Nội Dung
Tổng quan
Bạn đang đọc: Đứt gân gót chân (gân Achilles)
Gân gót là một bó sợi cứng chắc, kết nối các cơ ở phía sau bắp chân với xương gót chân. Nếu bạn căng gân gót quá mức, nó có thể rách (đứt). (Nguồn: Mayoclinic.com)
Đứt kín gân gót (gân Achilles) là một chấn thương ảnh hưởng đến mặt sau cẳng chân. Nó xảy ra chủ yếu ở những người chơi các môn thể thao giải trí, nhưng nó có thể xảy ra với bất cứ ai.
Gân gót là một bó sợi cứng chắc kết nối các cơ ở phía sau bắp chân với xương gót chân. Nếu bạn căng gân gót quá mức, nó có thể rách (đứt) hoàn toàn hoặc chỉ một phần.
Khi gân gót bị đứt, bạn có thể nghe thấy một tiếng bốp, sau đó là một cơn đau nhói ngay lập tức ở phía sau mắt cá chân và cẳng chân, ảnh hưởng đến khả năng đi lại của bạn. Phẫu thuật thường được chỉ định để điều trị, tuy nhiên việc điều trị không phẫu thuật cũng mang lại kết quả tích cực đối với một số bệnh nhân.
Triệu chứng
Mặc dù có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khi bị đứt gân gót, nhưng hầu hết trường hợp đều sẽ có:
- Cảm giác bị đá vào bắp chân
- Đau, có thể đau dữ dội và sưng gần gót chân
- Không có khả năng gập bàn chân xuống (gập lòng) hoặc “đẩy” chân bị thương khi đi bộ
- Không có khả năng đứng trên ngón chân (đứng nhón gót) của chân bị thương
- Có âm thanh đứt gãy khi xảy ra chấn thương.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Tìm gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nghe thấy tiếng bốp ở gót chân, đặc biệt là nếu bạn không thể đi bộ bình thường sau đó.
Nguyên nhân
Gân gót giúp bạn dồn lực xuống bàn chân, nhón gót chân và tạo lực đẩy cho bàn chân khi bạn bước đi. Bạn dựa vào nó hầu như mỗi khi đi bộ và di chuyển bàn chân.
Vị trí đứt gân gót thường nằm cách khoảng 6cm so với điểm bám tận của nó vào xương gót. Phần này có thể dễ bị đứt vì lưu lượng máu nuôi thấp và cũng có thể làm giảm khả năng lành gân.
Chấn thương đứt gân gót thường do sự gia tăng áp lực đột ngột lên nó gây ra. Ví dụ phổ biến gồm:
- Hoạt động thể thao quá mức, đặc biệt là các môn thể thao phải bật nhảy
- Ngã từ trên cao
- Bước hụt chân vào hố
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đứt gân gót bao gồm:
- Tuổi tác. Nhóm tuổi thường bị đứt gân gót nhất là 30-40.
- Giới tính. Đứt gân Achilles có khả năng xảy ra ở nam giới cao gấp năm lần so với nữ giới.
- Các môn thể thao giải trí. Chấn thương gân gót xảy ra thường xuyên hơn trong các môn thể thao liên quan đến chạy, nhảy, lúc bắt đầu hoặc dừng đột ngột, chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ và tennis.
- Tiêm steroid. Các bác sĩ đôi khi tiêm steroid vào khớp mắt cá chân để giảm đau và viêm. Tuy nhiên, thuốc này có thể làm suy yếu các gân gần đó và có liên quan đến đứt gân gót.
- Một số loại kháng sinh. Kháng sinh Fluoroquinolone như ciprofloxacin (Cipro) hoặc levofloxacin (Levaquin) làm tăng nguy cơ đứt gân Achilles.
- Béo phì. Trọng lượng dư thừa gây nhiều áp lực lên trên gân.
Phòng ngừa
Bài tập kéo giãn bắp chân
Gân gót kết nối các cơ mặt sau cẳng chân tới xương gót. Bài tập kéo giãn bắp chân có thể ngăn ngừa chấn thương đứt gót chân. Thực hiện các bước sau để kéo giãn cơ:
- Đứng cách một đoạn bằng chiều dài cánh tay, đối diện một bức tường hoặc thiết bị thể dục. Đặt lòng bàn tay của bạn dựa vào tường hoặc giữ trên thiết bị.
- Bước một chân lùi lại, giữ đầu gối thẳng và gót chân nằm thẳng trên sàn.
- Từ từ gấp khuỷu tay và đầu gối phía trước, di chuyển hông về phía trước cho đến khi bạn thấy căng ở bắp chân.
- Giữ vị trí này trong 30-60 giây.
- Đổi chân và lặp lại với chân khác của bạn.
Để giảm nguy cơ chấn thương gân gót, hãy làm theo các mẹo sau:
Chẩn đoán
Trong khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra cẳng chân của bạn xem có đau và sưng không. Bác sĩ có thể nhìn và sờ thấy khoảng trống giữa đoạn gân của bạn nếu nó bị đứt hoàn toàn.
Tìm hiểu thêm: Những dạng tinh trùng bất thường: Nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh nam
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn quỳ trên ghế hoặc nằm sấp với cổ và bàn chân treo ở cuối bàn khám. Bác sĩ có thể bóp cơ bắp chân để xem bàn chân của bạn có tự động gập không, nếu không có lẽ bạn đã bị đứt gân gót (nghiệm pháp Thompson).
Nếu nghi ngờ có tổn thương gân gót của bạn – cho dù nó bị đứt hoàn toàn hay chỉ một phần – bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm hoặc chụp MRI.
>>>>>Xem thêm: Viêm đa khớp: Đừng lo vì đã có cách chữa trị
Điều trị
Điều trị đứt gân gót thường phụ thuộc vào tuổi tác, mức độ hoạt động và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Nhìn chung, những người trẻ tuổi và năng động hơn, đặc biệt là các vận động viên, có xu hướng chọn phẫu thuật để sửa chữa gân gót bị đứt hoàn toàn, trong khi những người lớn tuổi có nhiều khả năng lựa chọn điều trị không phẫu thuật.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã cho thấy hiệu quả tương đương của cả điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật.
Điều trị không phẫu thuật
Cách tiếp cận này thường bao gồm:
- Giúp gân giảm hoạt động bằng cách sử dụng nạng
- Chườm đá vào vùng bị chấn thương
- Dùng thuốc giảm đau không cần kê đơn
- Bất động cổ chân trong vài tuần đầu tiên, thường sẽ được bó bột với bàn chân gập lòng.
Điều trị không phẫu thuật có thể tránh các rủi ro liên quan đến phẫu thuật, chẳng hạn như nhiễm trùng. Tuy nhiên, cách tiếp cận không phẫu thuật có thể làm tăng cơ hội tái chấn thương và việc phục hồi của bạn có thể mất nhiều thời gian hơn, mặc dù các nghiên cứu gần đây cho thấy kết quả thuận lợi ở những bệnh nhân điều trị không phẫu thuật nếu họ bắt đầu phục hồi chức năng sớm.
Phẫu thuật
Thủ thuật này thường bao gồm việc rạch ở phía sau cẳng chân và khâu các gân bị rách lại với nhau. Tùy thuộc vào tình trạng của mô bị rách, việc sửa chữa có thể được tăng cường bằng các gân khác hoặc từ phần khác của chính gân gót bị đứt.
Biến chứng có thể bao gồm nhiễm trùng và tổn thương thần kinh. Các thủ thuật xâm lấn tối thiểu làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng so với các thủ thuật mở.
Phục hồi chức năng
Sau khi điều trị, bạn sẽ phải tập các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường cơ bắp chân và gân gót chân. Hầu hết bệnh nhân có thể trở lại mức độ hoạt động trước đây của họ trong vòng 4-6 tháng. Điều quan trọng là tiếp tục rèn luyện sức mạnh và sự ổn định sau đó bởi vì một số vấn đề có thể kéo dài đến một năm.
Phục hồi chức năng tập trung vào sự phối hợp của các bộ phận cơ thể và cách bạn di chuyển. Mục đích là để đưa bạn trở lại mức hoạt động cao nhất, như một vận động viên hoặc trong mức hoạt động hàng ngày của bạn.
Một nghiên cứu đánh giá đã kết luận rằng nếu bạn áp dụng phục hồi chức năng, bạn có thể có kết quả tốt như điều trị không phẫu thuật hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật hoặc điều trị không phẫu thuật cũng đang có xu hướng thực hiện sớm hơn và tiến triển nhanh hơn. Có nhiều nghiên cứu đang đang được tiến hành liên quan đến lĩnh vực này.
Chuẩn bị trước khi tới khám
Nếu bạn bị đứt gân gót thì thường phải được điều trị ngay lập tức tại khoa cấp cứu của bệnh viện. Bạn cũng có thể cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên về y học thể thao hoặc phẫu thuật chỉnh hình.
Bạn nên chuẩn bị gì?
Viết một danh sách bao gồm:
- Mô tả chi tiết về các triệu chứng, cách thức và thời điểm chấn thương xảy ra
- Thông tin về các vấn đề y tế trong quá khứ
- Tất cả các loại thuốc và thực phẩm bổ sung mà bạn có dùng, bao gồm cả liều lượng
- Câu hỏi để hỏi bác sĩ
Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi sau:
- Chấn thương này xảy ra như thế nào?
- Bạn có cảm thấy hoặc nghe thấy một âm thanh nào khi nó xảy ra không?
- Bạn có thể đứng nhón gót chân trên bàn chân đó không?