Việc điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em là một quá trình dài với vô vàn khó khăn. Trong nhiều trường hợp, với sự lạc quan và đồng hành của cha mẹ trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua bệnh tật.
Bạn đang đọc: Đồng hành điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em cùng con: Gian nan và cần tinh thần “thép”
Trong bài viết này, Kenshin mời bạn cùng lắng nghe câu chuyện đồng hành điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em cùng con của chị Nguyễn Thị Phương Huyền (36 tuổi) và bé Tuệ Mẫn (10 tuổi), hiện sống tại quận 12 TP. HCM. Đồng thời, thông qua bài viết này, bạn cũng có thể biết thêm nhiều thông tin hữu ích qua phần tham vấn của BS. Trần Kiến Bình, BS Nội trú tại Bệnh viện Ung Bướu TP. Cần Thơ, xoay quanh căn bệnh này nhé!
Nội Dung
- 1 Bệnh ung thư máu ở trẻ em là gì?
- 2 Ban đầu, không tin vào kết quả chẩn đoán bệnh của con
- 3 Hành trình điều trị ung thư máu ở trẻ em: Dai dẳng nhưng cần lạc quan
- 4 Mẹ và con – 2 chiến binh sát cánh bên nhau trong quá trình điều trị bệnh ung thư máu
- 5 Hành trình điều trị cùng con: Hãy luôn giữ tinh thần “thép”
- 6 Không ngại chi phí điều trị ung thư máu ở trẻ em: Để con có những điều tốt nhất
- 7 Đồng hành điều trị ung thư máu cùng con: Còn thời gian là có quyền hy vọng
Bệnh ung thư máu ở trẻ em là gì?
Theo các tổ chức ung thư thế giới, bệnh ung thư máu ở trẻ em là hiếm gặp. Ung thư máu ở trẻ em (hay còn gọi là ung thư hệ huyết học) được chia làm hai nhóm bao gồm:
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho (ALL) và bệnh ung thư hạch bạch huyết không Hodgkin (NHL) là 2 trong số các loại bệnh ung thư máu xảy ra ở trẻ em dưới 14 tuổi.
Ban đầu, không tin vào kết quả chẩn đoán bệnh của con
“Từ nhỏ, Tuệ Mẫn ít bị đau bệnh vặt. Thế rồi, có một khoảng thời gian con thường kêu đau chân, nhức nhiều đến nỗi phát khóc. Mình cứ nghĩ con bị đau tăng trưởng nhưng vẫn cho đi khám ở nhiều bệnh viện mà không phát hiện ra bệnh. Từ 11/5/2021 đến 09/6/2021, trải qua 7 lần tái khám, khi bệnh đã phát triển, tiểu cầu đã giảm thì kết quả xét nghiệm máu mới chẩn đoán con mình mắc ung thư máu thể ALL, tuýp B1.
Lúc đầu, nhìn kết quả mình chưa có tin nên ngay trong chiều hôm đó, mình cho con nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 để khám lần nữa. Thế rồi, mình cũng nhận kết luận tương tự. Lúc này, mình chấp nhận sự thật và tìm hiểu là bệnh của con cần chữa bệnh thế nào, chữa ở đâu là tốt nhất.
Mình cho con nhập viện điều trị ung thư máu tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. HCM. Tại đây, con phải làm các xét nghiệm chuyên sâu, phân tích tủy đồ và bệnh viện xác định con mình bị ung thư máu. Và từ đó đến nay, bé vẫn đang tiếp tục quá trình điều trị, hiện đang ở cuối đợt điều trị 3.”, chị Phương Huyền chia sẻ cùng Kenshin.
Phát hiện sớm dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em
Kenshin đem thắc mắc những dấu hiệu nào có thể giúp “nhận diện” bệnh ung thư máu ở trẻ em để trẻ có thể được điều trị sớm với BS Trần Kiến Bình thì được BS chia sẻ như sau:
- Các dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em bao gồm:
- Xuất hiện hạch ngoại vi (thường là hạch ở cổ, nách và bẹn), những hạch này to nhanh và chắc – cứng, di động hạn chế nhưng không gây đau.
- Bệnh nhân cũng có thể có hạch trong lồng ngực (hạch trung thất) và hạch ổ bụng và chỉ phát hiện được khi chụp cắt lớp vi tính.
- Khi bị ung thư hạch, dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em sẽ là sốt, vã mồ hôi về đêm, sụt cân.
- Trường hợp trẻ có thâm nhiễm thần kinh trung ương thì sẽ có thêm dấu hiệu đau đầu, liệt dây thần kinh sọ não, liệt nửa người, rối loạn cơ tròn…
Thực tế, để chẩn đoán bệnh hiện không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể giúp chẩn đoán chính xác bệnh ung thư máu ở trẻ em. Do đó, để có thể đánh giá chuẩn xác thường đòi hỏi việc xem xét tiền sử, quy trình khám sức khỏe kỹ lưỡng cùng với một loạt xét nghiệm và chẩn đoán. Do đó, việc thực hiện nhiều xét nghiệm là cần thiết để xác định xem trẻ có dấu hiệu bệnh ung thư máu ở trẻ em hay không.
Việc xét nghiệm ung thư máu ở trẻ em và chẩn đoán hiệu quả được sử dụng để xác nhận hoặc loại trừ sự hiện diện của bệnh ung thư, theo dõi quá trình bệnh, lập kế hoạch điều trị và đánh giá hiệu quả của việc điều trị.
BS Kiến Bình tư vấn thêm: Nếu nghi ngờ con mắc căn bệnh này như và để có thể chẩn đoán, phát hiện dấu hiệu ung thư máu ở trẻ em, các gia đình có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm huyết tủy đồ: Để đánh giá số lượng các tế bào máu ngoại vi, tìm tế bào ác tính trong máu ngoại vi (huyết đồ) và đánh giá tình trạng tủy xương, tìm tế bào ung thư trong tủy (tủy đồ).
- Xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch: Các xét nghiệm (XN) gồm sử dụng chất chỉ điểm LDH (Lactate Dehydrogenase); XN chức năng gan, thận; định lượng axit uric huyết thanh nhằm phát hiện và phòng ngừa hội chứng ly giải u; chọc dò tủy sống…
- Hình ảnh học: Chụp X-quang ngực; chụp cắt lớp vi tính lồng ngực; siêu âm cổ, bụng, phần mềm (nách, bẹn); chụp cắt lớp vi tính bụng – tiểu khung; chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Y học hạt nhân: Xạ hình xương; xạ hình thận; chụp PET/CT.
- Chẩn đoán mô bệnh học: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh bằng cách sinh thiết u, hạch; tìm tế bào ác tính trong bệnh phẩm như dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch não tủy…
Hành trình điều trị ung thư máu ở trẻ em: Dai dẳng nhưng cần lạc quan
“Giờ mình cùng con chiến đấu”
“Trong quá trình chữa bệnh cho con, có lúc mình cũng mất phương hướng, nhưng sau mình xác định lại là phải lạc quan. Bởi mình xuống tinh thần thì không có đủ sức khỏe để cùng con chiến đấu với căn bệnh quái ác nên mình phải cố gắng!
mắc ung thư máu thể ALL, tuýp B1 nên mình cũng không dám chắc chắn con có khỏi bệnh hay không. Vì phải sau 1 năm hóa trị với 5 đợt vào thuốc, rồi chờ 4 năm theo dõi mới có thể kết luận. Nếu bệnh không tái phát thì tốt còn nếu tái phát thì hai mẹ con lại tiếp tục cố gắng điều trị thôi.“, chị Phương Huyền chia sẻ về quá trình đồng hành cùng con chữa bệnh ung thư máu ở trẻ em.
Phương pháp điều trị ung thư máu ở trẻ em
Trẻ em bị ung thư máu còn sống và không mắc bệnh sau 5 năm thường được xem như là đã khỏi bệnh vì hiếm khi lympho thời thơ ấu tái phát trở lại. Đặc biệt, trẻ từ 3 – 7 tuổi mắc ung thư máu ở trẻ em có khả năng tiếp nhận điều trị sẽ phục hồi sức khỏe nhanh hơn so với người lớn.
Vậy phương pháp điều trị bệnh ung thư máu là gì hay bệnh ung thư máu ở trẻ em có chữa được không? BS Trần Kiến Bình, cho biết: Để tránh bệnh bệnh ung thư máu thể lympho tiến triển nhanh và lan rộng, trẻ mắc căn bệnh này cần được điều trị càng sớm tốt. Ngoài ra, quá trình điều trị ung thư máu ở trẻ em sẽ cần kết hợp các “vũ khí” chính (đa mô thức) trong ung thư như: Phẫu thuật; xạ trị; hóa trị; miễn dịch; điều trị dự phòng hệ thần kinh trung ương; điều trị dự phòng hội chứng ly giải khối u; điều trị các rối loạn chuyển hóa trong quá trình điều trị; hóa trị liều cao kết hợp với tế bào gốc. Cụ thể:
- Đối với phẫu thuật: Phương pháp này có vai trò hạn chế trong điều trị bệnh lymphoma, mục đích chính là sinh thiết chẩn đoán. Mặt khác, những tổn thương tại đường tiêu hóa mà nguy cơ đáp ứng có thể dẫn đến biến chứng thủng ruột, tổn thương còn sót lại sau điều trị đặc hiệu, nhất là ở vị trí tinh hoàn.
- Đối với xạ trị: Được áp dụng trong những trường hợp u chèn ép trung thất, tủy sống trong tình trạng cấp cứu. Phương pháp này được cân nhắc với những tổn thương còn sót lại sau điều trị hóa chất, những khối u, hạch ban đầu có kích thước lớn (> 3cm). Có thể áp dụng xạ trị chiếu ngoài hoặc xạ phẫu (bằng dao gamma cổ điển, dao gamma quay, dao Cyber X…).
- Đối với các liệu pháp toàn thân: Dựa trên cơ sở sử dụng kết hợp, chống tái phát bệnh, ít độc tính và có khả năng xảy ra hoạt tính cộng lực đồng vận. Được áp dụng theo các thể mô bệnh học, giai đoạn bệnh. Tùy thuộc các thể tế bào u mà có các nhóm phác đồ đặc hiệu mang lại hiệu quả cao cho từng nhóm.
- Đối với điều trị đích: Rituximab đang được nghiên cứu ở trẻ em, có thể đơn thuần hay kết hợp với hóa chất chuẩn. Hiện nay, có một số thuốc kháng thể đơn dòng, thuốc điều trị đích phân tử nhỏ đang được nghiên cứu trong điều trị lymphoma trẻ em cho kết quả hứa hẹn như Epratuzumab, Alemtuzumab, Brentuximab vedotin, Ibritumomab…
BS Kiến Bình cũng lưu ý thêm rằng, đối với việc điều trị ung thư máu ở trẻ em, đa hóa trị liệu tốt hơn đơn hóa trị liệu. Xu hướng ngày nay là ưu tiên lựa chọn phác đồ nhiều thuốc, kết hợp với ghép tế bào gốc để có hiệu quả cao cho bệnh nhân. Về phác đồ điều trị ung thư máu ở trẻ em, tùy thuộc vào loại mô bệnh học của lymphoma mà sẽ có những phác đồ điều trị cụ thể tương ứng.
Mẹ và con – 2 chiến binh sát cánh bên nhau trong quá trình điều trị bệnh ung thư máu
Mẹ: “Nhìn con đau đớn nhưng không thể nào chịu thay con”
“Mình mãi vẫn chưa thể quen được cảm giác đau và xót khi nhìn con làm những thủ thuật điều trị vô cùng đau đớn mà mình không thể thực hiện thay. Mình nhớ lúc trước khi truyền hóa chất, con phải làm thủ thuật tạo buồng tiêm dưới da (hệ thống bao gồm ống thông và buồng tiêm trong đó ống thông được đặt vào tĩnh mạch lớn trung tâm) để sau này dễ vô kim tiêm nhiều lần. Khi bác sĩ làm xong, bé được đẩy ra ngoài mà vẫn còn bị gây mê, mình nhìn thấy con thì không cầm được nước mắt.”, chị Phương Huyền bộc bạch.
Con: Chiến binh nhỏ quả cảm
Chị Huyền chia sẻ: “Trong quá trình điều trị, khi làm thủ thuật, bé sẽ có những đợt phải chịu rất nhiều đau đớn, chẳng hạn như lấy tủy sống. Quá trình làm tủy thì ai chứng kiến rồi mới thấy, đến bây giờ mình vẫn không dám nhìn mỗi khi bác sĩ thực hiện vì sợ. Thế nhưng, Tuệ Mẫn rất mạnh mẽ, bé không có khóc.
Còn nhiều đợt thực hiện các thủ thuật khác cũng rất đau, chẳng hạn như là tiêm dịch não tủy. Khi làm việc này, các bé còn nhỏ sẽ được gây mê, bé lớn thì sẽ gây tê. Ban đầu, Tuệ Mẫn cũng gây mê, nhưng vì mình muốn tốt cho con nên mình khuyên con nên làm sống, nghĩa là không tê hay gây mê gì hết. Rất là thương khi con nghe theo lời mình và mỗi lần tiêm xong, dù đau con vẫn vui vẻ, lạc quan. Đó là lý do mà mình càng thấy thương và khâm phục sự mạnh mẽ của con hơn.”
Thực tế, trẻ bị ung thư máu chắc chắn sẽ có đôi phần thiệt thòi, các em phải dành phần lớn thời gian trong bệnh viện, trải qua nhiều đợt hóa trị, chịu nhiều đau đớn về mặt thể chất. Ngoài ra, việc nói với con về căn bệnh cũng cần sự khéo léo, tinh tế từ cha mẹ.
Chị Huyền chia sẻ thêm: “Bé nhà mình cũng vô tư, bé chỉ biết là bị lympho nên gây ra tình trạng nhức chân. Mình cứ nói với con là con đang chữa cho hết nhức chân và bé tin như vậy. Khi vào bệnh viện, thấy nhiều bạn cũng mắc bệnh như mình thì bé thấy bệnh này hết sức bình thường nên vui vẻ đón nhận, không có gì quá nặng nề“.
Tiên lượng điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em, chia sẻ từ bác sĩ chuyên khoa
Theo BS Trần Kiến Bình, trẻ nhỏ khi mắc bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư máu, sẽ có xu hướng cảm thấy sợ hãi nhân viên y tế và môi trường bệnh viện. Đặc biệt là hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Đáng lẽ được sinh hoạt, vui chơi cùng gia đình và bạn bè thì các bệnh nhi lại phải dành phần lớn thời gian cho việc điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm lý cũng như sự phát triển về tâm thần, vận động của bé.
Ngoài việc chịu ảnh hưởng của các triệu chứng do bệnh gây ra, các bé cũng sẽ chịu tác động của quá trình chẩn đoán ung thư máu như lấy máu xét nghiệm, chọc tủy, đặt buồng tiêm dưới da, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, tiếp xúc với tia X trong một số phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh. Việc nhận chẩn đoán xác định là mắc bệnh ung thư cũng đồng nghĩa với việc làm chậm trễ hay gián đoạn quá trình học hỏi. Tuổi thọ của bé sẽ giảm sút rất nhiều so với các bé không mắc bệnh ung thư máu ở trẻ em.
Tiên lượng bệnh lymphoma ở trẻ em, đặc biệt là giai đoạn muộn đã cải thiện đáng kể trong suốt những năm gần đây. Tỷ lệ sống còn 5 năm của lymphoma trẻ em đạt gần 90% với giai đoạn sớm và 70% với giai đoạn muộn.
Các yếu tố tiên lượng ung thư máu ở trẻ em bao gồm:
- Giai đoạn bệnh: Giai đoạn càng trễ thì tiên lượng càng xấu.
- Nồng độ LDH: Nồng độ càng cao thì tiên lượng càng xấu.
- Tình trạng xâm nhập tủy xương: Nếu có xâm nhập sẽ tiên lượng xấu hơn.
- Tình trạng xâm nhập hệ thần kinh trung ương: Nếu có xâm nhập sẽ tiên lượng xấu hơn.
Giai đoạn bệnh và mô bệnh học độ ác tính cao là 2 yếu tố tiên lượng không thuận lợi quan trọng trong lymphoma ở trẻ em.
Hành trình điều trị cùng con: Hãy luôn giữ tinh thần “thép”
“Khuyến khích để con được làm điều con thích”
Tìm hiểu thêm: Bí quyết dạy bé tập đi xe đạp hiệu quả, an toàn, cực kỳ đơn giản
Với trẻ mắc ung thư máu, việc các con được cha mẹ động viên, khuyến khích làm những điều yêu thích và có những khoảnh khắc vui vẻ sẽ là một động lực to lớn thúc đẩy tinh thần cũng như giúp con quên đi những mệt nhọc, đau đớn.
“Mình khuyến khích việc tạo cơ hội để con được làm điều con thích. Con thích chơi game thì mình cho chơi chứ không cấm nữa. Mỗi đợt con làm tủy đồ hay tiêm dịch não tủy xong, mình khích lệ con bằng cách tặng kim cương cho con chơi game.
Khi có cơ hội, mình dẫn con mình đi chơi, để con có thêm trải nghiệm và kết nối với thiên nhiên. Cả gia đình đã tổ chức một chuyến đi Tây Ninh cùng nhau, bé nhà mình đã có khoảng thời gian gần gũi với rừng cây, sông núi và ở bên cạnh gia đình. Đối với mình, hạnh phúc nhất là được nhìn thấy các con vui chơi, làm những điều con thích, gia đình quây quần bên nhau, vậy là đủ!”, chị Huyền bộc bạch.
Con bị ung thư máu ở trẻ em, cha mẹ hãy luôn giữ tinh thần “thép”
BS Trần Kiến Bình chia sẻ: Việc điều trị ung thư máu ở trẻ em nói riêng, các bệnh ung thư khác ở trẻ nói chung, thời gian và sự kiên trì là yếu tố quyết định. Thời gian sẽ không tính bằng tháng mà cần được tính bằng năm. Do đó, để quá trình điều trị của con được nhẹ nhàng và thành công, sự hỗ trợ của cha mẹ là rất quan trọng.
Cũng là những người cha, người mẹ nên các bác sĩ thấu hiểu sức khỏe trẻ là rất quan trọng, nhất là khi con mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư máu ở trẻ em, một bệnh có tốc độ tiến triển rất nhanh và tiên lượng xấu.
Chúng ta thường nguyện đánh đổi sức khỏe hay thậm chí là tuổi thọ để đổi lấy những gì tốt đẹp nhất cho con. Nhưng thực tế, chỉ có tâm lý vững vàng và tình yêu thương vô bờ bến mới là “phương thuốc” tốt nhất, là chỗ dựa vững chắc để bé đương đầu với bệnh tật và quá trình điều trị bệnh ung thư máu.
Theo BS Kiến Bình, cha mẹ hãy luôn giữ cho mình một tinh thần “thép” và lạc quan để có thể động viên bé trong suốt thời gian điều trị. Quan điểm hiện nay của bác sĩ điều trị ung thư sẽ không giấu bệnh nhân về căn bệnh ác tính như trước đây mà sẽ chia sẻ và cùng đồng hành với bệnh nhân. Tuy nhiên, với các bệnh nhi do sự phát triển tâm lý, tinh thần, tâm thần, vận động của các bé còn chưa hoàn thiện, bác sĩ vẫn luôn ủng hộ gia đình không nên cho bé biết về căn bệnh quái ác này. Thay vào đó, hãy chăm sóc bé thật tốt bằng việc chú ý về vấn đề vệ sinh, dinh dưỡng, vui chơi, học tập, yêu thương, động viên con và tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ.
Ngoài ra, cha mẹ hãy cố gắng trò chuyện, tâm sự cùng bé, lắng nghe con than phiền về những mệt mỏi do bệnh và quá trình điều trị gây ra, không nên la rầy khi con mắc lỗi, khóc lóc… do cảm thấy khó chịu trong người. Bởi đôi khi lắng nghe cũng là một liệu pháp tốt dành cho trẻ. Hãy cho con làm những gì con thích. Thực tế là quá trình con điều trị, ba mẹ cũng mệt mỏi nhưng chúng ta nên hiểu con mắc phải căn bệnh ung thư máu ở trẻ em là sẽ rất thiệt thòi. Vì thế, cha mẹ hãy giữ tinh thần thép và cố gắng giữ tinh thần lạc quan để không tác động tiêu cực đến bé.
Không ngại chi phí điều trị ung thư máu ở trẻ em: Để con có những điều tốt nhất
Chi phí điều trị luôn là một yếu tố cần cân nhắc với bất cứ gia đình nào có người mắc bệnh ung thư. Như bao người mẹ khác luôn mong muốn con nhận được những gì tốt nhất, chị Huyền không ngần ngại để con điều trị ở cơ sở y tế uy tín với mức phí cao.
“Ban đầu, chi phí điều trị dự kiến khoảng 750 triệu, mức lên xuống thì tùy vào sức khỏe và cân nặng của bé. Trẻ càng lớn, cân nặng tăng thì chi phí hóa trị cũng sẽ tăng theo. Từ lúc biết bệnh đến nay thì bé nhà mình đã tăng cân khá nhiều. Là một người mẹ, mình muốn con được hưởng những điều tốt nhất. Hiện tại, mình đang cố gắng xoay xở được, chưa có gì là quá mức.
Hiện bé đang ở cuối đợt 3 và còn 2 đợt hóa trị nữa, dự kiến đến tháng 6 mới xong. Trong quá trình điều trị, tới thời điểm hiện tại, tạm thời hai mẹ con chưa có gặp nhiều khó khăn. Đợt dịch COVID-19 vừa rồi hai mẹ con hơi vất vả vì mỗi lần nhập viện điều trị sẽ phải test COVID-19 nên phát sinh thêm chi phí. Lúc dịch ở cao điểm, hai mẹ con cũng bị nhiễm bệnh. Do con có bệnh nền nên mình cũng rất lo lắng, rất may là hai mẹ con chỉ sốt mấy ngày rồi cũng vượt qua”, chị Huyền cho biết.
Chia sẻ từ bác sĩ chuyên khoa
Theo BS. Trần Kiến Bình, chi phí điều trị ung thư máu ở trẻ em tại Việt Nam rất khó định giá một cách chính xác. Vì chi phí này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như phác đồ hóa trị, có sử dụng kèm các thuốc của liệu pháp nhắm trúng đích hay không, thuốc có được thanh toán bảo hiểm y tế hay không, đáp ứng bệnh như thế nào, có cần điều trị tiếp tục hay không, có cần ghép tủy hay không…
Bên cạnh đó, chi phí dành cho các khoản khác như xét nghiệm, số ngày giường nằm lại bệnh viện, ăn uống, đi lại, test COVID-19… cũng sẽ là một khoản đáng kể.
Nói một cách công tâm thì do thời gian điều trị bệnh là rất dài nên chi phí điều trị là rất lớn, sẽ dao động ít nhất cũng vài trăm triệu, đôi khi lên đến cả tỷ đồng. Ngoài ra, sau điều trị, trẻ cần phải được theo dõi nhằm phát hiện sớm những bất thường để có phương hướng điều trị tiếp tục. Do đó, chi phí điều trị sẽ là một gánh nặng rất lớn cho các gia đình có con mắc bệnh ung thư hệ huyết học, nhất là các gia đình khó khăn.
Hầu hết các thuốc hóa trị đều được bảo hiểm y tế thanh toán từ toàn phần cho đến một phần. Trong khi đó, các thuốc thuộc nhóm nhắm trúng đích sẽ có chi phí khá cao do là các thuốc mới được du nhập vào Việt Nam.
Hơn thế nữa, các chu kỳ điều trị cũng chỉ cách nhau khoảng 3 – 4 tuần, khoảng thời gian khá ngắn để nhiều gia đình có thể xoay xở được một khoản tiền lớn chi trả viện phí. Thế nên, bác sĩ sẽ dựa trên điều kiện kinh tế của từng gia đình mà lựa chọn phác đồ tối ưu nhất. Do đó, cha mẹ cũng đừng nên lo lắng quá nhiều, hãy luôn nhìn về phía trước với tâm lý tích cực.
Bác sĩ Kiến Bình hy vọng rằng trong tương lai, trẻ mắc bệnh ung thư máu ở Việt Nam sẽ được bảo hiểm y tế hỗ trợ thanh toán tiền thuốc trong điều trị, đặc biệt là các thuốc mới hiệu quả cao.
Đồng hành điều trị ung thư máu cùng con: Còn thời gian là có quyền hy vọng
>>>>>Xem thêm: Tắc tuyến lệ
“Cứ làm hết khả năng của mình thôi. Được chăm sóc con là một niềm hạnh phúc của mình rồi!”
Việc chăm sóc trẻ bị ung thư, khiến cha mẹ có lúc mất phương hướng, bế tắc, kiệt sức, đau buồn… Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều trị và tâm lý của trẻ. Rất may là chị Huyền đã xác định bản thân phải lạc quan, tin tưởng vào quá trình điều trị bệnh ung thư máu của con thì con mới có cơ hội chữa khỏi.
Chị tâm sự: “Thực sự là khả năng sống của bé cũng vô chừng lắm không biết thế nào nhưng mình cứ làm hết khả năng. Con không may mắc bệnh thì mình phải làm chỗ dựa cho con, chuyện gì đến sẽ đến muốn tránh cũng không được nên cứ đón nhận với tâm thế vui vẻ thôi. Bởi suốt ngày u sầu, âu lo thì mình cũng không giải quyết được gì hết. Nói chung, đối với mình bây giờ được chăm sóc con là một niềm hạnh phúc rồi. Không cần cái gì cao siêu, mình cứ trông vào quá trình điều trị thôi.”
Thật khó để không cảm thấy buồn bã khi nhận kết chẩn đoán con mắc bệnh ung thư máu ở trẻ em. Điều quan trọng là cần học cách chấp nhận sự thật và điều tiết những cảm xúc của mình. Việc này không thể làm một sớm một chiều, do đó, hãy cho chính mình thời gian, tình yêu thương của mẹ dành cho con sẽ chuyển hóa nỗi đau buồn thành nghị lực, sự cố gắng để cùng con đương đầu với khó khăn.
BS. Trần Kiến Bình chia sẻ rằng, việc sớm phát hiện và nhanh chóng theo đuổi lộ trình điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em một cách nghiêm túc, cùng niềm tin và hy vọng, sẽ mang đến những tia hy vọng cho gia đình cùng sự hồi phục tốt cho trẻ em.