Trầm cảm là chứng rối loạn tâm lý có thể dẫn đến những thay đổi bất thường trong cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của một người. Khi chưa vượt qua trầm cảm, diễn biến tâm lý khi mắc trầm cảm khác biệt ở từng người. Câu chuyện của một bạn trẻ từng có hành vi tự hại vì trầm cảm cùng với những phân tích từ chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn hiểu hơn về chứng rối loạn này.
Bạn đang đọc: Câu chuyện vượt qua trầm cảm của chàng trai trẻ từng tự hại mình và góc nhìn chuyên gia
Nam là chàng trai trẻ 25 tuổi đã đấu tranh với chứng rối loạn này trong 10 năm. Bạn hiện đang làm dịch thuật tự do và sinh sống tại Hà Nội. Thời gian Nam sống chung với bệnh trầm cảm không hề dễ dàng nhưng chàng trai ấy đã vượt qua căn bệnh này để trở lại cuộc sống bình thường. Những chia sẻ của Nam và góc nhìn từ chuyên gia tâm lý Phạm Tiến Dũng (Dũng Phạm) về thời gian chiến đấu và chiến thắng trầm cảm có thể tiếp thêm động lực cho bạn hoặc người thân.
Nội Dung
- 1 Chào Nam! Bạn nghi ngờ mình mắc trầm cảm trong khoảng thời gian nào?
- 2 Khi nào thì bạn nhận được chẩn đoán về tình trạng của mình?
- 3 Khi nhận được kết quả chẩn đoán, bạn cảm thấy thế nào?
- 4 Bạn gặp khó khăn gì trong quá trình điều trị để vượt qua trầm cảm?
- 5 Bạn có thể chia sẻ tình huống đã kích hoạt trầm cảm ở bạn không?
- 6 Trải qua những điều đó, có bao giờ bạn nghĩ đến tự hại, tự sát?
- 7 Bạn đã sắp xếp thay đổi cuộc sống để vượt qua trầm cảm như thế nào?
- 8 Bạn có thể đưa ra lời khuyên gì cho những người đang cố gắng vượt qua trầm cảm?
Chào Nam! Bạn nghi ngờ mình mắc trầm cảm trong khoảng thời gian nào?
Trong một thời gian, bắt đầu khoảng năm cấp 3, mình nhận thấy tâm trạng của bản thân hay thay đổi thất thường. Mình có thể tự dưng nổi giận đùng đùng không vì một lý do cụ thể nào cả. Mình cũng hay mất động lực làm những việc sinh hoạt cơ bản như tắm hay ăn uống. Có lúc mình chỉ ăn một bữa/ngày và không ra ngoài trong thời gian dài.
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Phạm Tiến Dũng, những dấu hiệu trầm cảm thường kéo dài trong ít nhất 2 tuần, bao gồm:
- Cảm thấy buồn, trống rỗng
- Cảm thấy vô vọng, bi quan
- Dễ khó chịu, nóng giận
- Cảm thấy bất lực, vô dụng
- Mất hứng thú với những hoạt động, sở thích thường làm
- Dễ mệt mỏi, không có sức
- Khó tập trung, ghi nhớ, đưa ra quyết định
- Giấc ngủ bất ổn: khó ngủ hoặc ngủ rũ
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
- Suy nghĩ, hành vi tự hại/tự sát
Khi nào thì bạn nhận được chẩn đoán về tình trạng của mình?
Ban đầu, mình thử tham gia vào buổi tham vấn tâm lý ở trường đại học và chia sẻ về vấn đề của mình. Trong suốt 2 tháng, mình thử làm theo lời của cô tham vấn viên là ra ngoài nhiều hơn, tập thể dục, giao lưu với bạn bè. Tuy nhiên, các dấu hiệu trầm cảm không cải thiện. Vậy nên cô khuyên mình đến một phòng khám bên ngoài, vì cô có thể hỗ trợ điều chỉnh hành vi nhưng không thể kê đơn thuốc cho mình.
Sau đó, mình đến một phòng khám chuyên khoa tâm lý ở TP.HCM. Người ta cho mình làm trắc nghiệm, đo điện não đồ và phỏng vấn về cuộc sống hiện tại. Kết quả chẩn đoán là mình bị trầm cảm khá nặng nhưng vẫn ở mức độ điều trị được. Mình ra về với đơn thuốc và được dặn uống đều đặn.
Ý kiến chuyên gia: Khi chẩn đoán thì bác sĩ tâm thần kinh sẽ kết hợp giữa việc làm thang đánh giá trầm cảm (test) và phỏng vấn lâm sàng (interview). Chẩn đoán được đưa ra dựa trên việc đáp ứng các tiêu chí đánh giá riêng biệt trong DSM hoặc ICD. Đây là 2 hệ thống chẩn đoán rối loạn sức khỏe tâm thần thường được dùng.
Khi nhận được kết quả chẩn đoán, bạn cảm thấy thế nào?
Bản thân mình cũng đoán được phần nào kết quả vì bản thân mình cũng tự tìm hiểu các dấu hiệu trầm cảm, cộng thêm thời gian mấy năm trải qua tình trạng này và phỏng đoán khi mình có gien di truyền động kinh từ bố.
Mình quay về Hà Nội và thông báo cho gia đình biết về chẩn đoán này. Gia đình mình đều nghi ngờ trước đó nên cũng không quá ngạc nhiên về kết quả. Có điều khi giải thích thì bố mình vẫn nghĩ vấn đề của mình là do tâm lý, không phải do rối loạn của não bộ.
Bạn gặp khó khăn gì trong quá trình điều trị để vượt qua trầm cảm?
6 tháng sau lần chẩn đoán đầu tiên, mình uống thuốc đều đặn cũng như nghe theo lời khuyên của bác sĩ là chịu khó tập thể dục cũng như thường xuyên giao lưu với người thân và bạn bè. Tâm lý của mình thời gian này ổn định hơn, cảm xúc cũng không dễ thay đổi như trước.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc khiến mình cảm thấy mệt mỏi cũng như dễ buồn ngủ. Lúc đó, mình cũng chủ quan nghĩ rằng trước đây khi không uống thuốc mình vẫn ổn nên giờ bỏ thuốc chắc cũng không sao. Bỏ được 2 năm thì tâm trạng mình tồi tệ trở lại nên đầu năm 2020, mình đi bệnh viện đa khoa tư nhân khám lại. Lần này bác sĩ giảm liều lượng thuốc để hạn chế tác dụng phụ nhưng vẫn phát huy khả năng cân bằng cảm xúc, giúp mình vượt qua trầm cảm bền vững hơn.
Bác sĩ nhấn mạnh với mình là trầm cảm không chỉ là vấn đề lối sống, trải nghiệm… mà còn là vấn đề thể chất, do não không tiết ra đủ các chất hormone “hạnh phúc” như dopamine, serotonin…
Ý kiến chuyên gia: Bên cạnh các tác dụng phụ như mệt mỏi, dễ buồn ngủ, thuốc trầm cảm còn có thể gây ra chóng mặt, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy. Ngoài ra, bạn nên duy trì liều dùng chỉ định ngay cả khi thấy ổn và không tự dừng thuốc đột ngột nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể khiến tình trạng nặng hơn. Khi muốn ngưng thuốc thì bác sĩ sẽ phải có lộ trình giảm liều dần dần cho đến khi dừng hẳn.
Bạn có thể chia sẻ tình huống đã kích hoạt trầm cảm ở bạn không?
Tìm hiểu thêm: Biến dạng cổ thiên nga
Có lẽ mình bắt đầu có những cảm xúc này khi chứng kiến cuộc ly hôn của bố mẹ. Thời gian đó mọi chuyện trong gia đình rất căng thẳng. Trong nhà hay xảy ra cãi cọ và bạo lực. Bản thân mình cũng đang bị áp lực vào trường chuyên, lớp chọn. Có lẽ sự thiếu ủng hộ của người thân, kỳ vọng của phụ huynh cùng sự đổ vỡ của gia đình đã tạo ra những thay đổi và mâu thuẫn trong mình lúc đó. Mình đoán một phần cũng do gien di truyền động kinh từ bố, thi thoảng mình vẫn bị ngất đi hoặc co giật…
Chuyên gia cho biết những yếu tố trong cuộc sống kích hoạt căng thẳng, lo âu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới khí sắc và có thể dần dẫn tới trầm cảm. Bên cạnh đó, động kinh/điều trị động kinh cũng tác động qua lại tới trầm cảm/điều trị trầm cảm khiến cho nguy cơ trầm cảm gia tăng. Điều này có thể giải thích bởi:
- Loại động kinh: Tùy thuộc vào loại co giật và vùng não bị ảnh hưởng, bản thân cơn co giật có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Điều này có thể dẫn đến rối loạn tâm trạng, bao gồm cả trầm cảm.
- Tác dụng phụ của thuốc: Thuốc chống động kinh cũng có thể ảnh hưởng đến các trung tâm kiểm soát cảm xúc trong não của bạn, làm tăng nguy cơ trầm cảm. Thuốc an thần có khả năng gây trầm cảm hơn các thuốc chống động kinh khác.
- Yếu tố tâm lý xã hội: Người bệnh có thể gặp khó khăn khi đối phó với một tình trạng y tế lâu dài như chứng động kinh. Với một số người, nó dẫn đến cảm giác buồn bã, lo lắng, xấu hổ hoặc thậm chí tức giận. Những cảm xúc tiêu cực này có thể dẫn đến trầm cảm.
Trải qua những điều đó, có bao giờ bạn nghĩ đến tự hại, tự sát?
Có chứ. Nhưng mình không thể nghĩ ra yếu tố nào dẫn đến những suy nghĩ, hành vi tự hại đó. Chỉ là đột nhiên mình muốn làm một cái gì đó bộc phát, bạo lực. Vậy nên có lúc mình dùng dao lam rạch nhiều vết ngắn lên đùi để xả sự tức giận đó. Vượt qua trầm cảm thực sự không dễ dàng.
Ý kiến chuyên gia: Thường thì một người sẽ chỉ chú ý được cảm giác bức bối, khó chịu, trống rỗng tức thời khi có hành vi tự hại. Nhưng khi nhìn kỹ lại, trước đó thường có những tình huống hoặc suy nghĩ kích hoạt. Ví dụ như nhìn thấy chuyện gì đó hoặc nghe ai đó nói gì dẫn đến kích hoạt ký ức/suy nghĩ tiêu cực và khiến người bệnh bị cuốn vào những cảm xúc không lành mạnh. Sau đó họ có thể xuất hiện thôi thúc tự hại để khỏa lấp/xoa dịu/xả/quên đi những khó chịu trước đó.
Bạn đã sắp xếp thay đổi cuộc sống để vượt qua trầm cảm như thế nào?
>>>>>Xem thêm: Hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị sẹo sau khi cắt bao quy đầu
Mình cố gắng vượt qua trầm cảm bằng cách dành thời gian cho các sở thích giúp đánh lạc hướng suy nghĩ tiêu cực như học nấu ăn, tập gym, đi xe đạp và học thêm ngoại ngữ.
Mình còn nuôi một chú mèo. Mình luôn thích mèo nên mình nghĩ có một người bạn bên cạnh sẽ thật tuyệt. Mình nhận ra khi chăm sóc người khác mình cảm thấy rất vui nên việc nấu ăn cũng như nuôi mèo sẽ giúp mình giải tỏa những suy nghĩ tiêu cực của bản thân hơn.
Về bệnh trầm cảm, nếu như trước đây mình chỉ chia sẻ với bố mẹ thì bây giờ mình cố gắng kể với những người thường xuyên tiếp xúc với mình hơn như họ hàng hay bạn bè.
Gia đình cũng cố gắng hỗ trợ bằng cách nhắc nhở mình uống thuốc, thay đổi cách cư xử cũng như để ý tâm trạng mình nhiều hơn.
Sau tất cả, mình nhận ra là suy nghĩ lâu dài không phù hợp với mình. Mọi người thường sẽ nghĩ về kế hoạch 1 năm, 2 năm, 5 năm tiếp theo mình sẽ làm gì. Nhưng mình quyết định sẽ chỉ tập trung vào từng ngày mình đang sống.
Ý kiến chuyên gia: Với người đang bị trầm cảm thì việc vận động thể chất được là cả một sự nỗ lực nên hoạt động gì cũng được khuyến khích. Từ những hoạt động lúc trước họ từng hứng thú làm tới việc đi bộ xung quanh hay leo cầu thang khu chung cư. Cái nào khả thi và dễ làm nhất thì cứ bắt đầu làm.
Bạn có thể đưa ra lời khuyên gì cho những người đang cố gắng vượt qua trầm cảm?
Lời khuyên mình có thể đưa ra là:
- Uống thuốc đúng chỉ định
- Đi khám ngay khi bạn cảm thấy tâm trạng chuyển biến bất thường
- Tập trung vào từng ngày một, đừng gắng hướng suy nghĩ quá xa
- Theo đuổi một sở thích nào đó. Chừng nào bạn còn muốn quan tâm cái gì đó, chắc là bạn sẽ ổn thôi.
- Chia sẻ tình trạng của bạn với gia đình hoặc nếu có thể, hãy đưa gia đình đến phòng khám cùng. Họ là những người gần với bạn nhất và có thể hỗ trợ bạn, đặc biệt khi bạn đang sống dựa vào họ.
Ý kiến chuyên gia: Tương tự như trên, khi trị liệu trầm cảm thì các tham vấn viên thường giúp thân chủ duy trì một sinh hoạt ổn định (ăn, ngủ, hoạt động thể chất, thú vui sở thích), kết nối/củng cố những nguồn lực xung quanh tốt hơn, kết hợp với việc chú ý được những suy nghĩ/cảm xúc ở hiện tại để không bị cuốn vào đau khổ trong quá khứ hoặc lo sợ cho tương lai và tìm ra những ứng phó hiệu quả hơn khi gặp vấn đề/căng thẳng.
Xin bạn lưu ý: Trải nghiệm và cách điều trị trầm cảm của mỗi người bệnh thường không giống nhau. Bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên môn để nhận được hỗ trợ tốt nhất cho tình trạng của mình.