Ung thư tinh hoàn rất hiếm. Nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 15 đến 45. Đây là bệnh ung thư có tỷ lệ kiểm soát thành công cao, ngay cả khi đã di căn.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu ung thư tinh hoàn là gì? Sống được bao lâu?
Vậy, ung thư tinh hoàn là gì và làm thế nào để nhận biết dấu hiệu của bệnh để điều trị hiệu quả? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Nội Dung
Tìm hiểu chung
Ung thư tinh hoàn là gì?
Ung thư tinh hoàn hình thành khi các tế bào ác tính (ung thư) phát triển trong các mô của tinh hoàn nam giới. Tinh hoàn là một bộ phận của cơ quan sinh dục ở nam giới, có chức năng sản xuất ra nội tiết tố nam testosterone và tinh trùng. Mỗi người đàn ông có 2 tinh hoàn, nằm bên trong bìu phía dưới dương vật. Bạn có thể bị ung thư ở một hoặc cả hai tinh hoàn.
Có hai loại ung thư tinh hoàn là:
- U tinh bào: Khoảng 90% bệnh ung thư tinh hoàn phát sinh từ các tế bào mầm (sau này trở thành tinh trùng) trong tinh hoàn. Ung thư phát triển chậm chủ yếu ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi 40 hoặc 50.
- U không phải tế bào mầm: Ung thư phát triển nhanh hơn so với u tinh bào. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi thanh thiếu niên, 20-30 tuổi. Các khối u không phải tế bào mầm còn được chia thành ung thư biểu mô phôi, ung thư biểu mô túi noãn hoàng, ung thư màng đệm và u quái.
Một số khối u ung thư tinh hoàn bao gồm cả hai loại tế bào ung thư kể trên.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư tinh hoàn là gì?
Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu ung thư tinh hoàn thường không rõ ràng. Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư tinh hoàn là xuất hiện một khối u không đau trong tinh hoàn. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Sưng hoặc tích tụ chất lỏng đột ngột trong bìu.
- Có khối u hoặc sưng ở một trong hai tinh hoàn.
- Cảm thấy nặng bìu.
- Đau âm ỉ ở háng hoặc bụng dưới.
- Đau lưng.
- Đau hoặc khó chịu ở bìu hoặc tinh hoàn.
- Teo một bên tinh hoàn.
Những triệu chứng này không đặc hiệu, có thể gặp phải ở nhiều tình trạng khác không phải ung thư.
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Đi khám bác sĩ nếu bạn phát hiện bất kỳ cơn đau, sưng hoặc cục u nào ở tinh hoàn hoặc vùng bẹn, đặc biệt nếu những dấu hiệu và triệu chứng này kéo dài hơn hai tuần.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra ung thư tinh hoàn?
Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư tinh hoàn. Tuy vậy, các bác sĩ biết rằng ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh bên trong tinh hoàn bị đột biến trong ADN, dẫn đến phân chia và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Tế bào ung thư tích tụ lại thành khối u ác tính trong tinh hoàn.
Các yếu tố nguy cơ
Khoảng 1 trong 250 người đàn ông bị ung thư tinh hoàn. Ung thư tinh hoàn là một căn bệnh khá hiếm. Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:
- Tinh hoàn ẩn: Tinh hoàn hình thành trong bụng mẹ trong quá trình phát triển của bào thai. Chúng thường di chuyển xuống bìu trước khi trẻ được sinh ra. Nếu chúng đi lạc trong ổ bụng thay vì xuống bìu như bình thường, nguy cơ ung thư tinh hoàn sẽ cao hơn. Nguy cơ cao xảy ra cả với những người đã phẫu thuật để di chuyển tinh hoàn về đúng vị trí trong bìu.
- Tiền sử gia đình: Nếu có một thành viên trong gia đình mắc bệnh, bạn cũng có nguy cơ cao mắc ung thư tinh hoàn.
- Tuổi tác: Bệnh thường gặp ở thanh thiếu niên và nam giới trẻ tuổi, đặc biệt ở những người 15 – 45 tuổi.
- Chủng tộc: Người da trắng có tỷ lệ mắc cao hơn
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh ung thư tinh hoàn?
Phần lớn nam giới phát hiện họ mắc bệnh một cách tình cờ, khi tự kiểm tra. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể phát hiện ra bệnh khi tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Để tránh trường hợp chẩn đoán sai bệnh vì những triệu chứng và biểu hiện tương tự nhau, các bác sĩ sẽ đề nghị làm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, siêu âm, X quang, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp tinh hoàn.
Nếu như các kiểm tra đều cho thấy bạn mắc ung thư, bác sĩ sẽ cắt bỏ tinh hoàn bị ảnh hưởng qua một vết rạch nhỏ ở bẹn. Sau đó, mô tinh hoàn được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác nhận ung thư.
Ung thư tinh hoàn có chữa được không?
Tìm hiểu thêm: Tổng hợp các phương pháp điều trị hen phế quản
>>>>>Xem thêm: 12 thực phẩm giúp điều trị gan nhiễm mỡ
Ung thư tinh hoàn có tiên lượng rất tốt. 95% bệnh nhân kiểm soát được bệnh. Ngay cả những người có các yếu tố rủi ro không thuận lợi cũng có 50% cơ hội kiểm soát bệnh.
Tuy nhiên, ung thư tinh hoàn sống được bao lâu, có chữa được không còn tùy vào giai đoạn của khối u:
- Giai đoạn 0: Các tế bào bất thường đã phát triển nhưng vẫn còn bên trong tinh hoàn, được gọi là tân sinh tế bào mầm tại chỗ.
- Giai đoạn I: Ung thư chỉ giới hạn ở tinh hoàn, có thể bao gồm các mạch máu hoặc hạch bạch huyết lân cận. Nồng độ các chất chỉ điểm khối u có thể tăng hoặc không.
- Giai đoạn II : Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở phía sau bụng của bạn (còn gọi là sau phúc mạc) nhưng chưa lan đến bất kỳ nơi nào khác. Tuy nhiên, nếu ung thư có trong các hạch bạch huyết, đồng thời nồng độ chất chỉ điểm khối u tăng cao hoặc vừa phải, thì ung thư đang ở giai đoạn III chứ không phải giai đoạn II.
- Giai đoạn III: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết bên ngoài bụng hoặc đến một cơ quan.
Nếu được điều trị sớm, cơ hội điều trị thành công có thể lên đến 98%.
Việc điều trị phụ thuộc vào các yếu tố bao gồm sức khỏe tổng thể, mong muốn điều trị, giai đoạn ung thư và loại khối u. U tinh bào có xu hướng phát triển chậm hơn và đáp ứng tốt hơn với xạ trị so với u không phải tế bào mầm. Cả hai loại khối u ung thư tinh hoàn đều đáp ứng tốt với hóa trị.
Nếu khối u có cả hai loại tế bào ung thư, bác sĩ sẽ xếp nó vào dạng u không phải tế bào mầm.
Dưới đây là những thông tin chi tiết hơn về các phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn:
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bị ung thư là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư tinh hoàn, bất kể giai đoạn ung thư hay loại khối u. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể nạo hạch bạch huyết.
- Cắt bỏ tinh hoàn triệt để ở bẹn: Bác sĩ sẽ rạch háng để lấy tinh hoàn cùng với khối u ra ngoài. Họ cũng sẽ đóng các mạch máu và mô bạch huyết để ngăn chặn sự lây lan của ung thư sang phần còn lại của cơ thể.
- Bóc tách hạch bạch huyết sau phúc mạc (RPLND): Bác sĩ của bạn có thể thực hiện bóc tách hạch bạch huyết sau phúc mạc tùy thuộc vào giai đoạn ung thư của bạn và loại khối u. Tuy nhiên, phương pháp này áp dụng phổ biến cho ung thư tinh hoàn không phải tế bào mầm hơn. Bác sĩ sẽ rạch một đường ở bụng của bạn và loại bỏ các hạch bạch huyết sau màng bụng.
Bác sĩ cũng có thể tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u đã di căn đến phổi hoặc gan.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại, ngăn khối u tái phát.
Hóa trị
Hóa trị sử dụng các loại thuốc như cisplatin, bleomycin và etoposide để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị cải thiện tỷ lệ sống sót cho những người mắc cả hai dạng ung thư tinh hoàn. Có một số bệnh nhân điều trị bằng hóa trị thay vì phẫu thuật.
Hoá trị có thể được sử dụng trước thủ thuật bóc tách hạch sau phúc mạc hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn triệt để. Ngoài ra, phương pháp này còn dùng điều trị ung thư tái phát.
Cách tự kiểm tra ung thư tinh hoàn
Bác sĩ khuyên nam giới nên thực hiện tự kiểm tra tinh hoàn hàng tháng theo các bước sau:
- Tắm nước ấm để da bìu thư giãn
- Sử dụng cả hai tay để kiểm tra từng tinh hoàn: Bạn đặt ngón trỏ và ngón giữa của bạn bên dưới tinh hoàn, ngón cái ở trên. Vê tinh hoàn bằng 3 ngón tay.
- Xác định các cấu trúc bình thường: Khi sờ từng tinh hoàn, bạn có thể nhận thấy mào tinh hoàn giống như sợi dây. Đây không phải khối u. Kích thước hai bên tinh hoàn cũng có thể lệch nhau đôi chút
- Phát hiện khối u nếu có: Các cục u có kích thước bằng hạt đậu hoặc lớn hơn và thường không gây đau.
Nếu bạn nhận thấy sự thay đổi về kích thước tinh hoàn hoặc cảm thấy có khối u, hãy đi khám ngay. Chẩn đoán càng sớm, cơ hội điều trị ung thư tinh hoàn sẽ càng cao.