Nội Dung
Tìm hiểu chung
Gãy xương cột sống là tình trạng gì?
Gãy xương cột sống là khi xương cột sống bị gãy. Cột sống được tạo ra từ các đốt sống xếp chồng lên nhau. Đốt sống (xương ở cột sống) có thể bị gãy giống như các xương khác trong cơ thể. Tuy nhiên, gãy xương cột sống có thể nghiêm trọng hơn gãy các xương khác trong cơ thể bởi vì tình trạng này có thể gây ra chấn thương tủy sống.
Bạn đang đọc: Gãy xương cột sống
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng gãy xương cột sống là gì?
Các triệu chứng của gãy xương cột sống khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí của chấn thương, bao gồm đau lưng, đau cổ, tê, ngứa ran, co thắt cơ, yếu cơ, bất thường ở ruột/bàng quang và yếu liệt. Yếu liệt là sự mất khả năng vận động ở cánh tay hoặc chân và có thể là dấu hiệu chấn thương tủy sống. Không phải tất cả các tình trạng gãy xương đều gây tổn thương đến tủy sống và hiếm khi tủy sống bị tổn thương hoàn toàn.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng gãy xương cột sống?
Gãy xương cột sống là do chấn thương hoặc do các điều kiện làm yếu xương.
Các tình trạng gây ra chấn thương gồm:
- Tai nạn xe hơi;
- Té ngã;
- Thể thao;
- Hành vi bạo lực (ví dụ như bị bắn).
Chấn thương có thể tạo áp lực lên cột sống, các đốt sống có thể bị phá vỡ vì không thể chịu đựng được áp lực quá lớn, ví dụ như tai nạn khi lặn có thể làm cho cổ bị uốn cong ra sau quá mức, bẻ gãy các đốt sống khi bạn cố gắng chống lại cơn áp lực bất thường đó.
Chấn thương còn có thể làm vỡ phần cứng bên ngoài đốt sống là xương đặc. Nếu phần xương này bị gãy thì các đốt sống cũng sẽ gặp tình trạng tương tự, ngay cả dưới trọng lượng bình thường. Do đó, chấn thương ban đầu có thể không làm gãy tất cả xương nhưng theo thời gian, các vết nứt có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Các tình trạng gây suy yếu xương gồm:
- Loãng xương;
- Ung thư xương;
- Các khối u cột sống.
Nếu xương đã bị suy yếu do loãng xương thì bạn có nhiều nguy cơ bị gãy xương cột sống. Thậm chí một chuyển động đơn giản như mang túi đựng thực phẩm cũng có thể gây ra gãy xương nếu đoạn xương đó đã bị suy yếu.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải tình trạng gãy xương cột sống?
Gãy xương cột sống có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng gãy xương cột sống?
Gãy một đốt xương sống có thể làm tăng đáng kể nguy cơ gãy thêm đốt khác. Theo thời gian, nhiều vết nứt có thể phá vỡ sự liên kết của cột sống, làm cho cột sống cong về phía trước. Sự cong về phía trước này có thể ảnh hưởng đến thăng bằng và khiến cho khoang ngực bị đè nén, gây khó khăn trong việc thở, ăn uống và ngủ. Yếu tố nguy cơ khác bao gồm tuổi, giới tính và lối sống.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tình trạng gãy xương cột sống?
Các bác sĩ có thể khám lâm sàng, hỏi về triệu chứng đau (nếu có) và xem xét chi tiết cơ chế gây chấn thương (ví dụ như tai nạn xe hơi). Ngoài ra, bác sĩ sẽ xem bạn có triệu chứng nào khác liên quan đến tổn thương thần kinh hay không. Nhiều khả năng, các bác sĩ sẽ kiểm tra cột sống và yêu cầu bạn di chuyển, điều này giúp kiểm tra phạm vi vận động và khả năng di chuyển có tốt không, bác sĩ cũng sẽ lưu ý xem có cử động đặc biệt nào gây đau đớn hay không.
Nếu bác sĩ cho rằng bạn bị tổn thương thần kinh thì sẽ khám thần kinh. Chuyên gia cột sống sẽ kiểm tra phản xạ, sức cơ, các thay đổi thần kinh khác và độ lan của cơn đau.
Cách tốt nhất để xác nhận xem bạn có bị gãy xương cột sống hay không là bằng cách kiểm tra trên hình ảnh. Bạn có thể thực hiện các xét nghiệm sau đây:
- Chụp X-quang. Hình ảnh X-quang hiển thị rõ cấu trúc xương và các xương bị gãy;
- Chụp cắt lớp vi tính. Phương pháp này cho thấy xương, mô mềm, dây thần kinh. Nếu bạn gặp vấn đề về thần kinh, bác sĩ có thể chụp cắt lớp vi tính để xem có thứ gì đè lên các dây thần kinh và tủy sống hay không. Một lợi ích khác của chụp cắt lớp vi tính là giúp nhìn thấy mặt cắt ngang của cột sống. Ngoài ra, bác sĩ có thể nhìn thấy cột sống từ nhiều góc độ khác nhau bằng cách điều chỉnh góc độ chụp cắt lớp vi tính;
- Chụp cộng hưởng từ. Phương pháp này hiển thị mô mềm, đĩa đệm, các dây thần kinh và các bất thường trên đĩa đệm.
Thông qua các phương pháp xét nghiệm, các bác sĩ có thể xác định loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng gãy xương, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị.
Những phương pháp nào dùng để điều trị tình trạng gãy xương cột sống?
Thông thường, bước điều trị đầu tiên đối với gãy xương nén cột sống là điều trị bảo tồn (không phẫu thuật), trong đó bao gồm thuốc giảm đau, bổ sung canxi và vitamin D, nghỉ ngơi (nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, không hoạt động kéo dài có thể dẫn đến mất thêm xương) và cố định bên ngoài.
Đau do gãy xương cột sống có thể kéo dài vài tháng trong thời gian hồi phục nhưng vì bạn áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn nên cơn đau thường sẽ biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Nếu cơn đau do gãy xương nén vẫn còn thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để điều trị các vết nứt. Hai thủ thuật thường được áp dụng để điều trị trạng gãy xương cột sống do loãng xương là bơm xi măng sinh học cột sống không có bóng và có bóng nhưng trong trường hợp hiếm, khi mà độ dài cột sống của bệnh nhân bị tổn thất đáng kể thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật chỉnh sửa cột sống:
- Bơm xi măng sinh học cột sống không có bóng. Phương pháp này giúp làm ổn định đoạn xương cột sống bị gãy và ngăn chặn cơn đau do gãy xương;
- Bơm xi măng sinh học cột sống có bóng. Phương pháp này giúp ngăn chặn cơn đau do gãy xương cột sống, ổn định xương và khôi phục lại độ dài của một số hoặc tất cả các đoạn đốt sống bị mất do gãy xương nén.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng gãy xương cột sống?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Dùng thực phẩm giàu vitamin D, canxi, chất đạm và uống bổ sung nếu cần thiết vì đây là phương pháp hữu hiệu để tránh tình trạng gãy xương cột sống. Bạn cũng nên dành một ít thời gian phơi nắng vào sáng sớm để hấp thụ vitamin D;
- Gặp bác sĩ để điều trị loãng xương, điều này cũng có ích trong trường hợp mãn kinh sớm;
- Tập thể dục như đi hoặc chạy bộ, chơi quần vợt và các môn thể thao khác có thể giúp tăng cường độ chắc khỏe của xương;
- Đảm bảo tính an toàn trong nhà bằng cách dọn dẹp ngăn nắp để tránh bị té ngã và lái xe cẩn thận để giảm nguy cơ tai nạn;
- Cử tạ bằng tay và chân để rèn luyện cơ bắp và làm săn chắc xương;
- Bỏ thuốc lá;
- Giảm uống rượu.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
>>>>>Xem thêm: Làm bố mẹ đơn thân bạn phải đối phó với điều gì?