Có nên cắt amidan cho trẻ không là băn khoăn của rất nhiều bậc cha mẹ vì sợ rằng bé còn quá nhỏ, phẫu thuật sẽ không tốt cho sức khỏe. Không những vậy nhiều cha mẹ cũng sợ cắt amidan xong có thể ảnh hưởng đến giọng nói hoặc sức khỏe về sau. Thực hư của những lo lắng này có đúng?
Bạn đang đọc: [Hỏi đáp cùng bác sĩ] Có nên cắt amidan cho trẻ?
Lắng nghe những chia sẻ của BS. Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ phần nào giúp bạn gỡ rối những băn khoăn này.
Nội Dung
- 1 Thưa bác sĩ, nhiều bậc cha mẹ chia sẻ rằng không hiểu tại sao con mình cứ hay bị viêm amidan trong khi các bé khác thì không?
- 2 Trường hợp nào thì trẻ bị viêm amidan được chỉ định cắt amidan? Còn trường hợp nào thì được điều trị bằng thuốc, thưa bác sĩ?
- 3 Rất nhiều cha mẹ thắc mắc trẻ 3 tuổi có nên cắt amidan, trẻ 4 tuổi có nên cắt amidan. Vậy thưa bác sĩ, trẻ bao nhiêu tuổi thì cắt được amidan?
- 4 Có nên cắt amidan cho trẻ? Liệu cắt amidan có hại gì không?
- 5 Hiện có các phương pháp cắt amidan nào? Đối với trẻ nhỏ, cắt amidan bằng phương pháp nào tốt nhất, thưa bác sĩ?
- 6 Sau cắt amidan, cha mẹ cần chăm sóc trẻ như thế nào để bé nhanh lành?
- 7 Bên cạnh viêm amidan, trẻ nhỏ cũng rất hay bị viêm họng. Vậy phải làm sao để phân biệt được 2 tình trạng này?
Thưa bác sĩ, nhiều bậc cha mẹ chia sẻ rằng không hiểu tại sao con mình cứ hay bị viêm amidan trong khi các bé khác thì không?
BS Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115: Trước tiên phải hiểu rằng amidan là tổ chức lympho nằm ở họng với 4 loại:
- Amidan vòm: 1 cái, nằm chính giữa nóc của vòm họng. Khi bị viêm sùi lên thì được gọi là V.A
- Amidan vòi: 2 cái ở cửa vòi nhĩ 2 bên
- Amidan khẩu cái: 2 cái ở thành họng 2 bên. Người ta thường gọi là amidan thay vì là amidan khẩu cái
- Amidan lưỡi: 1 cái, nằm chính giữa khu nền lưỡi.
Các amidan này liên minh với nhau, tạo thành một vành đai bảo vệ cơ thể trước những kẻ xâm nhập gây hại qua đường mũi họng.
Amidan khẩu cái là “thành trì” to lớn nhất, hùng mạnh nhất và có ý nghĩa lâm sàng nhất nên thường được gọi ngắn gọn là amidan, thay vì nó là tên của cả nhóm.
Amidan này âm thầm làm việc ngày đêm, nhận diện, bắt giữ, tiêu diệt kẻ thù và sản sinh ra kháng thể. Nếu mọi việc cứ diễn ra suôn sẻ thì cơ thể sẽ luôn khỏe mạnh và khi đó sự tồn tại của nó lại bị… lãng quên.
Nhưng trong trường hợp “quân địch” áp đảo, hệ thống phòng thủ của amidan bị phá vỡ thì nhu mô của nó sẽ bị tấn công. Xung đột trong “nội thành” sẽ diễn ra khốc liệt, gây nên sưng đau và sốt. Khi đó, hiện tượng này được gọi là viêm amidan cấp.
Thông thường, sau một thời gian tự lấy lại sức hoặc được trợ giúp của vũ khí từ bên ngoài như thuốc men, amidan sẽ đánh đuổi được lũ vi trùng gây bệnh và trở về trạng thái bình thường. Nhưng nếu thỉnh thoảng amidan lại thất trận hoặc bị vi trùng chiếm đóng làm “căn cứ địa” thì có nghĩa là nó đã “tàn phế”, thành ổ nuôi vi trùng.
Vậy, tại sao amidan lại thất thủ?:
- Lượng vi trùng xâm nhập quá nhiều, quá mạnh
- Khả năng miễn dịch của amidan quá yếu
Căn cứ vào 2 yếu tố trên, nhóm trẻ sống trong môi trường lành mạnh, không khí trong sạch, có thói quen vệ sinh thân thể tốt, chăm vệ sinh răng miệng… thì vi trùng gây hại ít có điều kiện xâm nhập và sinh sôi.
Thêm vào đó, nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt, năng hoạt động thể lực, cơ thể khỏe mạnh thì sẽ có khả năng miễn dịch cao.
Đương nhiên, ở những trẻ này, amidan ít khi bị thất thủ, ít khi bị viêm tái đi tái lại. Ngược lại, những trẻ không có đủ những phẩm chất trên, nguy cơ viêm nhiễm sẽ thường xuyên xảy ra.
Trường hợp nào thì trẻ bị viêm amidan được chỉ định cắt amidan? Còn trường hợp nào thì được điều trị bằng thuốc, thưa bác sĩ?
BS Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115: Amidan là thành trì bảo vệ lớn nhất của cơ thể. Khi nó còn “thực thi công vụ” được thì nên giữ. Nhưng nếu nó đã bị suy yếu, phát tướng, không còn chức năng, thậm chí thành nơi chứa chấp vi khuẩn, hang hốc đầy mủ thì nên “khai trừ”.
Tiêu chuẩn để cắt bỏ được “bá quan văn võ” bác sĩ tai mũi họng thống nhất như sau:
- Viêm quá 5 lần trong năm: Trong 2 năm gần đây, năm nào cũng viêm trên 3 lần. Trong 1 năm, có 3 tháng liên tiếp đều bị viêm, gây sa sút sức khỏe, ảnh hưởng học tập, vui chơi của trẻ.
- Đã có biến chứng viêm quanh amidan: Viêm lên tai giữa, viêm phế quản, biến chứng xa như viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận, viêm khớp.
- Amidan to bất thường ở 1 bên: Amidan phì đại gây khó nuốt, khó thở, thở miệng, ngủ ngáy, ngưng thở lúc ngủ. Amidan hốc mủ, hơi thở hôi.
Nếu tình trạng của amidan nằm ngoài vùng phủ sóng của các “chế tài” nêu trên thì có nghĩa là còn có thể “giáo dục” bằng thuốc được.
Rất nhiều cha mẹ thắc mắc trẻ 3 tuổi có nên cắt amidan, trẻ 4 tuổi có nên cắt amidan. Vậy thưa bác sĩ, trẻ bao nhiêu tuổi thì cắt được amidan?
BS Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115: Trẻ em thường hay bị viêm amidan là do ở lứa tuổi này hoạt động miễn dịch rất mạnh mẽ. Nhưng, do hệ miễn dịch đang còn non yếu nên dễ “thua trận”. Tuy nhiên, cái thu về được cho cơ thể là kinh nghiệm của đội quân kháng thể để chúng tự rèn giũa, nhằm hoàn thiện và dần thiện chiến hơn trong tương lai.
Nhưng một khi amidan trở thành nguy cơ cho sức khỏe thì nên cắt bỏ. Về độ tuổi, trẻ trên 1 tuổi rưỡi là có thể cắt được nếu có chỉ định. Ngoài ra, vấn đề có nên cắt amidan không này sẽ do bác sĩ tai mũi họng nhi đề xuất và tư vấn.
Các bậc phụ huynh cũng không nên lo lắng thái quá khi con phải cắt amidan. Bởi thực tế, trẻ em rất dễ hồi phục, khóc đấy nhưng cười đấy và quên đau mau lắm. Ngay sau đó, các bé lại tung tăng chơi đùa như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Có nên cắt amidan cho trẻ? Liệu cắt amidan có hại gì không?
Tìm hiểu thêm: Các bệnh về da đầu ở nam giới: Nhận diện sớm, ngăn chặn nhanh!
BS Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115: Với những trường hợp được chỉ định cắt amidan kể trên, điều rõ ràng có thể thấy là sau khi cắt amidan, bé sẽ… hết bệnh. Sức khỏe bé sẽ tốt hơn, phát triển thể lực và trí lực tốt hơn, cha mẹ không còn lo bé bị bệnh vặt lây nhây như trước.
Như đã từng đề cập, amidan sinh ra là để bảo vệ, nhưng một khi nó đã “thoái hóa biến chất, vi phạm những điều mà amidan không được làm” là dung túng, chứa chấp vi trùng thì nên loại bỏ.
Việc lo lắng trẻ cắt amidan xong sẽ dễ bị bệnh là không cần thiết. Cơ thể có 4 cái amidan, loại 1 thì vẫn còn 3, chưa kể những “đội ngũ lính động viên” rải đầy trên niêm mạc họng. Cho nên, chúng vẫn bù trừ được cho nhau tốt, không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của hệ miễn dịch nói chung.
Một số ba mẹ cũng băn khoăn không biết có nên cắt amidan cho trẻ không bởi lo răng cắt amidan có thể thay đổi giọng nói. Sau cắt amidan, giọng nói có thể có hơi khác một tí về âm sắc vì nó thay đổi khẩu hình so với trước khi cắt nhưng lại gần giống với khẩu hình trước khi bệnh. Vậy bạn chọn cái nào?
Về tai biến và biến chứng sau cắt amidan, cũng có nhiều điều cần bàn. Trước khi cắt thì có biến chứng là… sợ. Trước kia, có một vài trường hợp, bệnh nhi khi bị người lớn ép buộc phải cắt đã ngưng tim do quá sợ. Cho nên, việc chuẩn bị tâm lý vững vàng cho trẻ là hết sức quan trọng.
- Trong quá trình gây mê cũng có tai biến nhất định do không dung nạp thuốc, tai biến do đặt nội khí quản.
- Trong quá trình phẫu thuật cũng có thể có tai biến chảy máu, tổn thương môi, răng do dụng cụ.
- Sau phẫu thuật có thể có biến chứng chảy máu, nhiễm trùng.
Nói chung, những tai biến và biến chứng này đều đã nằm trong “bài”, các bác sĩ đều đã lường trước và xử trí thành thạo nên cha mẹ cũng không nên bất an. Việc cần làm là thực hiện đúng lời dặn dò của nhân viên y tế.
Hiện có các phương pháp cắt amidan nào? Đối với trẻ nhỏ, cắt amidan bằng phương pháp nào tốt nhất, thưa bác sĩ?
BS Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115: Amidan nằm trong hố, giữa trụ trước và trụ sau, giống như nằm trong cái võng, chỉ thấy được phần bụng mà không thấy được phần lưng bị khuất. Chính cái phần bị khuất ấy là phần chìm, dính vào thành bên họng. Cắt amidan, thực chất đó là gỡ cái phần lưng dính đó ra và… vứt cả cục đó đi.
Từ cổ chí kim, có nhiều cách “gỡ” bằng các dụng cụ khác nhau, như:
- Cắt amidan bằng cách dùng Anse: Dùng dụng cụ bóc và tách từ từ phần lưng amidan ra khỏi hố, sau đó dùng thòng lọng thép để siết đứt cái cuống phía dưới. Lấy nguyên cục amidan ra. Kỹ thuật này làm tới đâu, biết tới đó nên kiểm soát được tốt hơn.
- Cắt amidan bằng dao điện cao tần: Có thể đơn cực hoặc lưỡng cực. Cắt tách bằng nhiệt lượng cao của tia lửa điện làm cháy tổ chức. Vừa cắt đốt, vừa cầm máu. Nhược điểm lớn là gây bỏng sâu, sẹo xấu và co kéo.
- Cắt amidan bằng laser: Cắt tách bằng năng lượng cao của tia laser khiến tổ chức xơ sợi “níu kéo” amidan bị bốc hơi và tan biến. Vừa cắt đốt cho bay hơi, vừa cầm máu. Nhược điểm cũng có thể gây bỏng sâu và sẹo xấu.
- Cắt amidan bằng máy Coblator: Đây là kỹ thuật mới nhất. Sử dụng năng lượng sóng radio cao tần để tạo một trường plasma với đám mây ion dẫn điện ngay đầu dụng cụ cắt. Đám ion này làm tan rã những liên kết của mô, do đó, tách được amidan ra khỏi ổ một cách êm đềm nhất.
Kỹ thuật cắt amidan bằng máy Coblator rất thích hợp cho bệnh nhi và dường như là “đỉnh” với các ưu điểm là êm ái, không mất máu, hồi phục nhanh, có thể khoanh tay ạ các bác sĩ để về nhà trong ngày và sinh hoạt bình thường như… “đúng rồi”.
Tuy nhiên, dù vậy, việc tham khảo và trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quyết định phương pháp can thiệp qua cân nhắc giữa lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải.
Sau cắt amidan, cha mẹ cần chăm sóc trẻ như thế nào để bé nhanh lành?
>>>>>Xem thêm: Nhịn ăn thanh lọc cơ thể: Nguy hại khó lường!
BS Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115: Mấy vấn đề bên lề của hậu phẫu sau cắt amidan cũng được các bậc phụ huynh quan tâm, dò hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.
Nhiều cha mẹ băn khoăn trẻ cắt amidan nên kiêng nói bao lâu vì sợ rằng con nói sớm sẽ khiến vết mổ lâu lành. Thực tế, trẻ em không có ý thức kiêng khem, nói được là nói ngay, thấy không sao thì… nói tiếp. Tuy nhiên, những tiến bộ trong gây mê, trong dụng cụ cắt kỹ thuật cao sẽ không gây ảnh hưởng nhiều nên bé có thể nói ngay ngày hôm sau.
Còn về băn khoăn cắt amidan xong có được đánh răng không thì cha mẹ cần lưu ý, sau khi cắt amidan cho trẻ, bạn chỉ nên cho bé ngậm chút nước muối sinh lý rồi hé miệng cho chảy ra. Nếu “phải” đánh răng mới chịu đi ngủ thì có thể chải răng cho bé ở mặt trước, vùng răng cửa. Tránh chải sâu vào vùng góc hàm sẽ làm bé đau vì sát vùng tổn thương do cắt amidan.
Về chuyện chảy máu sau cắt amidan cũng cần phải lưu tâm. Có vết thương là có rỉ máu, đấy là lẽ thường khi vết thương chưa lành, đặc biệt đối với vết thương ở vùng cử động liên tục như khu vực họng miệng.
Dịch máu có thể lờ nhờ lẫn nước miếng rồi dần dần hết. Nhưng, nếu thấy bé nhổ ra máu tươi, có xu hướng nhiều lên thì cần đưa bé trở lại bệnh viện ngay. Các bác sĩ sẽ kiểm tra lại hố mổ, cầm máu. Có thể chỉ là động tác gắp nhẹ cục máu đông ra khỏi hố amidan là máu đã có thể ngưng chảy rồi. Vậy nên, cần đọc kỹ hướng dẫn săn sóc để thực hiện đúng và đỡ hoang mang, lúng túng khi xử trí.
Bên cạnh viêm amidan, trẻ nhỏ cũng rất hay bị viêm họng. Vậy phải làm sao để phân biệt được 2 tình trạng này?
BS Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115: Amidan nằm trong họng và là một thành phần của họng. Viêm niêm mạc họng bao hàm luôn viêm niêm mạc amidan. Có 2 thể viêm, viêm họng lan tỏa và viêm họng khu trú.
Viêm amidan là thể viêm họng khu trú tại amidan, tức viêm chỉ ở amidan mà không có viêm ở những nơi khác trong họng. Khi đó, phản ứng viêm xảy ra bên trong nhu mô amidan thay vì chỉ ở niêm mạc phía ngoài như viêm họng.
Amidan bị viêm sẽ sưng tấy, đỏ và đau. Những khe kẽ sẽ chứa mủ thành những chấm hoặc mảng trắng. Trẻ có thể sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, ê ẩm, suy nhược. Nuốt đau, nuốt khó, nổi hạch cổ. Tác nhân gây viêm thường do vi khuẩn, thường gặp và nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.
Viêm họng lan tỏa hay viêm họng đỏ thường do virus. Triệu chứng nhẹ hơn viêm amidan. Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, rát họng là chính, mệt mỏi ít, đau cơ, có thể kèm theo chảy mũi, nghẹt mũi và ho. Amidan có thể đỏ như niêm mạc họng nhưng không sưng tấy và đau.
Viêm amidan đòi hỏi phải sử dụng kháng sinh, tránh biến chứng thành áp xe quanh amidan hoặc xa hơn là biến chứng ở tim, thận, khớp. Viêm họng tỏa lan do siêu vi có xu hướng tự khỏi và không có biến chứng.