Nội Dung
Tìm hiểu chung
Gãy xương cánh tay là gì?
Gãy xương cánh tay là một hoặc nhiều xương của cánh tay bị nứt. Thông thường, một cánh tay bị gãy bao gồm một hoặc nhiều xương của cánh tay như xương trụ, xương quay và xương cánh tay.
Bạn đang đọc: Gãy xương cánh tay
Mức độ phổ biến của gãy xương cánh tay
Gãy xương cánh tay là một chấn thương phổ biến xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Ở người lớn, gãy xương cánh tay chiếm gần một nửa số ca gãy xương. Ở trẻ em, gãy xương cánh tay chỉ đứng sau gãy xương đòn. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng gãy xương cánh tay?
Các triệu chứng thường gặp của gãy xương cánh tay là:
- Tiếng gãy răng rắc hoặc nứt
- Đau nhức trong xương cánh tay, có thể tăng khi chuyển động
- Sưng
- Bầm tím
- Biến dạng như cánh tay hoặc cổ tay cong lại
- Không thể xoay cánh tay để lật lòng bàn tay sấp hoặc ngửa
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến khám bác sĩ nếu đau cánh tay và không thể sử dụng cánh tay như bình thường.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra gãy xương cánh tay?
Hầu như tất cả các chấn thương ở cánh tay dẫn đến gãy xương đều gây ra theo 2 cách: ngã và chấn thương trực tiếp.
- Gãy xương cánh tay do ngã xảy ra khi bạn ngã với bàn tay duỗi thẳng. Vị trí gãy xương có thể là từ cổ tay đến vai tùy thuộc vào hướng ngã, tuổi và các yếu tố khác làm thay đổi lực tác động lên xương.
- Chấn thương trực tiếp có thể do cú đánh trực tiếp từ một vật như gậy, chấn thương do tai nạn xe hơi hoặc bất kỳ tai nạn nào gây ra áp lực trực tiếp vào một phần của cánh tay.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị gãy xương cánh tay?
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra gãy xương cánh tay như:
- Một số môn thể thao. Bất kỳ môn thể thao nào liên quan đến tiếp xúc thân thể hoặc có nhiều nguy cơ bị ngã, bao gồm bóng đá, bóng bầu dục, thể dục dụng cụ, trượt tuyết và trượt ván, đều làm tăng nguy cơ bị gãy xương cánh tay.
- Các bất thường về xương. Các tình trạng làm suy yếu xương như loãng xương và khối u xương, làm tăng nguy cơ gãy xương cánh tay. Loại gãy này được gọi là gãy xương bệnh lý.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán gãy xương cánh tay?
Bác sĩ sẽ kiểm tra cánh tay để tìm điểm đau, sưng, biến dạng hoặc vết thương hở. Sau khi thảo luận về các triệu chứng và cách bị chấn thương, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để xác định vị trí và mức độ gãy. Đôi khi các chẩn đoán hình ảnh khác như MRI có thể được sử dụng để cho hình ảnh chi tiết hơn.
Những phương pháp nào dùng để điều trị gãy xương cánh tay?
Khía cạnh quan trọng nhất của sơ cứu là cố định cánh tay. Cố định bằng cách sử dụng một chiếc khăn như một băng đeo. Đặt nó dưới cánh tay và sau đó quàng quanh cổ. Một cách tiếp cận thay thế để giữ cho cánh tay không di chuyển là định vị với một tờ báo cuộn lại, buộc dọc theo vùng bị sưng và để giữ nó đúng vị trí.
Bạn cũng có thể chườm đá lạnh cho khu vực bị thương. Cách này có thể giúp giảm đau và sưng. Đặt đá trong một cái túi và để nó trên cánh tay trong vòng 20–30 phút mỗi lần. Nên đặt một chiếc khăn bao quanh túi nước đá hoặc giữa túi nước đá và da để bảo vệ da khỏi bị quá lạnh. Bạn không bao giờ đặt đá trực tiếp lên da.
Điều quan trọng nhất của việc điều trị gãy xương là xác định xem loại gãy xương nào có thể được điều trị bằng cách chăm sóc ngoại trú và loại nào cần phải nhập viện.
Trong hầu hết các trường hợp, cánh tay bị gãy sẽ có thể được điều trị tại khoa cấp cứu.
Hầu hết gãy xương tay đều cần được nẹp hoặc bó bột để cố định xương bị gãy. Một số vết nứt đặc biệt ở cánh tay và vai trên có thể chỉ cần cố định với quai đeo.
Ngoài việc nẹp cánh tay bị gãy, bác sĩ sẽ kê toa thuốc để kiểm soát cơn đau và băng để giảm sưng.
Thông thường, các vết thương cần nhập viện là:
- Xương chọc qua da hoặc có vết rách trên khu vực xương gãy
- Gãy xương có liên quan đến tổn thương thần kinh
- Gãy xương có liên quan đến tổn thương mạch máu
- Các gãy xương phức tạp có nhiều đoạn gãy, liên quan đến khớp hoặc không thể cố định trong khoa cấp cứu hoặc phòng mạch bác sĩ.
Hầu hết các xương ở tay bị gãy không cần nhập viện. Đối với tất cả các gãy xương khác, bác sĩ điều trị sẽ giới thiệu bạn đến bác sĩ chỉnh hình (chuyên gia về xương). Lúc đó, bác sĩ chỉnh hình sẽ xác định những gì cần làm tiếp thêm (tiếp tục nẹp, bó bột hoặc phẫu thuật) tùy thuộc vào loại gãy xương.
Gãy xương cánh tay bao lâu thì lành?
Giống với gãy xương chân, thời gian để gãy xương cánh tay lành rất khó xác định. Thời gian phục hồi sẽ phụ thuộc vào vị trí và mức độ chấn thương. Thông thường, bạn có thể mất từ 4-6 tuần để xương lành lại. Trong thời gian này, bạn nên thường xuyên đi tái khám để biết tốc độ phục hồi của chấn thương và được bác sĩ hướng dẫn các bài tập luyện cho tay.
Bên cạnh đó, để cho chấn thương mau lành, bạn nên thường xuyên nghỉ ngơi và có chế độ sinh hoạt hợp lý. Bạn cũng nên bổ sung nhiều canxi, vitamin D cùng nhiều loại trái cây để xương mau hồi phục.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý gãy xương cánh tay?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với gãy xương cánh tay:
- Sử dụng bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào (ví dụ như nẹp, móc hoặc dây đeo) cho đến khi gặp bác sĩ.
- Giữ nẹp hoặc bột bó sạch và khô.
- Chườm đá cho khu vực bị thương trong 20-30 phút 4-5 lần một ngày.
- Giữ cánh tay cao trên tim càng nhiều càng tốt để giảm sưng. Sử dụng gối để đỡ cánh tay khi bạn nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế.
- Dùng thuốc giảm đau theo quy định. Không uống rượu hoặc lái xe nếu bạn đang dùng thuốc giảm đau có chất gây mê.
- Gọi cho bác sĩ nếu cơn đau tăng, mất cảm giác hoặc nếu ngón tay hoặc bàn tay của bạn chuyển lạnh hoặc xanh tái.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
>>>>>Xem thêm: Định lượng creatinin máu: Quy trình thực hiện và ý nghĩa kết quả