Bạn đang đọc: Chi tiết các loại thuốc hiệu quả nhất để điều trị đau xương
Đau xương ít phổ biến hơn so với đau khớp và đau cơ những nó vẫn gây suy nhược cơ thể và cần được điều trị đúng cách. Có nhiều loại thuốc chữa đau xương khiến bạn rất dễ bị nhẫm lẫn cũng như thấy choáng ngợp khi uống thuốc. Trước khi uống bất cứ loại thuốc nào, bạn nên tự trang bị và tìm hiểu rõ về công dụng, thành phần cũng như các tác dụng phụ khi uống thuốc. Đặc biệt là những loại thuốc cần phải dùng lâu dài để chữa các bệnh mạn tính như đau xương.
Nội Dung
Nguyên nhân gây đau xương
Đau xương có thể do gãy xương hay do một bệnh lý xương nào đó gây ra. Những nguyên nhân có thể bao gồm:
- Chấn thương;
- Gãy xương;
- Vận động quá mức;
- Ung thư từ trong xương (ung thư nguyên phát);
- Ung thư di căn tới xương (ung thư thứ phát);
- Thiếu máu nuôi xương;
- Nhiễm trùng xương;
- Bệnh bạch cầu;
- Thiếu khoáng chất.
Đau xương cũng có mối liên hệ với tình trạng mất xương và tăng nồng độ canxi máu.
Thuốc dùng để điều trị đau xương
Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau xương. Bạn nên thảo luận với bác sĩ trước khi tiếp nhận bất kỳ liệu pháp chữa trị nào. Một vài loại thuốc thường được sử dụng để chữa đau xương gồm:
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh thường được dùng để điều trị đau xương do nhiễm trùng, như bệnh viêm tủy xương. Bạn có thể dùng thuốc kháng sinh dạng uống hay dạng tiêm và cần phải dùng đủ liều kháng sinh để không bị kháng thuốc, đây là tình trạng vi khuẩn không còn đáp ứng với thuốc kháng sinh. Khi bạn bị kháng thuốc bác sĩ sẽ kê một loại kháng sinh mạnh hơn. Một vài loại kháng sinh thường gặp là clindamycin, ticarcillin dùng chung với clavulanate và cefotetan. Bạn hãy thông báo với bác sĩ những loại thuốc bạn dị ứng ví dụ như penicillin.
Thuốc chống co giật
Nếu cơn đau xương của bạn đi kèm với cảm giác ngứa râm ran và nóng đây có thể là cơn đau do thần kinh. Xung thần kinh được phát ra khi bạn bị tổn thương. Tổn thương càng nặng thì cơ thể phát ra càng nhiều xung thần kinh và vì thế cảm giác đau sẽ tăng thêm. Thuốc chống co giật điều trị động kinh có thể dùng để điều trị đau thần kinh và thường được sử dụng phối hợp với những loại thuốc khác để giảm đau hiệu quả hơn. Một vài loại thuốc chống co giật phổ biến là carbamazepine (Epitol®, Tegretol®), gabapentin (Gralise®, Neurontin®), oxcarbazepine (Trileptal®), pregabalin (Lyrica®) và topiramate (Topamax®). Những loại thuốc này cũng có vài tác dụng phụ như tổn thương gan, choáng và mệt mỏi.
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm bình thường được dùng để điều trị trầm cảm nhưng cũng có thể điều trị đau thần kinh. Thuốc chống trầm cảm tác động vào serotonin và norepinephrine, đây là những chất quan trọng trong não giúp điều hòa cơn đau và cảm xúc. Một vài loại thuốc chống trầm cảm thường gặp bao gồm amitriptyline, imipramine (Tofranil®), clomipramine (Anafranil®), doxepin, nortriptyline (Pamelor®), desipramine (Norpramin®). Những tác dụng phụ có thể bao gồm khô miệng, buồn ngủ, táo bón và chóng mặt.
Bisphophonates
Bisphosphonates được dùng để ngăn ngừa và điều trị loãng xương. Thuốc này có thể điều trị gãy xương và các tình trạng gây mất xương như ung thư, khối u và những thương tổn hay điều trị tăng canxi máu.
Các thuốc có thành phần chứa bisphosphonates thường gặp là alendronate (Fosamax®), ibandronate (Boniva®), risedronate (Actonel®, Atelvia®), zoledronic acid (Reclast®)
Corticosteroid
Corticosteroid là thuốc phổ biến để điều trị viêm. Bạn sẽ cần uống corticosteroid nếu bị ung thư hay bị sưng ở vùng có khối u để giảm áp lực khối u lên dây thần kinh. Corticosteroid ngăn bạch cầu di chuyển tới vùng sưng tấy trên cơ thể.
Những thuốc chứa corticosteroid phổ biến là dexamethasone (Decadron®), methylprednisolone (Depo-Medrol®, Medrol®), prednisolone, prednisone, triamcinolone. (Aristospan®)
Các loại thuốc gây nghiện
Thuốc này có tác dụng làm tê vùng đau tạm thời và được dùng như thuốc giảm đau. Các loại thuốc này ngăn cảm giác đau bằng cách khóa những tín hiệu dẫn truyền cơn đau. Các tác dụng phụ của thuốc gây nghiện cũng giống như triệu chứng sau phẫu thuật: táo bón, buồn ngủ, nôn và buồn nôn. Một vài loại thuốc thường gặp gồm có codeine, fentanyl (Actiq®, Duragesic®, Fentora®), hydrocodone (Hysingla ER, Zohydro ER), hydrocodone/acetaminophen (Lorcet®, Lortab®, Norco®, Vicodin®), hydromorphone (Dilaudid®, Exalgo®), meperidine (Demerol®), methadone (Dolophine®, Methadose®), morphine (Astramorph®, Avinza®, Kadian®, MS Contin®, Ora-Morph SR®), oxycodone (OxyContin®, Oxecta®, Roxicodone®), oxycodone and acetaminophen (Percocet®, Endocet®, Roxicet®), oxycodone và naloxone (Targiniq ER®).
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)
Bạn cũng có thể dùng các thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) để chữa đau xương như ibuprofen hay diclofenac. Những thuốc này hầu hết dùng để chữa những cơn đau cơ xương khớp, mặc dù chúng có thể sử dụng để điều trị cho nhiều tình trạng bệnh lý khác. Một vài loại thuốc thông dụng là ibuprofen (Advil®, Motrin®), naproxen (Aleve®), celecoxib (Celebrex®), diclofenac (Voltaren®), ketoprofen, naproxen (Anaprox®), piroxicam (Feldene®) và sulindac (Clinoril®).
Tự ý ngưng uống thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Khi khám bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn và thiết kế một liệu trình điều trị thích hợp nhất với bạn. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết rõ hơn về công dụng và chức năng của các loại thuốc đang dùng và cách kiểm soát và giảm thiểu những tác dụng phụ đó.
>>>>>Xem thêm: Sinh thiết: Xét nghiệm giúp bạn chẩn đoán ung thư