Giảo cổ lam hay còn có tên gọi là phúc ẩm thảo (Nhật Bản) và với nhiều tác dụng quý từ thời xa xưa Trung Quốc đã gọi loại thảo dược là cỏ trường thọ. Vậy tác dụng của giảo cổ lam là gì? Chúng thường mọc ở đâu và được dùng như thế nào? Hãy cùng Kenshin tìm hiểu nhé!
Bạn đang đọc: Giảo cổ lam: Thảo dược trị ung thư và nhiều bệnh khác
Tên gốc: Giảo cổ lam
Tên gọi khác: Cây trường sinh, cỏ thần kỳ, cỏ trường thọ
Tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum
Tìm hiểu chung
Giảo cổ lam là loại dược liệu quý. Từ xa xưa, vị thuốc này đã được vua chúa sử dụng để tăng sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, làm đẹp cho cung phi. Vì vậy, người Trung Quốc đã ưu ái đặt tên cho loại cỏ này là “cỏ trường thọ”. Ở Nhật Bản, thảo dược này là được gọi là “phúc ẩm thảo” và đã được các nhà khoa học Nhật Bản công nhận đây là loại thảo mộc mang lại nhiều lợi ích cho con người.
Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện loại thảo mộc này ở vùng núi Phanxipăng (Sa Pa) và vùng núi đá vôi Hòa Bình. Theo nghiên cứu, giảo cổ lam ở Việt Nam cũng có chất lượng không thua kém gì ở Nhật Bản và Trung Quốc.
Mô tả cây giảo cổ lam
Đây là loại cây thân thảo, có tua cuốn đơn để leo, thuộc loại hoa đơn tính khác gốc. Lá của loại thảo mộc này có hình dáng giống lá kép hình chân vịt. Mỗi cụm hoa mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, ở bầu có 3 vòi nhụy. Quả có có hình cầu, đường kính từ 5 – 9mm, khi chín có màu đen. Loại cây này thường mọc ở khu rừng ẩm, thưa tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, một số nước châu Âu…
Đặc điểm phân bố của giảo cổ lam
Giảo cổ lam mọc ở đâu? Đây là một loài cây mọc hoang nhiều ở vùng rừng thưa, có không khí ẩm và lạnh quanh năm, ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, điển hình như vùng phía Bắc của Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc.
Ở Việt Nam, quần thể giảo cổ lam đã được tìm thấy ở đỉnh Fansipan, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Cụm quần thể này cũng đã được định danh khẳng định giảo cổ lam Việt Nam có chất lượng tương đương của Nhật Bản và Trung Quốc.
Thành phần
Thành phần chính của giảo cổ lam là flavonoid và saponin. Loại thảo dược này còn chứa các vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe như selen, kẽm, mangan, sắt, phốt pho… Theo nghiên cứu, cây giảo cổ lam 7 lá là loại có chứa nhiều hoạt chất saponin nhất, gấp 3 – 4 lần nhân sâm.
Giảo cổ lam có tác dụng gì?
Giảo cổ lam là một loại cây mọc hoang ở Trung Quốc. Lá được dùng để làm thuốc. Tác dụng của giảo cổ lam bao gồm:
- Điều trị cholesterol cao, huyết áp cao, từ đó giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch
- Điều trị sự thèm ăn, ho, viêm phế quản mạn tính, đau dạ dày mạn tính, đau và sưng (viêm), loét, táo bón, căng thẳng, sỏi mật, béo phì, ung thư
- Tăng cường và kích thích hệ miễn dịch trong cơ thể
- Giúp tăng sức mạnh cơ thể, nâng cao khả năng làm việc
- Bảo vệ gan bằng cơ chế tăng cường thải độc và tái tạo tế bào gan
- Có tác dụng điều trị chứng mất ngủ lâu năm, giúp dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu
- Cải thiện chức năng của tim, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng sức chịu đựng, tăng sức đề kháng môi trường và ngăn ngừa rụng tóc
- Giảm đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường
- Tăng cường máu lên não, ngăn ngừa chứng lú lẫn ở người lớn tuổi
- Giảm thiểu lượng mỡ thừa trong máu, ngăn ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não
- Hỗ trợ giảm cân, chống lão hóa da cho phái nữ.
Thảo dược này có thể được sử dụng cho các mục đích khác. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin.
Cơ chế hoạt động
Giảo cổ lam chứa các chất có thể giúp làm giảm mức cholesterol. Hiện nay, vẫn chưa có đủ nghiên cứu về tác dụng của loại thuốc này. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Cách sử dụng
Sau khi thu hái, người ta chỉ dùng lá của cây giảo cổ lam để làm dược liệu vì lá là bộ phận có nhiều dược chất nhất. Rửa sạch lá, rồi đem phơi nắng cho khô. Thông thường, người bán sẽ băm nhỏ lá để người dùng dễ sử dụng. Ngoài ra, thảo dược này cũng thường được chế biến thành dạng túi lọc.
Trà giảo cổ lam
Chuẩn bị
- 20g giảo cổ lam
- Ấm trà
- Nước đun sôi
Cách pha
Mỗi lần dùng giảo cổ lam để pha trà, bạn chỉ nên sử dụng khoảng 20g. Cho vị thuốc này vào ấm trà và pha với nước sôi. Đợi dược chất ngấm ra, bạn có thể sử dụng. Nước trà có thể uống thay nước trong ngày.
Bạn nên uống trà vào buổi sáng và đầu giờ chiều bởi đây là thời gian mà loại thảo dược này có thể giúp bạn cảm thấy minh mẫn, tỉnh táo và làm việc tốt hơn. Không nên dùng trà vào buổi tối trước khi đi ngủ vì nó có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây khó ngủ.
Dùng giảo cổ lam kết hợp với cây xạ đen, cà gai leo
Chuẩn bị
- Giảo cổ lam: 30g
- Xạ đen: 30g
- Cà gai leo: 20g
- Nước sôi: 1,5 lít
- Bình giữ nhiệt
Cách pha
Cho tất cả nguyên liệu vào bình giữ nhiệt, sau đó đổ thêm 1,5 lít nước sôi. Đậy nắp và ủ trong thời gian 30 phút là có thể sử dụng được.
Giảo cổ lam kết hợp với cây xạ đen và cà gai leo sẽ tạo nên một thức uống thơm ngon, bổ dưỡng, có tác dụng tăng cường sức khỏe, phòng chống ung thư. Ngoài ra, loại thức uống này còn giúp ngăn ngừa một số bệnh nguy hiểm như đái tháo đường, viêm gan B…
Liều dùng
Đối tượng sử dụng
Những người nên sử dụng giảo cổ lam:
- Người bị mỡ máu, tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường
- Người thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, khó ngủ, đau đầu…
- Người bị ung thư, u bướu
- Người bị gan nhiễm mỡ, xơ gan, suy gan…
- Các đối tượng muốn tăng cường sức đề kháng.
Những người không nên sử dụng cây giảo cổ lam:
- Phụ nữ đang mang thai
- Phụ nữ đang cho con bú
- Trẻ em dưới 6 tuổi
- Người đang dùng thuốc chống đào thải khi cấy ghép
- Người bị chứng “hư hàn”: chân tay lạnh, chịu rét kém, hay đổ mồ hôi, mệt mỏi, đuối sức, hơi thở ngắn…
Liều dùng thông thường của giảo cổ lam là gì?
Thảo dược này có tác dụng hạ đường huyết rất nhanh nhờ cơ chế tăng tiết insulin. Vì vậy, bạn đừng quá lạm dụng loại thảo mộc này bởi có thể dẫn đến trường hợp nguy hiểm khi bị hạ đường huyết đột ngột.
Nhìn chung, liều dùng đối với mỗi người khác nhau. Liều lượng này thường dựa trên tuổi tác, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Tuy nhiên, mỗi ngày bạn không nên dùng quá 70g giảo cổ lam. Hãy thảo luận với bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Dạng bào chế
Giảo cổ lam có các dạng bào chế:
- Chiết xuất
- Bột
- Thuốc rượu.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng giảo cổ lam?
Giảo cổ lam là một loại thảo dược nếu được sử dụng đúng cách sẽ đem đến rất nhiều lợi ích về sức khỏe và giúp phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
Mất ngủ, khó ngủ
Nếu trước khi đi ngủ mà dùng giảo cổ lam thì rất dễ dẫn đến mất ngủ. Nguyên nhân là do giảo cổ lam có thể gây kích thích thần kinh, tăng hưng phấn. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng giảo cổ lam vào buổi sáng và đầu giờ chiều để giúp cơ thể tỉnh táo và làm việc hiệu quả hơn.
Hạ huyết áp
Giảo cổ lam có tác dụng giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên, nếu bạn lạm dụng vị thuốc này quá mức thì có thể khiến huyết áp bị giảm một cách đột ngột, dẫn đến tình trạng cơ thể luôn mệt mỏi. Do đó, mỗi ngày bạn chỉ nên dùng khoảng 60 – 70g ngày, đối với người bị huyết áp thấp, tốt nhất là nên dùng trà vào lúc ăn no hoặc có thể cho thêm vài lát gừng.
Đầy bụng
Nếu bạn uống trà giảo cổ lam để qua đêm thì rất dễ bị đầy bụng. Nguyên nhân là do sau một đêm, trà sẽ bị biến chất. Vì vậy, người dùng chỉ uống trà trong ngày, không uống trà giảo cổ lam để qua đêm.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.
Thận trọng
Trước khi dùng giảo cổ lam, bạn nên biết những gì?
- Không được sử dụng cây giảo cổ lam quá liều quy định bởi có thể dẫn đến ngộ độc.
- Nếu bạn bị hạ đường huyết, huyết áp thấp thì hãy uống sau khi ăn no. Bạn có thể cho thêm gừng hoặc một ít đường để dễ uống hơn.
- Nếu bạn dùng trà giảo cổ lam để giảm cân thì phải kết hợp với một chế độ ăn hợp lý mới có tác dụng rõ rệt.
- Tuyệt đối không dùng trà giảo cổ lam đã để qua đêm, trà đã để rất lâu hoặc đun đi đun lại quá nhiều lần. Tốt nhất, bạn nên dùng hết trong ngày vì nếu để qua đêm, trà sẽ bị biến chất, không tốt cho hệ tiêu hóa.
- Sau khi uống trà giảo cổ lam, bạn có thể sẽ có cảm giác nóng người, tăng huyết áp nhẹ, khô miệng, khát nước. Vì vậy, bạn nên uống thêm nước lọc. Sau một thời gian, cơ thể sẽ tự điều chỉnh lại và các triệu chứng trên sẽ tự biến mất.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú; đang dùng những loại thuốc khác; hay dị ứng với các loại thảo mộc khác; mắc phải các căn bệnh nào khác; bị dị ứng thực phẩm, thuốc nhuộm, động vật…
Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng giảo cổ lam với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Tìm hiểu thêm: Ma hoàng
Mức độ an toàn của giảo cổ lam như thế nào?
Giảo cổ lam có thể an toàn khi uống trong thời gian ngắn (tối đa 4 tháng).
Phụ nữ mang thai và cho con bú: giảo cổ lam có thể không an toàn khi uống trong thai kỳ. Một trong những chất hóa học trong giảo cổ lam có liên quan đến việc gây ra các dị tật bẩm sinh.
Không đủ thông tin về sự an toàn của giảo cổ lam trong thời gian cho con bú. Bạn không nên dùng thảo dược này khi đang cho con bú.
Các bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng (MS), lupus (lupus ban đỏ hệ thống, SLE), viêm khớp dạng thấp (RA) hoặc các điều kiện sức khỏe khác: giảo cổ lam có thể làm cho hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn. Điều này có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh tự miễn. Nếu bạn có tình trạng tự miễn dịch, tốt nhất nên tránh sử dụng giảo cổ lam cho đến khi có nhiều nghiên cứu hơn.
Rối loạn xuất huyết: giảo cổ lam có thể làm chậm đông máu. Một số chuyên gia cho rằng giảo cổ lam có thể làm cho rối loạn chảy máu tồi tệ hơn.
Phẫu thuật: giảo cổ lam có thể làm chậm đông máu. Một số chuyên gia lo ngại rằng nó có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong và sau khi giải phẫu. Ngừng sử dụng giảo cổ lam ít nhất 2 tuần trước khi bạn phẫu thuật theo lịch trình.
Tương tác
Giảo cổ lam có thể tương tác với những gì?
>>>>>Xem thêm: Sỏi bàng quang có nguy hiểm không? Chớ dại mà chủ quan!
Các thuốc có thể tương tác với giảo cổ lam bao gồm:
Các thuốc làm giảm hệ miễn dịch: azathioprine, basiliximab, cyclosporine, daclizumab, muromonab-CD3, mycophenolate, tacrolimus, sirolimus, prednisone, corticosteroid (glucocorticoid)…
Giảo cổ làm tăng hệ thống miễn dịch, do đó có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc làm giảm hệ miễn dịch.
Các thuốc làm chậm đông máu (thuốc chống co giật / chống huyết khối): aspirin, clopidogrel, ibuprofen, naproxen, dalteparin, enoxaparin, heparin, warfarin…
Giảo cổ lam có thể làm chậm máu đông. Dùng giảo cổ lam cùng với các thuốc làm chậm đông máu có thể làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu.