, phải vệ sinh sạch vùng hậu môn và bộ phận sinh dục của bé bằng khăn mềm và nước ấm theo hướng từ trước ra sau. Lau khô bằng khăn mềm, rồi mới thoa kem chống hăm hoặc kem bảo vệ da, cho trẻ “ở không” tầm 10-15 phút trước khi mặc tã mới. Điều này đem lại hiệu quả trong việc giảm hăm ngứa cho trẻ.
Với bé trai
Tuy vùng sinh dục của các bé trai không cấu tạo phức tạp như các bé gái nhưng con cũng cần được vệ sinh đúng để không bị viêm nhiễm. Trong vài tháng đầu tiên, khi tắm cho bé, bạn không cần phải làm sạch phần bên trong bao quy đầu vì phần da này rất mềm, có thể khiến bé bị đau, trầy xước làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Nếu nhận thấy mỗi lần bé đi tiểu mà lượng nước tiểu chảy ra ít, da quy đầu căng phồng lên như bong bóng hay da quy đầu bị sưng, đỏ và ngứa cần đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm. Bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy con bị hẹp bao quy đầu hay viêm.
Với bé gái
So với bé trai, cấu tạo vùng kín của bé gái khá đặc biệt rất dễ bị hăm đỏ, viêm nhiễm nên mẹ cần vệ sinh cho bé đúng cách, sạch sẽ. Để vệ sinh vùng kín cho bé, mẹ cần:
- Rửa tay sạch với xà phòng dịu nhẹ.
- Dùng khăn vải bông mềm, nhúng nước ấm, vắt nhẹ.
- Tách nhẹ môi âm hộ của bé, lau nhẹ nhàng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau.
- Xả sạch khăn lau vùng xương mu.
- Xả sạch khăn, nhúng nước ấm, vắt nhẹ, lau tiếp vùng bụng dưới rốn, 2 bên bẹn.
- Dùng chiếc khăn khác, để lau vùng hậu môn và xung quanh.
Trường hợp vùng kín bé gái sơ sinh có tiết ra một chút máu hoặc dịch trắng có phải là dấu hiệu nguy hiểm? Trong trường hợp này, trẻ cần được chăm sóc như thế nào?
Chuyên gia Nhi khoa bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm giải đáp:
Khi mang thai, lượng nội tiết tố nữ (hormone estrogen) trong máu của mẹ sẽ đi qua nhau thai vào máu con. Sau khi sinh, lượng nội tiết tố này bị sụt giảm ở trẻ sơ sinh do con không còn gắn với nhau thai nữa dẫn đến hiện tượng âm đạo ra chất dịch trắng đục không hôi giống như huyết trắng hoặc ra một ít máu đỏ tươi. Đây là hiện tượng bình thường, sẽ tự hết sau vài ngày.
Cha mẹ nên vệ sinh vùng kín của bé bằng bông gòn sạch và nước ấm, lau từ trên xuống dưới, không lau ngược từ hậu môn lên vì có thể làm những chất dơ ở hậu môn lan vào vùng kín của bé gây nhiễm trùng. Sau khi vệ sinh vùng cơ quan sinh dục, nên để khô thoáng trước khi mặc tã. Không dùng xà phòng vệ sinh vùng kín của bé, vì sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có lợi làm nhiệm vụ bảo vệ. Không dùng nước muối loãng, nước muối sinh lý, dung dịch vệ sinh phụ nữ (trừ khi có chỉ định của bác sĩ). Tuy nhiên, nếu dịch trắng có mùi hôi hay kéo dài, trẻ cần được bác sĩ kiểm tra liệu có tình trạng viêm nhiễm hay không.
Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Chăm sóc giấc ngủ bé yêu
>>>>>Xem thêm: Khó mang thai: Đừng bỏ qua 10 dấu hiệu vô sinh thường gặp!
Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, các bé thường khoảng từ 9 đến 12 giờ vào ban đêm và 2 – 5 giờ vào ban ngày. Trong những tuần đầu tiên sau sinh, hầu hết thời gian ngủ của trẻ sơ sinh trong một giấc ngủ thường không kéo dài hơn 2 đến 4 giờ, kể cả giấc ngủ ban ngày hoặc ban đêm.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh rất quan trọng đối với sự phát triển của bé. Vậy làm thế nào giúp con yêu có giấc ngủ ngon và hình thành được thói quen ngủ tốt để phát triển đúng chuẩn. Cha mẹ có thể thiết lập thói quen ngủ cho trẻ bằng cách:
- Luôn cho trẻ đi ngủ đúng giờ ngay cả khi bé chưa có dấu hiệu buồn ngủ
- Tập cho bé biết phân biệt ngày và đêm qua việc ban ngày là để chơi, bú, tắm… Đêm là để ngủ. Do đó, dù trẻ thức dậy vào ban đêm, ba mẹ cũng không nên bật đèn quá sáng, hạn chế tối đa việc trò chuyện để con có thể ngủ lại.
- Thiết lập thói quen đi ngủ: thay quần áo ngủ, bú, hạn chế bớt hoạt động trong phòng bé, giảm ánh sáng phòng ngủ, vỗ về/massage/hát ru khe khẽ/ mở nhạc êm dịu hoặc đọc sách cho bé nghe.
Ngoài ra, để bé có giấc ngủ tốt, bạn nên đảm bảo phòng ngủ của con sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh. Với trẻ sinh đủ tháng, nếu cho con sử dụng điều hòa, bạn nên đảm bảo phòng ngủ của con có nhiệt độ thích hợp trong khoảng 28 độ C, cho trẻ mặc đủ ấm. Trường hợp con không nằm điều hòa, bạn nên đảm bảo phòng của con mát mẻ, bởi nhiệt độ cao khiến con dễ đổ mồ hôi gây ngứa ngáy, khó chịu, ngủ không ngon giấc.
Lưu ý là bạn nên tránh cho trẻ nằm sấp, nếu cho trẻ nằm sấp cần theo dõi con cẩn thận để tránh nguy cơ đột tử. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo mền đắp cho bé không được cao quá ngực, xung quanh chỗ ngủ của bé không có các vật như gối, mền, thú nhồi bông… vì có thể làm gia tăng nguy cơ bị ngạt.
Kenshin hỏi
Tại sao không thể dự đoán được giấc ngủ của trẻ sơ sinh? Khi nào thì thì trẻ sẽ ngủ giấc dài hơn? Làm gì để con có giấc ngủ tốt?
Chuyên gia Nhi khoa bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm giải đáp:
Đối với trẻ trong 6 tháng đầu sau sinh, trẻ cần thời gian để thích nghi với môi trường ồn ào xung quanh. Chu kỳ giấc ngủ của trẻ giai đoạn này khác với người lớn. Mỗi chu kỳ ngủ thường kéo dài thường khoảng 40 phút, vì vậy trẻ có xu hướng thức dậy thường xuyên hơn. Trong đó, thời gian giấc ngủ nông chiếm khoảng 50%. Do đó, trẻ thường hay vặn vẹo, giật mình. Ngoài ra, vì dạ dày nhỏ, trẻ phải thức dậy để bú sau vài giờ. Hầu hết trẻ sơ sinh không ngủ suốt đêm cho đến khi được ít nhất 3 tháng đến 1 tuổi. Giấc ngủ của trẻ sẽ tương tự như người lớn khi trẻ trên 6 tháng tuổi.
Tuy nhiên, đây là phản ứng hoàn toàn bình thường, bạn cũng không cần quá lo lắng vì giấc ngủ ở trẻ sơ sinh còn mang ý nghĩa sinh tồn. Trẻ dễ thức giấc sẽ giúp cảnh báo cho cha mẹ vì những nhu cầu hay vấn đề sức khỏe như đói, lạnh, cần được thay tã, đau hay sốt… để cha mẹ có thể kịp thời xử trí. Không phải trẻ nào cũng có thể tự ngủ dễ dàng. Bạn nên cho trẻ đi ngủ khi con có dấu hiệu buồn ngủ: ngáp, lim dim mắt, dụi mắt, cáu bẳn… Bạn nên tập thói quen đi ngủ cho trẻ ngay từ nhỏ. Trẻ sơ sinh thường sẽ ngủ sau khi bú no. Ở giai đoạn này, trẻ dễ giật mình khi có tiếng động lạ và chưa quen với môi trường bên ngoài. Do đó, bạn nên tạo không gian thoải mái và yên tĩnh, có thể quấn khăn hoặc mặc quần áo hình con nhộng giúp trẻ cảm thấy an toàn và dễ đi vào giấc ngủ. Tạo thói quen lành mạnh trước khi đi ngủ như: chọn chỗ ngủ cố định trong tất cả các giấc ngủ của trẻ, có thể ôm trẻ dỗ dành nhưng nên đặt trẻ lên giường ngủ khi trẻ vẫn còn thức, bật nhạc nhẹ hoặc tiếng ồn trắng … Nhờ đó, trẻ sẽ học cách tự đi ngủ ngay từ nhỏ.
Kenshin hy vọng rằng với những chỉ dẫn và giải đap của chuyên gia nhi khoa trong cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh được chia sẻ trong bài, bạn đã cập nhật được nhiều kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc bé cưng.