Hội chứng đau cục bộ phức hợp

Hội chứng đau cục bộ phức hợp

Tìm hiểu chung

Hội chứng đau cục bộ phức hợp là gì?

Hội chứng đau cục bộ phức hợp là một dạng đau bất thường mãn tính thường ảnh hưởng đến một cánh tay hoặc một chân. Hội chứng đau cục bộ phức hợp thường phát triển sau chấn thương, phẫu thuật, đột quỵ hoặc đau tim, nhưng cơn đau không tương ứng với mức độ nghiêm trọng của chấn thương ban đầu.

Bạn đang đọc: Hội chứng đau cục bộ phức hợp

Nguyên nhân của hội chứng đau cục bộ phức hợp chưa được hiểu rõ. Điều trị hội chứng đau cục bộ phức hợp hiệu quả nhất nếu bạn bắt đầu sớm. Trong những trường hợp như vậy, tình trạng có thể cải thiện và thậm chí thuyên giảm.

Mức độ phổ biến của hội chứng đau cục bộ phức hợp

Hội chứng đau cục bộ phức hợp cực kỳ phổ biến. Bệnh thường ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể được quản lý bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đau cục bộ phức hợp là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đau cục bộ phức hợp bao gồm:

  • Liên tục đau rát hoặc đau nhói, thường ở cánh tay, chân, bàn tay hoặc bàn chân
  • Nhạy cảm với cảm giác sờ chạm hoặc lạnh
  • Sưng tại vùng bị đau
  • Thay đổi nhiệt độ da – đôi khi da có thể đổ mồ hôi, lúc khác có thể lạnh
  • Thay đổi màu da, có thể dao động từ màu trắng và đốm đến màu đỏ hoặc xanh
  • Thay đổi kết cấu da, da có thể trở nên nhạy cảm, mỏng hoặc sáng bóng tại khu vực bị ảnh hưởng
  • Thay đổi sự tăng trưởng của tóc và móng
  • Khớp cứng, sưng và tổn thương
  • Cơ co thắt, suy nhược và mất cơ (teo)
  • Giảm khả năng di chuyển phần cơ thể bị ảnh hưởng

Các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian và thay đổi từ người này sang người khác. Thông thường các triệu chứng như đau, sưng, đỏ, thay đổi đáng chú ý về nhiệt độ và quá mẫn cảm (đặc biệt là lạnh và sờ chạm) xảy ra trước tiên.

Theo thời gian, các chi bị ảnh hưởng có thể trở nên lạnh và nhợt nhạt, thay đổi ở phần dưới da và móng tay cũng như cơ bắp co thắt và co cứng. Khi những thay đổi này xảy ra, tình trạng này thường không thể đảo ngược.

Hội chứng đau cục bộ phức hợp đôi khi có thể lan từ vị trí ban đầu đến nơi khác trong cơ thể như chi đối diện. Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn do căng thẳng về cảm xúc.

Ở một số người, các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đau cục bộ phức hợp thường tự hết. Ở những người khác, các dấu hiệu và triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều tháng đến nhiều năm. Điều trị có thể có hiệu quả nhất khi bắt đầu ở giai đoạn sớm của bệnh.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng đau cục bộ phức hợp?

Hội chứng đau cục bộ phức hợp xảy ra với hai loại, có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự, nhưng nguyên nhân khác nhau:

  • Loại 1. Còn được gọi là hội chứng loạn dưỡng giao cảm phản xạ, loại này xảy ra sau khi bị bệnh hoặc chấn thương không trực tiếp làm tổn thương dây thần kinh. Khoảng 90% người bị hội chứng đau cục bộ phức hợp loại 1.
  • Loại 2. Từng được gọi là đau dây thần kinh ngoại biên, loại này theo sau một chấn thương thần kinh riêng biệt.

Nhiều trường hợp hội chứng đau cục bộ phức hợp xảy ra sau một chấn thương mạnh ở cánh tay hoặc chân như chấn thương nghiền, gãy hoặc cắt cụt xương. Các chấn thương lớn và nhỏ khác như phẫu thuật, nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng và thậm chí bong mắt cá chân cũng có thể dẫn đến hội chứng đau cục bộ phức hợp. Cảm xúc căng thẳng cũng có thể là một yếu tố gây bệnh.

Lý do vì sao những chấn thương này có thể gây ra hội chứng đau cục bộ phức hợp chưa được hiểu rõ, nhưng nó có thể do sự tương tác rối loạn chức năng giữa hệ thần kinh trung ương và ngoại biên và các phản ứng viêm không thích hợp.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đau cục bộ phức hợp?

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này như:

  • Không vận động trong thời gian dài
  • Hút thuốc
  • Nghiện chất gây nghiện
  • Yếu tố di truyền
  • Căng thẳng tâm lý

Chẩn đoán & Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng đau cục bộ phức hợp?

Chẩn đoán hội chứng đau cục bộ phức hợp dựa trên khám lâm sàng và tiền sử bệnh lý. Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán xác định hội chứng đau cục bộ phức hợp, nhưng các thủ thuật sau đây có thể cung cấp các manh mối quan trọng:

  • Chụp xương. Quy trình này có thể giúp phát hiện những thay đổi về xương. Một chất phóng xạ được tiêm vào một trong các tĩnh mạch cho phép quan sát xương bằng một chiếc máy ảnh đặc biệt.
  • Các xét nghiệm hệ thần kinh giao cảm. Những xét nghiệm này tìm kiếm các rối loạn trong hệ thống thần kinh giao cảm. Ví dụ như đo nhiệt độ da và lưu lượng máu của chân tay bị ảnh hưởng và không bị ảnh hưởng.

Các xét nghiệm khác có thể đo lượng mồ hôi trên cả hai chân. Nếu kết quả không giống nhau có thể chỉ ra hội chứng đau cục bộ phức hợp.

  • X-quang. Tình trạng mất khoáng chất trong xương có thể xuất hiện trên phim chụp X-quang trong các giai đoạn sau của bệnh.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). Ảnh chụp bởi thiết bị MRI có thể hiển thị một số thay đổi mô.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng đau cục bộ phức hợp?

Hội chứng có thể được cải thiện và thậm chí thuyên giảm nếu điều trị bắt đầu trong vòng một vài tháng khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Thông thường, bạn cần kết hợp các liệu pháp khác nhau. Bác sĩ sẽ điều chỉnh cách điều trị dựa trên từng trường hợp cụ thể. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

Các loại thuốc

Bác sĩ sử dụng các loại thuốc khác nhau để điều trị các triệu chứng của hội chứng đau cục bộ phức hợp, gồm:

  • Thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau không cần toa (OTC) – như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, những biệt dược khác) và naproxen (Aleve) – có thể giảm đau và viêm. Bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau mạnh hơn nếu các thuốc không cần toa không có tác dụng, chẳng hạn như thuốc opioid. Nếu được dùng với liều thích hợp, chúng có thể được chấp nhận để kiểm soát đau.
  • Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật. Đôi khi, các thuốc chống trầm cảm như amitriptyline và thuốc chống co giật như gabapentin (Gralise, Neurontin) được sử dụng để điều trị đau bắt nguồn từ một dây thần kinh bị tổn thương (đau dây thần kinh).
  • Các loại thuốc steroid, như prednisone, có thể làm giảm viêm và cải thiện khả năng vận động ở chi bị ảnh hưởng.
  • Thuốc giảm xương. Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn sự mất xương như alendronate (Fosamax) và calcitonin (Miacalcin).
  • Thuốc ức chế thần kinh giao cảm. Tiêm thuốc gây mê để chặn các sợi đau của dây thần kinh bị ảnh hưởng có thể làm giảm đau ở một số người.
  • Ketamine tiêm tĩnh mạch. Các nghiên cứu cho thấy liều thấp ketamine tiêm tĩnh mạch có thể làm giảm đau đớn đáng kể. Mặc dù giảm đau, thuốc này không giúp cải thiện chức năng.

Các liệu pháp

  • Chườm nhiệt và lạnh. Chườm lạnh có thể làm giảm sưng và đổ mồ hôi. Nếu khu vực bị ảnh hưởng mát, chườm nhiệt có thể có tác dụng.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ. Nhiều phương pháp điều trị tại chỗ có sẵn có thể làm giảm sự quá mẫn cảm như kem capsaicin (Capsin, Capsagel, Zostrix) hoặc các miếng dán lidocaine (Lidoderm, những biệt dược khác).
  • Vật lý trị liệu. Tập thể dục nhẹ nhàng cho chân tay bị ảnh hưởng có thể giúp giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động và sức cơ. Bệnh càng được chẩn đoán sớm, các bài tập càng hiệu quả hơn.
  • Kích thích dây thần kinh điện xuyên qua da (TENS). Bác sĩ có thể làm giảm cơn đau mãn tính bằng cách truyền xung điện vào các đầu dây thần kinh.
  • Kỹ thuật phản hồi sinh học. Trong phản hồi sinh học, bạn học cách trở nên ý thức hơn về cơ thể của mình để có thể thư giãn cơ thể và giảm đau.
  • Kích thích tủy sống. Bác sĩ đưa các điện cực nhỏ dọc theo tủy sống. Một dòng điện nhỏ được truyền đến tủy sống sẽ giúp giảm đau.

Sự tái phát của hội chứng đau cục bộ phức hợp xảy ra, đôi khi do yếu tố kích hoạt như tiếp xúc với lạnh hoặc cảm xúc căng thẳng dữ dội. Tái phát có thể được điều trị với liều thấp thuốc chống trầm cảm hoặc các thuốc khác.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý hội chứng đau cục bộ phức hợp?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với hội chứng đau cục bộ phức hợp:

  • Duy trì các hoạt động hàng ngày bình thường nhất có thể.
  • Làm theo sức mình và nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Luôn kết nối với bạn bè và gia đình.
  • Tiếp tục theo đuổi sở thích mà bạn thích và có thể làm được.

Các biện pháp sau đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ phát triển hội chứng đau cục bộ phức hợp:

  • Uống vitamin C sau khi gãy xương cổ tay. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người dùng liều tối thiểu 500mg vitamin C mỗi ngày sau khi bị gãy xương cổ tay có nguy cơ mắc đau cục bộ phức hợp thấp hơn so với những người không dùng vitamin C.
  • Vận động sớm sau khi bị đột quỵ. Một số nghiên cứu cho thấy những người vận động ngay sau khi đột quỵ (vận động sớm) làm giảm nguy cơ mắc hội chứng đau cục bộ phức hợp.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

>>>>>Xem thêm: 6 tác hại của việc xem tivi quá mức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *