Bạn đang đọc: Để giao tiếp không còn là nỗi sợ
Một số người khi sinh ra đã có khả năng bắt chuyện với bất kì ai trong bất kì tình huống nào, dù là trong một bữa tiệc, trong quán bar, phòng tập thể hình hay trong thang máy đông đúc. Nếu bạn không phải một trong những người may mắn ấy thì cũng đừng tuyệt vọng nhé.
Dưới đây là 6 bí quyết đơn giản để bắt đầu một câu chuyện với người lạ.
Nội Dung
- 1 Đưa ra nhận xét về những thứ xung quanh
- 2 Đặt những câu hỏi mở
- 3 Đưa ra những lời khen ngợi
- 4 Để tâm đến những điểm chung và hỏi những câu liên quan
- 5 Kéo dài cuộc hội thoại bằng những chủ đề phù hợp
- 6 Lắng nghe một cách chủ động
- 7 Làm gì nếu cảm thấy mệt mỏi khi đang giao tiếp?
- 8 Đừng quá tham lam
- 9 Nghỉ ngơi một chút
- 10 Đừng ngần ngại nói với gia đình và bạn bè nếu bạn cần thời gian ở một mình
- 11 Đối mặt với những lời từ chối kết bạn
- 12 Cố gắng không xem xét mọi việc theo cách nhìn chủ quan
- 13 Mọi lời từ chối chỉ là quan điểm cá nhân
- 14 Đừng bị ám ảnh bởi những sai lầm
Đưa ra nhận xét về những thứ xung quanh
Nếu bạn đang tham dự một bữa tiệc, bạn có thể bắt chuyện với mọi người bằng cách nhận xét về địa điểm tổ chức, cách thức phục vụ hay bản nhạc đang bật một cách thật tích cực như “Tôi thích bài hát này lắm”, “Thức ăn ở đây rất tuyệt. Bạn đã thử món gà rán chưa?” hoặc “Khung cảnh ở đây thật tuyệt”.
Đặt những câu hỏi mở
Bạn có thể áp dụng quy tắc 5W1H gồm: Ai (who), Ở đâu (where), Khi nào (when), Cái gì (what), Tại sao (why) và Như thế nào (How). Ví dụ “Bạn có quen ai ở đây không?”, “Bạn thường đi đâu vào dịp cuối tuần?”, “Bạn chuyển tới đây khi nào vậy?”, “Tại sao bạn lại thích ăn chay vậy?” hay “Bạn thấy rượu vang ở đây như thế nào?”. Hầu hết mọi người đều thích kể về bản thân mình, vì vậy, đặt câu hỏi là một cách rất hay để bắt đầu một cuộc hội thoại.
Đưa ra những lời khen ngợi
Những lời khen ngợi như “Cái túi của bạn đẹp quá, bạn có thể chỉ tôi chỗ mua nó được không?” hay “Bạn trông có vẻ thành thạo, chỉ tôi với được không?” sẽ có thể giúp bạn bắt chuyện một cách rất tự nhiên và “mượt’.
Để tâm đến những điểm chung và hỏi những câu liên quan
Những người có nhiều điểm chung thường rất hợp nói chuyện với nhau. Vì vậy khi tìm được cơ hội, hãy tận dụng những câu hỏi như: “Tôi cũng rất thích chơi cầu lông, bạn thường đánh ở sân nào vậy?”, “Con gái tôi cũng theo học ở đó, con trai chị học ở đó lâu chưa?”. Bằng cách này người được hỏi sẽ có hứng thú với bạn hơn đấy.
Kéo dài cuộc hội thoại bằng những chủ đề phù hợp
Bạn nên tránh đề cập các vấn đề mang tính khiêu khích hay tạo cảm giác nặng nề như chuyện chính trị hoặc tôn giáo. Hãy bám vào những câu chuyện có nội dung nhẹ nhàng, thoải mái như thời tiết, phòng ốc, trường học, phim ảnh hay các đội tuyển thể thao.
Lắng nghe một cách chủ động
Lắng nghe không chỉ đơn thuần là chờ đến lượt mình lên tiếng. Bạn không thể tập trung nghe người khác nói nếu như bạn mải suy nghĩ về những gì mình định nói tiếp theo. Một trong những bí quyết của cuộc đối thoại thành công trong mọi tình huống chính là tập trung chú ý toàn bộ vào người nói và tỏ ra hứng thú với nội dung câu chuyện. Thỉnh thoảng, bạn cũng nên gật đầu và mỉm cười với họ để thể hiện bạn đang lắng nghe.
Làm gì nếu cảm thấy mệt mỏi khi đang giao tiếp?
Những người hướng nội thường bị đánh giá là không hòa nhập. Thực chất, họ cũng dễ dàng hòa nhập không kém gì người hướng ngoại. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai kiểu người này là những người hướng nội thường mất nhiều năng lượng khi giao tiếp và sau đó họ thường ở một mình như một cách “sạc pin” cho cơ thể. Trong khi đó, những người hướng ngoại xem việc dành thời gian nói chuyện vui vẻ với mọi người là cách giúp họ lấy lại nguồn năng lượng đã mất.
Nói cách khác, ngay cả những người hướng nội luôn tự tin trong giao tiếp cũng cảm thấy bị kiệt sức khi không có đủ thời gian để hồi phục năng lượng. Đối với họ, việc cảm thấy mệt mỏi sau khi tham gia quá nhiều hoạt động xã hội là điều hết sức bình thường. Điều đó không có nghĩa là bạn đang giao tiếp sai cách hay bản thân phải cam chịu sự cô đơn. Bạn hoàn toàn có thể lấp đầy cuộc sống của mình với các hoạt động xã hội. Chỉ cần bạn biết được giới hạn của bản thân, từ đó lập kế hoạch để cải thiện điều đó.
Đừng quá tham lam
Bạn chính là người hiểu rõ bản thân và giới hạn của mình hơn bất kì ai. Và dù giới hạn đó là ở đâu, hãy lên kế hoạch cho nó. Việc từ chối tham gia những cuộc gặp gỡ không phải là vấn đề nghiêm trọng bởi vì bạn cũng cần được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, bạn cũng nên xác định khoảng thời gian mà mình cần nghỉ ngơi sau mỗi lần hội họp. Ví dụ, sau một buổi ăn chơi cùng bạn bè vào thứ bảy, bạn có thể cần cả ngày chủ nhật một mình để nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng.
Nghỉ ngơi một chút
Sẽ có những lúc bạn cảm thấy kiệt sức nhưng lại không muốn lãng phí thời gian cho việc nghỉ ngơi. Các buổi gặp mặt như tham dự hội nghị của công ty, đi du lịch với bạn bè hay thăm hỏi người thân họ hàng có khả năng khiến bạn cảm thấy kiệt sức. Để khắc phục điều này, hãy dành một khoảng thời gian ngắn cho riêng mình. Bạn có thể nhân cơ hội tìm một góc nào đó để nghỉ ngơi và bạn sẽ thấy bản thân có những thay đổi tích cực chỉ sau 10-15 phút.
Đừng ngần ngại nói với gia đình và bạn bè nếu bạn cần thời gian ở một mình
Hãy thẳng thắn thừa nhận rằng những cuộc gặp mặt khiến bạn mệt mỏi vì chẳng có gì phải xấu hổ khi thừa nhận điều đó cả. Việc cố gắng che giấu chỉ khiến bạn thêm phần kiệt sức mà thôi.
Bên cạnh đó, những người bạn thực sự sẽ thông cảm và sẵn sàng đáp ứng những gì bạn cần.
Đối mặt với những lời từ chối kết bạn
Khi giao tiếp, sẽ có những lúc bạn cảm thấy bị phán xét và từ chối. Ví dụ như bạn mở lời với một ai đó nhưng dường như họ không tỏ ra hào hứng với câu chuyện của bạn hay thậm chí từ chối kết thân.
Tất nhiên việc bị từ chối không hề dễ chịu chút nào. Tuy nhiên, điều quan trọng mà bạn cần phải nhớ đó là cuộc sống này đầy rẫy những trường hợp như vậy. Không phải tất cả những người bạn tiếp cận đều muốn mở lòng và kết thân với bạn. Cũng giống như chuyện hẹn hò, việc gặp gỡ những người mới chắc chắn sẽ đi kèm nguy cơ gặp phải sự từ chối. Những bí quyết sau đây sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi gặp thất bại trong giao tiếp.
Cố gắng không xem xét mọi việc theo cách nhìn chủ quan
Thật khó để không nhìn nhận việc bị từ chối theo suy nghĩ chủ quan nhưng chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó, những người khác có thể đã trải qua một ngày thật tồi tệ hay đang bị phân tâm bởi các rắc rối hoặc đơn giản họ đang không có tâm trạng nói chuyện. Những điều đó khiến họ không muốn giao tiếp và buộc lòng phải từ chối câu chuyện của bạn. Vì vậy, hãy luôn nhớ rằng, giống như bạn, những người khác cũng cảm thấy phiền lòng khi đưa ra lời từ chối nói chuyện.
Mọi lời từ chối chỉ là quan điểm cá nhân
Không một ai thích cảm giác bị từ chối nhưng nó không đủ để làm mất đi sự tự tin của bạn. Đừng vì một lần bị từ chối xã giao mà cho rằng không ai muốn kết bạn với mình. Hãy nhớ rằng ý kiến của người khác không định nghĩa nên con người bạn. Vì vậy, bạn nên rút kinh nghiệm từ những lời từ chối và đừng ngại thử lại vận may của mình với những người khác nhé.
Đừng bị ám ảnh bởi những sai lầm
Ngay cả khi bạn lỡ nói điều gì đáng tiếc, những người xung quanh chắc chắn sẽ không nhớ gì về điều đó lâu đâu. Hãy sống thật lạc quan và đừng bao giờ tự dán nhãn bản thân là một kẻ thất bại, không bao giờ có thể kết bạn cùng ai.
Giao tiếp là một kĩ năng sống quan trọng. Vì vậy bạn hãy cố gắng gạt bỏ những nỗi sợ hãi hay lo lắng để trở thành một người tự tin và thành công trong xã hội nhé.
>>>>>Xem thêm: Echolalia: Chứng nhại lời gây khó khăn trong giao tiếp