Cườm nước hay thiên đầu thống là những tên gọi khác của bệnh glôcôm ở mắt. Bệnh có khả năng gây suy giảm thị lực và mù lòa vĩnh viễn. Tuy không thể chữa khỏi bệnh bằng dinh dưỡng nhưng việc ăn uống lành mạnh, khoa học có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và bảo tồn phần thị lực còn lại cho bệnh nhân.
Bạn đang đọc: Chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc người bệnh glôcôm (cườm nước, thiên đầu thống)
Hiện nay, trên toàn cầu, ước tính có khoảng 5,7 triệu người bị mất thị lực do bệnh glôcôm. Tăng nhãn áp (áp lực trong mắt) là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong bệnh lý này. Nhãn áp tăng cao có khả năng làm tổn thương dây thần kinh thị giác, gây ảnh hưởng đến thị trường và thị lực. Tuy nhiên, ngoài nhãn áp, những nghiên cứu gần đây cho thấy, các yếu tố khác như rối loạn điều hòa mạch máu, stress oxy hóa, tình trạng tự miễn dịch và nhiễm độc tố, cũng đóng vai trò đáng kể trong cơ chế bệnh sinh của glôcôm. Chúng được gọi chung là các yếu tố không phụ thuộc vào nhãn áp. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh cườm nước ở mắt có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Vì vậy, khi được chẩn đoán mắc glôcôm, người bệnh cần hợp tác với bác sĩ và tuân thủ phác đồ điều trị để hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn.
Bên cạnh các phương pháp điều trị glôcôm như dùng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống, laser và phẫu thuật, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh lý này. Vì vậy, nếu có bố mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh glôcôm, bạn nên đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống của họ. Để tìm hiểu sâu hơn về mối liên hệ giữa dinh dưỡng và bệnh glôcôm (cườm nước) cũng như những loại thực phẩm nên được bổ sung vào thực đơn hàng ngày cho người bệnh, mời bạn cùng tham khảo bài viết sau nhé.
Nội Dung
Mối liên hệ giữa dinh dưỡng và bệnh glôcôm (cườm nước, thiên đầu thống) ở mắt
Thực tế, việc ăn uống lành mạnh không thể thay thế các phương pháp điều trị glôcôm truyền thống như thuốc, laser hay phẫu thuật. Tuy nhiên, xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp có thể hỗ trợ bảo tồn thị lực và làm chậm tiến triển của bệnh glôcôm.
Không những thế, tình trạng béo phì có liên quan mật thiết đến stress oxy hóa. Đây là một yếu tố dẫn đến rối loạn chức năng hệ thống bè, tăng mỡ hốc mắt làm cản trở thoát lưu thủy dịch, rối loạn điều hòa dòng chảy của mạch máu gây tăng nhãn áp và thiếu máu nuôi thần kinh thị giác. Nghiên cứu cho thấy, các chỉ số của béo phì như chỉ số khối cơ thể (BMI), số đo vòng bụng, phần trăm mỡ cơ thể càng tăng thì nhãn áp và nguy cơ mắc bệnh glôcôm góc mở nguyên phát cũng tăng lên tương ứng. Vì thế, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để duy trì cân nặng ổn định là việc vô cùng cần thiết đối với cả bệnh nhân glôcôm và những người khỏe mạnh.
Gần đây, một phương pháp hỗ trợ điều trị glôcôm được gọi là CAM (complementary and alternative medicine), tạm dịch là “Thuốc bổ sung và thay thế”, đã được ra đời. Phương pháp này nhắm vào cả nhãn áp và các yếu tố không phụ thuộc vào nhãn áp. Lĩnh vực chính của CAM là dựa trên chế độ ăn uống để tác động lên nhãn áp, tỷ lệ mắc bệnh glôcôm và cả diễn tiến của bệnh. Vì thế, CAM ngày càng được các bác sĩ nhãn khoa và bệnh nhân glôcôm trên thế giới đặc biệt quan tâm.
Những dưỡng chất tốt cho người bệnh glôcôm
Các thực phẩm có thể bảo vệ thị lực thường chứa nhiều dưỡng chất như:
- Vitamin A: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ trong suốt của giác mạc, đồng thời giúp mắt nhìn được trong điều kiện ánh sáng yếu. Bên cạnh đó, việc bổ sung vitamin A còn hỗ trợ phòng ngừa thoái hoá điểm vàng do tuổi tác và đục thuỷ tinh thể (cườm khô), một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh glôcôm (cườm nước ở mắt).
- Vitamin C: Đây cũng là một chất chống oxy hóa mạnh nên có thể bảo vệ mắt trước các gốc tự do gây hại. Ngoài ra, vitamin C còn có khả năng hạn chế thương tổn thần kinh thị giác do nhãn áp tăng bằng cách ngăn ngừa cườm khô phát triển, từ đó hạn chế nguy cơ tăng nhãn áp thứ phát.
- Chất chống oxy hoá (lutein, zeaxanthin…): Những hợp chất này có khả năng ngăn chặn các gốc tự do gây stress oxy hóa ảnh hưởng đến tế bào thần kinh thị giác.
- Flavonoid: Thành phần chính có trong trà xanh này đã được chứng minh giúp bảo vệ thần kinh thị giác bằng cách giảm stress oxy hóa và tăng dòng máu đến nuôi dưỡng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì người uống ít nhất 1 cốc trà nóng mỗi ngày có xu hướng ít bị glôcôm hơn.
- Chiết xuất Ginkgo biloba: Ginkgo biloba cải thiện sự sống sót của các tế bào hạch võng mạc, bảo vệ chúng chống lại stress oxy hóa cũng như giúp tăng đáng kể lưu lượng máu đến các dây thần kinh thị giác. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, Ginkgo biloba có khả năng cải thiện chức năng thị giác và làm chậm tiến triển của tổn thương thị trường trong bệnh glôcôm nhãn áp không tăng.
- Acid béo không bão hòa: Một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy, chế độ ăn uống có tỷ lệ omega-3 trên omega-6 cao, hay nói cách khác là ăn quá ít omega-6, có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh glôcôm cao hơn. Axit béo omega-3 có nhiều trong dầu thực vật, rau xanh và các loại cá béo như cá hồi. Trong khi đó, axit béo omega-6 được tìm thấy trong nhiều loại dầu thực vật và có thể giúp giảm LDL-cholesterol. Cả axit béo omega-3 và axit béo omega-6 đều quan trọng đối với sức khỏe tim mạch nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Trong đó, việc tăng cường bổ sung omega-6 sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh glôcôm (cườm nước, thiên đầu thống) ở mắt.
Người bị bệnh glôcôm (cườm nước) ở mắt nên ăn gì?
Tìm hiểu thêm: Gạo huyết rồng là gì? Những lưu ý quan trọng khi sử dụng
Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm sau vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày dành cho người bệnh glôcôm để hỗ trợ bảo tồn thị lực và làm chậm tiến triển của bệnh:
Trái cây và rau xanh
Trái cây và rau củ là những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa tốt cho người bệnh glôcôm. Vitamin A, C, E và caroten có nhiều trong cải rổ, cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn, cà rốt và quả đào…có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, nitrate có trong các loại rau lá xanh cũng giúp điều hòa mạch máu, cải thiện tưới máu võng mạc và thần kinh thị giác ở những bệnh nhân mắc glôcôm. Vì vậy, ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ làm chậm tiến triển của bệnh. Theo đó, người bệnh nên bổ sung:
Những thực phẩm màu xanh có lợi cho sức khoẻ mắt
- Cải Brussel
- Súp lơ xanh
- Đậu xanh
- Đậu cô ve
- Ô liu
- Dưa leo
- Rau cần tây
- Quả bơ
Các thực phẩm có màu cam hoặc vàng giúp duy trì thị lực
- Trái cây họ cam, quýt
- Lòng đỏ trứng
- Cà rốt
- Khoai lang
- Dưa lưới
- Quả mơ
- Phô mai
- Bí ngô
- Ngô (bắp)
- Đu đủ
Thực phẩm chứa nhiều protein
Ngoài trái cây và rau xanh, các loại thực phẩm chứa nhiều protein cũng rất cần thiết cho bệnh nhân glôcôm. Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống của họ:
- Hải sản
- Các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt
- Quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi…)
- Chocolate đen
- Sữa
- Thịt nạc
Người bệnh glôcôm không nên ăn uống gì?
>>>>>Xem thêm: 10 lý do khiến cơ thể bạn luôn cảm thấy lạnh
Với vai trò là người chăm sóc, ngoài việc bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho mắt, bạn cũng nên giúp người bệnh glôcôm hạn chế một số thực phẩm có thể khiến bệnh chuyển biến xấu hơn. Chẳng hạn như thực phẩm khiến huyết áp tăng cao (tăng huyết áp) có thể ngăn cản thuỷ dịch thoát lưu vào hệ tuần hoàn chung. Lúc này, thủy dịch tích tụ lại trong mắt và làm tăng nhãn áp, từ đó tiếp tục gây tổn thương đến thần kinh thị giác.
Vì vậy, để kiểm soát huyết áp ổn định, bạn cần giúp người bệnh glôcôm (cườm nước) ở mắt hạn chế:
- Ăn quá nhiều muối (thực phẩm chế biến sẵn, các món nêm mặn…)
- Tiêu thụ nhiều caffeine (cafe, trà…)
- Uống nhiều bia, rượu thường xuyên
Mặt khác, bạn cũng nên giúp người bệnh uống nước đúng cách. Cụ thể, người bệnh nên uống nước từ từ với một lượng vừa phải, tránh uống quá nhiều nước trong một lúc vì sẽ dẫn đến mỏi mắt, đồng thời tạo điều kiện cho nhãn áp tăng cao.
Dù không thể thay thế cho các phương pháp điều trị chính thức nhưng CAM có thể giúp quá trình kiểm soát bệnh glôcôm được hiệu quả hơn. Việc xây dựng chế độ ăn uống phù hợp và duy trì lối sống lành mạnh sẽ góp phần làm chậm diễn tiến của bệnh và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân glôcôm nên duy trì cân nặng ổn định, ăn nhiều trái cây và rau củ, tránh dùng cà phê, bia rượu và các chất kích thích quá mức. Người bệnh cũng cần tái khám mắt đúng lịch và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả.