Viêm tai giữa là một dạng nhiễm trùng tai phổ biến. Đau tai, nghẹt tai và chảy dịch tai là những triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm tai giữa có thể xuất hiện các dấu hiệu hiếm gặp khác.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu viêm tai giữa dễ nhận biết và biến chứng của bệnh
Đặc biệt, bạn cần phải thật lưu ý nếu tình trạng viêm tai giữa xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nội Dung
Các dấu hiệu điển hình của tình trạng viêm tai giữa
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh viêm tai giữa ở người lớn và trẻ em bao gồm:
- Đau tai (thường chỉ xuất hiện ở một bên tai), cơn đau nghiêm trọng hơn khi nằm xuống
- Suy giảm thính lực
- Cảm giác tai bị đầy
- Mệt mỏi, khó chịu
- Chảy dịch tai
Trẻ em thường bị viêm tai giữa do cảm lạnh. Vì vậy, bệnh có thể đi kèm với các triệu chứng như ho và sổ mũi.
Bên cạnh đó, đôi khi viêm tai giữa còn biểu hiện các triệu chứng sau đây:
Dấu hiệu hiếm gặp của bệnh viêm tai giữa
Áp lực trong tai bị viêm có thể gây thủng màng nhĩ. Điều này có thể khiến tai chảy dịch vàng/xanh hoặc chảy máu. Ngoài ra, bạn có thể bị ù tai hoặc chóng mặt do viêm tai giữa.
Viêm tai giữa ứ dịch
Viêm tai giữa ứ dịch là tình trạng tụ dịch không nhiễm trùng ở tai giữa. Tình trạng này thường có liên quan đến viêm tai giữa cấp tính, vì dịch tích tụ trong tai có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng tai.
Tìm hiểu thêm: Ăn gì để răng chắc khỏe? Bí quyết dinh dưỡng không nên bỏ qua
Viêm tai giữa ứ dịch thường không có dấu hiệu cụ thể. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể thấy:
- Cảm giác đầy trong tai
- Suy giảm thính lực nhẹ (thường xuyên tăng âm lượng tivi hoặc video)
- Có tiếng động lạ trong tai khi nuốt
Dấu hiệu viêm tai giữa mãn tính
Viêm tai giữa mãn tính là tình trạng nhiễm trùng tai kéo dài hoặc tái phát nhiều lần. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn dạng cấp tính, đồng thời khả năng dẫn đến biến chứng cũng cao hơn.
Các biểu hiện của viêm tai giữa mãn tính bao gồm:
- Mất thính lực
- Chảy dịch tai mãn tính
- Chảy dịch và sưng phía sau tai
- Mất thăng bằng
- Đau đầu
- Lú lẫn
- Mệt mỏi
Biến chứng viêm tai giữa
Chất lỏng tích tụ và mủ trong tai có thể gây thủng màng nhĩ. Màng nhĩ thủng có thể khiến bạn bị chóng mặt, buồn nôn và nôn. Thông thường, tình trạng này có thể tự lành trong vài tuần mà không cần điều trị y tế.
Nếu không có dấu hiệu cải thiện, bạn nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra và điều trị. Trong trường hợp màng nhĩ không lành, bạn có thể phải cần thực hiện phẫu thuật vá màng nhĩ.
>>>>>Xem thêm: Giảm viêm bằng việc kích thích dây thần kinh phế vị
Nhiễm trùng tai giữa có thể gây mất thính lực dẫn truyền, ngăn chặn việc truyền âm thanh từ tai ngoài đến tai trong. Ở trẻ em, mất thính lực dẫn truyền có thể làm chậm khả năng phát triển ngôn ngữ, đồng thời khiến trẻ không thể xác định được âm thanh phát ra từ đâu. Do đó, trẻ bị viêm tai tái phát có khả năng gặp khó khăn hơn trong việc phân biệt và hiểu lời nói khi ở trong môi trường ồn ào như lớp học.
Tình trạng nhiễm trùng tai cũng có thể ảnh hưởng đến việc xử lý âm thanh của thính giác. Mất thính lực vĩnh viễn là rất hiếm, nhưng nó vẫn có khả năng xảy ra nếu dấu hiệu viêm tai giữa kéo dài và lặp đi lặp lại.
Bên cạnh đó, viêm tai giữa mãn tính có thể dẫn đến viêm mê đạo tai và tổn thương các cấu trúc hỗ trợ nghe và duy trì sự cân bằng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lan sang xương chũm hoặc lan sâu vào tai trong. Trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, nhiễm trùng có thể lan đến não và gây viêm màng não hoặc áp xe.
Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?
Nếu tình trạng đau tai không thuyên giảm trong 2-3 ngày, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám. Bên cạnh đó, nếu các dấu hiệu viêm tai giữa trở nên nghiêm trọng hơn và đi kèm với sốt, chảy dịch có máu hoặc mủ, đặc biệt là ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn nên nhờ đến sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Trong quá trình điều trị viêm tai giữa, bạn cần phải thường xuyên theo dõi tình trạng viêm tai của bạn hoặc con bạn. Nếu phương pháp điều trị không hiệu quả hoặc xuất hiện các triệu chứng mới, hãy gọi cho bác sĩ để hỏi rõ vấn đề.
Dung Nguyễn / Kenshin.vn