Hẹp động mạch phổi

Hẹp động mạch phổi

Hẹp động mạch phổi

Tìm hiểu chung

Hẹp động mạch phổi là bệnh gì?

Hẹp động mạch phổi là tình trạng hẹp van nằm giữa buồng tim dưới bên phải (tâm thất phải) và động mạch phổi. Khi van tim bị hẹp, các nắp van có thể trở nên dày hoặc cứng. Điều này làm giảm lưu lượng máu đi từ tim đến phổi để lấy oxy. Nếu không có đủ oxy, tim và cơ thể không thể hoạt động như bình thường.

Bạn đang đọc: Hẹp động mạch phổi

Hẹp van động mạch phổi khiến máu khó chảy ra khỏi buồng tim dưới bên phải (tâm thất phải). Áp lực tăng bên trong tâm thất phải (buồng bơm máu vào động mạch phổi) khi nó cố gắng đẩy máu qua van bị hẹp. Áp lực tăng lên tạo ra sức căng cho tim, cuối cùng làm cho thành cơ của tâm thất phải dày lên.

Hẹp động mạch phổi

Mức độ phổ biến của hẹp động mạch phổi

Hẹp động mạch phổi là một khiếm khuyết hiếm gặp, xảy ra với tần suất ngang nhau giữa các bé trai và bé gái. Tình trạng này liên quan đến dị tật tim bẩm sinh được gọi là tứ chứng Fallot. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp động mạch phổi là gì?

Hẹp van động mạch phổi có nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng của bệnh hẹp van động mạch phổi khác nhau, tùy thuộc vào lượng máu bị tắc nghẽn. Một số người bị hẹp van động mạch phổi nhẹ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.

Khi tình trạng nghiêm trọng hơn, các triệu chứng hẹp động mạch phổi có thể là:

  • Da xanh, tím tái (ở trẻ sơ sinh)
  • Thở nhanh hoặc khó thở
  • Mệt mỏi
  • Tức ngực
  • Tiếng thổi tim khi nghe bằng ống nghe
  • Nhịp tim nhanh
  • Sưng ở bàn chân, mắt cá chân, mặt, mí mắt và / hoặc bụng.

Nếu trẻ sinh ra với chứng hẹp động mạch phổi, các triệu chứng sẽ được nhận thấy ngay sau khi sinh. Triệu chứng hẹp động mạch phổi có thể xuất hiện trong vòng vài giờ đến vài ngày.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng như:

  • Hụt hơi
  • Tức ngực
  • Ngất xỉu
  • Nếu bị hẹp động mạch phổi hoặc một vấn đề về tim khác, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng.

    Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân nào gây ra hẹp động mạch phổi?

    Tìm hiểu thêm: Giúp trẻ chậm phát triển, tự kỷ hòa nhập xã hội là niềm hạnh phúc của tôi

    Hẹp động mạch phổi

    Giống như hầu hết các dị tật tim bẩm sinh khác, nguyên nhân gây hẹp động mạch phổi chưa được biết rõ. Van động mạch phổi không phát triển đúng cách khi em bé đang phát triển và lớn lên trong bụng mẹ.

    Van động mạch phổi được làm bằng ba mảnh mô mỏng gọi là nắp van. Các nắp đóng mở theo từng nhịp tim và đảm bảo máu di chuyển theo đúng hướng.

    Trong bệnh hẹp van động mạch phổi, một hoặc nhiều nắp có thể bị cứng hoặc dày, hoặc các nắp có thể liên kết (hợp nhất) với nhau. Kết quả là van không mở hoàn toàn.

    Thông thường, bệnh hẹp van động mạch phổi là kết quả của một vấn đề về tim phát triển trước khi sinh (khuyết tật tim bẩm sinh) và thường được chẩn đoán trong vòng vài giờ đầu tiên sau khi sinh. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể bị hẹp van động mạch phổi như một biến chứng của một bệnh khác.

    Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ gây hẹp động mạch phổi?

    Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây hẹp động mạch phổi như:

    • Người mẹ bị bệnh sởi Đức (rubella) hay nhiễm các siêu vi khác khi đang mang thai.
    • Hội chứng Noonan, là một rối loạn di truyền gây ra các vấn đề khác nhau với cấu trúc và chức năng của tim.
    • Biến chứng thấp khớp của viêm họng liên cầu khuẩn có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho tim, bao gồm cả van tim.
    • Mắc hội chứng carcinoid, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim carcinoid, làm tổn thương van tim.
    • Bố hoặc mẹ có dị tật tim bẩm sinh
    • Mẹ uống rượu hoặc hút thuốc khi mang thai
    • Người mẹ bị đái tháo đường không kiểm soát
    • Người mẹ bị lupus, một rối loạn tự miễn
    • Sử dụng một số loại thuốc trong khi mang thai như isotretinoin trị mụn (Claravis, Amnesteem và những biệt dược khác), một số loại thuốc chống co giật và một số loại thuốc rối loạn lưỡng cực
    • Trẻ mắc hội chứng Down, một bệnh di truyền do dư nhiễm sắc thể 21.

    Biến chứng

    Hẹp động mạch phổi có nguy hiểm không?

    Các biến chứng có thể xảy ra của chứng hẹp động mạch phổi bao gồm:

    • Nhiễm trùng màng trong tim (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng). Những người có vấn đề về van tim, chẳng hạn như hẹp động mạch phổi, có nguy cơ cao bị nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến màng trong của tim.
    • Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim). Những người bị hẹp van động mạch phổi dễ có nhịp tim không đều.
    • Dày cơ tim. Nếu bệnh nặng, tâm thất phải của tim phải bơm mạnh hơn để đẩy máu vào động mạch phổi. Sức căng của tim làm cho thành cơ của tâm thất dày lên (phì đại tâm thất phải).
    • Suy tim. Nếu tâm thất phải không thể bơm đúng cách sẽ phát triển thành suy tim. Các triệu chứng của suy tim bao gồm mệt mỏi, khó thở, phù chân và bụng.
    • Các biến chứng khi mang thai. Những người bị hẹp van động mạch phổi nặng có nguy cơ bị biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở cao hơn so với những người khác.

    Chẩn đoán & điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hẹp động mạch phổi?

    Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để lắng nghe trái tim để xem có nghe thấy tiếng rít (tiếng thổi) do dòng máu chảy qua van bị hẹp (hỗn loạn) gây ra hay không. Nếu xác định được âm thanh bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác hơn.

    Các xét nghiệm khác để chẩn đoán hẹp động mạch phổi có thể bao gồm:

    • Điện tâm đồ (ECG). Thử nghiệm này là dùng các miếng cảm ứng có gắn các dây (điện cực) đo xung điện phát ra từ tim. Xét nghiệm này cho biết tim đang đập như thế nào, giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim hoặc cho thất cơ tim đang dày lên hoặc căng thẳng.
    • Siêu âm tim. Siêu âm tim là dùng sóng âm thanh tạo ra hình ảnh chi tiết của tim. Xét nghiệm thông thường này cho phép bác sĩ xem cách tim đập và bơm máu. Siêu âm tim có thể cho thấy cấu trúc của van động mạch phổi và vị trí cũng như mức độ nghiêm trọng của bất kỳ chứng hẹp van nào.
    • Thông tim. Trong thử nghiệm này, bác sĩ đưa một ống mỏng, dẻo vào bẹn và luồn qua mạch máu đến tim thông qua hình chụp X-quang. Xét nghiệm này cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc tim, áp lực bơm máu và nồng độ oxy máu trong tim, động mạch phổi và động mạch chủ.
    • Chụp X-quang. X-quang cho thấy kích thước và hình dạng của các mô nội tạng, xương và các cơ quan bên trong. Điều này giúp bác sĩ đánh giá mức độ hẹp động mạch phổi.
    • Các xét nghiệm hình ảnh khác. Chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT) đôi khi được sử dụng để xác định chẩn đoán hẹp van động mạch phổi.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị hẹp động mạch phổi?

    Hẹp động mạch phổi

    >>>>>Xem thêm: Lao màng não có nguy hiểm không? Điều trị bao lâu mới khỏi?

    Điều trị hẹp động mạch phổi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó.

    Nếu bị hẹp van động mạch phổi nhẹ mà không có triệu chứng, bạn có thể chỉ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ. Hầu hết các trẻ bị hẹp động mạch phổi cần thăm khám và theo dõi thường xuyên với bác sĩ tim mạch để theo dõi tiến trình của bệnh và kiểm tra các tình trạng sức khỏe khác có thể phát triển khi lớn lên.

    Nếu hẹp van động mạch phổi mức độ trung bình hoặc nặng, có thể cần làm phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay van tim. Loại phẫu thuật được chỉ định phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể và tình trạng hẹp van nghiêm trọng như thế nào. Trong hầu hết các trường hợp hẹp động mạch phổi, trẻ cần phẫu thuật ngay sau khi sinh.

    Chúng bao gồm:

    • Nong van động mạch phổi. Bác sĩ chèn một ống mềm (ống thông) có bóng ở đầu vào động mạch, thường là ở bẹn. Tia X được sử dụng để giúp dẫn đường cho ống thông đến van bị hẹp ở tim. Bác sĩ sẽ thổi phồng quả bóng để mở rộng lỗ van và tách các nắp van, nếu cần. Sau đó quả bóng bay bị xì hơi. Ống thông và bóng được lấy ra. Thủ thuật này giúp cải thiện lưu lượng máu qua tim. Tuy nhiên, van vẫn có thể bị hẹp lại và cần phẫu thuật thêm trong tương lai.
    • Thay van động mạch phổi. Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật tim hở hoặc thủ thuật đặt ống thông để thay van động mạch phổi. Nếu có các dị tật tim bẩm sinh khác, bác sĩ thường có thể sửa chữa chúng trong cùng một cuộc phẫu thuật.

    Những người đã thay van động mạch phổi cần uống thuốc kháng sinh trước một số thủ thuật nha khoa hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp nào giúp bạn quản lý hẹp động mạch phổi?

    Đối với trẻ bị hẹp động mạch phổi, phụ huynh nên:

    • Có chế độ dinh dưỡng tốt. Trẻ có thể có một giai đoạn khó khăn để ăn đủ lượng calo cần thiết, do trẻ dễ mệt khi ăn và nhu cầu calo tăng lên. Hãy cho trẻ ăn thường xuyên và ăn thành nhiều bữa nhỏ.
    • Ngăn ngừa nhiễm trùng. Bác sĩ tim mạch có thể sẽ khuyên trẻ nên được sử dụng thuốc kháng sinh phòng ngừa trước khi làm các thủ thuật nha khoa và các thủ thuật khác để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào máu và lây nhiễm cho lớp lót bên trong tim (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng). Thực hành vệ sinh răng miệng tốt, đánh răng và dùng chỉ nha khoa, khám răng thường xuyên là cách tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng.
    • Giúp trẻ năng động. Khuyến khích trẻ chơi và tham gia các hoạt động mà trẻ thích và có thể, tạo nhiều cơ hội cho trẻ nghỉ ngơi và có thời gian ngủ trưa. Hoạt động thường xuyên giúp tim khỏe mạnh. Khi con bạn lớn, hãy nói chuyện với bác sĩ tim mạch về những hoạt động tốt nhất cho trẻ. Nếu một số môn thể thao quá giới hạn cho phép như các môn đối kháng, bạn khuyến khích trẻ theo đuổi các hoạt động khác thay vì tập trung vào những môn trẻ không thể làm được.
    • Tiêm ngừa. Chủng ngừa tiêu chuẩn được khuyến khích cho những trẻ em bị khuyết tật tim bẩm sinh, cũng như vắc xin chống cúm, viêm phổi và nhiễm virus hợp bào hô hấp.
    • Tái khám định kỳ thường xuyên. Trẻ cần có lịch khám hàng năm với bác sĩ tim mạch để được theo dõi suốt đời.

    Đối với người lớn mắc bệnh, một số thay đổi lối sống có thể làm giảm nguy cơ phát triển các loại bệnh tim khác hoặc đau tim, bao gồm:

    • Bỏ hút thuốc
    • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim bao gồm trái cây và rau quả, các sản phẩm từ sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc
    • Duy trì cân nặng hợp lý
    • Tập thể dục thường xuyên

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *