Chuyển bé từ bú sữa sang uống ly

Chuyển bé từ bú sữa sang uống ly

Bạn đang đọc: Chuyển bé từ bú sữa sang uống ly

Bạn có thể cho bé sử dụng ly uống có ống hút hoặc ly có núm để bé tập cầm bất cứ lúc nào sau khi bé được sáu tháng tuổi. Những bé đang bú sữa mẹ có thể chuyển sang sử dụng loại ly này dễ dàng hơn là chuyển sang sử dụng bình sữa thông thường. Thời gian đầu, bạn hãy sử dụng loại ly có hai tay cầm, có nắp  đậy ở trên và có một vòi nhô lên hoặc ống hút để tập cho trẻ. Cả 2 sự lựa chọn này sẽ giúp giảm thiểu khả năng bé làm đổ sữa hoặc nước vì chưa quen với cách cầm nắm mới (và nhiều khả năng có thể bé sẽ quăng bình đi).

Khi nào bé nên tập uống bằng ly?

Có rất nhiều lợi ích từ việc uống sữa bằng ly. Nó sẽ cải thiện sự phối hợp tay và miệng của bé và là tiền đề chuẩn bị cho quá trình cai sữa của bé trong độ tuổi này. Hãy nhớ rằng, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh, ít nhất là trong suốt năm đầu đời của trẻ. Khi bạn có ý định chuyển từ sữa mẹ sang các loại sữa khác, bạn cần quan sát biểu hiện của bé cho thấy rằng bé đã sẵn sàng cho việc uống bằng ly hay chưa thông qua những dấu hiệu sau:

  • Nhìn xung quanh trong khi bú sữa mẹ hoặc bú chai;
  • Ngậm núm vú mà không mút;
  • Cố gắng trượt ra khỏi lòng mẹ trước khi bú xong.

Tập cho bé thao tác sử dụng ly như thế nào?

Ban đầu, hãy cho một ít nước vào ly và cho bé uống một lần mỗi ngày trong bữa ăn. Bạn có thể chỉ cho bé thao tác đưa vòi/ống hút vào miệng và uống. Đừng nên thất vọng nếu cố gắng đầu tiên thất bại vì hầu hết trẻ không biết cốc dùng để uống mà sử dụng chúng giống như một món đồ chơi trong vài tuần. Chỉ cần bạn kiên nhẫn cho đến khi bé có thể học được cách tự mình hút nước từ bình, hút nước ra khỏi vòi/ống hút mà không bị đổ hay chảy xuống cằm hoặc không làm ly văng lung tung khắp phòng. Khi bé đã học được cách uống sữa bằng ly, hãy đổ sữa mẹ hoặc sữa bột vào cốc để bé có thể dùng để uống thay vì dùng chai.

Thời gian để bé tập uống bằng ly là bao lâu?

Thậm chí trong trường hợp tốt nhất, cai sữa không thể xảy ra một sớm một chiều. Sáu tháng là khoảng thời gian mà bé cần để uống được các chất lỏng từ ly. Mặc dù vậy, bạn có thể bắt đầu tiến hành cho bé cai sữa từng bước, căn cứ vào sự hứng thú và sự tự nguyện của bé để thực hiện các bước tiếp theo. Bạn sẽ thấy dễ dàng nhất là cho bé dùng ly thay vì chai sữa hoặc bú mẹ vào bữa giữa ngày. Một khi thấy bé đã có thể thích nghi với sự thay đổi này, bạn hãy thử cho bé uống bằng ly trong buổi sáng. Cai sữa vào bữa đêm là bước được thực hiện sau cùng vì bé của bạn đã quen với cảm giác bú sữa vào ban đêm và bé cảm thấy thoải mái, bình yên khi bú sữa và đi vào giấc ngủ; vậy nên sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để bé bỏ đi thói quen này. Nếu bé ngủ suốt đêm mà không hề thức dậy vì đói thì điều này chứng minh rằng bé không thực sự có  nhu cầu bú sữa mẹ hoặc sữa bình về đêm. Trong trường hợp này, bạn có thể thay đổi thói quen của bé qua từng giai đoạn, đầu tiên là thay thế chai sữa buổi tối bằng chai nước, sau đó chuyển bé sang uống nước từ ly.

Trong suốt quá trình này, bạn có thể vì mềm lòng mà cho bé bú sữa để bé dễ ngủ nhưng bạn không nên làm như vậy. Nếu bé ngủ trong khi đang bú sữa, sữa sẽ len vào các kẽ răng và có thể dẫn đến tình trạng sâu răng. Không dừng lại ở đó, bú sữa khi đang nằm ngửa có thể gây ra viêm tai giữa vì chất lỏng có thể chảy qua vòi nhĩ vào tai giữa.

Một bất lợi nữa sẽ xảy ra nếu bạn cứ tiếp tục kéo dài việc cho bé bú sữa bằng chai, đó là chai sữa có thể trở thành một vật quen thuộc giúp bé cảm thấy an toàn, đặc biệt trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra sau khi bé được một tuổi. Để tránh điều này, bạn đừng để bé mang theo bình và uống sữa hay nước từ bình trong khi đang chơi. Hạn chế sử dụng bình để cho bé bú khi bé đang ngồi hoặc được ẵm. Trong những lúc khác, bạn có thể cho bé dùng ly. Nếu bạn kiên quyết không cho bé mang theo chai sữa bên mình, bé sẽ quên đi việc phải có chai sữa thì mới thấy an toàn. Một khi đã quyết định thì đừng bỏ cuộc, bạn cần phải kiên quyết, nếu không sau này bé sẽ lại đòi chai sữa sau khi đã chính thức cai sữa.

>>>>>Xem thêm: Rối loạn chảy máu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *