Theo báo cáo của UNICEF, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần ở Việt Nam là từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Báo cáo cũng nhấn mạnh: “vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội đều đang gia tăng ở Việt Nam; đặc biệt trong trẻ em và thanh thiếu niên.’ Trước thực trạng này, cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ?
Bạn đang đọc: Hỏi-đáp bác sĩ: Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ?
Nhân tháng Khỏe vì gia đình, Hellobacsi cùng với sự đồng hành của Bác sĩ Đào Thị Thu Hương sẽ giúp cha mẹ giải đáp câu hỏi này. Trong bài viết, cha mẹ sẽ hiểu cách nhận biết tình trạng sức khỏe tinh thần của con; và những phương pháp để đồng hành cùng con trẻ theo từng lứa tuổi.
Nội Dung
- 1 1. Nhận biết tình trạng sức khỏe tinh thần của trẻ
- 2 2. Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ sơ sinh?
- 3 3. Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ 1-3 tuổi?
- 4 4. Giúp cho trẻ 4 – 12 tuổi rèn luyện kỹ năng học tập hiệu quả
- 5 5. Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ 12-18 tuổi?
- 6 6. Cách cha mẹ tự chăm sóc tinh thần của bản thân để hỗ trợ con tốt nhất
1. Nhận biết tình trạng sức khỏe tinh thần của trẻ
Theo Bác sĩ Đào Thị Thu Hương chia sẻ; sức khỏe tâm thần bao gồm các vấn đề về điều hòa cảm xúc, hành vi, lời nói, suy nghĩ và mối quan hệ với người khác.
1.1 Biểu hiện của trẻ có sức khỏe tinh thần tốt
Để biết trẻ có sức khỏe tinh thần tốt hay không; cha mẹ chú ý đến những biểu hiện như:
- Cảm thấy hạnh phúc và tích cực về bản thân hầu hết thời gian.
- BIết yêu thương chính mình kể cả trong thời gian khó khăn hoặc khi mọi thứ không diễn ra theo cách bé mong đợi.
- Yêu thích cuộc sống.
- Học và làm việc tốt.
- Hòa thuận với gia đình và bạn bè.
- Có thể quản lý cảm xúc buồn, lo lắng hoặc tức giận.
- Có thể trở lại sau khoảng thời gian khó khăn để chuẩn bị thử những điều mới hoặc thử thách.
Mỗi một độ tuổi cụ thể có thể có những khó khăn thách thức không giống nhau để trẻ có một sức khỏe tâm thần lành mạnh; nhưng biểu hiện tâm lý trẻ khỏe mạnh gần như là không khác nhau.
1.2 Cách nhận biết dấu hiệu rối loạn tâm lý của trẻ
Theo dòng thời gian các rối loạn về sức khỏe tâm thần sẽ có những triệu chứng sau cần được cha mẹ lưu ý:
- Trẻ ít tiếp xúc mắt, thờ ơ, ít phản hồi khi gọi tên.
- Không thích chơi với người khác, thích chơi một mình. Các mốc phát triển về vận động và ngôn ngữ bị chậm.
- Các kỹ năng có được trước đây bị mất, bé không thể nói hoặc thực hiện những kỹ năng đó.
- Không biết chơi trò đóng vai, giả vờ. Giảm tập trung chú ý; hay mơ màng khi ngồi học.
- Quá nhiều năng lượng, hoạt động không ngừng nghỉ, nhưng rất ẩu và bất cẩn.
- Bỏ hoặc mất sự hứng thú quan tâm với các sở thích.
- Cảm xúc thay đổi quá mạnh: dễ khóc, dễ cáu gắt, thường xuyên buồn.
- Rối loạn ăn uống, giấc ngủ.
- Kết quả học tập bị sa sút nhiều, trong thời gian ngắn.
Nhìn chung, bất kể một hành vi, dấu hiệu nào khác so với phần đông các trẻ cùng lứa tuổi với bé hoặc so với chính bé trước đây đều có thể là triệu chứng cảnh báo cho rối loạn tâm thần. Cha mẹ nên có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa để có phương án tiếp cận và điều trị cho bé. Những rối loạn phát triển nói riêng và rối loạn tâm thần nói chung nếu được can thiệp tích cực càng sớm, sự phục hồi chức năng của trẻ càng tốt.
2. Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ sơ sinh?
Năm đầu tiên của bé có rất nhiều sự thay đổi về thể chất, vận động và tinh thần. Nếu phụ huynh đang không biết cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ sơ sinh thì có rất nhiều điều quan trọng để làm cho bé hằng ngày, ví dụ:
Theo dõi các mốc phát triển về vận động của bé, thời điểm biết ngồi, biết bò và đi. Cách bé tương tác với bố mẹ và đồ chơi.
Bé 6 tháng và 12 tháng là những thời điểm được Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo tầm soát rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ. Cha mẹ cần nhận biết những biểu hiện tâm lý bất ổn như đã nêu ở phần trên để đưa trẻ đến gặp các bác sĩ tâm thần trẻ em để thăm khám.
Dành nhiều thời gian chơi cùng với bé, bé cần được củng cố các hành vi tốt bằng cách ôm, hôn và tán dương em. Nếu em có những hành vi chưa đúng, hãy ngay lập tức nói với bé “không” thật dứt khoát, tránh quát lớn, đánh mắng hay giải thích nhiều lời với bé.
Cha mẹ cũng có thể sử dụng một hình thức phạt ngó lơ 30 giây – 1 phút khi trẻ được 1 tuổi, nhưng bố mẹ luôn nhớ hãy dành thời gian để khích lệ bé cho các hành vi tốt nhiều hơn rất nhiều (có thể gấp tới 4 lần) so với thời gian phạt bé vì các hành vi không tốt nhé.
>> Cha mẹ có thể xem thêm: 20 trò chơi vận động cho bé vui nhộn giúp bé phát triển tốt
3. Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ 1-3 tuổi?
Trong các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi, đây là độ tuổi trẻ bắt đầu biết đi, hay chạy nhảy nhiều. Vì thế, cha mẹ cần:
- Quan tâm nhiều về việc tạo cho trẻ một không gian an toàn để vui chơi cả trong nhà và ngoài trời.
- Khuyến khích trẻ chơi hòa thuận với các bạn khác.
- Cha mẹ có thể tăng vốn từ của bé bằng cách chỉ cho bé các đồ vật xung quanh, rồi nhắc bé lặp lại.
- Đọc truyện cho bé nghe, chơi trò ghép cặp, chơi đếm là những cách để bố mẹ vừa chơi vừa học với bé.
- Đây là thời điểm tốt để cha mẹ có thể dạy trẻ nói ra cảm xúc của mình. Trẻ vẫn luôn cần sự khích lệ tích cực từ gia đình, nó có tác dụng nhiều hơn là hình phạt.
>> Cha mẹ có thể xem thêm: 23 cách đơn giản để dạy con viết chữ mà cha mẹ không nên bỏ qua
4. Giúp cho trẻ 4 – 12 tuổi rèn luyện kỹ năng học tập hiệu quả
Như các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi 4-5 nêu trên; trẻ độ tuổi này có trí tưởng tượng phong phú, thích chơi trò giả vờ,… Nếu trẻ có xung đột với bạn khác, hãy để trẻ tự giải quyết, cha mẹ chỉ nên ở bên để giúp đỡ nếu cần.
Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ 5 tuổi? Khi lên 5, các bé đã bắt đầu có sự phân biệt về giới; đây là lúc cha mẹ dạy cho trẻ về những đụng chạm vùng an toàn. Không ai được chạm vào “các bộ phận kín” trừ khi bác sĩ khám bệnh cho con; hoặc khi cha mẹ tắm rửa cho bé. Trẻ cũng có thể nhớ địa chỉ và số điện thoại cần liên lạc nếu được cha mẹ dạy.
Ngoài nhận thức về các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi 6-12; các vấn đề liên quan đến sự an toàn sông nước, an toàn khi tham gia giao thông và khi tiếp xúc với người khác luôn nhận được nhiều sự quan tâm khi trẻ bắt đầu tuổi đi học.
Cha mẹ cũng nên trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn với trẻ, nói với con những trải nghiệm và nỗi sợ của cha mẹ khi bằng tuổi con; để con biết rằng con không đơn độc, để con hiểu đây không phải là nỗi lo của riêng con.
>> Cha mẹ có thể xem thêm: 12 giá trị đạo đức mà bạn nên dạy con
Tìm hiểu thêm: Khám tổng quát bao nhiêu tiền và nên đi khám ở đâu?
5. Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ 12-18 tuổi?
Tuổi dậy thì là cái tuổi ẩm ương và đầy thử thách cho cha mẹ. Nếu chưa biết cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ thì câu trả lời là trang bị tốt cho trẻ về kiến thức sinh sản, cách phòng ngừa tránh thai, quan hệ tình dục an toàn.
Đây là một vấn đề hết sức bình thường; cha mẹ cần nói với trẻ một cách tự nhiên, cởi mở và khoa học. Nếu thanh thiếu niên không muốn nói với cha mẹ; cha mẹ có thể nhờ sự giúp đỡ từ những người khác trong gia đình, giáo viên hay bác sĩ chuyên khoa.
Một điều quan trọng cha mẹ cần hiểu rằng, các rối loạn tâm thần có thể điều trị được. Mắc rối loạn tâm thần hoàn toàn không phải lỗi của gia đình; hay do trẻ “yếu tâm lý”, “chịu áp lực kém”. Cha mẹ cần theo dõi hành vi cùng những sự thay đổi đột ngột trong cảm xúc của các em. Chúng có thể là những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.
>> Cha mẹ có thể xem thêm: Cách dạy con trai ở tuổi dậy thì hiệu quả dựa trên tâm sinh lý khi bé dậy thì
6. Cách cha mẹ tự chăm sóc tinh thần của bản thân để hỗ trợ con tốt nhất
Không chỉ biết “cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ’; cha mẹ cũng cần biết cách tự chăm sóc tinh thần của mình để “đủ khả năng” nuôi dưỡng và giáo dục con một cách tối ưu.
Sau đây là một số gợi ý chung dành cho cha mẹ:
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình: Điều này có nghĩa là ăn uống đầy đủ, dành thời gian cho hoạt động thể chất, bỏ hút thuốc, ngủ đủ giấc.
- Có những mối quan hệ hỗ trợ: Tìm những người mà phụ huynh có thể dựa vào để được hỗ trợ về mặt tinh thần.
- Có thói quen và sự ngăn nắp: Tuân thủ thời gian đều đặn về giờ ăn và giờ ngủ có thể giúp cha mẹ cảm thấy vững chãi hơn và giúp con yên tâm hơn.
- Hỏi công ty về cách làm việc linh hoạt: Cân bằng giữa công việc và cuộc sống tố có thể giúp cha mẹ quản lý công việc và nuôi dạy con cái theo cách lành mạnh hơn.
>>>>>Xem thêm: 10 siro ho cho người lớn thông dụng, hiệu quả cao
Khi trải qua bất cứ một bất thường về cảm xúc như lo lắng quá mức, dễ cáu giận, dễ khóc hơn, cha mẹ nên tìm cho mình một chuyên gia về sức khỏe tâm thần để được tư vấn; hoặc nói chuyện với bác sĩ đa khoa về các lựa chọn điều trị khác nhau. Đây cũng là câu trả lời tốt đối với băn khoăn “cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ?’.
Nhìn chung, ở các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi khác nhau; trẻ sẽ có những hành vi, phản ứng cảm xúc và cách kết nối với người xung quanh riêng biệt. Cha mẹ cần phân biệt rõ đâu là những biểu hiện lành mạnh, phù hợp với sự phát triển của trẻ; và đâu là những biểu hiện cho thấy trẻ đang gặp các thách thức tâm lý cần sự hỗ trợ kịp thời từ đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần.
Cuối cùng, cha mẹ cần biết cách tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân để nuôi dưỡng, giáo dục con một cách hiệu quả nhất. Hy vọng qua bài viết; bậc phụ huynh đã hiểu “cha mẹ cần làm gì để phòng tránh rối loạn tâm lý cho trẻ’; và biết cách chăm sóc tinh thần con tốt hơn.